Sau một thời gian hoạt động trên Cánh Đồng Chum tỉnh Xiêng Khoảng, Mường Hiềm, Sầm Nưa, Nọng Hét, Mường Xôi, Phông Xa Lỳ được lệnh vào hoạt động vùng sâu phía Tây Nam ngoại ô thành phố Mường Luông.
Ngày 15 tháng 1 năm 1954 đơn vị đặt chân lên đất huyện Xiêng Ngân vùng ngoại ô thành phố, trước khi vào vùng địch tạm chiếm, đơn vị dừng lại nghỉ ở Ban Hát Phuôn thuộc huyện Xiêng Ngân tỉnh Luông Pha Băng.
Hát Phuôn là bản người Lào Lum (dân tộc người Lào đa số sống ở dưới thấp) có khoảng 50 nóc nhà, có suối lớn chảy qua, đời sống nhân dân vào loại khá, là địa bàn tranh chấp chỉ cách đồn Pác Xương của địch 10km, mỗi lần có địch vào bản thì trưởng bản cũng bí mật báo cho ta biết, ngược lại mỗi lần có cán bộ du kích, bộ đội Pa Thét Lào hay quân tình nguyện Việt Nam đến thì trưởng bản cũng báo cho địch biết.
Đến bản thì trời cũng về chiều anh em tạm nghỉ, cán bộ nghiên cứu đội hình, xây dựng phương án sẵn sàng chiến đấu, bố trí canh gác, phân chia nhà ở, sau khi cơm tối xong đơn vị về từng gia đình dọn vệ sinh và nghỉ tối.
Ngày hôm sau đơn vị để lại 1/3 lực lượng canh gác sẵn sàng chiến đấu, 1/3 lực lượng đi bắt cua, cá và tìm rau rừng về cải thiện bữa ăn, 1/3 lực lượng còn lại đi tắm giặt, cứ thế thay phiên nhau trong ngày. Tôi và đồng chí liên lạc ở lại trong nhà ông Bun May. Ông bà khoảng 50 tuổi, ông có hai cô con gái, cô lớn là Bua Xỉ đã có chồng và một con, chồng ở rể trong nhà ông bà, cô thứ hai là Bua Xỉ năm đó cô 18 tuổi, Bua Xỉ là hoa sen, các cô gái Lào thường dùng tên một loại hoa yêu thích để đặt tên cho mình. Hoa sen có vẻ đẹp giản dị nhưng thanh tao, gần gũi với người nông dân Lào. Gia đình cũng vào loại khá trong bản, nhà sàn bằng gỗ, phẳng đẹp, trang bị đồ dùng trong gia đình đầy đủ có những loại được mua trong vùng địch về dùng.
Tối ngày 15 tháng 1 năm 1954 lúc nhận nhà và cơm tối xong, tôi trò chuyện, hỏi thăm tình hình gia đình, bản làng… qua tiếp xúc cảm nhận ban đầu thấy ông bà là những người nông dân chất phác, thật thà, kính trọng và mến bộ đội Việt Nam. Ông bà dành cho hai chúng tôi một gian rộng, sạch, ông bà Bua May lấy đệm, chăn, gối mới ra chuẩn bị cho chúng tôi ngủ, mặc dù tôi từ chối nhưng ông không chịu bắt chúng tôi phải ngu bằng đệm, chăn của gia đình. Trong giao tiếp chúng tôi luôn xưng bố mẹ, gọi các con bằng em hay bằng tên. Nhưng ông bà luôn gọi tôi bằng “Nai” – Nai là quan, vùng giải phóng đã tiếp xúc nhiều thì nhân dân thường gọi từ “Lai Ngan” nghĩa là cán bộ. Tôi đề nghị ông bà cứ gọi tôi bằng con hay là cán bộ đừng gọi là quan, chúng tôi là bộ đội của dân không như quân địch, nhưng cả gia đình nói đã quen gọi là “Nai mu, Nai nuốt, Nai còng…” có nghĩa là quan tiểu đội, trung đội, đại đội… nên cứ để cho bố mẹ gọi như vậy, bây giờ khó mà thay đổi được.
Sau một thời gian hoạt động liên miên trên các địa bàn vùng cao, ngủ ngoài rừng, nay được ngủ trên sàn nhà lại có chăn màn, gối đệm mới còn thơm mùi vải, chúng tôi ngủ một giấc ngon lành đến 6 giờ sáng ngày 16 tháng 1 năm 1954 mới dậy.
