Hà Nội, ngày 9/12/2018
Hơn năm mươi năm đã trôi qua, lứa chúng tôi đã là những người già, đi gần hết chặng đường của mình. Mỗi người một hoàn cảnh: vui, buồn, thuận lợi, may mắn, trắc trở… khác nhau nhưng hàng năm vẫn nhớ đến nhau, cố gắng gặp gỡ, thăm hỏi, chuyện trò… Đặc biệt chúng tôi không bao giờ quên cái ngày cùng nhau lên đường nhập ngũ 15-10-1964. Ngày cách đấy không lâu, 5 tháng 8 năm 1964, xảy ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ, mở đầu cho cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc VN của không quân, hải quân Mỹ.
Cách đây không lâu, vào dịp kỷ niệm ngày Chiến thắng Mường Hàm (19-2-1965) – ngày Trung đoàn 213 phòng không Quân khu III đã có trận chiến ác liệt, đáng nhớ tại bản Mường Hàm, tỉnh Hủa Phăn (Sầm Nưa) Lào. Anh em đồng ngũ chúng tôi cùng hẹn nhau đến thăm đồng chí Chính uỷ Trung đoàn cũ. Năm 2018 đồng chí đã ở tuổi 90, những lời thăm hỏi chân tình, những mẩu chuyện không quên về một thời gian khổ, về đất nước Lào, lại không thể không nhắc về trận “Tao ngộ chiến”. Với tôi, kỷ niệm về trận chiến còn in đậm, in sâu.
Vào chập tối ngày 18-2-1965, Trung đoàn từ cao điểm Bản Pao (Mốc Lốc, bắc Sầm Nưa) nhận lệnh hành quân về nước làm nhiệm vụ mới. Đoàn xe pháo kéo dài vài trăm mét hành quân trong đêm. Rừng già âm u, đêm khuya sương giá, bóng tối mênh mông. Xe pháo nối đuôi nhau gầm gừ một cách khó nhọc trên những cung đường chênh vênh trong ánh đèn gầm. Trưa 19-2-1965, đội hình Trung đoàn tạm dừng trên một đoạn đường gần bản Mường Hàm, còn gọi là Mường Hiềm, con đường đi về phía biên giới Lào – Việt qua cửa khẩu Na Mèo.
Toàn cảnh vùng thung lũng Mường Hàm ngày nay
Các đơn vị từ Ban chỉ huy Trung đoàn đến các đơn vị pháo gồm 3 đại đội pháo 37,5 ly, 1 đại đội pháo 14,5 ly 2 nòng… và các đơn vị hậu cần… được sắp xếp vị trí đóng quân, nghỉ ngơi – ăn trưa và chờ lệnh hành quân tiếp theo.
Con đường hoang vu, vắng vẻ, hai bên đường là rừng già, cây cao vút, rậm rạp, dày như một bức tường thành màu xanh kéo dài bất tận. Sâu vào hai bên đường là dốc thấp rồi cao dần lên. Chỉ huy sở Trung đoàn đặt sát lề đường, liền đó là xe pháo của đại đội 48 súng máy cao xạ 14,5 ly 2 nòng và một xe thiết giáp AM của Quân giải phóng Nhân dân Lào.
Không khí yên tĩnh đến đáng ngờ, nhưng từ chiến sĩ đến chỉ huy đều háo hức bởi ngày về lại quê hương sau những tháng ngày dài nằm trên đất bạn và nóng lòng muốn về bảo vệ Cầu Hàm Rồng (theo nhận định của chỉ huy Trung đoàn thì Hàm Rồng là vị trí mà không quân Mỹ đã nhằm tới từ lâu chắc chắn sẽ là mục tiêu vô cùng quan trọng đối với chúng ).
Bỗng nhiên, từ phía xa khu vực đóng quân, nghe có tiếng máy bay địch, tiếng động cơ ban đầu còn nhỏ, rồi to dần, rõ dần… đến mức anh em chỉ huy và chiến sĩ đều chắc chắn là tiếng phản lực. Bộ phận trinh sát với ống nhòm, máy đo xa không thể thao tác bởi rừng già ven đường che khuất tầm nhìn. Trong chớp mắt, những chiếc phản lực Mỹ đã gầm réo sát ngọn cây, ngay trên đầu đội hình của chúng tôi. Lúc này, ngay mắt thường cũng đã nhìn rõ là máy bay không quân Mỹ, dòng chữ US AIR FORCE (Không lực Hoa Kỳ) còn đọc được, thậm chí còn thấy rõ khoang lái hình bọt nước của chiếc F101 và mũ của tên giặc lái, động cơ gầm rú nhức tai. Ban chỉ huy trung đoàn hội ý chớp nhoáng ra lệnh sẵn sàng chiến đấu. Các đơn vị lập tức chuyển trạng thái, cắt pháo, rời xe, pháo thủ vào vị trí… trong điều kiện hết sức bất lợi về địa hình, xạ giới, đội hình và trận địa.
