Thung lũng Long Cheng nhìn từ trên caoNgày 15-11-2016 có chuông điện thoại, tôi nhấc máy nghe. Đầu bên kia giọng một phụ nữ nhẹ nhàng.
– Thưa anh, em xin hỏi có phải anh là Đoàn Phú Vân ạ !
– Đúng tôi Vân đây!
…Tôi chăm chú lắng nghe cô Hải Mùi, em gái người của đồng đội tôi đã hy sinh trong một trận đánh tại Long Chẹng rạng sáng 9/1/1972. Cô ấy nói trong sự xúc động và đượm buồn. Hải Mùi cho biết, hiện anh Vi Đức Cường cùng anh Lữ Đình Phúc đang ở Loong Chẹng, hơn tuần nay gia đình cùng các anh ấy đã lên cao điểm 1433 tìm nơi mai táng anh Chiến và anh Đá, nhưng vẫn chưa tìm thấy. Hải Mùi đặt vấn đề: Em được biết anh có tham gia trận đánh cùng với anh trai em, đợt tới em mời anh đi với gia đình em sang tìm anh Đá và anh Chiến.
Tác giả Đoàn Phú Vân (bên phải) nhân chứng trận đanha 1433 đêm 8, rạng 9/1/1972 cùng ông Phu Vông Bí thư, Trưởng bản Long Chẹng ngày nay (cựu sỹ quan của Vàng Pao) trên đường đi tìm Liệt sĩ hy sinh trên cao điểm 1433
Tôi đã nhận lời, và kết nối thêm hai người. Anh Phạm Hồng Phú hiện ở Đồng Nait rước đây là Chính trị viên phó đại đội c24, là người trực tiếp niệm và chôn cất liệt sĩ Hoàng Văn Đá và Nguyễn Văn Chiến. Anh Nguyễn Thế Nhiệm cùng tổ tập kích cao điểm hôm đó, các anh đều nhận lời tham gia.
Đúng một tháng sau, ngày 15 tháng 12 năm 2016, gia đình Hải Mùi cùng 3 chúng tôi đi xe 7 chỗ chạy thẳng sang thị xã Phôn Xa Vẳn – Xiêng Khoảng, Lào.
Kể từ lúc nhận lời, rồi suốt trên đường hành quân sang Xiêng Khoảng, tâm trí tôi luôn hình dung ra không biết bao nhiêu câu hỏi. Chiến tranh đã qua mấy chục năm rồi. Sau trận đánh sinh tử đêm 8 dạng sáng 9/1/1972 ở 1433, các đồng đội tôi ngã xuống ngày đó giờ còn gì không, rừng hoang mênh mông liệu có tìm được các anh ấy không; Xiêng Khoảng; Cánh Đồng Chum giờ ra sao. Long Chẹng “thủ phủ” của tướng phỉ Vàng Pao nay thế nào. Rất nhiều câu hỏi đặt ra…
Trưa hôm sau xe tới Xiêng Khoảng, chúng tôi được Đội Tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sỹ Quân tình nguyện hy sinh ở Lào thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An, do trung tá Phạm Xuân Tám chính trị viện của đội đón. Để đảm bảo kế hoạch, ngay buổi chiều anh Tám quyết định đi luôn vào Long Chẹng. Đường đi vẫn hiểm trở như xưa, tuy đi trên đường ô tô chứ không phải luồn rừng chạy bộ như hồi trước. Xe leo những con dốc cao, băng qua ngầm những con suối, có lúc chênh vênh trên những sườn núi chỉ xơ xểnh là có thể rơi xuống vực. Anh Tám cho biết, con đường này địch rừng (Phỉ) vẫn lén lút gây rối, cách đây 6 tháng chúng gài mìn làm một em học sinh bị thiệt mạng….