Ăn sáng xong đơn vị triển khai lực lượng theo phương án đã chuẩn bị. Tôi và đồng chí liên lạc cùng một số chiến sĩ đi tắm giặt, chúng tôi chọn một vị trí phía hạ nguồn dòng suối, cách bến tắm lấy nước của dân bản chừng 50m, nếu bộ đội tắm giặt phía thượng nguồn bến tắm giặt của dân bản thì họ sẽ tìm bến mới, phía trên nữa. Nơi tắm giặt của bộ đội phải là nơi có ánh sáng mặt trời để phơi quần áo trong lúc tắm, mặt khác chỗ tắm phải chọn vị trí có những tấm đá phẳng để đập chà xát giết rận vì trứng rận bám dày đặc dọc các mép đường may, chỗ khâu vá quần áo, rận nhiều nên chỉ dùng đá nghiền hay luộc nước sôi mới giết được. Bộ đội tình nguyện Việt Nam chiến đấu lâu ngày trên đất bạn việc tiếp tế rất khó khăn nên thiếu thốn nhiều thứ, quần áo chỉ vài bộ, trong đó có một lành, ăn ngủ ngoài rừng thì mặc rách không sao, ở vùng giải phóng thì nhân dân cũng dễ thông cảm, còn ở đây là vùng tranh chấp, lần đầu tiên dân bản mới trực tiếp quan sát đầy đủ mọi hoạt động của bộ đội Việt Nam. Từ ăn mặc sinh hoạt, trang bị cho đến cách ứng xử với nhân dân…
Bởi lẽ nhân dân đã nhiều lần được nghe kẻ địch tuyên truyền nhiều cái xấu của bộ đội Pa Thét Lào và quân tình nguyện Việt Nam như ăn uống thiếu thốn đến đâu là lấy của dân, bọn đó đến là phải giữ gìn cẩn thận nếu không sẽ bị lấy trộm, trang phục rách rưới, nhiều người mặc quần lót… đến bản làng thì coi thường nhân dân…
Để nhân dân thấy bộ đội Việt Nam không như kẻ địch tuyên truyền nên trước khi đến bàn, đơn vị phải dừng lại nghỉ 1 giờ ngoài rừng để giải thích cho bộ đội những luận điệu tuyên truyền của địch, chỉnh đốn lại trang phục, nhắc nhở những việc phải làm trong quá trình sống trong bản.
Tắm giặt xong tôi chọn bộ quần áo lành, sạch để mặc, trong ba lô còn một bộ quần áo chiến lợi phẩm của sĩ quan địch nhưng tôi không dám mặc, sợ nhân dân hiểu sai về bộ đội Việt Nam. Sau đó tôi về nhà bà mẹ lấy xôi và thịt khô gác bếp nương. Bà bảo Bua Xỉ bưng ra mời tôi và đồng chí liên lạc ăn. Một tình huống thật khó xử, nếu từ chối không ăn thì sợ gia đình hiểu sai, ảnh hưởng đến tình cảm, lòng tốt của gia đình. Tôi cảm ơn và xin phép đi thăm đơn vị xong về sẽ ăn.
Sau khi đi kiểm tra đơn vị về đã 14 giờ 30, trong người tôi có hiện tượng rét và mệt. Cái rét cứ tăng dần, tôi phải vào nằm. Đồng chí liên lạc lấy chăn đắp cho tôi, nhưng vẫn rét, ông Bun May lấy thêm một chăn nữa của gia đình đắp thêm vẫn rét. Y sĩ cặp nhiệt độ lên 39.5 rồi 400, hết rét lại nóng, cứ thế vừa rét vừa nóng, bà chủ nhà đốt lửa cho tôi sưởi, vẫn cứ rét, thuốc Ký Ninh (một loại thuốc chữa sốt rét) đã hết nếu nhờ nhân dân vào thành phố mua thì cũng phải mất một ngày mới có thuốc, hơn nữa người đi mua phải có độ tin cậy, biết giữ bí mật không cho địch biết là mua thuốc cho bộ đội Việt Nam.
Thông thường thì dọc các suối có cây Ký Ninh, dùng cây, lá sắc uống cũng hạ sốt. Vùng này người con rể của ông bà và hai chiến sĩ đi tìm mãi mà không thấy. Đồng chí quân y sĩ rất lo, vì cơn sốt kéo dài, nhiệt độ quá cao. Cả nhà ai cũng lộ rõ bộ mặt đầy âu lo và muốn tìm một loại thuốc nào đó để cắt cơn sốt cho tôi nhưng đều bế tắc.
