Lần đầu tiên tôi vinh dự được gặp Đại tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng vào năm 2009, khi Thượng tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng ra mắt cuốn sách “Một thời Quảng Trị” với nhiều tâm huyết. Nhà văn Mai Ngữ cho tôi biết rằng, từ năm 1971, ông là người được giao nhiệm vụ viết cuốn sách chân dung Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phùng Quang Thanh có tên là “Xốc tới”, khi Đại tướng Phùng Quang Thanh còn là Đại đội trưởng Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320. Cuốn sách là một bản anh hùng ca về những người lính của Đại đội 9 đã chiến đấu anh dũng, lẫm liệt trên chiến trường Đường 9, trong đó, bất khuất nhất phải kể đến trận đánh trên đồi Không Tên đã đi vào quân sử, trở thành bài ca đi cùng năm tháng trên mặt trận Đường 9 – Nam Lào mùa xuân năm 1971.
Trong không khí hoài niệm ấy, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã chia sẻ với chúng tôi: “Trong trận đánh hành quân Lam Sơn 719 khốc liệt, địch dùng 1 đại đội có máy bay yểm trợ, chia làm 2 mũi tấn công chốt. Mình đã chỉ huy tiểu đội chờ địch vào gần mới nổ súng, diệt 38 tên địch, đẩy lùi địch ra xa, riêng mình diệt 8 tên. Hai ngày sau, địch lại tiến công lên chốt, mình bị thương và được cho lui về tuyến sau, nhưng mình xin ở lại chiến đấu. Khi đó, mình nhờ đồng đội tháo nắp 17 quả lựu đạn, đeo quanh người, nhờ y tá băng và treo cánh tay trái cho đỡ vướng, rồi dẫn đầu tiểu đội xung phong đánh tạt sườn quân địch, phối hợp đơn vị bạn diệt gọn 1 đại đội địch”. Theo lời kể của ông, tôi thấy mình như đang được sống trong khoảnh khắc bi tráng mà ở đó ngời sáng lên hình ảnh người chiến sĩ Quân giải phóng với chiếc mũ tai bèo, đôi dép lốp… đã đi vào lịch sử chiến tranh yêu nước Việt Nam.
Trưởng thành trong chiến đấu và lần lượt kinh qua các vị trí quan trọng như Tư lệnh Quân đoàn 1, Tổng Tham mưu trưởng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ở bất cứ vị trí nào, Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng đều sát sao với công việc và luôn hướng về cơ sở. Khi đi kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu tại các đơn vị, ông xuống tận doanh trại kiểm tra kỹ nơi ăn ở, nghỉ ngơi và thậm chí nhà tắm, nhà vệ sinh của các trung đội, đại đội… Ông chỉ đạo các đơn vị quan tâm, chăm lo làm sao cho các chiến sĩ đảm bảo lượng ca lo đầy đủ, đáp ứng sức khỏe cho bộ đội, nơi ăn, nghỉ ấm vào mùa đông, mát về mùa hè.
Với quan niệm, người chỉ huy khi giao nhiệm vụ cho cấp dưới, phải liên tục kiểm tra, giám sát nhắc nhở, uốn nắn, điều chỉnh kịp thời những sai sót, Đại tướng Phùng Quang Thanh tâm sự: “Chúng tôi trước đây cũng chịu nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng đó là giai đoạn chiến tranh. Giờ hòa bình và phát triển, Quân đội cũng phải làm sao để anh em cán bộ, chiến sĩ yêu đơn vị, yên tâm gắn bó với đơn vị, đó là trách nhiệm của người chỉ huy. Phải quan tâm chăm lo đến hậu phương chiến sĩ. Khi có sự việc xảy ra, cần xem xét thấu đáo cả lý lẫn tình, trên cơ sở tình đồng chí, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Có những sự việc cần phải tham mưu với cấp trên điều chỉnh nhiệm vụ, sự việc phù hợp với đơn vị mình. Có như vậy, chúng ta mới chia sẻ với nhau để đồng lòng đoàn kết, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao…”.
