Lào không kể bom đạn của kẻ thù, lính Tình nguyện VN còn phải hứng chịu nhiều hiểm nguy của vùng “rừng thiêng nước độc” Ai Lao.
Chuyện người Chuyên gia ở Nam Lào bị Hổ vồ của cụ Nguyễn Văn Nghiệp (đăng ở Tập 8 KUNL); hay chuyện lũ cuốn, cây đổ và Voi rừng quật chết chiến sỹ ta ở Trung Lào của cụ Đào Văn Tiến; rồi chuyện Gấu rừng Xiêng Khoảng suýt tát chết người đồng đội của bác Hoàng Đạo c3, d7, e866 (sẽ đăng trong tập KUNL 2022). Còn rất nhiều những câu chuyện bi thương chưa được kể. Năm 2021 đầy biến động sắp qua, tôi đăng câu chuyện buồn của a Nguyễn Chí Mão (f968) vừa để chia sẻ với các CCB QTN, vừa cầu cho năm tới được bình an và tưởng nhớ những người đồng chí của chúng ta trong khi làm nhiệm vụ đã không may rơi vào hoàn cảnh hy hữu… Cầu chúc các anh được siêu thoát ! (TGN)
… Tiểu đoàn 3 tình nguyện thành lập ngày 6/4/1961 tại Xuân Bồ, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Lúc đầu, Tiểu đoàn 3 là tiểu đoàn độc lập, trực thuộc Quân khu 4; cuối năm 1963 đứng trong đội hình Sư đoàn 341 tham gia bảo vệ lũy thép Vĩnh Linh. Tháng 12/1965, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 điều Tiểu đoàn 3 tách khỏi đội hình Sư đoàn 341 hành quân sang Hạ Lào chiến đấu.
Rồi những ngày hành quân vất vả, ngày đi, đêm nghỉ, đói ăn, khát uống… cũng qua, đơn vị đã đến tỉnh Ắt Tạ Pư (Nam Lào). Lúc này đơn vị mang phiên hiệu K3 tình nguyện (nay là d4e19f968), trực thuộc Đoàn 565 Quân tình nguyện và Chuyên gia Quân sự VN tại Nam Lào.
Sau một thời gian nghỉ ngơi và chỉnh đốn lực lượng, Đoàn 565 giao cho K3TN tổ chức một trận đánh để gây tiếng vang và dằn mặt quân ngụy Lào ở tỉnh Ắt Tạ Pư.
Công tác điều nghiên đã xong, anh Thu B trưởng trinh sát báo cáo quy luật hoạt động của tiểu đoàn ngụy Lào với tiểu đoàn trưởng Luận. Sau đó, Ban chỉ huy tiểu đoàn và các đại đội trưởng lên phương án tác chiến. Kế hoạch là phục kích và đón lõng những nơi dự kiến địch sẽ tháo chạy. Một thời gian dài không có lực lượng vũ trang ta và bạn hoạt động ở khu vực Phăng Đeng, Mường Cầu nên địch rất chủ quan, cả tiểu đoàn hành quân chẳng có hàng lối gì cả. Khi địch lọt vào ổ phục kích của ta, tiểu đoàn trưởng Luận ra lệnh nổ súng. Bị đánh bất ngờ và không có phương án tác chiến, cả tiểu đoàn địch chường lưng ra chịu trận. Sau hơn một giờ chiến đấu, ta diệt và bắt sống hơn 340 tên, thu toàn bộ vũ khí của địch. Sau thắng lợi to lớn này, Tư lệnh Đoàn 565 gửi điện khen (lúc này K3TN là tiểu đoàn độc lập nên được trang bị máy thông tin 15w, làm việc trực tiếp với Bộ Tư lệnh Đoàn 565).
Sau khi tổ chức họp rút kinh nghiệm trận đánh, K3 được Bộ Tư lệnh Đoàn 565 điều sang hoạt động ở khu vực Xiphănđon, cụ thể là chuẩn bị một trận tấn công tiêu diệt đồn Pa Pô.
Tại đồn Pa Pô địch đóng ở quả đồi thấp thoải, xung quanh là một vùng đá ong phong hóa, cây cỏ không sống được nên địa hình rất trống trải.
Vào một ngày giữa mùa khô năm 1968, tổ trinh sát do anh Thu B trưởng và anh Khải, anh Phan đi điều nghiên đồn Pa Pô, cùng đi có C trưởng C4 và 3 người nữa đi địa hình để đặt trận địa cối 82 li và DKZ57 li. Vào khoảng hơn 3h sáng, khi tiếp cận hàng rào của đồn, một trinh sát sơ ý đã vướng vào dây quả pháo sáng làm nó phát nổ, ánh sáng chói lóa. Lộ rồi. Từ trong đồn địch bắn ra như vãi đạn, chúng liên tục phụt pháo sáng lên trời và tổ chức sục sạo xung quanh khu vực. Do địa hình trống trải, 3 anh em chỉ còn cách nhoài người xuống đầm Noọng Ping để ẩn nấp (“noọng ping” tiếng Lào là đầm đỉa ). Trên bờ đầm, địch đi lại rầm rập, hò hét và bắn loạn xạ. 3 người lính trinh sát nín thở ém mình dưới đầm, rồi bí mật lần theo bờ đầm rút dần ra xa… Trong đồn, địch vẫn bắn ra như mưa, tiếng cối 61li, 81li, DKZ57 nổ chát chúa. 3 chiến sĩ trinh sát bị bầy đỉa đói hành hạ, chúng bâu kín người mà không thể gỡ ra được, cả 3 anh em động viên nhau cố gắng thoát ra càng nhanh càng tốt. Đầm đỉa là một đầm lầy, vào mùa khô nước ít, bùn sền sệt nên di chuyển rất khó khăn, lúc này anh Khải đã quá yếu không thể tự trườn được nữa, anh Phan khoác 2 khẩu súng và dìu anh Khải trườn từng mét, rất khó khăn. Rồi anh Thu cũng nói: “Phan ơi tau mệt quá, không còn sức nữa, nhưng chúng mình cùng cố gắng nhé, chắc chắn anh em và đơn vị không bỏ mặc chúng mình đâu”. Anh em động viên nhau và tiếp tục trườn, lê lết từng mét một.