Đội quy tập đi xe riêng, bộ đội ở ngồi thùng xe có bị vũ khí, sẵn sàng chiến đấu. Anh Tám cũng điện báo cho các trạm chốt của bộ đội bạn nhờ tuần tra đảm bảo an ninh. Khi xe tới đỉnh Phu Lũng Mạt, giáp Phu Mộc thì dừng lại cho chúng tôi ngắm nhìn Sảm Thông và Long Chẹng . Trời trong xanh nhìn thật thích mắt, xung quanh là những dãy núi bao bọc cao vút, núi trọc lên trời đủ các hình thù, mây mù có lúc bao phủ dày đặc, lúc ít thì thấy những ngọn núi nhô lên trên biển mây trắng trông thật kỳ vĩ. Xe qua Sẩm Thông là những dãy đồi thấp thoai thoải chủ yếu là xuống dốc, thi thoảng gặp những mái nhà của dân và chốt quân đội ở hai bên đường chúng tôi vẫy tay chào, họ vẫy tay chào lại. Long Chẹng hiện ra trước mắt, trông giống như một bức tranh đẹp khó tưởng mà thiên nhiên ban tặng.
Ký ức cách đây gần nửa thế kỷ lại hiện về… Long Chẹng (còn có tên: Long Tiêng) là căn cứ quân sự bí mật của Mỹ trên đất Lào, là hang ổ của tướng phỉ Vàng Pao. Mỹ (CIA) đã chọn nơi này để tổ chức chống phá cách mạng Lào và Việt Nam. Long Chẹng có diện tích hơn 4km2, là một bản nhỏ của người Mông sinh sống. CIA đã đổ tiền xây dựng thành một căn cứ độc nhất vô nhị tại Lào. Phía Đông Bắc Long Chẹng là Phu Mộc còn gọi là dãy núi chân trời, đây là tuyến phòng thủ Vàng Pao, nhằm ngăn chặn những cuộc tấn công của Liên quân Việt Lào vào trung tâm.
Cuối chiều, chúng tôi đã có mặt tại thung lũng Long Chẹng. Dấu tích chiến trường vẫn còn có khá nhiều điểm mà mấy chục năm trước đứng trên 1433 nhìn xuống khá rõ. Đường sân bay, khu nhà Vàng Pao và cố vấn Mỹ ở cao 2 tầng xây bằng đá nguyên khối, trên mái nhà có chỗ cho máy bay riêng của Vàng Pao lên xuống khi đi thị sát chiến trường. Trong nhà có hệ thống hầm ngầm. Những lô cốt có nhiều lỗ bắn, bố trí thành nhiều tầng, nhiều lớp vây quanh. Căn cứ này có trên dưới 15 tiểu đoàn lính người Mẹo, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ vừa được trực thăng bốc đi tham chiến trên các mặt trận Xiêng Khoảng và những vùng phụ cận.
CCB Phạm Minh Giám là 1 trong 3 người tập kích cao điểm 1433 đêm 8, rạng 9/1/1972 – Trở lại Long Chẹng tìm kiếm 2 đồng đội hy sinh (3/2017)
Một địa điểm còn in đậm trong trái tim những người lính trận Đại đội đặc công 24 (c24, Trung đoàn 866), đó là Cao điểm1433 trên dãy núi đá Long Chẹng. Địch luôn coi đây là “Vùng đất thánh bất khả xâm phạm”. Đêm 8 dạng sáng 9/1/1072, một tổ đặc công của c24 đã bí mật bất ngờ tập kích và làm chủ trận địa. Nhưng rất không may, 2 trong 3 đặc công đã hy sinh tại chỗ, duy chỉ còn anh Phạm Minh Giám, tuy đã bị thương nhưng vẫn quyết tâm chiến đấu đến cùng… Ngay mai chúng tôi sẽ lên đó để tìm hai anh Chiến và Đá.
Cơm tối xong, anh Tám rủ tôi và anh Phú đến thăm ông trưởng bản. Trên đường đi anh Tám nói sơ qua về ông trưởng bản kiêm bí thư chi bộ bản Long Chẹng. Tên ông là Phu Vông Vông Khăm Phiềng , ông sinh ra và lớn lên tại bản Long Chẹng, huyện Long Chẹng (Xiêng Khoảng cũ), nay thuộc tỉnh Xây Sổm Bun. Ông vào Đảng Nhân dân cách mạng Lào năm 1996, từ đó cho đến nay luôn làm trưởng bản hoặc phó bản. Hiện ông giữ chức bí thư Chi bộ kiêm phó trưởng bản. Ông là người luôn được dân bản quý trọng, họ coi ông là thủ lĩnh của bản, nhiều người có việc lớn hay nhỏ đều nhờ cậy ông giúp đỡ. Trên giao ông nhiệm vụ gì, ông đều tận tâm, tận lực, gương mẫu thực hiện hiệu quả và được dân bản yêu mến. Bản Long Chẹng nơi trung tâm chính trị, văn hóa của huyện. Địa bàn này vốn nổi tiếng nhiều thập kỷ là vùng “Bất ổn”. Nhưng có ông góp sức, công tác an ninh của bản được giữ vững là đơn vị tin cậy của huyện.
Anh Tám nói, ngày mai ông sẽ đưa gia đình và các cựu đặc công c24 lên đỉnh cao 1433 để tìm liệt sĩ. Ông là người hiểu từng gốc cây, con suối của thung lũng này, có ông dẫn đường thì độ an toàn cao.
Thượng tá Phan Tám CTV Đội TKQT HCLS thuộc BCH QS Tỉnh Nghệ An (phía sau) kế trên là ông Phu Vông (Cựu SQ Lực lượng đặc biệt của tướng phỉ Vàng Pao) la Bí thư chi bộ bản Long Chẹng ngày nay
Chúng tôi tới một căn nhà năm gian, vách gỗ, mái lợp tranh. Đón chúng tôi là một người đàn ông nhỏ nhắn dáng thấp, nhưng nhanh nhẹn, trạc tuổi gần 70. Anh Tám nói với ông bằng tiếng địa phương. Ông niềm nở chào hỏi và bắt tay từng người. Chiếu được trải ra sàn nhà, ông mời chúng tôi những chén nước vàng óng, mùi thơm và vị ngọt của nó lan tỏa trong miệng. Loại nước này đưa tôi trở về ký ức cách đây 45 năm trước. Những ngày mà sau những trận đánh rút về hậu cứ, treo cái ăng gô nước, bỏ vài lát “Sâm rừng”, nổi lửa lên… mùi thơm có nó làm ta quên hết mệt nhọc… Anh Tám giới thiệu từng người. Khi biết chúng tôi là người đã từng chốt giữ trên cao điểm 1433. Ông bắt tay tôi lần nữa, ánh mắt nhìn đầy mến phục. Ông bảo, lúc các ông đánh chiếm được cao điểm 1433 cũng là lúc Phu Mộc đang giao tranh ác liệt. Lính Long Chẹng đã mất tinh thần, Vàng Pao đã tính đường chuồn, dân tình một số đã đi sơ tán và rất hoang mang, Long Chẹng lúc đó rất ồn ào và lo sợ. Tôi lúc ấy cũng trong tâm trạng đó. Và Tôi là người bản địa vẫn không hiểu sao, cao điểm 1433 dốc cao, vực thẳm, không có đường lên, lại có nhiều vật cản xung quanh. Tất cả các phương tiện đảm bảo cho tác chiến, từ con người, trang bị vũ khí, hậu cần đều do máy bay trực thăng của Vàng Pao làm. Vậy mà các ông chân đất vẫn đánh được… Tôi tranh thủ lúc ông Phu Vông ngừng lời kể tóm tắt trước, trong và sau trận đánh đó. Chúng tôi chỉ dùng có 3 người, nhưng 2 hy sinh, còn một người vẫn đánh và làm chủ – vì chúng tôi là “bộ đội Cụ Hồ”. Anh Tám dịch xong, ánh mắt ông ngời sáng đầy thán phục. Ông lại giơ tay bắt tay 2 anh em CCB c24 và ôm chặt từng người một cách thân thiện.
Tôi ngước nhìn lên trước mặt, trên tường có treo rất nhiều Huân Huy Chương các loại, phần nhiều là chữ Lào. Nổi rõ là khung “Huy chương hữu nghị” do Chủ tich nước CHXHCN-Việt Nam Trương Tấn Sang ký tặng, vì có công lao giúp bộ đội Việt Nam quy tập hài cốt liệt sĩ năm 2012. Chiếc thứ 2 do Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Hồ Đức Phốc tặng năm 2011. Chúng tôi đứng cả dậy bắt tay ông và chúc mừng, ông xúc động và vui chảy cả nước mắt. Ông nghẹn ngào thốt ra một câu ông nói bằng tiếng Việt: Lúc còn trẻ, tôi đã có lỗi lầm nghe theo Vàng Pao. May nhờ có Cách mạng Lào và các bạn Việt Nam giải phóng đất nước mà tôi được đổi đời. Các đảng viên Cách mạng Lào đã không định kiến với tôi, bà con dân bản tin yêu, tôi đã mang hết tâm sức của mình ra làm việc mong chuộc lại lỗi lầm… Tôi được tham gia dân quân bảo vệ, rồi làm cán bộ bản. Tôi đã tích cực và tận tình giúp đội quy tập tìm hài cốt liệt sĩ. Bất kể khi nào bộ đội Việt yêu cầu đi, hoặc tôi biết nơi nào có bộ đội Việt hy sinh tôi chủ động báo và dẫn đường để các anh đi tìm kiếm đưa về Việt Nam.
Sáng hôm sau đoàn chúng tôi xuất phát, Đội quy tập có 12 người, 2 đ/c đặc công của Lào đi cùng để bảo vệ. Trưởng bản Phu Vông và đồng chí Khưn Xa Vẳn chỉ huy trưởng dân quân huyện Long Chẹng cùng 5 dân quân mang theo thực phẩm, nước giúp đoàn. Đi đầu là Phu Vông, ông cũng mặc bộ quần áo xanh như anh em trong đội quy tập, bên sườn lúc nào cũng có 1 con dao cắm trong bao, dùng phát cây, đánh dấu đường. Tuy nhiều tuổi nhưng ông vẫn nhanh nhẹn bước đi thoăn thoắt, mấy dân quân trẻ còn thua xa. Tôi thấy mấy cậu lính lúc nào cũng gọi ông bằng “Bố” rất thân mật. Anh Tám nói, ông là một ngọn đuốc soi đường đi trong thung lũng Long Chẹng này, có ông cùng đi đội quy tập ai cũng yên tâm. Không sợ vấp mìn, lạc đường hoặc lo “Địch rừng” phục. Ông đã dẫn đội quy tập đi tìm liệt sỹ đến vài chục lần rồi, lần nào cũng an toàn và đạt kết quả. Một giờ chiều mới đến nơi tập kết. Tổ trưởng giở bản đồ để xem đường đi. Ông Phu Vông cũng xem bản đồ, ông chỉ chỉ, trỏ trỏ nói tiếng Lào, lúc thì tiếng Việt đề xuất ý kiến. Anh Tám lắng nghe rồi quyết định, lên tận đỉnh điểm cao 1433 để xác định xem có đúng là mỏm 1 không vì không có đường mòn lên chỉ có vách dựng đứng, cao vút. Ông Phu Vông dẫn đầu đi vòng quanh cao điểm theo hình xoáy chôn ốc, có chỗ phải dùng thang dây để leo. Cuối cùng cũng lên được tới đỉnh. Ông Phu Vông gom cây cỏ khô cho một mồi lửa đề triệt tiêu vật liệu nổ còn vương lại, lửa cháy đùng đùng kèm theo những tiếng nổ của mìn, lựu đạn còn sót. Mãi tối mịt mới về khu tập kết,Tôi thấy trên vai ông Phu Vông có một bọc buộc qua vai, hỏi ra mới biết: ông nhặt một số vật dụng như, ống pháo sáng, bi đông nước US. Ai cũng mệt nhoài ăn vội bữa cơm, rồi đốt lửa sưởi ấm. Đêm rừng Long Chẹng mùa khô rét thấu sương, riêng tôi đêm đó ho nhiều, ngủ chập chờn cảm giác như thức trắng. Anh Phạm Hồng Phú nhớ lại, vẽ sơ đồ mộ trí chôn cất 2 liệt sĩ, nhưng tìm mãi không ra. Sau này đợt 3 đi tìm mới thấy 2 liệt sĩ, xem lại sơ đồ của anh vẽ là rất đúng, nhưng chỉ sai về cự ly. Sau 7 ngày đi, mấy lần lên rừng nhưng cuối cùng vẫn chưa tìm được vì sau 45 năm, bương, tre và cây cối khác mọc bạt ngàn che lấp địa hình sơ khai ngày ấy.
Thung lũng Long Cheng nhìn từ trên cao
Tối ngày 22-12-2016 được dự buổi liên hoan Kỷ niệm thành lập QĐNDVN do Đội quy tập tổ chức. Đến dự có các đại biểu của huyện, bộ đội Lào đóng quân trên địa bàn, Công an và dân bản tới dự, khoảng hơn 200 người, cơm xong thì tổ chức liên hoan văn nghệ. Ông Phu Vông thật đa tài, hát cũng hay, múa lăm vông thật dẻo, tay chân kết hợp nhịp nhàng. Lời phát biểu của ông mang đậm tình người, ông nói: Dân bản chúng tôi có được ngày hôm nay là nhờ cách mạng Lào và những người bạn Việt Nam đã hi sinh xương máu để góp phần giải phóng đất nước này…
Ngày 15 tháng 3 năm 2017 gia đình cô Hải Mùi lại tiếp tục tổ chức đi đợt 3. Đợt nay có anh Phạm Minh Giám là người còn lại duy nhất của trận đánh năm đó tham gia đi tìm. Được tin đoàn đến, ông Phu Vông đã ra đón ngay tại nơi tập kết của đội quy tập. Biết anh Giám là người một mình làm chủ trận đánh, ông đến bắt tay rồi ôm chầm lấy và xúc động… Sáng hôm sau cả đoàn lại tiếp tục lên đường. Như hai lần trước, ông Phu Vông vẫn xăm xắn dẫn đầu đội hình, vừa đi vừa quan sát phát hiện vật liệu nổ do địch gài, những dấu hiểu khả nghi cần trao đổi ông điều báo cho anh Tám biết. Bóng ông thoăn thoát tiến về trước, lúc leo dốc, lúc trèo qua những vách đá dựng đứng, vừa đi vừa chặt cây đánh dấu khu vực nguy hiểm rồi vòng tránh… Cả đoàn tìm mãi, tìm mãi. Nơi con thú không thể ở, con chim không đậu nổi ở chốn rừng hoang núi đá lạnh lẽo. Tưởng chừng như tìm kim đáy biển… Nhưng rồi tận mãi đến trưa hôm sau, anh Giám nhận ra chỗ hòn đá nhọn (khi anh diệt xong 1433, anh mò xuống tìm đơn vị thì gặp tôi, áo quần anh đầy máu). Nhận ra “dấu vết”, anh Giám vội kêu lên: Đây rồi, chỗ này là chỗ tôi ôm anh Vân đây… và nói để anh em lên lấy tử sỹ về mai táng. Ngay lập tức, cả đoàn tỏa ra xung quanh và đã tìm được hài cốt hai anh Chiến và Đá…. Ông Phu Vông đã có kinh nghiệm nhiều lần đi tìm liệt sĩ. Ông chủ động xin trưởng đoàn và cô Mùi được trực tiếp sắp xếp xương cốt, gói buộc cẩn thận giúp gia đình và đồng đội c24.
Trong 3 đợt đi tìm liệt sĩ trên cao điểm 1433, thì có 7 lần lên núi. Cả 7 lần đều có mặt ông Phu Vông. Chúng tôi cảm thấy rất vui và ấm lòng vì có một người Lào như ông, ông làm việc một các tự nguyện theo cách riêng ông ấy, của những người bạn Lào biết tri ân và hành động nhân nghĩa. Ngày tiễn đưa các anh về nước, ông đã huy động dân bản từ bé đến lớn ra đường, ai cũng có lá cờ Việt, cờ Lào trên tay, họ xếp thành một hàng dài để tiễn biệt các anh trở về đất Việt. Họ cầu chúc cho những linh hồn người Việt tuy không còn ở lại với dân bản, nhưng hy vọng liệt sỹ sẽ chở che cho dân bản của họ dược bình yên và no đủ.
Qua các đợt tìm kiếm hài cốt liệt sỹ, được được tiếp xúc với lãnh đạo chính quyền địa phương, bộ đội bạn, được anh em trong Đội quy tập trao đổi, được giao lưu chuyện trò trực tiếp với ông Phu Vông. Chúng tôi hiểu biết thêm về ông. Thời đất nước còn chiến tranh, lúc mới 12 tuổi ông đã được Vàng Pao tuyển chọn cho về Viên Chăn học (giống như thiếu sinh quân của ta). Ra trường ông rất giỏi về tiếng Anh và Pháp, hơn nữa lại có trình độ học vấn về quân sự, về kỹ năng tác chiến rừng núi. Trở về Lọng Chẹng ông được Vàng Pao trọng dụng, đi đâu cần giao tiếp gì với cố vấn Mỹ là có mặt ông. Những chuyện lớn, nhỏ trong nội bộ, ông cũng biết nên đồng nghiệp của ông rất nể. Ông vừa làm thông ngôn và là sỹ quan trợ chiến cho trung tâm chỉ huy Vàng Pao…
Anh hùng LLVTND Phạm Minh Giám làm lễ trước giờ tìm kiếm 2 đồng đội Chiến và Đá đã dũng cảm chiến đấu hy sinh trên cao điẻm 1433 rạng sáng 9/1/1972. (Long Chẹng 3/2017)
Đời thường ông cũng nhiều nhân duyên, hiện ông đang ở với bà vợ đầu tại Long Chẹng, Bà nhiều tuổi nhưng giữ được những nét đẹp của thiếu nữ H’Mông. Mét mặt bà phúc hậu, xinh xắn ưa nhìn. Ông thường bảo: bà ấy xinh nhất bản nên tôi mới lấy. Bà sinh cho ông được 5 người con (4 trai, 1 gái). Hai người con đang ở bộ đội Pha Thét Lào (có cậu học trường Sỹ quan LQ I ở Việt Nam đã về nước), hai con làm giáo viên và một người làm doanh nghiệp. Tôi hỏi thăm ông: Thời trai trẻ ông có mấy bà. Ông bảo: hồi đó tôi đẹp trai lại có chức vụ, có tiền nên tôi đi đâu cũng được gái bản thích… Ông giơ 6 ngón tay lên cười hóm hỉnh, tôi còn có thêm 17 đứa tất cả. Có đứa ở Xiêng Khoảng, ở Viên Chăn, Luông Pra Bang. Thi thoảng tôi vẫn đến thăm các bà. Các con của các bà ấy giờ đều thành đạt cả, có đứa ở Đức, ở Mỹ. Ở Lào người giàu thường có nhiều bò, trâu thì rất dễ lấy vợ. Từ khi tôi trở thành Đảng viên thì tôi không lấy thêm bà vợ nào nữa. Hiện nay tôi cũng có 120 con bò đang thả tự do chân núi 1433 ngay đường mình lên núi tìm liệt sĩ.
Từ năm 1996 ông Phu Vông được chính quyền huyện Long Chẹng giới thiệu, tăng cường cho đội quy tập tỉnh Nghệ An (Đội 1 chịu trách nhiệm tìm kiếm liệt sĩ tại thung lũng Long Chẹng và các điểm phụ cận). Những lần đi tìm kiếm ông luôn là người dẫn đường, tham gia ý kiến. Những sơ đồ liệt sĩ của các đơn vị chiến đấu được bàn giao cho đội quy tập ở chân núi Phu Mộc, Phu Pha Xay, Phu Nha Thầu, chân 1433, chân núi Vua, CầuSắt. Ông nghiên cứu bản đồ và sơ đồ mộ trí, rồi tham gia ý kiến và tìm đường ngắn nhất, dễ đi nhất, đảm bảo an toàn nhất. Không khi nào đội bị vấp mìn, bị địch phục kích, nên anh em trẻ trong đội đã suy tôn là “bố già” – “Bố” đã đi là yên tâm, là chiến thắng trở về. Ông còn hướng dẫn tìm cây có nước để uống, làm thang dây để leo lên vách núi . Trong quá trình đi, có lúc ông còn trêu đùa các chiến sĩ trẻ, ông nằm sấp trườn qua bụi cây để anh em phía sau nằm theo, cây vướng vào mặt, mãi mới chui ra được, hoặc đang đi ông kêu lên: có mìn, ông nằm xuống, tất cả đều nằm xuống răm rắp. Anh Tám lên kiểm tra thì thấy ống pháo sáng, ông đứng dậy cười vui vẻ, lại còn nháy mắt nữa chứ. Ông bảo, đùa tý cho đỡ mệt.
Đọc qua bản thành tích của đội quy tập sau 35 năm tìm hài cốt liệt sĩ tại 3 tỉnh ở Lào đó là Xiêng Khoảng, Xây Sổm Bun và Viên Chăn. Trải qua bao khó khăn gian khổ, hy sinh. Đội quy tập được sự giúp đỡ của nhân dân và chính quyền các cấp. Quy tập được 12.000 bộ hài cốt, trong đó 1.600 bộ hài cốt có tên và quê quán. Tất cả được đưa về các nghĩa trang Anh Sơn, Đô Lương, Nghi Lộc và một số địa phương trên cả nước. Năm 1997 đoàn quy tập nghệ an được phong tặng danh hiệu AHLLVT thời kì đổi mới. Được tặng thưởng 3huân chương gồm hạng Nhất, Nhì và Ba. Trong đó có công đóng góp của ông Phu Vông. Ông đã trực tiếp tham gia cùng đội tìm được hơn 500 bộ hài cốt. Ông thực sự là một công dân mẫu mực của Long Chẹng góp phần thắt chặt tình đoàn kêt hữu nghị đặc biệt Việt – Lào.
Tạm biệt Long Chẹng, hình ảnh Long Chẹng đổi mới đang lấp đầy những khoảng chống chơi vơi xưa. Bóng các cháu học sinh mặc đồng phục, áo trắng quần xanh trông thật đẹp mắt, các cháu gái tay cầm ô vừa đi vừa nói chuyện ríu rít, các cháu trai tung tăng chạy nhảy trên đường về nhà khi buổi học vừa tan. Xe chúng dời khu nhà “Vàng Pao” nay là trụ sở Đội quy tập, rồi lướt qua các cửa hàng tư nhân bán tạp hóa đủ các loại, cái gì cũng có. Cửa hàng cô Hương quê Nghệ An đã sang đây từ rất sớm, lúc nào cũng tập nập người ra vào mua hàng, ai cũng thân thiện niềm nở bởi cô chủ duyên dáng và vui tính. Một số của hàng và quán ăn tuy thưa thớt nhưng tối tối bên ánh đèn điện lung linh, tiếng cụng ly chúc tụng nhau vào những ngày nghỉ cuối tuần ấm áp…
Nhưng ấn tượng nhất trong chúng tôi, vẫn là hình ảnh ông Phu Vông. Tạm biệt Long Chẹng chúng tôi luôn nhắc tới nơi này, bởi ở đó có những trận chiến ác liệt nhiều người không trở về. Nhưng cũng ở nơi này còn có những người luôn biết tri ân và làm những điều nhân nghĩa, trong đó có ông Phu Vông !
Hà Nội, ngày 22/12/2021
Trung tá Đoàn Phú Vân và Thượng tá Phạm Xuân Tám