Ngay sau đó, hàng loạt Rốc két phóng xuống, tiếng nổ choang choang, chát chúa, khói lửa mù mịt, cây cối bị phạt cành, mất ngọn, gẫy đổ ngổn ngang. Nhưng dù ở thế bị động, lại thất thế về địa hình, chúng tôi cũng không hề nằm im chịu trận. Từ các trận địa tạm: khe suối, mép đường, vách ta luy dương, sườn đồi…pháo ta đồng loạt nhả đạn. Các khẩu đội tận dụng mọi hướng có thể nhìn thấy máy bay địch bổ nhào để nổ súng. Những luồng đạn đỏ lừ bay ra từ nòng của gần ba chục khẩu 37 ly, 14 ly 5 đan chéo nhau như một lưới lửa trên nền trời xanh ngắt mùa khô điểm những đốm khói trắng như bông nõn của đạn37ly tự hủy.
Ngay từ phút đầu, đã có máy bay địch bốc cháy, lửa, khói trùm lên thân, có chiếc bị trúng đạn cố nâng độ cao để hy vọng thoát thân. Chắc địch cũng bất ngờ khi gặp phải hoả lực mạnh, sức chống trả quyết liệt của Trung đoàn với ba đại đội pháo 37 ly, thêm một đại đội pháo 14,5 ly hai nòng cùng xe thiết giáp của bộ đội Pathét Lào có trang bị pháo 12,7 ly. Chúng đổi chiến thuật, tấn công bằng bom bi. Hàng trăm bom bi đã gây cho chúng tôi những thiệt hại rất nặng nề khi xe, pháo đều lộ thiên trên mặt đường không có công sự. Ở điểm chỉ huy, Tham mưu trưởng Lê Đức Khuê bị thương vào mặt, một tay cầm khăn bịt vết thương, máu thấm đỏ khăn vẫn bình tĩnh chỉ huy đơn vị.
Nhiều người bị thương nặng vào đầu, bụng, ngực, được tôi và anh em cảnh vệ đặt lên cáng và khiêng đến chỗ tạm coi là an toàn. Có anh da mặt tái nhợt, giọng đã thều thào, ngắt quãng nhưng vẫn cố nói:
– Tôi chưa phải là đảng viên, nhưng tôi đã chiến đấu như một người cộng sản trước quân thù !
Rồi ngất đi. Sau này, tôi được biết anh ấy nhập ngũ tháng 2-1964, là đối tượng chuẩn bị kết nạp Đảng, vì đang bận tham gia chiến đấu trên chiến trường nước bạn nên đơn vị chưa cử được người đi thẩm tra lý lịch.
Cuộc chiến đấu diễn ra kéo dài từ 12h30 đến tận 14h30 mới kết thúc. Trung đoàn đã đánh trả 4 đợt tập kích vào đội hình. Từng đợt giãn cách khoảng 10-15 phút. Công việc rất khẩn trương, pháo vừa chiến đấu, có khẩu còn phải sửa chữa, các đại đội còn phải vận chuyển đạn để dự trữ lo trận đánh còn kéo dài.
Thương vong trong trận Mường Hàm là tương đối nặng nhưng có nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm, hy sinh anh dũng ngay trên mâm pháo như liệt sĩ Trần Quang Mậu, Vũ Nam Chinh. Còn phải kể đến khẩu đội trưởng Bùi Xuân Thu, đang chỉ huy chiến đấu, số 3 bị thương anh nhanh chóng đưa đồng đội xuống và nhảy ngay vào vị trí số 3 vừa chỉ huy khẩu đội vừa lấy hướng bay chính xác. Xạ thủ số 4 của đại đội 14,5 ly Hoàng Ngọc Chương chỉ còn lại một mình, vẫn thay đồng đội ở nhiều vị trí khác, chiến đấu cho đến khi súng hỏng. Sau này, Hoàng Ngọc Chương được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang.
Sau trận đánh, nhân dân địa phương gần trận địa không hề run sợ, họ đã tự động kéo đến giúp bộ đội Việt thu dọn chiến trường và tham gia cứu chữa thương binh. Các đơn vị tiến hành khẩn trương thu dọn chiến trường, giải quyết hậu quả xong sau một hai ngày.
