Bước vào những ngày cuối tháng tư đầu tháng 5 hàng năm, những người lính đã từng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng đất nước lại bồi hồi xúc động nhớ đến thắng lợi Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhớ đến những đồng đội thân yêu đã nằm lại trên con đường đi tới dinh Độc lập…
Đông Dương là một chiến trường. Thắng lợi của cách mạng ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia luôn gắn liền với nhau, khi những chiếc xe tăng quân giải phóng húc đổ cánh cổng dinh Độc lập thì ở phía tây xa xôi kia, bước chân những người chiến sỹ quân giải phóng nhân dân Lào với sự hỗ trợ của Quân tình nguyện VN cũng đang gấp rút tiến về những thành phố, thị xã bên bờ Mê Công. Ngày 30 tháng tư ở Việt Nam và những ngày tháng 5 năm 1975 sôi động ở Lào không khác nhau là mấy.
Nhân dịp này, Tạp chí Lào Việt xin dẫn bài viết trên trang Thông tin điện tử của Ban Liên lạc Toàn quốc Quân tình nguyện và Chuyên gia Quân sự Việt Nam giúp Cách mạng Lào (trích đăng tư liệu về những ngày này cách đây 45 năm tại Lào) để bạn đọc có thêm một cái nhìn về những ngày tháng 5 lịch sử…(đầu đề bài viết do Ban liên lạc tự đặt).
ĐẤT NƯỚC LÀO, NHỮNG NGÀY THÁNG 5-1975
Tại Lào, bước sang năm 1975, khí thế đấu tranh chính trị của quần chúng ngày càng lên cao, mở đầu là cuộc biểu tình của 300 học sinh Pạc Xế diễn ra trong nhiều tuần lễ. Tiếp đến là cuộc đấu tranh của nhân dân mường Noọng Bốc từ ngày 4 tháng 1 đến ngày 21 tháng 2 năm 1975, dưới sự lãnh đạo của chi bộ đảng ở địa phương. Trước sự đàn áp của địch, nhiều đảng viên đã anh dũng hy sinh, nhưng cuộc đấu tranh vẫn được giữ vững, Chính phủ liên hiệp phải chấp nhận giải quyết mọi yêu sách của quần chúng. Cuộc nổi dậy của nhân dân Noỏng Bốc đã châm ngòi nổ cho một cao trào mới của cách mạng Lào.
Trước thắng lợi dồn dập to lớn của nhân dân Việt Nam, Campuchia trong tháng 4 năm 1975 và tình hình thuận lợi của cách mạng Lào, sau khi tới Hà Nội trao đổi với đồng chí Lê Duẩn về vấn đề tiến hành khởi nghĩa ở Lào và hành động phối hợp của Việt Nam, đồng chí Cayxỏn Phômvihản triệu tập Hội nghị Bộ Chính trị vào tháng 4 năm 1975, quyết định đẩy mạnh công tác chuẩn bị mọi mặt để tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, dự kiến vào mùa khô 1975 – 1976.
Thắng lợi của hai nước Việt Nam và Campuchia, đặc biệt là thắng lợi ngày 30 tháng 4 năm 1975 của nhân dân Việt Nam đã cổ vũ to lớn đối với quân, dân Lào, đồng thời làm cho bọn phái hữu ngày càng hoang mang lo sợ. Ngày 1 tháng 5, hàng vạn công nhân viên chức, học sinh, sinh viên cùng các tầng lớp nhân dân ở Viêng Chăn xuống đường biểu tình, thị uy đòi thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định, yêu cầu bọn cực hữu ra khỏi Chính phủ liên hiệp. Khí thế đấu tranh cách mạng sục sôi lan rộng khắp mọi miền đất nước Lào.
