Trong lòng tôi không khi nào quên lời thề năm xưa, quyết định bước vào cuộc hành trình gian khổ đi tìm hài cốt đồng đội.
Khi cuộc chiến tranh chống Mĩ vào giai đoạn quyết liệt, tháng 10 – 1963 tôi cùng 3 người bạn xung phong vào bộ đội, bổ sung vào Tiểu đoàn 2 tình nguyện Việt Nam sang giúp cách mạng Lào. Bốn người cùng một xã Hiệp Nông, Hưng Hà, Thái Bình, có một kỉ niệm rất thú vị mà nay vẫn còn hiển hiện. Đó là lúc trước khi sang Lào, 4 người mua 4 cây dừa giống ở xứ Thanh mang về quê, đến từng nhà trồng cho nhau, với niềm hi vọng “khi nào dừa ra quả thì bốn người sẽ trở về quê hương”.
Đến đất bạn Lào tháng 4 – 1964, trước khi bước vào cuộc chiến đấu, bốn anh em đã thề: “Nếu ai còn sống thì cố gắng mai táng và ghi nhớ địa điểm phần mộ của người hi sinh, để khi có điều kiện thì mang hài cốt về quê hương, ai sống sót sau chiến tranh thì phải về thăm gia đình của nhau và làm thay bổn phận của người hi sinh”. Bốn anh em đồng hương cũng rụng dần. Ngày 16/8/1966 là Trần Bồi, tiếp đến ngày 27/4/1967, Phạm Đình Đề hi sinh ở Hạ Lào, còn Nguyễn Phú cũng đã qua đời vi căn bệnh hiểm nghèo sau khi xuất ngũ. Thế là bốn anh em mất ba còn một. Trong lòng tôi không khi nào quên lời thề năm xưa, quyết định bước vào cuộc hành trình gian khổ đi tìm hài cốt đồng đội.
Trước lúc lên đường đi tìm đồng đội, tôi phải tìm hiểu hài cốt Phạm Đình Đề và Trần Bồi đã được đưa về nước chưa. Tháng 2/2002, tôi cùng với người em trai Phạm Đình Đề là Phạm Đình San lên đường, coi như là đi “tiền trạm”. Mặc dù lúc này tôi đã ở tuổi 60, nhưng vẫn dong duổi với chiếc xe máy, vượt đoạn đường 250km vào Quân khu 4. Được biết danh sách liệt sĩ quân tình nguyện ở Lào giao cho 6 đoàn: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế đi quy tập. Như thế chỉ còn cách đến sáu tỉnh trên tìm trong danh sách và tìm ở các nghĩa trang liệt sĩ, chưa thể lường hết phức tạp và khó khăn đến nhường nào.
Tôi bàn với San gửi xe mây lại công an Phường Trung Đô, thành phố Vinh, lên xe ca vào Huế rồi ra Quảng Trị tìm danh sách, nhưng không thấy. Đến nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Đường 9 tìm từng dãy một ở Thái Bình vẫn không có. Từ Quảng Trị chúng tôi quay ra Bộ Tư lệnh Quân khu 4 (TP. Vinh) báo cáo muốn sang chiến trường xưa, nơi cách đây 40 năm tôi đã chôn cất đồng đội của mình. Đồng chí Tư lệnh hỏi: “Xa thế, mấy mươi năm rồi, liệu đồng chí có quyết tâm đi không?”. Tôi phát biểu:“ Chúng tôi đã từng đi bộ sang chiến trường giúp bạn, nay tìm đồng đội, xa thế chứ xa nữa tôi cũng đi”. Không quản khó khăn và công việc dở dang ở nhà, trước khi đi, tôi chỉ nói với người mẹ già đã trên 80 tuổi: “Con đi có công việc”. Nhưng bằng linh cảm người mẹ, bà đã đoán ra: “Có phải con đi tìm hài cốt anh Đề, anh Bồi không?”.
Tôi đành thú thực và mẹ tôi cũng giữ kín trong lòng. Hành trang của chuyến đi chỉ có 2 triệu đồng, một chiếc túi xách nhỏ. Đến biên giới nước bạn đổi lấy 1,8 triệu tiền kíp. Tôi quyết định đi theo đường Xuyên Á, đường 9. Tới thị xã Savanakhet trời gần tối, lại quyết định đi tiếp về Pác Xê, đến 3 giờ sáng mới đến nơỉ. Ngày hôm sau, lên xe đi về thị xã Salavan, nơi chiến trường xưa, ngày nay đã trở thành một thị xã sầm uất đông vui, nhưng trong lòng tôi vẫn còn canh cánh muốn đến ngay nơi trận mạc năm xưa.
Tôi đến gặp Uỷ ban Nhân dân tỉnh Salavan báo cáo và xin phép được tiến hành tìm mộ liệt sĩ tình nguyện năm xưa. Tuy 20 năm tiếng Lào đã quên, nhưng những việc như vậy tôi nói năng có vẻ trôi chảy. Bạn nghe trình bày đồng cảm với tình đồng đội không quản xa xôi lặn lội sang đây, bạn nói: “Chúng tôi có trách nhiệm giúp đỡ anh em”.
Tranh thủ trước khi đến nơi tìm hài cốt của Đề, tôi mượn xe máy xuống bản Noọng Kè thăm gia đình chị Hôm, người chị đã nuôi Đề và tôi trong những ngày đơn vị hết lương thực, phải phân tán nhờ dân. Chị Hôm giờ đã ngoài 70 tuổi, bị liệt không đi lại được. Thon Thavon, con gái đầu lòng của chị lúc bấy giờ còn bé, nay đã hơn 40 tuổi. Chào hỏi xã giao xong, tôi hỏi chị còn nhớ thằng Thong Văn không? (Thong Văn là tên Lào của tôi lúc tôi ở đây). Chị Hôm nói nhớ. Chị còn hỏi mày ở đâu về, còn một đứa nữa sao không thấy? Tôi trả lời: Nó hi sinh rồi, nay em từ Việt Nam sang tìm hài cốt của nó đây.