Ông Bun May nói phải xông, không đợi ý kiến của y sĩ, ông bảo con rể đi lấy lá, con gái Bua Xỉ chuẩn bị nồi đun nước xông và nấu một bát cháo khi xông xong sẽ ăn. Ông trực tiếp hướng dẫn y sĩ xông và lau người cho tôi, xông xong người dễ chịu hơn một ít và tôi ăn được vài thìa cháo đường. Nhưng sau đó cơn sốt và nóng lại tiếp tục, nhiệt độ vẫn 400. Khoảng 21 giờ 30 ông Bun May đi sang nhà ai đó về và bàn với đồng chí y sĩ về bài thuốc mà dân bản đã dùng mỗi khi bị sốt cao. Tôi nghe lõm bõm câu chuyện ông nói với y sĩ là phải tìm con giun về chữa cho quan.
Đồng chí y sĩ hỏi tôi có nuốt được giun sống không, ông Bun May nói bản có người sốt cao, nhưng nuốt giun sống là dứt sốt. Tôi nói sốt cao, kéo dài, thuốc hết bây giờ loại thuốc gì cũng uống, nếu dân bản đã có kinh nghiệm dùng giun chữa sốt rét lành thì ta cho đi đào trong đêm càng tốt.
Sau khi y sĩ nói lại ý kiến của tôi với ông Bun May. Ông bảo: “Bộ đội không tìm thấy giun đâu để bố con tôi đi đào cho”. Lúc này đã 23 giờ, ông bảo người con rể làm một cây đuốc to, thế là hai bố con cầm đèn pin, bật lửa và bó đuốc đi đào giun.
Bố con ông đi rồi, cả nhà vẫn đốt lửa ngồi chờ. Bà mẹ thì động viên tôi cố ăn bát cháo, tôi cảm ơn và xin phép để lát nữa sẽ ăn. Còn Bua Xỉ và hai cô bạn gái ngồi hơi xa bếp đang theo dõi cơn sốt của tôi với nét mặt thương cảm, lo lắng. Nếu như ở vùng giải phóng, nơi đã tiếp xúc nhiều với bộ đội Việt Nam thì các cô đã dùng khăn mặt dấp nước lạnh thay nhau đắp vào đầu, trán và bóp đầu cho người ốm, nhưng đây là lần đầu tiếp xúc nên các cô còn e dè không dám tới gần.
Khoảng 24 giờ 30, hai cha con bước lên cầu thang vào nhà không ai dám hỏi giun đâu. Ông ngồi cạnh bếp rồi thư thả nói: “Độ này giun đi đâu hết, có lẽ mùa khô nên nó chui sâu xuống đất, hết bó đuốc rồi mà chưa đào được”.
Uống một hớp nước đun sôi. Ông nói: “Con uống nước nghỉ một tí đi làm cho bố một bó đuốc to nữa, rồi bố con ta đi tiếp”. Lần sau ta sẽ đi ven suối dứt khoát sẽ có giun. Ông đi rồi cả nhà vẫn thức để chờ kết quả. Bà mẹ liên tục hỏi đồng chí y sĩ nhiệt độ bao nhiêu? Khi nghe nói vẫn 40o5 vẫn nóng, vẫn rét, bà lại lộ rõ nét mặt lo lắng. Tôi nói: “Mẹ đi ngủ để giữ sức khỏe sáng mai còn đi làm”, mẹ bảo: “Chờ ông về xem có được giun không”.
Hướng về phía Bua Xỉ tôi hỏi, hai cô gái bạn cô tên gì? Cảm ơn hai cô đã thức khuya để chia sẻ với cơn sốt của tôi, khuya rồi, hai cô về nghỉ ngày mai hết sốt tôi sẽ đến nhà chơi. Hai cô cúi người, chống tay trước ngực xin phép mẹ và quan về.
Thấy tôi vẫn rét, bà mẹ lại vào lấy thêm chăn, nhưng đồng chí y sĩ nói đủ rồi, có thêm chăn nữa thì vẫn cứ rét. Trên địa bàn tranh chấp, lần đầu tiên tiếp xúc với bộ đội Việt Nam. Đơn vị mới đến đóng quân hơn một ngày, chưa giúp được gì cho dân bản và gia đình. Chẳng may tôi lại bị sốt nặng gia đình đã làm bất cứ việc gì với khả năng cao nhất để giúp tôi cắt cơn sốt. Tình cảm mà từng thành viên trong gia đình giành cho tôi là quá lớn. Một thứ tình cảm giản dị, chân thực, đầy tình người. Tôi suy nghĩ rất nhiều về sự giúp đỡ của gia đình, tình cảm mà gia đình giành cho tôi, có lẽ chưa thể là tình cảm cách mạng, cũng chưa hẳn là tình cảm quân dân, có lẽ là tình cảm giữa con người với con người. Nhưng là loại tình cảm gì đi nữa thì đây cũng là sự động viên khích lệ tôi quá lớn. Không biết rồi đây tôi có thể làm được gì để đền đáp tình cảm mà gia đình đã giành cho tôi.
