(Viết theo cảm hứng về bài thơ “Rừng Lào” của Mạnh Dũng và “Mưa Rừng Lào” của thiếu tướng Bùi Minh Thứ)
Năm 1976, theo thỏa thuận chung của hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam và Lào, quân Tình nguyện Việt Nam (QTN) đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử quốc tế tại nước bạn Lào và rút quân về nước nhận nhiệm vụ mới. Nhưng trước ngã rẽ của lịch sử sau đó, trước tình hình cách mạng của bạn khi chính quyền non trẻ lại gặp biến, nhiều cán bộ chiến sỹ QTN năm xưa lại khoác ba lô, súng đạn quay trở lại “chiến trường C”; số khác tiếp tục tham gia nhiệm vụ phát triển kinh tế và huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, rồi chính họ lại tiếp tục rong ruổi sang chiến đấu tại chiến trường K giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng của Polpot, gặc phương Bắc tràn sang họ lại quay ngược lên biên giới phía bắc bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của tổ quốc; số còn lại được giải quyết chính sách trở về hậu phương miền Bắc tiếp tục công tác, làm việc học tập.
Trong điều kiện, hoàn cảnh nào, những người lính cựu QTN vẫn luôn phát huy bản chất Anh bộ đội Cụ Hồ! Tuy vẫn phải bươn bả với cuộc sống mưu sinh thường ngày… nhưng họ không bao giờ quên những ký ức, kỷ niệm về một thời khói lửa đạn bom, một thời gian khó hy sinh,… nhưng luôn lạc quan yêu đời. Với tôi cũng như rất nhiều cựu chiến binh QTN luôn hoài niệm về một thời “Rừng xưa – Chiến địa cũ” trên đất nước Triệu Voi.
Chiến tranh chống Mỹ kết thúc, lại chính những người lính trong đó có khá đông các chiến sỹ thuộc sư đoàn 31 (hậu duệ của MT 31) QTN Việt Nam tại Lào được Nhà nước ta cử sang Liên Xô học tập. Trước đây chúng tôi biết đến Liên Xô qua những trang sách, thước phim, bài hát Cachiuxa hùng tráng, chiều Matxcơva sâu lắng lung linh… thì nay đã được chứng kiến tận mắt về một đất nước huyền thoại tránh sao khỏi sự ngỡ ngàng, bâng khuâng, thầm phục…
Ngày đầu tiên đến Liên Xô, ai trong chúng tôi cũng có cảm giác như thực như mơ… Dưới trời mây xanh biếc là những cánh rừng bạch dương trải dài, sóng biển lúa mỳ vàng óng nhấp nhô, những ống khói nhà máy vươn cao và tận mắt thấy những con người Xô Viết đôn hậu, thông minh, quả cảm, cần cù, bình dị đang ngày đêm lao động quên mình (có nét gì đó thật giống như những người dân Lào)…
Trong những năm tháng không quên ấy, cùng với sức mạnh của các phương tiện vũ khí mang thương hiệu CCCP trên chiến trường, với những giá trị tinh thần của nền văn hoá Xô – Viết (khi các bộ phim mang hơi thở chiến tranh nổi tiếng của Liên Xô như “Bà Đại sứ”, “Giải phóng châu Âu”, “Thanh kiếm & lá chắn” – 3 bộ phim đã được chiếu đến các đơn vị bộ đội tại cao nguyên Cánh Đồng Chum –Xiêng Khoảng vào đầu thập kỷ 70) là món quà vô giá, là sự khởi nguồn khích lệ tiếp thêm sức mạnh, tình yêu lý tưởng, tinh thần lạc quan, niềm tin vào chiến thắng… cho những người lính QTN Việt Nam chiến đấu ngoài mặt trận Xiêng Khoảng xa xôi…
Lãng mạn thật, nhưng không hiểu sao khi đang sống ở nơi “tiền đồn của Chủ nghĩa Xã hội” chúng tôi những người lính Cánh Đồng Chum vẫn luôn nhớ về mảnh đất chiến trường xưa, khi mà mùa khô nắng cháy rát mặt, nhưng đêm trong hang đá vẫn lạnh thấu xương; mùa mưa đến, bom đạn, lũ quét dồn đuổi bộ đội ra bìa rừng làm mồi cho bom đạn địch; bao nhiêu công sức vận chuyển tích cóp cho mùa mưa, một trận lũ quét thế là công toi…giả xuống sông, xuống suối hết (có ai biết lũ quét là gì?), vậy là đói, đói cả mùa mưa, thiếu thốn đủ bề nhưng rồi vẫn trụ được để chiến đấu giành thắng lợi!