Một phần thị trấn Mường Hàm hôm nay
Cũng trong thời gian ấy, Ban chỉ huy Trung đoàn giao nhiệm vụ đi tìm xác máy bay địch bị chúng tôi bắn rơi cho đội cảnh vệ chúng tôi. Tôi được phân công cùng đi với một đồng chí cán bộ bộ đội Pathet Lào tên là Pua Son, đại đội phó phòng không. Còn một đồng chí nữa tên Peng Khun là Chính trị viên phó. Hai đồng chí được cử đi cùng Trung đoàn 213 để học tập kinh nghiệm chiến đấu.
Pua Son còn trẻ, khoẻ mạnh, đẹp trai với nước da nâu, mịn, gương mặt tươi, tiếng nói ấm và vang. Chúng tôi lên đường cùng nhau sáng 20-2, đường đi qua rất nhiều dốc, lội vài con suối, khá mệt. Giữa trưa thì đến một bản, gặp dân, Pua Son vui vẻ nói chuyện với họ. Chắc hẳn là giới thiệu tôi và về nhiệm vụ của chúng tôi. Người dân bản rất niềm nở. Liền sau đó, nhiều người dân đến gặp chúng tôi, những nụ cười tươi, những cái bắt tay chân tình, những ánh nhìn mừng rỡ thật dễ mến. Bản của họ đơn sơ, các căn nhà đều nằm thấp hơn mặt đất chừng hai mét để tránh máy bay địch bắn phá. Bản cũ trước đó đã bị máy bay ném bom tan hoang. Dân bản đã tiếp tôi và Pua Son một bữa trưa đơn giản mà vị ngon đến giờ tôi còn nhớ. Chỉ là xôi nếp lấy ra từ đồ đựng gọi là “tip” hương xôi thật thơm và mềm tựa như xôi ở quê nhà được thổi, hay đồ lên bằng nếp cái hoa vàng. Xôi chấm mắm, vị thơm, cay mà đậm đà. Rau cải xanh nõn ăn sống, càng ăn càng thấy vị ngọt lạ lùng. Thấy tôi rất thích thứ cải này, Pua Son bèn giải thích: “Cải ngon và ngọt là vì người ta trồng gần nương thuốc phiện”. Tôi nghĩ, giá đem nấu canh hẳn là món ăn rất tuyệt.
Trong khi chúng tôi ăn. Có một vài bà mẹ Lào cũng đến, Pua Son cất tiếng chào, họ vui vẻ chào lại và nói gì đó, Pua Son nói lại cho tôi: “Các mẹ mời ăn thêm món này”. Thì ra là món cá khô và rau má muối, Pua Son cảm ơn, đồng thời tự giác kiêm luôn nhiệm vụ phiên dịch. Các bà nói: “Bộ đội Việt đánh Mỹ gian khổ quá, tài giỏi quá. Các mẹ Lào nghèo chỉ có món ăn, có một chút mời bộ đội ăn thôi”. Tôi thật sự xúc động trước tình thương giản dị của các bà mẹ Lào… Người trong bản đến mỗi lúc một nhiều, trên mặt họ lộ rõ sự vui mừng, họ nói chuyện với chúng tôi, Pua Son dịch cho tôi : “Dân bản vui lắm, sướng lắm vì được thấy bộ đội Việt-Lào đánh to, thấy nhiều “nhôn A mê li ca” (máy bay Mỹ) bị bắn cháy… Có những em gái mới lớn, xinh đẹp bẽn lẽn nép bên mẹ ngắm nhìn chúng tôi. Chợt Pua Son đập vào tay rôi và chỉ về phía góc nhà. Tôi ngỡ ngàng khi thấy một thiếu nữ gương mặt tròn tươi tắn và nụ cười duyên dáng. Pua Son có lẽ đã quen với cô ấy vì họ không có vẻ gì là mới gặp lần đầu. Sau đấy, anh cho tôi biết: “Em tên Thơng sắp đi học ở Việt Nam đấy”. Tôi không thể nghĩ rằng ở vùng rừng già, núi thẳm xa xôi này lại có người xinh đẹp đến như thế. Đôi mắt em đen và sáng, mái tóc thật dài, óng ả, da mịn, trắng hồng, vóc dáng nở nang thật hoàn hảo.
Chia tay dân bản, trước khi đi, Pua Son không quên hỏi những người dân về việc họ thấy máy bay rơi về hướng nào !? Nhiều người cho biết họ tận mắt thấy máy bay bốc cháy, liệng tròng trành rồi rơi về phía sau dãy núi trước mặt. Nhưng họ cũng nói đường đi đến đấy rất khó, phải đi lâu mới qua được.
