Không khí đón tết thật rộn ràng. Mặc cho trên trời máy bay địch gầm rú, chúng tôi, số còn lại ở hậu cứ thay nhau mổ lợn, giã giò, gói bánh, đi đánh cá… và đọc thư nhà.
Ấy là cuối năm 1972, đầu năm 1973, tiểu đoàn tôi tham gia chiến dịch 972 ở chiến trường Trung Lào. Bây giờ là đang là cao điểm của mùa khô, suốt dọc từ Na Cai qua Nhom Ma Lát xuống Ma Ha Xay, và dọc đường 12 bên chân các dãy lèn đá Na Du, Na Cốc dọc đường vào Thà Khẹt, suối to suối nhỏ khô khốc, lòng suối phơi ra những cồn cát sỏi rêu bám. Từ hậu cứ trong hang lèn Nặm Phít, cách đường 12 một quãng rừng không xa, tiểu đoàn liên tiếp thành lập chỉ huy sở nhẹ, tổ chức trận nghi binh nhằm kéo máy bay địch xuống đánh.
Địch chủ yếu dùng máy bay trinh sát OV10 và L19 liên tục thay phiên túc trực trên bầu trời những quãng đường gần Thà Khẹt. Phát hiện trận địa ta hoặc xe vận tải của chiến dịch mới nhào xuống bắn pháo khói đánh dấu mục tiêu rồi gọi T28 hoặc các loại F đến ném bom, đánh phá. Nắm được quy luật hoạt động của địch, tiểu đoàn tổ chức lập các kho giả. Và địch đã cắn câu, tiểu đoàn đã đánh hai trận đúng phương án dự kiến, bắn cháy một T28 trong trận bên chân lèn Na Cốc.
Bộ đội Việt Nam tại chiến trường Lào năm 1972. Ảnh tư liệu của Quang Hường |
Để áp sát mặt trận, hiệp đồng với bộ binh và pháo mặt đất tiến đánh Thà Khẹt, sau tết Dương lịch, hậu cứ tiểu đoàn dời vào Ma Ha Xay. Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, máy bay địch như dồn hết sang Lào. Ban đêm địch dùng C47, AC130 nã 40 li và 20 li dọc các tuyến đường và những nơi nghi có quân ta. Những dòng đạn 20 li như dòng lửa nối từ thân máy bay xuống mặt đất kéo dài không dứt. Vỏ đạn rơi lộp độp xuống mái tăng, vào thân cây nơi chúng tôi nằm rất nguy hiểm. Địch còn cho B52 rải thảm dọc chân lèn Na Đu, sát ngay Bộ Tư lệnh chiến dịch đóng, và chỉ huy sở tiểu đoàn nằm gần ngay dải bom, may không có thiệt hại lớn về người.
Lại nói đang cao điểm của mùa khô, gần bốn tháng trời chúng tôi thiếu rau xanh. Ăn tết Dương lịch, tiểu đoàn phải cho người mang một bì muối ngược tận một bản người Lào trên núi cao mới đổi được ít rau cải về muối dưa. Sau bữa có chút rau đó chúng tôi thay nhau lần xuống các lòng suối những mầm xanh li ti như bèo cám, cả buổi cũng chỉ một nhúm mà chúng tôi gọi là cải dại, không đặc bát canh. Nhưng cá thì nhiều vô kể. Ở hậu cứ Nặm Phít, cả vùng rừng cạn rút, cá dồn về đông đặc, nước cứ như sôi lên, chỉ việc ngồi trên gộp đá lấy mũ cối múc lấy. Còn ở đây, cạnh sông Se-băng-phai lúc này, bánh bộc phá nhỏ ném xuống, những con hai ba cân nổi trắng cả khúc sông.
Lập hậu cứ tại Ma Ha Xay, từ đây tiểu đoàn tiếp tục thành lập các chỉ huy sở nhẹ để tổ chức các trận phục kích đón lõng máy bay địch trên hướng vào Thà Khẹt, mục tiêu cuối cùng của chiến dịch. Tôi không biết lúc đó, dọc đường vào Thà Khẹt, các đơn vị bộ binh, pháo đất đã áp sát, cách mục tiêu không xa.
Tết đã đến gần, chỉ còn mấy ngày nữa mà thời tiết vẫn ong ong nắng. Lính chúng tôi, hễ rảnh rỗi ngồi với nhau đứa nào cũng nhắc đến Tết, kể chuyện Tết ở quê mình. Thế rồi một chút không khí của mùa Xuân cũng đến trên mầm cỏ để bãi trống quanh các trận địa cũng chuyển màu. Tinh mắt nhìn, các cành khộp khô khẳng cũng đã nhú mầm, rừng núi trở nên mơ màng sương khói. Và không khí Tết đã thực sự đến khi xe về Vinh sắm tết cũng đã sang. Vui chao ôi là vui, chúng tôi có thư nhà, người nhiều dăm bảy lá, ít nhất cũng hai lá. Còn hàng tết, nào lợn, nào nếp, nào bánh kẹo, rượu, lá dong, miến măng. Quân nhu Quân khu ưu tiên cho các đơn vị ngoài mặt trận nhiều hơn tiêu chuẩn. Và hàng tự mua là rau, nào su hào, cải bắp, súp lơ… Chúng tôi được nhận tiêu chuẩn tết người hai gói Tam Đảo, nửa gói chè và hai lạng kẹo Hải Châu.
Không khí đón tết thật rộn ràng. Mặc cho trên trời máy bay địch gầm rú, chúng tôi, số còn lại ở hậu cứ thay nhau mổ lợn, giã giò, gói bánh, đi đánh cá… và đọc thư nhà. Lính rỉ tai nhau, cho ăn tết sớm là sắp đánh nhau to đây.