Giờ đây, nhìn rừng bạch dương vi vu trong gió chiều, chúng tôi không khỏi liên tưởng tới những cánh rừng Lào bạt ngàn ngày ấy cháy trơ trụi, khẳng khiu khoác trên mình những mảnh dù hàng, dù pháo sáng rách bươm…, tới những địa danh mà người lính QTN đã từng đi qua, từng gắn bó một thời lửa đạn. Và những nơi đó nhiều bạn bè đồng đội chưa thể trở về… Bất giác, bài thơ “Rừng Lào” của một đồng đội cựu lính trinh sát d31 cứ làm tôi bâng khuâng nhớ mãi suốt trong những năm dài học tập ở đất nước Xô Viết…
Rừng Lào (Lê Mạnh Dũng)
Tuổi xanh áo lính rừng Lào
Bom rơi đạn nổ núi cao chập chùng
Chiến tranh khói lửa mịt mùng
Đoàn quân tình nguyện anh hùng nơi đây
Đường đi cao vút trời mây
Sảm Thông, Long Chẹng phía tây Mường Phàn
Tôi đi gặp những suối ngàn
Nậm Ngừm, Nâm Nhiếp, Nận San, Nậm Tầy
Tôi đi gặp gió cùng mây
Phu Keng, Phu Khé, Phu Xay, Phu Hồng
Tôi đi gặp những tấm lòng
Lào Lum, Lào sủng, Lào Thang mặn mà
Cho tôi biết đoá Chăm Pa
Lăm vông điệu “khắp ” lời ca em mời
Tôi đi gian khó một thời
Để thương, để nhớ khoảng trời xa săm
Buồn vui theo những tháng năm
Việt – Lào tình nghĩa trăm năm vững bền!
Chiến tranh đã lùi xa! Giờ đây khi những cơn mưa mùa cuối cùng chắc đã tạnh ngắt để chờ đón một mùa khô se lạnh, rau tàu bay (món khoái khẩu bất đắc dĩ của Bắc Việt) cùng cỏ non xanh sẽ mau phủ kín trên miệng các hố bom, chiến hào loang lổ năm xưa, mặt trời lại sáng loá, CĐC hiện lên như thiên đường của huyền thoại đầy bí ẩn và kiêu hãnh, mênh mang trong tiếng gió chiều vi vu và dưới lòng đất lạnh lẽo ở nơi chiến trường xa xôi, các đồng đội của chúng tôi đang còn nằm đâu đó sẽ sớm được trở về yên nghỉ nơi quê nhà…
Gần đây nhất, vào những ngày đầu mùa mưa 2016. Khi đoàn công tác do thiếu tướng Bùi Minh Thứ Ủy viên thường trực Ban liên lạc Toàn quốc QTN Việt Nam – Kiêm trưởng ban liên lạc QTN thành phố Hà Nội chuẩn bị lên đường sang bên Tây Trường Sơn, khảo sát xây dựng kế hoạch “Thăm lại chiến trường xưa” cho các đoàn CCB QTN. Đêm trước ngày lên đường, trời Hà Nội bất ngờ có những cơn mưa đầu mùa Hạ, tâm trạng người lính già CCB Tây Bắc chợt miên man liên tưởng tới những năm tháng cách đây trên nửa thế kỷ trước về những cơn mưa rừng Lào. Vậy là anh thức giấc, giữa đêm mưa anh viết lại những cảm xúc của của mình – đó là bài thơ:
Mưa rừng Lào
***
Chiều nay Hà Nội mưa
Cơn mưa rào đầu Hạ
Bao năm trời xa cách
Anh nhớ mưa rừng Lào
Ơi người em bên ấy
Chiều nay có mưa không
Bên này trời hửng nắng
Chỉ có mưa trong Lòng
Nhớ mùa mưa năm ấy
Mưa dầm qua tháng ngày
Đường hành quân trơn tuột
Tay vịn từng thân cây
Trận chiến không kể mùa
Đạn bon địch như mưa
Khi mưa bom vừa rứt
Chim hót hoa đong đưa
Cái nóng của chiến tranh
Chết chóc thật lạnh tanh
Mưa rừng chan vào đất
Mầm sống lại tươi xanh
Ở bên này anh nhớ
Những mùa mưa năm xưa
Ao ước đến bao giờ
Thăm rừng Lào trong mưa!
(Bùi Minh Thứ 4/2016)
Những vần thơ của vị tướng già đã nói thay tâm trạng của hàng ngàn, hàng vạn người lính tình nguyện khi đã về với đời thường, nhưng trong lòng luôn đau đáu nỗi nhớ da diết về một thời “Chết chóc thật lạnh tanh, Máu lại chan vào đất”.
Cái bi hùng ngày ấy không hề làm nản lòng, cản bước trước những người lính tình nguyện. Họ vẫn lạc quan kiêu hùng đội mưa, đội bom, vượt dốc, băng rừng tiến lên phía trước. Họ chiến đấu ngoan cường vì nghĩa vụ quốc tế cao cả. “Khi mưa bom vừa dứt, Chim hót hoa đong đưa”… Nay, khi đất nước đã thanh bình, tuổi cao họ lại hoài niệm, lại nhớ về thời tuổi trẻ, nhớ về những năm tháng cam go ác liệt, họ nhớ rừng xưa – chiến địa cũ: “Ao ước đến bao giời, Thăm rừng Lào trong mưa”…
Nỗi nhớ miên man rừng xưa chiến địa cũ đã nói lên cái tình cái nghĩa Việt Lào – Lào Việt, “Cho dù sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng tình nghĩa Việt Lào sẽ mãi mãi không bao giờ phai” !
Nguyễn Tiến Dũng