Ở hướng bộ phận đi tìm chỗ đặt hoả lực, khi nhìn thấy pháo sáng phụt lên và súng từ trong đồn Pa Pô bắn ra nhiều như thế thì biết là đã gặp sự cố chẳng lành. 4 anh em bên đó phán đoán vì cả khu vực rộng lớn trống trải, chắc chắn nếu anh nào còn sống sẽ trườn xuống đầm để thoát ra ngoài. Phán đoán như vậy nên các anh lần xuống phía đầm chờ đón.
Trời tảng sáng, địch rút vào đồn và không bắn ra nữa, trên bờ chỗ này có những bụi cây lúp xúp. Anh Phan còn khỏe nhất, cố kéo anh Khải và anh Thu lên bờ. Cả 3 anh em đỉa bâu lúc lỉu kín người, những con đã hút no tự nó rụng ra, máu trên người các anh loang lổ. Do bị mất máu quá nhiều, một lát sau anh Khải hi sinh, anh Thu cũng chỉ chống chọi thêm được vài mươi phút nữa rồi cũng ra đi. Khi anh Phan vừa ngất đi thì rất may bộ phận của anh Quá kịp tìm đến, thấy đỉa vẫn bâu kín thân thể 3 anh em trinh sát. Sau khi kiểm tra, các anh biết chắc anh Khải và anh Thu đã hi sinh, chỉ còn anh Phan đang thoi thóp thở. Mọi người tập trung gỡ đỉa cho anh Phan, rất khó khăn vì đỉa trơn nhớt, các anh phải xoa tay xuống đất lấy ma sát. Một hồi lâu mới gỡ hết đỉa cho anh Phan, nhưng máu vẫn chảy ra rất nhiều. Trong 4 anh em, có người biết một một thứ lá có thể cầm được máu, may thay ở rìa đầm có loại lá đó, thế là mọi người lấy lá vò nát rồi xoa lên người anh Phan. Một lát sau máu trong người anh Phan không chảy ra nữa, anh Phan dần dần tỉnh lại….
Cả vùng này toàn đá ong không thể đào được huyệt để chôn cất, anh em phải lấy đá xếp quanh thi hài hai người đồng đội hy sinh rồi thay nhau khiêng anh Phan và ba khẩu súng về báo cáo đơn vị.
Ban chỉ huy tiểu đoàn quyết định bằng mọi giá phải đưa được thi hài hai đồng đội về chôn cất. Ngay sáng hôm sau, một tổ trinh sát và một trung đội bộ binh lên đường đến chỗ chôn cất tạm hai đồng chí hi sinh. Tổ trinh sát đi trước, kiểm tra quanh khu vực thì thấy địch gài 3 quả lựu đạn và 3 quả mìn 81. Đêm hôm đó bộ phận đi làm công tác tử sĩ đã hoàn thành nhiệm vụ, đưa được thi thể 2 đồng chí Khải và Thu về an táng đúng nơi quy định. Sau đó K3TN nhận nhiệm vụ đến địa bàn mới, không đánh đồn Pa Pô ở khu vực Xiphănđon nữa. Theo người dân ở đây thì Noọng Ping là một đầm lầy, đã có một số lần trâu của dân bị sa xuống, không lên được là bị hàng ngàn con đỉa đói hút máu đến chết.
Nói về anh Lê Văn Phan người duy nhất sống sót trong vụ đỉa cắn ở Noọng Ping. Anh về đơn vị nghỉ ngơi hơn một tháng thì sức khỏe hồi phục, lại tiếp tục tham gia chiến đấu cùng đơn vị và nhiều lần bị thương. Sau khi Hiệp định Paris được kí kết, vì tuổi đã lớn, sức yếu nên tháng 4 năm 1973 anh được ra Bắc. là thương binh hạng 4/4, với thương tật 21%. Nay anh đang sinh sống ở quê nhà huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa (anh Khải cũng quê Thanh Hóa, còn anh Thu quê ở Quảng Bình).
Chuyện liệt sĩ hy sinh vì bị đỉa cắn xảy ra ở K3TN bên Lào năm ấy, thật là một chuyện hy hữu. Khi anh Phan phục viên về địa phương, kể chuyện may mắn sống sót sau vụ đó, nhưng chẳng có ai tin.
Những người lính chiến chúng ta đã trải qua muôn vàn khó khăn, gian khổ và sự hy sinh trên chiến trường thật muôn hình, vạn trạng. Chúng ta đã từng biết về những đồng đội bỏ mình dưới mũi tên, hòn đạn, vì sốt rét, vì đói khát, vì thú dữ, nước cuốn..v.v.. Hôm nay, chúng ta lại biết thêm một trường hợp hy sinh vô cùng hiếm có như vậy đó.