Hai lăm tháng Chạp, hình như thế, chúng tôi được ăn Tết sớm. Cỗ tết tuy ăn sớm cũng có đủ các món truyền thống, nào canh miến, nào măng hầm, nào cá rán, và tất nhiên có cả cải bắp, su hào xào. Những món rau mà chúng tôi thèm thuồng suốt mấy tháng nay. Ngoài ra mỗi người còn được một chén rượu chanh Hà Nội thơm phưng phức.
Ngày hôm sau, để chuẩn bị lập chỉ huy sở mới, chúng tôi kiểm tra lại dây máy, lau chùi súng đạn, kiểm tra cuốc xẻng…
Được bổ sung ba cô dân công người Can Lộc vào phục vụ nhà bếp khiến không khí tiểu đoàn bộ như có luồng gió mới thổi tới. Tối đó hành quân vào Na Du, tất cả nhét trên chiếc Gats63, nào nồi niêu gạo muối, nào súng ống máy móc. Mấy cô dân công túm vào một góc trên thùng xe, mấy bố cơ quan hàng ngày ít lời mà lúc này bỗng trở nên sôi nổi. Ra khỏi hậu cứ, chạy độ ba mươi phút xe lượn một cung khá gấp giữa vạt rừng thưa, nơi có xác chiếc T28 bị bắn rơi từ lúc nào để theo hướng Tây Nam. Trời đêm buổi đầu hôm sáng nhờ nhờ. Tiếng máy bay lúc xa, lúc gần. Đường 12 vào Thà Khẹt đoạn này ép bên trái là dãy lèn đá đồ sộ kéo dài, và bên phải, quãng lèn đá, quãng rừng thưa.
Bộ đội Việt Nam trên đất nước Lào những năm chống Mỹ. Ảnh: TTXVN |
Xe bật đèn gầm chạy như chạy trong hầm tối. Trên xe nhắc nhau cẩn thận kẻo đầu va phải cây rừng và chú ý máy bay. Trên dãy lèn, một chiếc AC130 như tòa nhà hai tầng sáng trưng è è lượn vòng, chốc chốc lại phóng xuống đâu đó một tràng 20 li. Vệt đỏ lừ của dòng đạn nối từ thân máy bay xuống mặt đất căng như kẻ chỉ.
Quãng 11 giờ, xe dừng. Bộ phận nhà bếp cùng mấy bố cơ quan lỉnh kỉnh đồ đạc lẩn vào bên trái đường để vào hang lèn. Chúng tôi, trinh sát, thông tin mang súng đạn, dây máy xuống xe cũng nhanh chóng hòa vào rừng đêm tìm đến vị trí đã chọn…
Nhật ký chiến trường tôi viết:
“Ngày 1/2/1973: 4 giờ sáng mọi người thúc nhau dậy làm công tác chuẩn bị. Và cùng lúc bữa sáng đã được mang tới. Trong màn sương mù mịt, bóng hai cô dân công gánh cơm cứ lúc ẩn, lúc hiện giữa những lùm cây như thực như hư. Lát nữa thôi, lát nữa pháo sẽ bắn. Giữa chốn hiểm nguy, bom đạn thế này, nhìn họ sao mà thương… Mình không dám nghĩ tiếp nữa.
Tất cả giục nhau ăn. Ăn xong, hai cô dọn dẹp quảy gánh đi được một lúc, bất thình lình pháo đất phát hỏa.
Pháo 85 li nổ gần nghe to và rung chuyển như tiếng bom. Những quầng lửa nhóa lên đầu nòng những khẩu pháo như chớp giật. Mấy loạt cấp tập, tiếng bộ binh ô ô a a đang xung phong phía trước… Bắn thêm mấy loạt nữa rồi pháo chuyển làn… Trong máy thông tin, mình nghe tiếng hạ đạt gặp mệnh lệnh của thủ trưởng các đơn vị rất gấp gáp.
Gần 6 giờ, pháo gầm thêm vài loạt nữa rồi im bặt”.
Hai hôm sau, lính rỉ tai nhau trận đánh không đạt được mục tiêu do việc trinh sát không sâu sát, không nắm được tình hình địch và hiệp đồng giữa các lực lượng trục trặc. Cối 120 li đấm lưng bộ binh, xe tăng rơi xuống sông…
Nhật ký ngày 5/2/1973: “Có việc sang đại đội thông tin, Ngụ cùng quê báo tin Luyến đặc công hy sinh. Luyến em Xuyến bạn mình. Chiến dịch này 3 thằng Quỳnh Hậu tham gia thì đã mất một. Ngụ cho mình gói Tam Đảo tiêu chuẩn tết rồi ghé tai thì thầm, cao xạ được về trước… Về thì sang nhà báo bố mẹ tau với cho ông bà khỏi lo”.
Hai tháng sau, kết thúc chiến dịch, tiểu đoàn được lệnh rút về nước. Tôi được tranh thủ thăm nhà, về hôm trước, hôm sau mẹ Luyến tìm sang vừa sụt sịt khóc, vừa hỏi chuyện. Tôi kể lại điều Ngụ nói với bà, bởi không được tận mắt chứng kiến. Và tôi cũng sang nhà Ngụ báo tin cho gia đình.
Mới ngày nào… vậy mà đã trôi đi nửa thế kỷ. Không thể quên những ngày khói lửa, không thể quên cái tết ăn sớm ở chiến trường Lào năm 1972-1973.
Theo Baonghean