Tôi hiểu, việc này còn khó khăn, không thể hy vọng xong trong ngày một, ngày hai. Bởi lẽ, rừng núi ở đây mênh mông trùng điệp, tìm một cái máy bay rơi chốn này không khác gì tìm một cây kim trong đống rơm.
Nhưng rồi về sau tôi mới biết tin vui khi báo Quân đội nhân dân số ra ngày 20-2-1965 đăng tin: “…Ngày 19-2-1965 tại Mường Hàm, quân và dân Lào đã bắn rơi và bị thương 11 máy bay Mỹ”.
Bộ Tư lệnh Quân khu III đã cử một phân đội công binh sang thu nhặt xác máy bay về để tổ chức triển lãm cho nhân dân Lào xem. Nửa tháng sau, phân đội công binh đã lần tìm đến được vị trí rơi của chiếc F100D. Chiếc máy bay được xác định là của Trung tá Ron Ka, từng hai lần anh hùng Không quân Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên. Có thể đây là chiếc F100D đầu tiên bổ nhào xuống phía đại đội 2, giặc lái đã chết cùng với máy bay, vẫn còn lại chút xương cốt và giấy tờ: căn cước quân nhân, ảnh gia đình…
Trung đoàn tôi còn vinh dự và hết sức vui mừng khi liên tiếp nhận được điện mừng của Đại tướng – Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Nội dung 3 bức điện:
Bức thứ nhất: Khen đánh như thế là đúng
Bức thứ hai: Khen Trung đoàn anh dũng tuyệt vời
Bức thứ ba: Cho phép Trung đoàn được chính thức mang tên: Đoàn “Trần Phú”
Ngày 27-2-1965 tại thung lũng Na Kay, Trung Đoàn vinh dự đón Tổng bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào, đồng chí Cay Sỏn Phôm Vi Hản. Đồng chí trao tặng và gắn Huân chương Itxala hạng Nhất vào quân kỳ của Trung đoàn và trao cho Trung đoàn một kỷ niệm là Lá cờ Tổ quốc Lào ghi bằng chữ Lào. Đồng chí còn lưu lại câu nói chân tình: “Trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập của nhân dân các bộ tộc Lào, nơi nào có máu của nhân dân Lào đổ thì ở đó cũng có máu của nhân dân Việt Nam đổ”.
Ít ngày sau cũng tại Na Kay, phía bạn Lào và ta có cuộc liên hoan văn nghệ sôi nổi, tưng bừng. Những bài hát, dân ca Lào như Lăm Vông, Lăm Nhao được các thiếu nữ Lào xinh đẹp biểu diễn thật vui tươi, tình tứ. Những điệu múa say sưa hoà cùng những bài ca Việt đã tạo nên bầu không khí đầm ấm, thân tình ca ngợi tình đoàn kết quân dân Việt – Lào anh em. Chúng tôi đều biết sắp đến ngày phải chia tay.
Bộ đội Trung đoàn 213 Hôm nay
Bên cạnh những người bạn Lào tuy không bao lâu, tôi thấy họ đều rất giản dị, gần gũi, chân thật. Nhiều khi Peng Khun không nói tiếng Việt. Anh nói: “Sạ hải Vịnh Ngam lai”. Tôi hỏi, Peng Khun chỉ cười hiền, tôi phải hỏi Pua Son, anh dịch là “đẹp lắm !”. Anh tâm sự : “Kể từ khi làm lính phòng không, Pua Son đã từng chiến đấu nhiều trận nhưng trận 19-2-65 là trận ác liệt nhất, dài nhất, hy sinh, thương vong nhiều, nhưng thắng lợi lớn cũng lớn nhất, rất tự hào, anh sẽ còn nhớ mãi”.
Trung đoàn 213 ra quân huấn luyện
Sau đó, chúng tôi hành quân về nước. Từ đấy tôi xa đất nước Lào thân thương, xa nhân dân Lào hiền lành, chân thật, xa những bản Lào nhỏ bé, thanh bình đẹp như một bức tranh. Tôi yêu đất nước xinh đẹp, hiền hòa này, mơ một ngày nào đó cùng đồng đội cũ trở lại thăm những miền đất chúng tôi đã từng dừng chân, từng chiến đấu. Những tên đất, tên người sao mà gần gũi: Na Kay, Mường Hàm, bản Pao, Mốc Lốc, Pua Son, Peng Khun…mãi mãi còn in trong trí nhớ. Tôi nhớ đến suốt đời.
Trần Quang Vịnh
Nguyên Chiến sĩ trung đoàn phòng không 213