Cả nhà đang ngồi chờ và hy vọng thì khoảng 2 giờ 30 hai bố con ông về. Ông bước lên sàn nhà với nét mặt vui vẻ theo sau là người con rể cầm trên tay một ống nứa. Ông đang ngồi uống nước chưa nói gì, nhưng ai cũng nghĩ là có giun rồi.
Ông nói: “May quá khi đi ngược dòng một con rạch nước nhỏ đào được một con, đi 100m nữa đào thêm được con nữa, mừng quá, bố con vứt đuốc về ngay”. Nghỉ một lát, ông bảo Bua Xi đi đun cho bố một bát nước gừng. Bua Xỉ đi lại đưa cho ông bát nước gừng. Con gái người Lào mỗi lần đi qua trước mặt khách bao giờ cũng phải cúi người, chắp tay trước ngực xin phép, khi đưa vật gì cho khách cũng phải lết gối đến nơi khách ngồi để đưa, không được đi trước mặt khách.
Có nước gừng rồi, ông bảo tôi nằm ngửa, súc miệng nước gừng và nuốt một tý. Ông thêm gối để tôi nằm với tư thế gối cao đầu, sau đó ông bảo người con rể đưa cho ông một con giun. Ông bảo tôi nhắm mắt, mở miệng, tay phải ông cầm đầu một con giun, tay trái ông nâng đầu còn lại và cho vào miệng tôi, dùng tay xoay xoay cho giun vào hết miệng, ông bỏ tay và bảo tôi uống một ít nước gừng.
Nghỉ một lát, ông lại bảo con rể đưa con giun thứ hai nhanh chóng cho vào miệng tôi một cách gọn gàng. Ông bảo tôi nhắm mắt là để không nhìn thấy, bớt sợ. Tuy nhiên, tôi cố tỏ ra là một con người vững vàng không những trước quân thù mà ngay trong lúc ốm đau, sẵn sàng ăn uống bất kì loại thuốc gì cho dù đắng, cay, dễ sợ như thế nào, tôi vẫn mở mắt để theo dõi mọi thao tác của ông.
Con giun bằng chiếc đũa to nhìn thấy đã có cảm giác sợ, ghê, nếu cho vào miệng có lẽ ọe nôn ngay. Nhưng trước cái chết rồi công lao, tình cảm của gia đình, nhất là ông Bun May giành cho tôi quá lớn, mặt khác lại là cán bộ quân đội Việt Nam trước mặt người dân Lào. Tất cả những điều ấy đã tạo dựng cho tôi một nghị lực để vượt qua cảm giác ghê, sợ một cách dễ dàng.
Đêm đã khuya, nhưng cả nhà không ai đi ngủ, tâm trạng là chờ hiệu quả của con giun. Trong lúc đó Bua Xỉ đi nấu cháo. Thật là hiệu nghiệm, có lẽ con giun là loại vật lạnh, sống dưới đất, nên khi vào bụng gặp nóng dễ tan ngay và tác dụng hạ nhiệt nhanh.
Hơn một tiếng đồng hồ y sĩ cặp nhiệt độ đã có con số 38o, như vậy là đã giảm được 2o, người tôi cũng cảm thấy dễ chịu hơn. Ông lại bảo Bua Xỉ lấy cho y sĩ một bát cháo. Tôi cố gắng ăn hết báo cháo nữa. Mọi người thấy cơn sốt đã giảm tôi ăn được ít cháo ai cũng mừng.
Tôi mời ông bà đi ngủ một lúc, vì gà đã gáy rồi. Mọi người đi ngủ, tôi cũng thiếp đi một lúc, mãi đến 6 giờ cả gia đình mới dậy. Sau một giấc ngủ ngắn nhưng ngủ say, không còn nóng, rét nữa, người tôi tỉnh táo hơn nhiều, đã dậy đi lại được trong nhà. Không hiểu có sự chỉ bảo của bố, mẹ hay không mà lúc 8 giờ Bua Xỉđã mang vào phòng tôi một bát cháo gà. Bất ngờ quá! Tôi hỏi Bua Xỉ: Gà ở đâu? Ai làm? Làm lúc nào? Bua Xỉ nói: Gà anh rể làm, cháo em nấu, cán bộ cố ăn nhiều vào cho mau khỏe, còn đi đánh giặc.
