Năm 1971, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ ở giai đoạn quyết liệt, đồng chí Đặng Tính, nguyên Chính uỷ Quân chủng Phòng không – Không quân, được tăng cường vào Bộ Tư lệnh Trường Sơn giữ chức vụ Chính uỷ, Bí thư đảng uỷ. Tôi còn nhớ, hôm ra mắt anh em cơ quan, ông tự giới thiệu về mình: “Đặc điểm của tôi mỗi khi cười, cái miệng rộng ra gần đến mang tai”. Ông cầm đèn giơ lên gần mặt để mọi người trông thấy. Vì ánh sáng lờ mờ nên ông lại nói: “Ban ngày các đồng chí sẽ thấy rõ, bộ răng của tôi đẹp nhưng hơi hô (vẩu)”. Mọi người cười vui vẻ, cảm thấy Chính uỷ giản dị, cởi mở, có vẻ hài hước, dễ gần. Sau đó đồng chí mới nói đến nhiệm vụ và mong được sự giúp đỡ của cơ quan.
Một hôm Chính uỷ xuống làm việc với Cục Chính trị. Thấy tôi dùng dao nhíp gọt móng tay, Chính uỷ trông thấy, bảo tôi: “Sao cậu lạc hậu thế?” Rồi ông móc túi đưa cho tôi cái bấm móng tay và nói: “Công cụ cải tiến khi nào cũng hơn thô sơ”. Tôi hơi ngượng, cầm lấy bấm móng tay, cất con dao nhíp vào túi, thưa với thủ trưởng: “Ở chiến trường thiếu thốn nhiều thứ lắm”, Chính uỷ nở một nụ cười hiền hậu.
Tháng 12/1972, cuộc chiến đấu ở Trường Sơn gặp rất nhiều khó khăn, địch đánh vào các đội hình xe rất ác liệt. Ở mặt trận Hạ Lào, Mỹ huy động nhiều GM nguỵ Lào và quân đánh thuê Thái Lan, lấn chiếm vùng giải phóng ở Không Xê đôn, Pắk Xoòng, Tha Teng, thị xã Salavan là những vị trí chiến lược của cách mạng Lào, đồng thời uy hiếp tuyến vận chuyển chiến lược Tây Trường Sơn.
Bộ Tư lệnh tổ chức cơ quan chỉ huy tiền phương ở Salavan, gần Sư đoàn 968 để trực tiếp chỉ đạo tác chiến bộ binh, mở chiến dịch dài ngày, giải phóng cho kỳ được các vị trí chiến lược bị địch lấn chiếm, trước lúc có giải pháp chính trị về Lào.
Tôi được cử đi công tác chuyến này, phán đoán chiến dịch quan trọng có tính quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Nam Lào.
Ngày thứ nhất đoàn nghỉ tối ở Binh Trạm 34. Trời tối, đường Trường Sơn chằng chịt nhiều ngả, tìm vào Binh trạm khá khó khăn. Tôi ngồi xe của Chính uỷ vào cơ quan Binh trạm, được một lúc mà xe Phó Tư lệnh Hoàng Kiện vẫn không thấy vào. Thủ trưởng Binh trạm cho cán bộ đi tìm Phó Tư lệnh, cán bộ trở về báo cáo: “Đồng chí Kiện đã mắc võng nghỉ ở ngã ba đường, cạnh hầm chỉ huy giao thông. Chúng tôi mời thủ trưởng vào cơ quan nghỉ, nhưng thủ trưởng nói: “Ngủ ở đây cũng được”, và không vào. Đồng chí Đặng Tính bảo tôi (là Phó phòng Cán bộ) và đồng chí Tôn (Trợ lý tham mưu) ra mời đồng chí Kiện vào. Hai chúng tôi ra mời thủ trưởng vào Binh trạm nghỉ cho yên tĩnh. Đồng chí Kiện vẫn trả lời “nghỉ ở đây cũng được”, tôi phải nằn nì: “Chính uỷ Tính mời đồng chí vào nghỉ, tiện trao đổi công việc”. Thế là bất đắc dĩ ông đứng lên, tôi nhanh tay tháo võng và bảo công vụ mang ba lô của thủ trưởng vào cơ quan. Sau khi ổn định chỗ nghỉ, đồng chí Tính nhắc nhở chúng tôi, chỉ huy hành quân cần chặt chẽ, bố trí chỗ ờ đón cán bộ cẩn thận, đi cả ngày vất vả, tối đến chỗ nghỉ cần được yên tĩnh, các cậu nên rút kinh nghiệm.