Trước thời cơ cách mạng đang chín muồi, ngày 5 tháng 5 – 1975, Bộ Chính trị Trung Ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào tổ chức Hội nghị mở rộng. Hội nghị đã nhất trí hoàn toàn với nhận định của đồng chí Tổng Bí thư Cayxỏn Phôm Vi Hản : “Cách mạng Lào đang đứng trước thời cơ thuận lợi; vấn đề giành chính quyền về tay nhân dân cần được tiến hành gấp rút. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, chúng ta có đủ khả năng hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ trên phạm vi toàn quốc chỉ trong thời gian ngắn”. Bộ Chính trị đã thống nhất kế hoạch giành chính quyền trên toàn quốc và kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trên cả ba vùng chiến lược nắm vững thời cơ ngàn năm có một “nối dây đồng loạt và tiến công toàn diện, liên tục, mạnh mẽ giành chính quyền về tay nhân dân trong thời gian ngắn nhất bằng ba đòn chiến lược và một mũi đấu tranh pháp lý”.
Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về việc giành chính quyền, các cấp uỷ đảng đã lãnh đạo các cuộc nổi dậy của quần chúng nhân dân dưới mọi hình thức, như: mít tinh, tuần hành biểu dương lực lượng, đưa kiến nghị làm cho bộ máy ngụy quân, ngụy quyền bị uy hiếp.
Về quân sự, ngày 6 tháng 5-1975, một cánh quân lớn quân giải phóng nhân dân Lào, gồm các tiểu đoàn 1, 2, 13, 701 và 705 cùng các đại đội pháo binh, xe tăng do các đồng chí Chummaly Xaynhaxỏn và Khẻm Phon chỉ huy, đã đập tan cụm phòng ngự của Lữ đoàn 2 quân đặc biệt Vàng Pao ở ngã ba Sala Phu Khun, sau đó phát triển lực lượng về hai hướng Viêng Chăn và Luông Phabang. Ngụy quyền Viêng Chăn lâm vào tình trạng hoang mang, dao động đến cực điểm.
Đêm 7 tháng 5 năm 1975, Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Nhân dân cách mạng Lào họp khẩn cấp xem xét tình hình, hạ quyết tâm: “đưa toàn bộ lực lượng vũ trang ở các hướng nhanh chóng tràn vào vùng đối phương đang kiểm soát”, kiềm chế địch, hỗ trợ phong trào nổi dậy của quần chúng, phong trào binh biến của binh lính địch, giành chính quyền tại chỗ. Thường vụ Bộ Chính trị cũng có kế hoạch hiệp đồng với phía Việt Nam, nhờ Việt Nam làm hậu thuẫn bảo vệ vùng giải phóng và hỗ trợ khi cần thiết.
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, ngày 8 tháng 5-1975, Bộ Chỉ huy tối cao Lào ra lệnh cho các hướng đưa bộ đội nhanh chóng áp sát địch, chiếm lĩnh các vị trí xung yếu trong thành phố, thị xã. Trên hướng đường 13 Sala Phu Khun, sau khi chiếm Phôn Xỉ Đa, quân giải phóng nhân dân Lào thọc xuống thị trấn Ka Xỉ và ngày 8 tháng 5, chiếm Phả Hom, truy kích địch về Văng Viêng. Hướng lên Luông Phabang, Tiểu đoàn 13 chiếm Phả Đeng, Phả Khêm, sau đó phối hợp với lực lượng trong thành phố, vận động Tiểu đoàn (BI) 106 ngụy Lào nổi dậy làm nội ứng, cùng bộ đội chiếm thị trấn Xiêng Ngân, cắt đứt con đường chiến lược nối hai thành phố lớn Viêng Chăn và Luông Phabang. Cánh quân thứ hai của Quân khu Xiêng Khoảng, gồm các tiểu đoàn 24, 15, 16, 48 và Patchay do đồng chí Koong Xỉ chỉ huy, tiến vào áp sát Xảm Thông – Long Chẹng, Xa Nu. Cánh quân thứ ba, gồm Tiểu đoàn 613 cùng đại đội đặc công và các đơn vị địa phương, do đồng chí Khăm Pha chỉ huy tiến qua khu du kích Phu Phalavec – Long Xan chiếm Phu Khẩu Khoai, một Vị trí quan trọng trong tuyến phòng thủ vòng ngoài của Thủ đô Viêng Chăn. Cánh quân thứ tư gồm các đơn vị đặc công, một đơn vị địa phương do đồng chí Xa Thiên chỉ huy tiến qua Tha Thơm, xuống Mương Cầu vào chiếm thị xã Pạc Xan (tỉnh lỵ Bolykhamsay thuộc quân khu 5 ngụy Lào).
