Hà Nội, tháng 8 năm 2018
Anh Mùa A Ze!
Giờ này anh đang ở đâu?
Ngót nửa thế kỷ đã qua, chiến tranh đã lùi xa. Đất nước Triệu voi đã và đang hồi sinh, nhân dân các bộ tộc Lào không ngừng phấn đấu vươn lên và đã có những bước phát triển vượt bậc trên con đường hội nhập khu vực và quốc tế.
Có được những thành tưụ trên, Đảng, nhân dân và quân đội Cách mạng Lào đã phải trải qua nhiều thử thách cam go và ác liệt với những kẻ thù hùng mạnh và độc ác bậc nhất của nhân loại. Đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ – Quân Tình nguyện Việt Nam đã kề vai sát cánh chung chiến hào với quân và dân các bộ tộc Lào cùng đánh đuổi kẻ thù chung của hai dân tộc. Niềm vui chiến thắng, nỗi mất mát của cuộc chiến còn đọng mãi trong trái tim nhiều thế hệ người Việt, người Lào. Riêng ký ức về những ngày này cách đây gần nửa thể kỷ trên cao nguyên Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng tôi và rất nhiều đồng đội chúng tôi vẫn thấy hiển hiện mỗi khi nhắc về những năm tháng làm nghĩa vụ quốc tế tại đất nước Triệu Voi.
Với anh Mùa A Ze thì sao, tôi tin rằng anh cũng không thể quên những tháng ngày đó. Đặc biệt là sáng sớm ngày 15/8/1971 tại Phu Khé, những khoảng khắc nghiệt ngã mà chúng ta đã đối đầu nhau trong một trận chiến ác liệt, để rồi sau đó “duyên phận” đã đưa đẩy chúng ta gặp nhau và anh đã phải cất lên câu nói từ trong gan ruột mình: “Xin các ông đừng giết tôi !”
Với dáng vóc anh, tôi tin là anh vẫn còn khá minh mẫn. Tôi cũng muốn cùng anh ôn lại những kỷ niệm ngày ấy. Chúng ta cùng hồi tưởng về những khoảng khắc, những giây phút đầy sóng gió, chết chóc, bi thương của chiến tranh mà các anh là đại diện cho những người nhẹ dạ cả tin đi theo CIA Mỹ để quay lưng lại với bà con các bộ tộc Lào vốn cần cù, chịu thương chịu khó luôn thân thiện với cộng đồng, bản làng nương dẫy quanh mình.
Đại úy Mùa A Ze, với vai trò Tham mưu trưởng GM22 (GM22 là một trong những trung đoàn lính đặc biệt của tướng Vàng Pao), chắc chắn anh còn nhớ: Trung tuần tháng 8/1971, để thực thi chỉ thị của Vàng Pao, GM22 cùng nhiều đơn vị đặc biệt và lính đánh thuê Thái Lan đã ồ ạt đổ quân ra cao nguyên Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng. Riêng GM 22 đã nhanh chóng chiếm lĩnh các điểm cao của Phu Khé, đó là các cao điểm: 2.225m (mỏm 1); 2.215m (mỏm 2) giữa hai cao điểm này có một yên ngựa cao 1.820m rất tiện cho việc đứng chân của sở chỉ huy GM22. Với hy vọng từ cứ điểm bàn đạp này các anh sẽ trực tiếp uy hiếp thị xã Xiêng Khoảng và toàn bộ cao nguyên Cánh Đồng Chum. Từ đó GM22 cùng các GM khác sẽ tổ chức bủa vây, tấn công tiêu diệt những lực lượng của liên quân Lào Việt đang bảo vệ vùng giải phóng của Neo Lào Hắc Sạt.