Sáng ngày hôm sau, thủ trưởng Binh trạm mời Chính uỷ và Phó Tư lệnh lên hội trường nói chuyện với cán bộ. Tôi đi theo Chính uỷ, trên đường lên hội trường, Chính uỷ rẽ vào lán tiểu đội vệ binh. Anh em đang ngồi xung quanh một rá sắn luộc còn bốc hơi thơm phức, thấy Chính uỷ vào, vội vàng cất vào trong. Chính uỷ hỏi thăm anh em rồi lên hội trường, tôi nán lại nói với anh em: “Tại sao không mời Chính uỷ ăn sắn mà lại cất đi”. Anh em bảo không ngờ Chính uỷ lại vào lán nên chúng em hơi lúng túng, vội vàng giấu vào trong bếp. Anh em cùng cười vui vẻ. Tôi nói: “Thủ trưởng đang đói bụng đấy”. Quả nhiên sau khi nói chuyện với cán bộ xong, đồng chí Tính nói: “Khi sáng vào chỗ anh em vệ binh, thấy rá sắn trông ngon quá định xin anh em một củ, không ngờ anh em cất đi, lâu ngày cũng thèm sắn”.
Chính uỷ thường dùng chiếc xe con Bắc Kinh đít tròn. Trên đường đi vào Salavan tuy đi đường kín mát mẻ, xe vẫn nóng máy, được một chặng lại phải nghỉ chờ xe nguội máy mới tiếp tục đi. Lúc nghỉ như vậy, Chính uỷ lại đưa thơ ra sửa chữa và đọc lại cho chúng tôi nghe và yêu cầu góp ý kiến. Tôi còn nhớ một đoạn của bài thơ Qua đèo 700: “… Lại đi dưới hàng cây, cây xanh trùng điệp/Lim, săng lẻ, lồ ô lá xanh như màu thép”. Đồng chí Lê Nghĩa Sỹ, Phó Chính uỷ có lần nói đùa: “Đồng chí Tính như Tống Công Minh trong Thuỷ Hử, có tài tập hợp và đoàn kết được với cán bộ chiến sĩ, hay làm thơ nhưng chưa được gọi là thi sĩ”.
Những ngày cuối tháng 12 – 1972, Mỹ dùng máy bay B52 đánh vào Hà Nội, chúng tôi đang trên đường vào Salavan, ai cũng nóng ruột muốn biết tin tức qua Đài Tiếng nói Việt Nam. Mặc dầu ngồi trong xe khó bắt sóng, nhưng Chính uỷ vẫn cầm đài National áp vào tai theo dõi tin tức, nhất là lúc có tin Mỹ đánh vào Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai, Mễ Trì… Mỗi khi đến giờ Đài phát thanh chậm lên sóng, mọi người hồi hộp chờ đợi. Trong khoảnh khắc, tiếng phát thanh viên vang lên: “Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà…” mọi người lại thở phào nhẹ nhõm… Cho đến ngày ta tuyên bố thắng trận Điện Biên Phủ trên không, thì mọi người phấn khởi, hả lòng hả dạ.
Nhân việc nhân dân ta đánh bại cuộc tập kích của Mỹ vào Hà Nội, hạ thần tượng Pháo đài bay, Thần sấm, Con ma… buộc Mỹ phải tiếp tục vào bàn đàm phán ở Pari, đồng chí Chính uỷ nói chuyện với cán bộ: Sở dĩ Mỹ dám đưa máy bay B 52 đánh vào Hà Nội, bao vây cảng Hải Phòng là kết quả chuyến đi của Kítxinhgơ sang Bắc Kinh ngày 15/7/1971. Biết được ý đồ của Trung Quốc khi Mao Trạch Đông tuyên bố: “Mi không đụng đến ta thì ta không đụng đến mi”, có nghĩa là Mỹ có đánh vào Hà Nội, thì Trung Quốc cũng không can thiệp. Đồng chí Đặng Tính bình luận: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta thu được thắng lợi, Mỹ không tránh khỏi thất bại hoàn toàn, lợi dụng thời cơ này, Trung Quốc bắt tay với Mỹ trên lưng Việt Nam. Giả sử chờ khi Việt Nam thắng lợi hoàn toàn, lúc đó Trung Quốc hãy bắt tay với Mỹ thì hay biết mấy!” (Ních Xơn sang thăm Trung Quốc ngày 21/2/1972).