Sau khoảng hơn 10 ngày thực hiện mệnh lệnh của Bộ Chỉ huy tối cao, các lực lượng vũ trang quân giải phóng nhân dân Lào – triển khai xong lực lượng tạo thế bao vây, chia cắt trên chiến trường cả nước, từng khu vực và cả ở các thành phố, thị xã, việc triển khai lực lượng vũ trang đã tạo ra sự áp đảo đối với địch vùng chúng kiểm soát, có tác dụng to lớn thúc đẩy khí thế của quần chúng thành cao trào cách mạng, làm chỗ dựa cho phong trào binh biến nổi dậy của binh lính địch.
Để đối phó với tình hình, đế quốc Mỹ âm mưu lùi một bước để bảo toàn lực lượng, chờ thời cơ phản kích lại bằng cách cho bọn tay sai đầu sỏ như Xỉ Xúc Ná Chămpaxắc, Ngồn Xánănicon, Vàng Pao xin từ chức, đồng thời cho bọn tay sai trong quân đội làm binh biến giả, tuyên bố ly khai, xin trực thuộc Chính phủ liên hiệp và hợp tác với các lực lượng Pathet Lào. .
Nhưng trước cao trào đấu tranh sôi sục của quần chúng, sau thất bại của bọn tay sai ở Sài Gòn, Phnôm Pênh, bọn phái hữu vô cùng hoang mang, dao động. Từ ngày 9 tháng 5, nhiều tên phản động đầu sỏ trong bộ máy ngụy quân, ngụy quyền bỏ trốn sang Thái Lan, nên bọn phản động còn lại như rắn mất đầu, bị tan rã từng mảng.
Nắm vững thời cơ, Đảng Nhân dân cách mạng Lào, một mặt, lãnh đạo nhân dân đưa kiến nghị yêu cầu quân giải phóng nhân dân Lào vào bảo vệ các thành phố, đồng thời ép Phuma chấp nhận yêu sách trên của quần chúng và giao cho tướng Khăm Uộn Buphả (thuộc lực lượng Trung lập yêu nước, ở Phongsaly) giữ chức quyền Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (bộ trưởng là Xixúc đã bỏ chạy) phụ trách trực tiếp và toàn diện quân đội phía Viêng Chăn.
Ngày 13-5-1975, đại đội 2, tiểu đoàn 1 QGPND Lào chiếm trại lính Chinaimo, trung tâm quân sự lớn nhất Viêng Chăn. Ngày 14-5 nhân dân, học sinh và binh lính, cảnh sát gồm hơn một vạn người đã tuần hành lên án chính quyền phản động, đòi cơ quan USAID của Mỹ phải chấm dứt hoạt động. Cùng ngày, tiểu đoàn 1 tiếp tục chiếm cơ quan và trường hiến binh ở km 5.
Ở Savannakhet, trên 4000 học sinh, sinh viên cùng nhân dân và binh lính đã biểu tình thị uy đòi cơ quan USAID Mỹ cút về nước. Ngày 15-5, hàng ngàn nhân dân thị xã Văng Viêng nổi dậ lật đổ chính quyền cũ. Bộ đội địa phương Viêng Chăn chiếm thị trấn Phôn Hồng. Cùng ngày, quân dân Champasak nổi dậy làm chủ Pakse, trung tâm quân khu 4 ngụy.