Lần đầu tiên Bua Xỉ gọi tôi là cán bộ không dùng từ quan như hai ngày trước. Tôi nói Bua Xỉ lấy cháo mời bố mẹ, anh chị ăn thì tôi mới ăn. Bua Xỉ vâng và múc cháo đi mời mọi người, cô không ăn. Thấy vậy tôi hỏi: Bua Xỉ sao không ăn? Em ăn rồi. Câu trả lời ngắn gọn. Tôi lại nói: Em không ăn chắc cả nhà buồn và anh cũng trả lại cháo cho em. Cô nói: Thôi em sẽ cùng ăn. Ăn hết báo cháo tôi thấy khỏe, hết mệt mỏi, tôi xuống nhà đi một vòng quanh bản, đến hỏi thăm các cô gái, các ông bà trong bản đã đến thăm hỏi và cho tôi quà, có cả trứng gà và rất nhiều hoa quả nữa.
Trưa hôm đó, tôi đã ăn được xôi và bát canh chua. Nhưng đến buổi chiều tôi lại lên cơn sốt nhưng chỉ là sốt nhẹ, chỉ cần nghỉ 30 phút là hết sốt và sau đó lại tiếp tục mọi hoạt động bình thường.
Cũng từ chiều hôm đó (ngày 17 tháng 1 năm 1954) tôi chấm dứt được những ngày tháng sốt rét kéo dài, có sốt thì cũng nhẹ và không kéo dài. Tôi hết sốt, đơn vị ai cũng vui mừng và bảo nhau, từ nay không lo sốt rét nữa, vì đã có bài thuốc con giun, phải dự trữ giun thôi vừa hiệu nghiệm lại không mất tiền.
Trước đây ba ngày, cả gia đình ai cũng gọi tôi là “Nai” tức là quan. Nhưng từ chiều ngày 17 tháng 1 năm 1954 đã có sự thay đổi một cách nhanh chóng. Từ bố mẹ đến hai con gái, con rể đều gọi tôi bằng từ “Cán bộ” thay cho từ quan… Có thể mấy ngày được chung sống, gần gũi đã làm cho gia đình phân biệt được sự khác nhau về bản chất giữa quân đội, cán bộ cách mạng khác với quân đội tay sai của bọn phản động Lào chăng?
Theo nguyện vọng của dân bản, tối 19 tháng 1, đơn vị có buổi liên hoan văn nghệ, múa hát, Lăm vông cùng nam nữ thanh niên. Tối Lăm vông kéo dài đến 1 giờ ngày 20 tháng 1. Lần đầu tiên được múa hát với bộ đội Việt Nam, nên dân bản ai cũng vui, nhất là các thanh niên.
Trưa hôm sau, trong bữa cơm trưa, ông Bun May hỏi tôi: “Tối qua dân bản múa Lăng Vông có đẹp không”. Tôi nói: “Dân bản múa đẹp lắm, Bua Xỉ là nhân vật tiêu biểu”. Ông bà cười còn Bua Xỉ hơi bối rối. Tiếp đó ông nói: “Chiều nay gia đình sẽ làm lễ Ba Xỉ cho cán bộ” (Ba Xỉ là lễ cầu phúc).
Theo phong tục cổ truyền của người Lào, cứ mỗi khi trong gia đình có người đi xa về hoặc có khách quý đến, hoặc sau một cơn ốm, gia đình đều tổ chức lễ Ba Xỉ để mọi người thân đến chơi cầu mong phước lành.
Đúng 14 giờ ngày 21 tháng 1 năm 1954 lễ Ba Xỉ được tiến hành, mọi người mặc quần áo sạch đẹp. Trên chiếc mâm có một con gà luộc, mười quả trứng, lọ hoa rừng, một dây chỉ hồng cắt từng đoạn dài 30cm. Tất cả người trong gia đình và tôi ngồi chung quanh mâm, tôi ngồi bên phải ông, bà ngồi bên trái ông. Bua Xỉ ngồi bên cạnh tôi, tất cả ngồi bên cạnh mâm. Một tay đặt lên mâm, tay còn lại để trước ngực, cả tôi cũng vậy.
Ông Bun May bắt đầu thỉnh mọi hồn ma dù ở nơi đâu, trên núi cheo leo, bờ sông, góc suối, trên thửa ruộng, góc vườn… cũng hội tụ về đây dự lễ hôm nay, cầu mong mọi người không ốm đau, không bệnh tật, sức khỏe dồi dào, làm ăn phát đạt, trên thuận dưới hòa, đoàn kết một lòng.
Cứ mỗi lần ông thỉnh cầu ông hô Xá Thú (nghĩa là tai qua nạn khỏi). Đọc xong lời thỉnh cầu ông bảo tôi đưa tay ra, bàn tay để ngửa, rồi đặt con gà, một quả trứng và nắm xôi (Bua Xỉ đưa bàn tay nâng phía dưới bàn tay tôi cho đỡ mỏi). Tay còn lại vẫn để trước ngực để tỏ lòng thành kính.