Niềm vui ngày gặp lại thật khó quên. Hôm sau, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, tôi xuống bản Ổn Nhầy tìm hài cốt của Đê. Bản Ổn Nhẩy sau 40 năm, địa hình địa vật đã thay đổi quá nhiều. Việc đầu tiên là xác định nơi đóng quân và nơi Đề hi sinh. Cạnh ngôi chùa có cây mít to bây giờ vẫn còn, từ đây nhớ lại con đường độc đạo xe bò kéo để đưa Đề đi chôn cất. Lúc đó là 8 giờ tối, nhưng tôi vẫn nhớ từ chỗ Đề hi sinh chỉ đi 10 phút là tới một bìa rừng.
Trong khi chôn cất bạn, nghe phía đông có tiếng nước suối chảy, tiếng gà gáy và cảm giác vị trí Đề nằm là giữa hai bản. Hồi đó trong hoàn cảnh chiến tranh, cũng như hầu hết đồng đội khác, thi thể liệt sĩ được gói trong một cái bạt Sao vàng, sau đó bọc một lượt tăng bên ngoài. Hố chôn chỉ sâu 60 – 70 phân và không đắp nấm cao vì sợ địch phát hiện. Tôi đề nghị phát quang một vạt đất rộng khoảng chục mét vuông, phát hiện có một chỗ đất hình lòng chảo lõm xuống 20 cm. Chúng tôi quyết định đào sâu xuống vùng đất trũng, khoảng 60 phân vẫn chưa tìm thấy, đào tiếp 20 phân nữa, mọi người kêu lên.
Đây rồi có lớp mủn cao su, dấu vết của tăng bạt, rồi cẩn thận khoét từng nắm đất để phát hiện từng mảnh xương. Ngày thứ nhất chưa xong, ngày thứ hai tìm kiếm thêm xương ống chân, ống tay, bươi nhặt kì hết. Khi không thấy còn mẩu nào nữa, tôi cùng mọi người làm thủ tục tâm linh rồi xếp hài cốt Đề vào va li. Sau đó Uỷ ban Nhân dân bạn tổ chức lễ truy điệu theo đúng nghi lễ. Những ngày sau, tôi cùng với San sang bản Xoóng Hoỏng tìm hài cốt liệt sĩ Trần Bồi.
Trong trận này, có 3 liệt sĩ chôn một chỗ, đó là Nguyễn Xuân Sang ở xóm 1, Dân Lí, Nông Cống, Thanh Hoá; trung sĩ Chu Phàn quê ở Hà Bắc và một liệt sĩ nữa. Lãnh đạo địa phương và dân bản cho biết, năm 1999 có một đoàn đi tìm hài cốt ở Quảng Nam – Đà Nẵng (Quân khu 5) do trung tá Hoàng phụ trách đã bốc mộ và đem về Việt rồi. Tôi hỏi kĩ việc bốc mộ xương còn tốt không? Họ nói: Còn tốt, trong đó có một người bị vỡ sọ, một người 2 ống chân bị lỗ chỗ đạn, một người xương tay trái, sườn trái bị gãy. Tôi nhớ người thứ ba là Trần Bồi, hồi đó tôi được biết Trần Bồi bị thương tay trái. Nghe xong tôi thở phào nhẹ nhõm, như vậy các đồng đội của tôi đã được nhân dân bạn giữ gìn và quân đội ta đã đưa về nước chu đáo. Trước lúc chia tay với bạn Lào, tôi còn gửi lại ba thông tin. Đó là 11 liệt sĩ hi sinh năm 1966 tại bản Xê Min, 21 liệt sĩ hi sinh năm 1967 ở bản Noọng Chùa và 1 liệt sĩ hiện đang ở dưới 80m nước trong lòng hồ thuỷ điện Xê Xết. Trong 21 liệt sĩ ở Noọng Chùa có đồng chí Thuyên, Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2, chúng tôi không biết đã có đoàn nào quy tụ về chưa.
Trở về nước cảm thấy nhẹ nhõm. Tuy đường xa nhưng xe bon bon trên đường 23, đường 13, đường 9. Tôi và San giữ chiếc va li hài cốt liệt sĩ Đề mong cho mau về đến quê nhà Thái bình. Vào lúc nửa đêm, về đến gia đình liệt sĩ Đề trong sự chờ đợi của gia đình và cán bộ, nhân dân địa phương. Lễ truy điệu và an táng liệt sĩ Đề được tổ chức trang nghiêm theo nghi lễ của Quân đội. Tôi cầu nguyện cho linh hồn liệt sĩ Đề và liệt sĩ Bồi được siêu thoát để hai liệt sĩ có dịp gặp nhau ở cõi vĩnh hằng. Gia đình giờ đây yên tâm hương khói, thăm nom phần mộ con mình trên đất quê hương.
Cuộc hành trình về chiến trường xưa, đường đất thì không xa, nhưng vòng đi vòng lại hết tỉnh này đến tỉnh khác, lúc ô tô, xe máy, lúc đi bộ… có lẽ cũng đến 8.000 km. Đạt được nguyện vọng, giữ được lời hứa thiêng liêng 40 năm trước với đồng đội, tôi bỗng thấy cuộc đời có ý nghĩa biết bao.
Trần Phùng