Đến giữa tháng 5, LLVTCM Lào đã hình thành thế bao vây, chia cắt chiến lược đối với hai phân khu xung yếu của địch. Bọn đầu sỏ, ác ôn tìm cách bỏ chạy sang Thái Lan. Ngày 16-5 các tiểu đoàn 24, 46, Patchay tiến công, làm chủ Xảm Thông – Long Chẹng, sào huyệt cuối cùng của lực lượng đặc biệt Vàng Pao. Ngày 17-5-1975, nhân dân, học sinh biểu tình thị uy ở thị xã Thà Khẹc và Noỏng Bốc…Cùng ngày, các tiểu đoàn 407,409, 406 chiếm một số mục tiêu quan trọng ở Luông Phabang. Ngày 18-5, các tiểu đoàn 586, 701,705 có xe tăng, pháo binh đi cùng đã tiến vào nội đô Viêng Chăn. Ngày 19-5 ta làm chủ Thà Khẹc, 21-5, làm chủ Savannakhet.
Trước áp lực đang gia tăng của cách mạng, ngày 22-5, Chính phủ liên hiệp ra quyết định giải tán cơ quan USAID, 27-5, đại diện Mỹ tại Lào phải ký văn bản 7 điểm chấp nhận rút USAID ra khỏi Lào. Bộ máy thực dân kiểu mới của Mỹ ở Lào bị xóa bỏ hoàn toàn.
Cũng trong thời gian này, trên hướng đường 23 (Hạ Lào), các đơn vị thuộc Mặt trận 23 gồm: ba tiểu đoàn chủ lực số 10, 11, 12, tiểu đoàn pháo binh, đại đội xe tăng và các đại đội địa phương của các tỉnh Chămpaxắc, Xalavăn, Attapu… đã phối hợp với lực lượng thanh niên và hàng chục ngàn nhân dân địa phương nổi dậy giải phóng các tỉnh ở Hạ Lào.
Dựa vào áp lực quân sự, cao trào đấu tranh giành chính quyền của quần chúng diễn ra bằng “ba đòn chiến lược” tiếp tục phát triển mạnh mẽ ở nhiều nơi. Phong trào binh biến cũng diễn ra ở nhiều đơn vị, tính đến ngày 31 tháng 5, đã có 45 nơi có binh lính nguỵ nổi dậy ly khai quân đội Vương quốc, trở về hợp tác với chính quyền cách mạng. Làn sóng đấu tranh của quần chúng trong tháng 5 đã có tới hàng vạn lượt người tham gia. Tính đến 28 tháng 5, lực lượng cách mạng Lào đã thành lập chính quyền ở 15 tỉnh, thành và 67 huyện, thị.
Phối hợp với phong trào nổi dậy của quần chúng, Neo Lào Hắc Xạt đã tận dụng cơ sở pháp lý, cách chức bọn chỉ huy phái hữu phản động, tạm giữ một số sĩ quan cao cấp, tập trung vũ khí, không cho địch điều động lực lượng, đồng thời mở phiên toà xét xử bọn phản động. Đến thời điểm này, lực lượng cảnh sát, quân đội Viêng Chăn gần như đã bị xoá bỏ, vũ khí, phương tiện kỹ thuật của chúng đã thuộc lực lượng yêu nước quản lý. Chính quyền Viêng Chăn cùng quan thầy Mỹ lâm vào tình thế bế tắc hoàn toàn.