Tiếp đến, ông cầm sợi dây chỉ hồng đưa qua đưa lại từ đầu ngón tay vào đến khuỷu tay của tôi. Miệng ông lẩm nhẩm chúc sức khỏe, chúc tôi mai lên đường chân cứng đá mềm, đến đích an toàn…
Sau đó ông buộc chỉ hồng vào cổ tay tôi. Sợi chỉ hồng chính là dấu ấn để ghi lại, giữ lại những lời cầu chúc mà ông đã thỉnh, không để nó qua đi một cách nhanh chóng. Sau đó là bà mẹ, rồi lần lượt các thành viên trong gia đình buộc chỉ vào tay tôi.
Tiếp đó, tôi cũng buộc chỉ hồng cho ông và mọi người trong gia đình. Trong khi buộc chỉ, tôi cũng liên tục nói những lời cầu chúc sức khỏe, hạnh phúc cho mọi người. Đây là sự đáp lễ một cách sòng phẳng.
Tối hôm đó bà mời tôi, đồng chí y sĩ, đồng chí liên lạc cùng ăn cơm liên hoan với gia đình. Bữa cơm sau lễ cầu phúc, nên ai cũng thấy vui, thoải mái, giống như vừa mới được uống một liều thuốc bổ, nên cảm thấy khỏe hơn.
Đi sinh hoạt cùng đơn vị về đến giờ ăn tối, Bua Xỉ lại bưng mâm cơm lên, cả gia đình đông đủ quây tròn quanh mâm, bữa tối nhiều món ăn hơn, đặc biệt là có một tô canh măng chua nấu với cá.
Tôi chưa kịp nói gì thì bà mẹ nói biết cán bộ vừa sốt rét xong thích ăn canh măng chua, nên con rể đi quăng lưới bắt cá về nấu canh, cán bộ ăn thử xem có được không?
Tôi nói, cảm ơn mẹ, cảm ơn Bun My, cảm ơn Bua Xỉ, bộ đội chúng con thỉnh thoảng đun nước sôi lên lấy nắm lá chua ngoài rừng, giã nát bỏ vào, mỗi người uống vài bát đỡ khát và giải cơn thèm chua. Hôm nay được ăn bát canh măng chua lại có cá thì quả là ngoài sự mong muốn của nhiều người lính. Bua Xỉ nói: “Anh hãy ăn đi rồi hãy khen, nhỡ ra…”, Bua Xỉ đã nói vậy con xin phép bố mẹ được ăn trước, Bua Xỉ lấy bát cho một muôi canh vào mời tôi ăn thử, nhấp một thìa nhỏ tôi nói ngon quá! Ăn ngon thế này rồi mai ra sống ngoài rừng làm gì có xôi nóng, canh chua để ăn. Nói đến đây Bua Xỉ liếc qua tôi rồi nói: “Anh Bun còn nợ con đó” Anh chưa kịp trả lời thì bà mẹ nói: “Cả nhà ăn đi, còn việc gì ta lại nói sau”. Đến đóng quân trong gia đình 8 ngày, lại là một gia đình nằm trong vùng tranh chấp, lần đầu tiên tiếp xúc với bộ đội Việt Nam, nhưng tình cảm mà gia đình giành cho bộ đội, cho tôi là quá lớn.
Cho đến giờ phút này, tôi vẫn chưa khẳng định được tình cảm của gia đình. Đó chỉ là tình cảm của người dân Lào đối với anh em tình nguyện quân Việt Nam hay đã phát triển đến thứ tình cảm khác. Cho dù là loại tình cảm gì tôi cũng vô cùng cảm ơn tất cả mọi người, nhất là ông bà và Bua Xỉ.
Với Bua Xỉ đã dành cho tôi sự giúp đỡ, chăm sóc chu đáo, tình cảm cô dành cho tôi có thể đã vượt quá giới hạn tình cảm quân dân.
Với cá nhân là một cán bộ, tôi thường nhắc nhở, giáo dục anh em phải luôn chú ý giữ gìn mối tình cảm đoàn kết quân dân, chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật dân vận, trong đó luôn lưu ý mối quan hệ nam nữ. Tôi cũng thường kể cho anh em hiểu về đặc điểm của các cô gái Lào, khi đã yêu, đã thích ai, như con thiêu thân, sẵn sàng lao vào đốm lửa của tình yêu không hề đắn đo suy tính, khi để ý ai họ không bao giờ giữ kín trong lòng mà tâm sự tất cả với bạn bè và người thân.