Câu chuyện của Chính uỷ lúc đó, đến nay nghiệm thấy những sự kiện Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 và Trường Sa vào những năm sau, sự kiện 1979 và nhiều chuyện với Việt Nam của Bắc Kinh, là có mầm mống từ những thập kỷ 70 của thế kỷ trước. Đến bây giờ mới thấy câu chuyên của Chính uỷ lúc đó thật sâu sắc.
Về công tác giúp bạn Lào, Bộ Tư lệnh đã phân công cho Phó Chính uỷ Nguyễn Lệnh và Trần Quyết Thắng giúp Quân khu bạn. Nhưng từ Tư lệnh đến Chính uỷ lúc nào cũng quan tâm đến nhiệm vụ quốc tế giúp cách mạng Lào, từ việc vận tải hàng viện trợ quốc tế cho bạn Lào, đến việc trực tiếp chỉ đạo các binh trạm giúp 17 huyện trên tuyến đường Tây Trường Sơn, việc tổ chức trang bị cho lực lượng vũ trang bạn, giúp dân chống gián điệp, biệt kích, chống đói…, luôn luôn theo dõi nhiệm vụ chiến đấu của Sư đoàn 968 và Đoàn chuyên gia quân sự 565.
Có lần Chính uỷ hỏi tôi: “Tôi nghe tin bạn chuẩn bị tổ chức Cụm chủ lực ở Trung – Hạ Lào, phải không?”. Tôi báo cáo: “Hiện nay có 9 tiểu đoàn và một số đại đội trực thuộc Quân khu Bạn, có thể đôn các đơn vị địa phương lên chủ lực. Bạn định tổ chức 2 cụm, một ở Trung Lào, một ở Hạ Lào”. Chính uỷ hiểu và nói: “Ta phải đề nghị với bạn nên tổ chức “Lữ đoàn” chủ lực là phù hợp, đúng với thuật ngữ quân sự. về tổ chức phải phù hợp với chiến tranh nhân dân, có 3 thứ quân, chủ lực, địa phương và dân quân du kích rộng khắp”.
Mỗi lần đi công tác xuống đơn vị của ta, đồng chí Đặng Tính cũng tranh thủ sang thăm và làm việc với bạn. Đồng chí đã để lại những ấn tượng sâu đậm, đầy tình nghĩa với cán bộ và chiến sĩ nước bạn. Đồng chí Xa mản Vi nhạ kệt[1] xúc động kể: Hồi đó vợ tôi được tổ chức cho sang Việt Nam để sinh cháu. Trên đường Trường Sơn, đồng chí Đặng Tính lúc đó đang có mặt ở binh trạm mà vợ tôi nghỉ chân, đã tới thăm hỏi động viên và căn dặn cán bộ, quân y của binh trạm tận tình săn sóc vợ tôi… Khi cháu chào đời, hai mẹ con được chăm lo sức khoẻ, thuốc men chu đáo. Sau đó, binh trạm đã đưa vợ con tôi về tận Hà Nội an toàn. Biết ơn đồng chí Đặng Tính, vợ chồng tôi đặt tên cho cháu là Xổm Khít, tiếng Lào “Xổm” là “Xứng đáng”; “Khít” là “Tính”… với mong muốn lớn lên cháu phải sống sao cho xứng đáng với nghĩa tình sâu nặng của đồng chí Đặng Tính và các bác, các cô chú Việt Nam. Cái tên luôn gợi cho gia đình tôi niềm tiếc thương cùng sự kính trọng sâu sắc đối với anh Đặng Tính – người đồng chí, người bạn Việt Nam chí thiết đã hi sinh vì nghĩa vụ quốc tế ở Hạ Lào”.
Tháng 4/1973, sau Đại hội tổng kết và mừng công của Bộ đội Trường Sơn tháng 3, Đảng uỷ họp triển khai nhiệm vụ của giai đoạn mới sau khi ngừng bắn, Mỹ rút quân. Thực hiện vận chuyển chi viện chiến lược, ngoài vận chuyển hàng quân sự, còn vận chuyển hàng dân sinh cho vùng giải phóng miền Nam, Trung – Hạ Lào, Campuchia. Xây dựng hệ thống đường cơ bản phía Đông Trường Sơn để vận chuyển được 4 mùa. Tuyến phía Tây trường Sơn cũng củng cố trục chính, đồng thời giữ đường “Kín”, gấp rút xây dựng căn cứ địa cả Đông và Tây Trường Sơn, thực hiện nhiệm vụ giúp bạn trong tình hình mới. Tổ chức xây dựng lực lượng, quy mô thích hợp với tình hình mới. Để có đủ luận chứng trình lên cấp trên, Bộ Tư lệnh tổ chức 2 đoàn đi khảo sát, nắm tình hình trên cả hai hướng Đông và Tây Trường Sơn. Đoàn đi hướng đông do Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên dẫn đầu, đoàn đi hướng tây do Chính ủy Đặng Tính dẫn đầu. Đoàn của Chính uỷ xuất phát từ Hướng Hoá, Quảng Trị theo đường 9 đến Bản Đông rẽ sang đường 128. Đoàn đã lần lượt làm việc với bạn, với sư đoàn 472, 565, 471, vào Sư đoàn 968 bàn triển khai nhiệm vụ tới.