Ngày 7 và 8 tháng 7, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào ra chỉ thị xoá bỏ hoàn toàn chính quyền và quân đội của địch, đồng thời thành lập chính quyền cách mạng trong cả nước. Sau khi họp Bộ Chính trị, đồng chí Cay sỏn Phômvihản đã có cuộc hội đàm với đồng chí Lê Duẩn tại thành phố Hồ Chí Minh trong hai ngày 10, 11-7-1975. Đồng chí Cay sỏn Phôm vi hản đã thông báo về diễn biến cuộc nổi dậy đầ mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân Lào và một số chủ trương của Bộ chính trị như: sau khi cải tổ chính phủ liên hiệp xong (tháng 10-1975) Đảng NDCM Lào dự định phát động một phong trào dân chủ trong cả nước để bầu ra các cơ quan chính quyền địa phương rồi tiến tới tổng tuyển cử vào năm 1976, lập một chính phủ chính thức do người của Đảng làm thủ tướng, ông Phuma thôi giữ chức thủ tướng. Trong TW Đảng NDCM Lào có một số đồng chí chủ trương duy trì Chính phủ liên hiệp vì cho rằng nếu Phuma từ chức, Mỹ sẽ cắt viện trợ (!!!). Nhưng BCT đã họp thảo luận và đi đến kết luận: Phải làm triệt để; BCT dự định khoảng từ tháng 3 hoặc 4 – 1976 sẽ tiến hành bầu cử quốc hội và lập chính phủ do cách mạng nắm hoàn toàn.
Đồng chí Lê Duẩn thay mặt đoàn đại biểu VN nhất trí với chủ trương của BCT Đảng NDCM Lào. Đồng chí nêu một số vấn đề cần nghiên cứu quết định cho phù hợp, đó là: ta nắm được chính quyền các tỉnh, quân đội phái hữu không còn nữa, vậy ta có thể không cần cải tổ chính phủ mà hội đồng chính phủ do ta làm thủ tướng, còn ông Phuma làm chủ tịch hội đồng; dự định tiến hành tổng tuyển cử vào đầu năm 76 có chậm không !?; phải đề phòng họ phản kích, phá ta.
Sau cuộc hội đàm, TW Đảng NDCM Lào đã đẩy nhanh tiến trình giành chính quyền ở Lào. Từ tháng 6 đến tháng 8-1975, nhân dân các tỉnh Bolikhamsay, Xiêng Khoảng, Champasak, Xaynhabuly, Luong Phabang dưới sự lãnh đạo của đảng bộ cơ sở đã nổi dậy giành chính quyền. Ngày 23-8, hàng vạn nhân dân thủ đô Viêng Chăn mít tinh trọng thể tại quảng trường Thạt Luổng đón nhận sự ra đời của chính quyền thủ đô. Ngay sau khi giành được chính quyền ở Viêng Chăn, Trung ương Đảng Lào chỉ đạo các địa phương tiến hành vận động bầu cử Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp.
Trước sức mạnh đấu tranh của “ba đòn chiến lược”, ngày 25 tháng 11 năm 1975, tại Thủ đô Viêng Chăn, Hội đồng quốc gia chính trị liên hiệp đã họp và đi đến quyết định chấp nhận yêu cầu chính đáng của nhân dân là xoá bỏ chế độ quân chủ, giải tán Chính phủ liên hiệp, triệu tập Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, thành lập chính quyền dân chủ nhân dân. Ngày 29 tháng 11 năm 1975, Vua Xixavang Vắthana tuyên bố thoái vị, trao lại toàn bộ quyền hành cho nhân dân, chấm dứt chế độ quân chủ tồn tại hàng trăm năm ở nước Lào.
Trong không khí tưng bừng của những ngày chiến thắng, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Lào được tổ chức tại Thủ đô Viêng Chăn (ngày 1 và 2 tháng 12 năm 1975), với sự tham gia của 264 đại biểu đại diện cho các tầng lớp của nhân dân các bộ tộc, các tôn giáo, các tổ chức quần chúng, các vị lão thành, trí thức và lực lượng vũ trang, trong đó phần lớn là đại biểu của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Uỷ ban nhân dân, Mặt trận Lào yêu nước và liên minh các lực lượng trung lập yêu nước. Đại hội đã quyết định xoá bỏ chế độ quân chủ và thiết lập chế độ cộng hòa dân chủ nhân dân. Nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào ra do Hoàng thân Xuphanuvông được cử giữ chức chủ tịch nước, chí Cayxỏn Phômvihản được cử làm thủ tướng. Cuộc đấu gian khổ, kéo dài suốt 30 năm liên tục của nhân dân các 9 Lào dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào giành thắng lợi trọn vẹn.