Cũng như trong cuộc sống hàng ngày họ sẵn sàng chia sẻ cho nhau miếng cơm, chút muối, óc tư hữu chưa hình thành mạnh mẽ trong cộng đồng. Vì thế cho nên hạnh phúc của họ cũng là hạnh phúc chung của mọi người, niềm vui của họ mọi người cần được chia sẻ. Bua Xỉ cũng là một thanh nữ tuổi 18, cái tuổi của ước mơ và đầy sức sông, từ đó tôi tự răn mình trong mới quan hệ cách hành xử sao cho đúng mực để cho Bua Xỉ dừng lại ở ranh giới mối quan hệ tình cảm quân dân, không cho nó đi xa hơn nữa.
Ngày 23 tháng 1 năm 1954 tôi sinh hoạt cùng đơn vị không ăn trưa cùng gia đình. Về đến nhà, trời đã nhá nhem tối, vừa chào bố mẹ và các em dứt lời thì Bua Xỉ lấy ghế cho mọi người ngồi rồi bê cơm tối ra. Trong bữa cơm, tôi thấy mọi người có việc gì đó không vui. Cơm xong, cả nhà ngồi uống nước thì Bua Xỉ nói: “Anh Bun dấu gia đình nha”. Tôi nói: “Anh có gì mà phải bí mật, phải dấu bố mẹ và em”. Bua Xỉ nói: “Ngày mai các anh đi rồi có đúng không?”. Ai nói cho em biết? Mấy đứa bạn của em hay đến chơi nói cho em biết. Em nói đúng rồi, nhưng anh không dấu đâu. Cả ngày hôm nay bận bây giờ anh mới có thời gian để thưa chuyện với bố mẹ và các em.
“Thưa bố mẹ! Chúng con đến đóng quân ở bản đã 10 ngày. Trong thời gian đó, được dân bản, đặc biệt là bố mẹ và các em đã giúp đỡ đơn vị và con rất nhiều. Nếu bố không đào được hai con giun, thì con đâu được mạnh khỏe như bây giờ. Đơn vị cảm ơn dân bản, con cảm ơn bố mẹ và các em”.
“Ngày mai chúng con lên đường rồi, xin chúc bố mẹ cùng các em khỏe, làm ra nhiều lúa, nhiều ngô… đời sống đầy đủ. Rồi một ngày nào đó, chúng con lại về bản, về thăm bố mẹ và các em”. Nói đến đây thì mẹ cắt lời tôi và nói: “Mẹ đã đoán trước những gì phải xảy đến. Các con là bộ đội, nhiệm vụ còn nặng, còn dài, còn phải đi nhiều… làm sao bố mẹ giữ được. Mẹ thương, mẹ nhớ cán bộ lắm, cán bộ xa gia đình, ốm đau thuốc thang không có, ăn uống kham khổ… Bố mẹ gia đình có gì thì giúp cán bộ, không có gì phải băn khoăn. Bố mẹ cũng chỉ biết cầu chúc cho cán bộ khỏe mạnh, ăn ngon, ngủ yên, luôn gặp điều lành, cái dữ không đến. Để rồi có ngày cán bộ sẽ về lại bản, với gia đình với bố mẹ và các em”.
Không biết trời có chiều ý muốn con người hay không? Bà vừa dứt lời thì ông nói: “Bà cứ yên tâm, tôi đã làm lễ cầu phúc cho cán bộ rồi, vừa qua cán bộ ốm nặng thế mà bây giờ khỏe mạnh, thì từ nay không có con ma nào dám đến gần cán bộ nữa đâu. Cán bộ nhớ đường về bản rồi, bà nuôi con lợn to, đàn gà nhiều, ngày cán bộ về sẽ liên hoan”.
Bua Xỉ ngồi nghe bố mẹ nói và nhìn tôi với thái độ thăm dò, chờ đợi. Bố vừa dứt lời thì cô cất lời: “Bây giờ thì anh nhớ, nay mai anh vào đóng quân ở các bản sát thành phố, giàu có hơn, người đẹp hơn, ăn ngon hơn… Biết đâu anh lại quên đường về.”. Tôi nói: “Con thấu hiểu hết tình cảm, mong muốn của bố mẹ. Ngày mai xa gia đình, xa bố mẹ và các em, nhưng những gì mà gia đình giành cho con, nhất là sự kiện bố và Bun My suốt đêm đốt đuốc tìm giun để cứu sống con, rồi bát canh chua, típ xôi nóng mà mẹ và Bua Xỉ đã ưu ái cho con thì sẽ mãi mãi vẫn lưu giữ trong lòng con, dù có đi xa đến đâu”.