Đến Sư đoàn 968 Quân tình nguyện, đoàn đi thăm một đơn vị của Trung đoàn 19 F968 chốt ở Pắk Xoòng, vị trí chiến lược cao nguyên Bôlôven ở Hạ Lào, ranh giới ngừng bắn giữa ta và địch, theo hiệp nghị Viêng Chăn ngày 21/2/1973.
Ngày 3/4/1973, tổ chức đoàn xe theo đường 17 từ Tha Teng lên Pắk Xoòng rẽ vào đường 23 cũ. Đoàn đi có 4 xe, xe thứ 3 có các đồng chí Chính uỷ Đặng Tính, Chính uỷ Sư đoàn 968 Vũ Quang Bình, đồng chí Nguyễn Thúc Yêm Cục phó tham mưu công binh, cùng đi có đồng chí Trịnh Quý, nhạc sĩ văn công Trường Sơn và đồng chí y sĩ. Đồng chi Tính ít khi đi một mình mà thường cho cán bộ cùng ngồi xe để trao đổi tình hình. Đoàn xe đang chạy bình thường, gần đến Pắk Xoòng thì có một tiếng nổ như tiếng bom. Xe thứ tư tiến lên thì thấy xe của Chính uỷ trúng mìn của địch nổ tung, các đồng chí trong xe đều hi sinh. Các xe đi đầu quay lại sửng sốt, thấy bất ngờ xe đi giữa lại vấp mìn. Đó là một quả mìn chống tăng của địch còn sót lại.
Theo chỉ thị của trên, thi hài đồng chí Đặng Tính (có mật danh 602) được đưa ra Quảng Bình, rồi máy bay chuyển ra Hà Nội. Bộ Quốc phòng tổ chức lễ tang theo nghi lễ quân đội, là cán bộ cấp cao, là liệt sĩ được an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch – Hà Nội.
Thi hài hai đồng chí Vũ Quang Bình và Nguyễn Thúc Yêm được đưa về Quảng Bình, nơi cơ quan Bộ Tư lệnh đóng quân để làm lễ tang, các đồng chí khác an táng tại nghĩa trang gần bệnh xá Sư đoàn 471.
Gia đình đồng chí Nguyễn Thúc Yêm đề nghị với Bộ Tư lệnh xin đưa về làm lễ tang tại quê nhà, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Đồng chí Vũ Quang Bình do Bộ Tư lệnh Trường Sơn tổ chức lễ tang và an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Hiển Ninh, Lệ Ninh, Quảng Bình. Lễ tang được cử hành trọng thể, có vợ là chị Phương Hội Tố vào dự.
Sau mấy hôm, Bộ Tư lệnh tổ chức lễ truy điệu Chính uỷ Đặng Tính tại Hội trường Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, có đại biểu của Quân khu Nam Lào, Bí thư tỉnh uỷ Quảng Bình, Quảng Trị đến dự.
Đây là một tổn thất nặng nề của Bộ đội Trường Sơn trước khi bước vào giai đoạn chiến đấu mới. Toàn thể cán bộ chiến sĩ bộ đội Trường Sơn, tưởng nhớ người Chính uỷ thân thương, một lão thành cách mạng, có công với Đảng, với Quân đội, là “người cán bộ chính trị – quân sự song toàn xuất sắc, tiêu biểu về đạo đức liêm khiết, chí công vô tư, tiểu biểu cho đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, sống trong sạch, giản dị thương yêu gần gũi quần chúng, hi sinh cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và nhiệm vụ quốc tế”.
Tháng 7/ 2010, Nhà nước ta đã truy tặng Đại tá Đặng Tính, nguyên Chính uỷ Quân chủng Phòng không – Không quân, nguyên Chính uỷ Bộ đội Trường sơn danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Đại tá Hoàng Xiển