Đây là thắng lợi trọn vẹn và triệt để nhất của dân tộc Lào từ trước đến nay, chẳng những đã khôi phục nền độc lập của Tổ quốc … trên hai thế kỷ, mà lần đầu tiên nhân dân Lào có một nền dân chủ thực sự. Chính quyền cách mạng được thiết lập trên phạm vi cả nước, chế độ mới, chế độ dân chủ nhân dân được xây và kiện toàn, các quyền lợi cơ bản của người dân về chính trị, xã hội, văn hoá được bảo đảm. Thắng lợi của 30 năm chiến tranh Giải phóng thực sự “đã làm cho vận mệnh dân tộc và xã hội Lào thay đổi sâu sắc, mở ra một kỷ nguyên mới cho công cuộc xây dựng Tổ quốc Lào muôn vàn yêu quý của chúng ta tiến nhanh, tiến mạnh trên con đường độc lập, tự chủ, thống nhất và phồn vinh, bảo đảm vĩnh viễn cho nhân dân các dân tộc Lào cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc”. Thắng lợi này còn nâng cao uy tín và vị trí của nước Lào trên trường quốc tế…
Sau khi Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (tháng 1 năm 1973) và Hiệp định Viêng Chăn về Lào (tháng 2 năm 1973) được ký kết, cục diện quân sự và chính trị trên chiến trường Đông Dương đã có sự thay đổi cơ bản. Xu thế tất thắng của cách mạng Đông Dương đã trở nên rõ rệt, không thể nào đảo ngược. Trước tình hình và vận hội mới, quan hệ đặc biệt Lào – Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển. Vùng giải phóng hai nước, hành lang chiến lược Đông – Tây Trường Sơn tiếp tục mở rộng, hoàn chỉnh vẫn là cơ sở quan trọng giúp cho cách mạng hai nước đi tới ngày toàn thắng.
Một điểm nổi bật trong quan hệ của hai Đảng trong giai đoạn này là mặc dù trong điều kiện hòa bình nhưng hai Đảng vẫn thường xuyên có các cuộc hội đàm để thống nhất những chủ trương, phương pháp giúp nhau hiệu quả, đưa cách mạng Lào ngày càng phát triển, Hai Đảng đã có sự thống nhất về quan điểm chính trị, về phương thức giành thắng lợi của cách mạng mỗi nước. Hai Đảng cũng rất thẳng thắn nêu những ưu, khuyết điểm trong quá trình giúp nhau và cùng nhau bàn cách khắc phục để quan hệ Việt Nam – Lào ngày càng gắn bó chặt chẽ hơn.
Mặc dù đất nước Lào chuyển từ chiến tranh sang hoà bình. song âm mưu của Mỹ và phái hữu vẫn không thay đổi. Vì vậy, theo yêu cầu của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, chuyên gia quân sự và lực lượng quân tình nguyện Việt Nam vẫn tiếp tục ở lại Lào giúp đỡ việc xây dựng, bảo vệ vùng giải phóng, đồng thời sẵn sàng đối phó với mọi tình huống khi có chiến tranh xảy ra. Tuy nhiên, khác với giai đoạn trước, việc bố trí chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam ở giai đoạn này đã giảm đi nhiều và đòi hỏi phải phù hợp với tình hình chính trị mới cũng như phù hợp với sự phát triển của Lào…
Như vậy, sau 30 năm đấu tranh đầy hy sinh gian khổ dưới sự lãnh đạo của đảng Mác – Lênin chân chính, nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào đã cùng nhau đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giành thắng lợi trọn vẹn cho cuộc đấu | tranh giải phóng dân tộc của hai nước. Thắng lợi trọn vẹn của nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào thực sự là thắng lợi của liên minh chiến đấu Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam.
Bùi Minh Sơn
(Trích dẫn từ tư liệu:
Lịch sử Quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 1930 – 2007)