Đến đây, bố nói để cán bộ nghỉ, ngày mai còn lên đường. Bố mẹ đi nghỉ, Bua Xỉ vẫn ngồi lại, không nói gì, nét mặt hơi buồn nhưng vẫn cố lấy lại thăng bằng và hỏi tôi ngày mai mấy giờ anh đi. Tôi nói 7 giờ anh đi. Sao nhanh thế, cô nói. Tôi nói: “Bua Xỉ đi nghỉ sáng dậy sớm tiễn các anh đi”. Bữa sáng hôm đó cả nhà cùng ăn cơm, các món ăn đầy đủ còn rôm rả hơn cả bữa trưa. Cơm xong, chúng tôi đang chuẩn bị tư trang thì Bua Xỉ đưa 10 quả trứng gà đã luộc, một ít thịt khô, mấy con chuột gác bếp và bảo đồng chí liên lạc bỏ vào ba lô để dành ăn trưa. Và cô trực tiếp trao cho tôi một Ca Típ đầy xôi, một ống nứa nước chấm. Cô bảo: “Ca Típ của em không đẹp nhưng nó bền, dùng được lâu. Anh mang theo, đến bữa lấy xôi cho vào nó sẽ giữ ấm được lâu, nếu trời lạnh anh ủ Ca Típ vào người cũng bớt giá lạnh. Nếu ngày mai khi anh có Ca Típ mới, đẹp hơn thì anh đừng vứt nó đi mà tội nghiệp. Anh cố gửi nó về lại cho em. Còn ống mắm này nó mặn và cay lắm, muối mặn, ớt cay là đặc sản của người Lào. Mỗi bữa, anh lấy ra ăn, sau quen dần trong từng bữa ăn, rồi trở thành người Lào lúc nào không biết”. Tôi cảm ơn rồi bước xuống cầu thang. Cả nhà nói lời chúc sức khỏe. Tôi quay lại nói cảm ơn và hẹn ngày gặp lại.
Lúc đơn vị đã kiểm tra hành lý, xong, quay lưng lại thì Bua Xỉ đã đứng phía sau. Tôi nói: “Chào em ở lại mạnh khỏe”. Bua Xỉ hơi buồn cúi mặt, như sợ bộ đội đi mất nên cô lại ngước đôi mắt tròn, đầy nước mắt nói: “Tạm biệt bộ đội, tạm biệt anh nhé! Hẹn ngày gặp lại”. Chờ cho đoàn người đi xa cô mới trở lại nhà.
Có lẽ mọi diễn biến đều xuất phát từ cơn sốt ác tính. Trong khó khăn hoạn nạn đã giúp làm cho con người ta dễ vượt qua mọi khó khăn ngăn cách dù khác nhau về quốc tịch vẫn giúp đỡ nhau vượt qua hoạn nạn. Với gia đình có lẽ mọi việc bắt nguồn từ lòng tốt, tình thương của ông Bun May, của người bố cảm nhận được nguy hiểm của cơn sốt ác tính, một mực đi tìm con giun về để cắt cơn sốt. Từ tình cảm của người cha đã lan truyền sang mọi thành viên trong gia đình.
Nhân dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn về mối quan hệ đoàn kết Việt – Lào thì những kỷ niệm, ký ức, về sự giúp đỡ lớn lao của quân, dân các bộ tộc Lào, nhất là những hình ảnh về 2 con giun, lễ cầu phước, những bữa cơm, bát canh chua, sự chăm sóc tận tình của gia đình ông Bun May ở Hát Phuôn lại xuất hiện liên tục và những ký ức đó sẽ mãi mãi theo suốt cuộc đời tôi. Nhân dịp này tôi xin được tri ân sự giúp đỡ quý báu của quân dân Lào với đơn vị, nhất là với cá nhân tôi.
Nhớ lại sự giúp đỡ của gia đình, tôi ghi lại mấy câu thơ:
CƠN SỐT VÀ HAI CON GIUN
Ký Ninh, thuốc đã hết rồi
Cơn sốt ác tính hành tôi suốt ngày
Giun xanh một vị thuốc hay
Hai con nuốt sống, cắt ngay sốt liền.
MẸ NUÔI
Nhớ về bản “Hát”thân yêu
Tôi còn mẹ đó sớm chiều vấn vương
Ra đi trăm nhớ mười thương
Nhưng chưa gặp lại vì đường quá xa.
BUỘC CHỈ CỔ TAY
Con ơi nhớ lấy ngày này
Chỉ hồng bố buộc cổ tay ba vòng
Lên đường mạnh khỏe lập công
Nhớ về bản cũ, bố mong, mẹ chờ.
TẠM BIỆT BUA XỈ
Xa rồi nhớ lắm “Bua Xỉ” ơi
Tiễn anh em chỉ nói vài lời
Tạm biệt nhé! Hẹn ngày gặp lại
Thế mà từ đó vắng tăm hơi.
Lê Ngọc Quỳnh