Nhằm đánh đòn phủ đầu, ngăn chặn những đợt hành quân nống lấn của các anh ra thị xã Xiêng Khoảng. Mặt trận 31 đã giao cho trung đoàn 866 phải bằng mọi giá “đón tiếp” các anh tại Phu Khé. Với tương quan lực lượng, quân số chúng tôi ít hơn các anh rất nhiều. Nếu làm phép tính đơn giản thì các anh 4, chúng tôi 1, các anh lại đóng quân trên cao có hầm, hào và được hàng rào các lọai mìn sát thương, mìn chiếu sáng, các ụ hỏa lực cùng lính canh gác bảo vệ vòng trong vòng ngoài. Vượt trội hơn cả là hệ thống hỏa lực tối tân do Mỹ chi viện đắc lực, cùng các loại máy bay trực thăng cơ động, máy bay trinh sát và máy bay ném bom luôn sẵn sàng oanh tạc vào chỗ nào nghi có đối phương. Còn chúng tôi chỉ có một đại đội đặc công c24 và một số phân đội bộ binh thiếu của tiểu đoàn 7, e866. Nhưng với truyền thống của người Việt: “lấy ít địch nhiều”; “lấy yếu thắng mạnh” chúng tôi vẫn quyết đánh.
Để biết kỹ các anh “ăn ở” như thế nào. Ngay sau khi các anh đổ quân xuống thì chúng tôi đã có một tổ trinh sát dày dạn kinh nghiệm do đại đội trưởng Cà Văn Mẹo chỉ huy cùng các mũi trưởng Lê Xuân Liên, Trần Đình Huấn và Phạm Hồng Phú rời nơi trú quân luồn rừng hướng lên Phu Khé. Sau 8 giờ bí mật mò mẫm hành quân chúng tôi đã tiếp cận mục tiêu và bắt đầu trinh sát. Đài quan sát chúng tôi đặt trên một sườn núi của dãy Phu Khé cách các cao điểm GM22 chiếm đóng trên dưới 1 km đường chim bay, nơi đây quan sát được toàn bộ các vị trí bố phòng của GM22. Nhiều giờ đồng hồ máy bay vận tải C130 đã liên tục thả dù tiếp tế cho nơi đồn trú của GM22, máy bay trinh sát lượn sát khu vực chúng tôi ém quân, nhưng để giữ bí mật chúng tôi không hề có bất cứ động tĩnh gì. Mọi hoạt động được giữ gìn hết sức cẩn trọng. Suốt hai ngày, hai đêm chúng tôi không nổi lửa nấu nướng gì để tránh máy bay trinh sát hay thám báo bên các anh phát hiện, chỉ có lương khô và nước suối (mỗi bi đông nước suối cho vào 1 viên thuốc lọc nước khử trùng để uống). Chắc những ngày này các anh đang hưởng chế độ đặc biệt mà Mỹ và Vàng Pao ưu đãi, rượu ngoại, thịt tươi, đồ hộp cao cấp, thuốc lá đầu lọc, đêm chui vào chăn ấm kéo khóa chùm kín người, toàn những thứ mà trong mơ cánh lính chân dày vải chạy bộ nằm mơ cũng không thấy.
Từ đài quan sát chúng tôi phát hiện cao điểm 1.820m – Khu yên ngựa là sở chỉ huy của GM22. Chắc những ngày này Tham mưu trưởng GM22 đang tất bật với cương vị của mình để lo về những báo cáo đệ trình GM trưởng chuẩn bị cho các cuộc hành quân tìm diệt chúng tôi.
Còn bên phía chúng tôi, thiếu tá Phạm Bạt Trung đoàn phó e866 trực tiếp chỉ huy. Vì các anh với số quân đông gấp bốn lần, buộc chúng tôi phải có phương án tác chiến tối ưu nhất.
Chúng tôi được giao là lực lượng chủ công đánh vào trung tâm chỉ huy sở của GM22 bằng phương pháp “Mật tập”, các đơn vị bộ binh của tiểu đoàn 7 (c1- d7) đánh vào mỏm 2; đại đội 4 hỏa lực của tiểu đoàn 7 (c4 d7 có cối 82mm, ĐKZ75mm, đại liên 12,7mm) tập trung chi viện cho c1. Riêng mỏm 1 chúng tôi chỉ dùng hỏa lực c4 áp chế chứ không dùng bộ binh (bởi, cũng là “ưu tiên” để các anh có đường lui).
Trước đó, đồng chí Lê Bá Lân một chiến sỹ xung kích toàn năng của c24 được giao đánh bộc phá chuẩn làm hiệu lệnh nổ súng cho toàn trận đánh. Quả bộc phá nặng 2,5kg bằng thuốc nổ hợp chất C4 (tương đương 5kg TNT) được Lân cùng đồng đội gói buộc kỹ càng và chu đáo. Mỗi chiến sỹ đặc công tham gia chiến đấu được trang bị 4 quả thủ pháo 250g TNT, 2 lưu đạn, 1 AK báng gấp và 3 băng đạn, 1 dao găm, 4 bánh lương khô, túi thuốc tự cứu thương và mỗi mũi chiến đấu được trang bị 1 khẩu B40.
Đêm trước của trận đánh, đêm 14/8 – cái đêm định mệnh của sở chỉ huy GM22, lúc 19h30’ tham mưu trưởng Mùa A Ze và ban chỉ huy các anh làm gì nhỉ? Kế hoạch hành quân nống lấn của các anh chắc đã chuẩn xong. Đến giờ này chắc anh cùng đồng bọn đang vừa nghỉ ngơi, vừa ủ mưu để ngày mai thừa lệnh GM trưởng GM22 sẽ hối thúc các đơn vị thuộc cấp tấn công chúng tôi? Còn chúng tôi những người lính c24 cũng được lệnh bí mật luồn lách những cánh rừng, khe suối tiến sâu vào chân cao điểm Phu Khe nơi các anh đang an tọa.
Núi rừng cao nguyên Xiêng Khoảng khi hoàng hôn đã tắt nắng, màn đêm mênh mang huyền ảo đến lạnh lùng. Không gian thật kỳ lạ, sự tĩnh lặng âm u của màn đêm chẳng thể nói lên điều gì khi cuộc đọ súng từ hai phía đang rình rập bủa vây khắp mọi nơi. Sau hơn 5 tiếng đồng hồ chúng tôi bí mật tiếp cận điểm cao yên ngựa. Đêm trên dãy Phu Khé về khuya yên bình, nhưng tử khí đang bao trùm tứ phía. Các mũi lặng lẽ tiền nhập áp sát các mục tiêu, lúc này đã vào độ 2 giờ sáng ngày 15/8/197. Dưới ánh trăng chúng tôi đã nhìn thấy những căn hầm của sở chỉ huy GM22, chắc những người lính Mẹo đang ngủ ngon, anh có chiêm bao thấy gì không Mùa A Ze? … Nhanh như một con chồn – Lâm ôm bộc phá lẹ làng luồn mình ngay sau lưng tên lính gác hầm chỉ huy đang đi về phía trước, cách đó hơn 10m những người lính trong tổ yểm trợ ngón tay đặt trong vòng cò súng căng mắt quan sát. Các mũi khác cũng đã tiếp cận đúng thời gian và đúng mục tiêu đã định. Bộc phá chuẩn đã được Lân đặt áp sát hầm chỉ huy. Ngón tay trỏ của Lân đặt đã trong vòng điểm hỏa, mọi thứ đều suôn sẻ. Được lệnh, Lân quyết định điểm hỏa! bóng anh vụt lao nhanh về phía vật che đỡ, cùng lúc một loạt AK đanh gọn nhằm vào tên lính gác… Một tia chớp lóa sáng, tiếng nổ long trời phá tan không gian tĩnh lặng của màm đêm Phu Khé. Sóng xung kích của khối bộc phá như một cơn lốc thổi bay mọi thứ và làm tên lính gác cũng biến mất tăm. Tất cả chúng tôi tai ù đặc… Cả mũi lao lên tung thủ pháo vào các mục tiêu, toàn trận địa lóe sáng, lóe sáng liên tục kèm theo các tiếng nổ liên hồi. Những người lính đặc công tung hoành khắp các chiến hào, khu vực trung tâm tiêu diệt hết mục tiêu này đến mục tiêu khác. Ở vòng ngoài khu vực bảo vệ sở chỉ huy chưa bị tấn công, quân lính các anh cũng còn quá đông đã nhanh chóng co cụm lại ném lựu đạn, dùng súng M79 chống trả, kích hoạt nhiều mìn CLaymo gây khó khăn cho các thê đội dự bị lên chi viện mũi chủ công. Chúng tôi như bị chững lại không thể phát triển thêm. Nhưng rất nhanh, ngay sau đó hỏa lực B40 của chúng tôi đã kịp thời phát huy tác dụng, các cụm phản đột kích của các anh đã bị tiêu diệt. Sau 30 phút rền vang tiếng thủ pháo, tiếng AK, tiếng B40, và cả tiếng AR – 15, M79 của các anh đã ngưng nổ. Chúng tôi đã làm chủ trận đánh, trận địa ngổn ngang xác lính GM22, hầm chỉ huy, hầm thông tin của các anh đã bị san phẳng, chỉ huy trưởng GM 22 chết tươi ngay sau khi khối bộc phá 2,5kg C4 của Lân phát hỏa (GM trưởng vẫn nguyên vẹn trong tấm chăn mỏng có khóa). Nhưng vì phía các anh cũng đã phản ứng nhanh nên làm hơn 10 cán bộ, chiến sỹ của chúng tôi hy sinh và bị thương.
Mùa A Ze, lúc này anh ở đâu, làm gì khi chỉ huy GM22 đã tử trận? Vội bỏ chạy khỏi sở chỉ huy hay anh điên cuồng chống trả, phải chăng những người lính như tôi và một số đồng đội chúng tôi đã bị thương va hy sinh là do chính tay anh bóp cò súng?
Nhưng thôi, chuyện đó giờ trách anh cũng chẳng để làm gì. Vì chiến tranh nên tôi và cả anh nữa, mỗi bên đều phải có phản ứng linh hoạt để làm sao tiêu điệt được đối phương và bảo toàn lực lượng của mình. Chính vì vậy chúng tôi đã tìm cách tiêu diêt và sự thực đã diệt được sở chỉ huy GM22. Anh hãy nghe tôi kể tiếp về diễn biến của trận đánh:
Lúc này, ở mỏm 1 và mỏm 2 quân lính các anh phát hiện chỉ huy sở của mình đã bị tiêu diệt. Như rắn bị mất đầu, lại thêm cú đánh bồi của c1 d7 cùng hỏa lực của c4 tấn công, khống chế cho nên các anh đã chống cự không nổi và buộc phải tháo chạy. Tuy vậy, các anh cũng đã làm thiệt hại nặng cho các chiến sỹ C1-D7 tại mỏm 1. Chỉ khi hỏa lực của c4 cấp tập trúng các mục tiêu rồi lực lượng dự bị vào cuộc mới giải quyết dứt điểm mỏm 1.
Toàn trận địa im bặt tiếng súng. Trước khi thu dọn chiến trường, thương binh được sơ cứu và liệt sỹ được đưa ngay xuống địa điểm tập kết ở chân Phu Khé. Một tốp 6 người chúng tôi đều bị thương nhưng còn tự đi được, cáng thương giành cho các đồng chí đã hy sinh và bị thương nặng hơn. Men theo dòng suối chảy xiết, hai bên bờ những cây Vả sai quả đang chín mọng, chúng tôi cũng kịp hái mấy quả chín rồi luồn rừng lội suối để tìm đường về hậu cứ. Mới đi được khoảng 200m chúng phát hiện trong bụi cây lúp xúp có bóng người đang lủi nhanh về phía bụi rậm, súng trong tay tôi tiến lại hỏi mật khẩu: “Phu Khe?” (mật khẩu trận đó, hỏi: Phu Khé; đáp: Phu Học) nhưng không có đáp lại, ngay lúc đó đồng chí Cờ c1d7 quát to bằng tiếng Lào “NHO MƯ KHỬN” ( giơ tay lên) tôi liền chĩa nòng AK vào tên địch đang run rẩy vừa giờ tay hàng, vừa vái lạy chúng tôi liên hồi rồi tiến đến ôm chặt lấy chân đồng chí Cờ vì hắn thấy đồng chí Cờ bị thương băng trắng khắp người, chúng tôi rất ngạc nhiên khi nghe thấy nó gào lên bằng tiếng Việt “Xin ông đừng giết tôi”. Tôi lại quát “tháo giầy ra”, lúc này Vân và Phí kịp đến hỗ trợ cởi dây giầy và trói tay hắn quặt ra đằng sau, khám xét người hắn xem có còn vũ khí gì không nhưng không có gì. Ngoài bộ quần áo rằn ri ướt sũng và rách nhiều chỗ, trong túi chỉ có vài quả chuối chín (sau tù binh khai, trước khi bị bắt đã vội quẳng súng đi để khỏi bị hiểu là còn ngoan cố dễ bị bắn, chuối thì giữ lại đề phòng đói khi lạc đường). Tên tù binh luôn mồm kêu “Xin ông đừng giết tôi”… Đó chính là những khoảng khắc định mệnh, là “duyên trời” đưa đẩy chúng ta gặp nhau đấy Mùa A Ze, chắc chắn trong đời anh sẽ không bao giờ có thể quên được những giây phút đó.
Vì anh cứ liên tục nói “Xin các ông đừng giết tôi”, chúng tôi buộc phải giải thích cho anh biết: Quân Tình nguyện Việt Nam không bao giờ giết tù hàng binh, chỉ khi nào các anh cố tình chống cự hoặc chạy trốn. Anh đã lắng nghe vừa gật đầu vừa chắp tay trước ngược vái lạy tỏ lòng biết ơn.
Trời đã sáng rõ, máy bay của các anh đã xuất hiện. Trinh sát L19 bay rất thấp để tìm kiếm, T28 bổ nhào đánh bom vào các cứ điểm mà chúng tôi vừa tác chiếm. Sao lại có thể như thế, ở đó chỉ có những xác lính của GM22. Chắc quan thày Mùa A Ze nhằm phi tang xóa dấu tích của sự bại trận thảm hại chăng(!). Có lúc L19 lượn sát ngọn cây dọc theo con suối tìm kiếm. Họ tìm cứu những người sống sót như anh, hay tìm diệt chúng tôi? Dù lý do gì thì chúng tôi cũng phải kéo anh vào các hẻm đá ven suối để khỏi bị phát hiện. Chúng tôi người nào cũng bị thương mất nhiều máu, Lân sau khi đánh quả bộc phá chuẩn (Để bộc phá chuẩn đạt hiệu quả, đoạn giây cháy chậm rất ngắn gần như “tức thì” không đủ thời gian an toàn cho Lân kịp ẩn nấp) Lân đã bị sức ép nặng, tai bị điếc và có những giọt máu rỉ ra. Muốn nói gì với Lân, mọi người phải ra hiệu chứ Lân không nghe được. Lại lội suối, băng rừng, trèo đèo, mất nhiều máu làm chúng tôi càng mệt hơn nhưng vẫn phải cố đi không dám nghỉ vì sợ đến tối không kịp về sở chỉ huy trung đoàn ở Bản Khao giao nộp tù binh.
Trước mặt chúng tôi là một cánh đồng hoang rộng trên 100m phải vượt qua. Tôi thử hỏi: mày có biết Bản Khao không, anh gật đầu. Về Bản Khao còn mấy tiếng? anh bảo hơn 3 tiếng, tôi lại hỏi: mày có biết đường không? Anh nói có biết, tôi nói: nếu nói sai tao sẽ giết, anh gật đầu vẻ thành khẩn và lại lắp bắp: “Xin ông đừng giết tôi, xin các ông đừng giao tôi cho PathetLao họ sẽ giết tôi đấy”. Lúc này là hơn 12 giờ trưa ngày 15/8/1971 chúng tôi tạm nghỉ ở sườn đồi và lấy lương khô ra ăn, Vân chỉ tay vào bụng anh hỏi: có đói không, có ăn không? Anh ngoan ngoãn gật đầu, Vân bẻ thanh lương khô đưa lên miệng anh ăn ngấu nghiến, Phí cầm bi đông nước giúp cho anh uống, vừa ăn anh vừa gật gật đầu cảm ơn. Tranh thủ lúc ngồi nghