Khi còn là Phân đội trưởng của Đại đội 3, Tiểu đoàn 20 thuộc BTL Đặc công, một hôm tôi đi trinh sát và nghỉ lại một bản phía đông thị trấn Pắc Soòng (cao nguyên Bôlôven), thì tình cờ gặp một đoàn cán bộ, nhân viên cơ quan Quân khu Đông của Bạn cũng đang dừng chân tại đó. Trong đoàn có mấy “noọng” rất xinh, đều trạc tuổi đôi mươi, da dẻ trắng hồng, tươi rói, đúng là mặt hoa, da phấn. Tôi và mấy lính trinh sát tiểu đoàn muốn bắt chuyện cho vui nhưng không biết làm cách nào tiếp cận, vì Bạn ở một góc bản tách biệt. Thế rồi thời cơ đến. Sau khi ăn cơm trưa xong, đang ngồi uống nước trên nhà sàn thì tôi thấy 3 em tay ôm quần áo, tay xách bầu nậm đi ra suối.
– Có tên nào thích đi xem con gái Lào tắm không? – Hỏi rồi tôi chỉ về hướng mấy em đang đi. Hai lính kia không chờ hỏi thêm, nhổm dậy xách súng giục đi ngay. Tôi nhắc một người xách súng, một người vác ống bương, còn mình cầm quần áo, khăn mặt cho cả bọn. Đã biết con gái Lào tắm rất nhanh nên cả mấy tên đi như ma đuổi, thế mà ra đến nơi thì các em đã tắm xong, đang gội đầu và giặt quần áo. Mục đích là đi tán nên cũng chả ai tiếc, vả lại có ra nhanh cũng chẳng được gì vì “kín như gái Lào tắm”. Chào hỏi nhau xong, việc ai người ấy làm. Rồi tôi xui một lính đến gần xin xà phòng thơm để giặt khăn mặt, lấy cớ làm quen.
– “Au lốt”! – Nghe bộ đội hỏi xin, cô gái đang vò quần áo ngửng đầu, chỉ tay vào bánh xà phòng. Lính trinh sát lạ gì mấy cái từ xin xỏ đó, nhưng hắn làm bộ nấn ná để tán. Thấy vậy tôi bảo:
– Cô ấy bảo cậu ăn L… đấy! – Mấy lính cười ré lên.
– Không phải đâu – Một cô trông có vẻ là nhóm trưởng đang cúi gội đầu, ngẩng ngay lên và nói một tràng tiếng Việt chuẩn Hà Nội – Tiếng Lào “au lốt” là “lấy đi”. Đồng chí vừa rồi nói là tiếng xấu đấy.
Bị bất ngờ, tôi ớ người trong giây lát rồi hỏi:
– Em biết tiếng Việt à, biết nhiều không?
– Em biết nhiều, hai bạn này biết ít hơn. Em học bổ túc hết cấp II rồi học y sĩ ở Việt Nam, hai bạn này học y tá. – Thế rồi như rồng gặp mưa, được một bữa ngắm, nói chuyện thỏa thích với mấy cô gái đẹp. Các em cũng rất cởi mở, có lẽ đã có những kỷ niệm đẹp khi còn học ở Việt Nam nên nói chuyện với “tà hán Việt” (bộ đội Việt) cũng rất sôi nổi, tình tứ…
Sẩm tối, vừa đi hội ý về, đang chuẩn bị sang nhà bên ăn cơm thì tôi nghe tiếng gọi khe khẽ dưới sân: Anh ơi, anh xuống đây em bảo. Nhìn xuống thì thấy em y sĩ đang ngước lên.
– Có gì đấy em? – Lúc trưa đã hỏi đi, nói lại tên cho nhau nghe cả chục lần, thế mà lúc này tôi lại quên mất tên cô gái. Vừa hỏi tôi vừa chạy xuống như bay theo cái cầu thang làm bằng một cây gỗ chặt khấc.
– Tối nay chúng em đi rồi, nhưng bí mật, em sang chào anh. Quê em ở Khăm Muộn, em đã ghi địa chỉ trong giấy, khi nào hòa bình anh đến nhà em nhé – Vừa nói cô vừa dúi vào tay tôi hai bánh xà phòng thơm và một mảnh giấy gấp nhỏ. Tôi xúc động, nghẹn lời, không nói ra được một câu cảm ơn đến đầu đến đũa với cô gái.
Người bạn gái quê Khăm Muộn ơi, chỉ mới biết nhau thoáng qua trên đường ra trận, thế mà em đã dành cho anh tình cảm tốt lành quá. Mãi mãi anh vẫn nhớ hình ảnh em ngày nào, cầu mong em hạnh phúc.
Một lần khác, khi đã là Đại đội phó, tôi cùng với một tổ trinh sát mặt trận đi chuẩn bị đường để dẫn cán bộ vào trinh sát cứ điểm địch ở Keng Nhao (Nam Lào). Cả nhóm vào một bản nằm ở vùng tranh chấp khi tắt mặt trời. Phò bản, một người đàn ông thấp đậm, khỏe khoắn, chừng trên sáu mươi, cho biết buổi chiều có một toán lính Lào từ cứ điểm Keng Nhao ra hỏi han tình hình và mua gà. Khi mấy anh em đang ngồi trên một nhà sàn chuẩn bị ăn cơm tối cùng Phò bản, thì phía dưới có tiếng gọi nho nhỏ vọng lên và Phò bản nói lại gì đó. Ngay sau đó, một cô gái trẻ đẹp, ăn mặc áo váy sang trọng theo cầu thang leo lên, rồi quỳ xuống sàn. Tiếp đến cũng là một phụ nữ nhưng già hơn, người này hai tay bê một vật dụng đan bằng tre hình tròn to gần bằng miệng nón, na ná như cái mẹt của Việt Nam, phía trên để một cái đĩa có đựng cục gì đó trông không rõ lắm. Cô gái quỳ đỡ lấy cái “mẹt”, rồi đội lên đầu, hai tay giữ chặt hai bên và bắt đầu chuyển động hai đầu gối, nhích từng tí một về phía tôi và Phò bản đang ngồi.
– Lễ rồi anh ơi – Tổ trưởng trinh sát tên Nhung người Hà Tĩnh ngồi bên cạnh, nói khẽ với Thanh.
– Là sao? – Tôi hỏi, tâm trạng có chút hoang mang – Nhung quay người nói gì đó với Phò bản rồi giải thích với tôi, đây là một phong tục của dân tộc ở đây, khi gặp nhau lần đầu mà chủ kính trọng khách thì Phò bản sẽ làm lễ chào hỏi, kết thân. Cách làm lễ là đặt một cái đầu khỉ đã làm lông sạch sẽ, luộc chín vào một cái đĩa, bên cạnh có một nhúm muối trắng, cái đĩa đặt lên một cái “mẹt”; chọn cô gái chưa chồng trong bản quỳ đội cái “mẹt” trao cho Phò bản. Phò bản quỳ nhận cái đĩa có đầu khỉ rồi trao cho khách.
– Thế khách làm gì? – Tôi sốt ruột và bắt đầu thấy hoảng.
– Khách đỡ cái đĩa, nói lời cảm ơn rồi hạ xuống trước mặt, một tay cầm đĩa, một tay cầm cái đầu khỉ chấm vào muối, cắn ăn một miếng rồi đặt trở lại vào đĩa và đặt lên cái “mẹt” trên đầu cô gái. – Nhung vừa giải thích xong thì ông Phò bản xoay người về phía tôi, chuẩn bị quỳ đón đĩa đầu khỉ vì cô gái đã dịch đến gần.
– Nhưng tôi sợ lắm, không ăn được, nôn mất – Tôi khiếp thật sự.
– Anh quỳ hướng mặt về Phò bản, cứ đưa hai tay đỡ lấy cái đĩa có đầu khỉ, nói câu cảm ơn rồi mọi chuyện để tôi lo tiếp, anh không phải ăn đâu mà sợ. – Trinh sát Nhung nói vậy rồi quay qua nói gì đó với Phò bản và cũng chuyển sang quỳ chếch phía sau tôi.
– “Khọp chay Phò bản lai lai” (cảm ơn Phò bản nhiều lắm). Theo lời Nhung, tôi quỳ nhận chiếc đĩa có cái đầu khỉ do Phò bản hai tay trao cho, nói câu cảm ơn bằng tiếng Lào, và chờ đợi. Tiếp lời tôi, Nhung nói mấy câu tiếng Lào. Chẳng biết anh ta nói gì mà Phò bản gật đầu lia lịa, cúi gập người trước mặt tôi và nói “khọp chay, khọp chay” không ngớt.
– Anh đưa cái đĩa cho Phò bản đi. – Nhung nhắc nhỏ, tôi làm theo, Phò bản đỡ chiếc đĩa, nhón chiếc đầu khỉ chấm vào muối và cắn một miếng trông rất ngon lành, nghiêm trang. Tôi phải vội ghé nhìn qua chỗ khác khi thấy hàm răng của Phò bản và hàm răng của đầu khỉ ghé sát vào nhau.
Mấy ngày sau trên đường trở về, Nhung giải thích thêm: Đây là nghi lễ nhận bạn của một bộ tộc người Lào, được tiến hành khi chủ quý trọng khách. Nhung cũng chỉ mới nghe nói vậy, đây là lần đầu anh được thấy tận mắt.
– Tại sao họ lại quý trọng mình?
– Ông Phò bản nói đây là lần đầu tiên có “phạ nắc ngan nhầy” (cán bộ to) người Việt đến bản.
Ra là thế, vì đi qua địa hình phức tạp và có trinh sát dẫn nên để gọn nhẹ, tôi đã đeo khẩu súng ngắn P38 mà không đem súng tiểu liên như những lần khác. Thời chiến tranh, hễ thấy ai đeo súng ngắn thì người dân Lào cho rằng đó là cán bộ to và rất nể trọng. Là nói vậy thôi, chứ nếu dân không yêu quý thì làm gì lại có chuyện tiếp đón kiểu khách quý, bạn thân như vậy. Thực sự những lần đi tìm đường, nắm địch cùng lính trinh sát mặt trận cả ở Thượng Lào và Hạ Lào, tôi học được rất nhiều, “khôn” lên, nhờ đó đã không ít lần thoát được cái chết chỉ trong gang tấc. Tất nhiên còn phải có cả sự may mắn, “dày phúc” nữa.
Thêm một kỷ niệm khó quên về công tác dân vận, tình quân dân ở Hạ Lào. Cuối năm 1971, khi đang trú quân ở vùng ven thị xã Xalavan, đơn vị muốn đón Tết nguyên đán tươm tươm tí chút sau một năm khốc liệt, nhưng rất khó khăn vì hoàn toàn hưởng phân phối theo định lượng từ trên cấp (có tiền Lào nhưng chỉ để mua ăn thường xuyên). Ban chỉ huy đại đội bàn mãi nhưng thấy bí rì vì tiền chẳng có thì mua sắm cái gì, chả nhẽ đi xin dân. Xin thì sao? Tôi mạnh dạn đề nghị các anh trong chỉ huy ủng hộ phương án đi nhờ dân giúp và được chấp thuận, đồng thời giao cho tôi thực hiện. Không nhớ là theo gợi ý của ai nhưng tôi đã làm đơn và đưa lên Tàxẻng (chính quyền xã của Bạn), đại ý nói bộ đội chuẩn bị “hết Bun Việt” (làm Tết Việt), muốn nhân dân giúp cho một ít thực phẩm, thứ gì cũng được, chủ yếu là các loại rau và cho đánh một ít cá trên sông. Cán bộ Tà xẻng biết một ít tiếng Việt, rất ủng hộ đã ghi gì đó bằng chữ Lào vào lá đơn và đóng dấu đàng hoàng, rồi bảo Thanh:
– Cầm cái giấy này đi gặp các Phò bản, muốn xin nhiều thì đi nhiều, Phò bản nói thì dân sẽ cho, ai cho gì cũng lấy; chuyện đánh cá thì muốn đánh ở đâu phải gặp Phò bản nơi đó.
Được lời như cởi tấm lòng, mấy ngày liên tục, tôi dẫn thêm quản lý, văn thư đại đội và mấy người giỏi tiếng Lào đi các bản để xin thực phẩm về “hết Bun” (làm Tết). Các Phò bản cầm lá đơn viết cả tiếng Việt, tiếng Lào, có dấu Tàxẻng, không biết có đọc được không nhưng rất sốt sắng ủng hộ. Thông thường đến mỗi bản sau khi nói chuyện với Phò bản chừng nửa tiếng thì dân nếu có gì cho sẽ đem đến. Dân cho đủ thứ, người cho mấy nải chuối, người quả bí đỏ, người cho đu đủ xanh, có người cho con gà giò hay mấy miếng thịt khô treo gác bếp. Khi tôi hỏi một Phò bản muốn được đánh cá bằng bộc phá thì lúc đầu ông im lặng, sau đó đồng ý và nói sẽ chỉ chỗ đánh. Hôm đánh bộc phá vớt được chừng hơn 20kg cá, đơn vị đã chia đôi, gửi lại bản một nửa. Lúc đầu họ không nhận, anh em phải nói đây là “sạ mắc khi” (tình đoàn kết) thì Phò bản mới nhận và chia cho dân. Khi thực phẩm chuẩn bị đã ổn, Ban chỉ huy đại đội quyết định là bữa chiều 30 Tết sẽ mời Phò bản và mỗi nhà một người (nơi bản đại đội đặt bếp nuôi quân) đến ăn tết cùng đơn vị… Sự việc diễn ra đã không theo như “kịch bản”. Đến giờ ăn, quân ta đứng trước sân đón khách. Phò bản đi đầu, tiếp theo là tất cả mọi thành viên trong bản, ai đi được là đi hết. Chào hỏi xong, thành một hàng dài, Phò bản dẫn trước, mọi người tiến về nơi bày hơn chục mâm cỗ trên mấy dãy bàn tre. Tất cả anh em, từ cán đến binh đều quá bất ngờ, chưa biết sắp xếp thế nào thì Phò bản đi vòng lần lượt qua các mâm, nhón mỗi thứ một tý cho vào miệng, vừa ăn ngon lành vừa khen “kin xẹp, xẹp lai” (ăn ngon, ngon lắm). Đoàn người cứ rồng rắn phía sau Phò bản, bắt chước làm theo những gì Phò bản làm. Chừng khoảng 30 phút sau, mọi người ra khỏi nơi bày mâm cỗ, nét mặt vui tươi, hồ hởi và miệng liên tục nói: “Khọp chay tà hán Việt lai lai, kin xẹp, muôn lai” (Cảm ơn bộ đội Việt nhiều lắm, ăn ngon, vui lắm).
Đây là phong tục của dân, tại quân ta không biết, dân vận mà không hiểu dân thì còn biết trách ai. Thực sự thì bà con cũng chả ăn nhiều, cũng chỉ hết chừng hơn nửa số mâm cỗ bày ra, có điều oái oăm là tất cả mọi thứ đều bị bốc ăn dở dang, đành phải dồn lại, hâm nóng, chia mâm lại. Anh em bị bất ngờ vì được chứng kiến một chuyện lạ, rồi đâu lại vào đó, vui như tết, vui hơn tết.
Những câu chuyện về dân vận trên đất Lào thật gần gũi, dung dị nhưng mãi mãi là kỷ niệm đẹp đối với tôi mỗi khi nhớ về năm tháng chiến đấu, công tác trên đất Lào.
Nguyễn Thanh Sơn