Tư duy toàn diện, sâu sắc của Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng được thể hiện rõ nét trong nhiều quyết sách mà ông cùng tập thể lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tham mưu hiệu quả cho Đảng và Nhà nước về xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh, lo giữ nước từ xa, lan tỏa hữu nghị đối ngoại quốc phòng, xây dựng QĐND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại.
Ông đặc biệt quan tâm tới công tác đối ngoại, công tác dân vận, quân y và chú trọng đầu tư cho báo chí, văn học, nghệ thuật… nên thời gian đó, quân đội đã có bước chuyển biến mạnh mẽ về công tác đối ngoại, với hàng loạt các hoạt động đối ngoại quốc phòng hiệu quả. Trong đó, đối ngoại biên giới được ông nhấn mạnh là một trong những nội dung trọng tâm và chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng phối hợp, tạo điều kiện hết mức để lực lượng BĐBP có thể làm tốt nhiệm vụ này.
Tôi còn nhớ, năm 2010, khi nhận trả lời phỏng vấn cho phim truyền thống của Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP, Đại tướng Phùng Quang Thanh tâm tư rất nhiều khi nhắc đến sự hy sinh dũng cảm của Thượng úy Lù Công Thắng trong quá trình đấu tranh trấn áp tội phạm ma túy ở Sơn La. Thiếu tướng Nguyễn Sinh Xô, nguyên Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP nhớ lại: “Ngay tối hôm Thượng úy Thắng hy sinh, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh gọi tôi lên báo cáo.
Sau khi nghe tình hình chuyên án và sự hy sinh của Thượng úy Lù Công Thắng, ông trầm ngâm nói với chúng tôi: Giờ là thời bình, mỗi gia đình chỉ sinh có hai người con. Nhân dân chúng ta rất tin tưởng bộ đội. Họ gửi gắm con đi bộ đội là muốn Quân đội rèn luyện con em mình thành người tốt, vừa phục vụ Tổ quốc, vừa là chỗ dựa của gia đình sau này. Tội phạm ma túy rất nguy hiểm và manh động. Lực lượng của chúng ta mạnh, với tội phạm này không sợ thiếu thời gian để tìm ra những phương án đánh tối ưu nhất, an toàn nhất. Vì vậy, phải hết sức cẩn trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo để bảo toàn tính mạng cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia đấu tranh các chuyên án, vụ án về ma túy”.
Lần khác, năm 2015, khi trả lời phỏng vấn cho loạt phim tài liệu “Những trang sử biên thùy”, Đại tướng Phùng Quang Thanh khiến chúng tôi rất bất ngờ khi cho biết ông vẫn thường xuyên đọc Báo Biên phòng. Ông nhấn mạnh: “Trong công tác chỉ đạo chung, tôi rất quan tâm đến mặt trận tư tưởng, trong đó có các cơ quan báo chí và văn học nghệ thuật của toàn quân. Tôi nhận thấy rằng, Báo Biên phòng đã rất nỗ lực trong việc xây dựng tờ báo của mình trở thành một kênh thông tin quan trọng trên khu vực biên giới. Các mặt công tác của BĐBP trên biên giới, biển đảo như bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, cứu hộ, cứu nạn, phòng chống tội phạm, giúp dân xóa đói giảm nghèo hay những tấm gương người tốt, việc tốt… được thể hiện sinh động qua từng trang báo, cung cấp cho độc giả những câu chuyện đầy ấn tượng và xúc động về hoạt động bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.
Người anh hùng trên mặt trận Đường 9 – Nam Lào ngày ấy, vị tướng gần gũi với anh em, yêu thương từng người lính như người thân của mình, vị Bộ trưởng giàu hiểu biết, chuộng hòa bình và luôn đau đáu tìm mọi biện pháp để duy trì hòa bình, ổn định, phát triển cho đất nước đã ra đi. Và với chúng tôi, ông luôn là một người anh hùng trọn vẹn vì nước, vì dân.
Theo QĐND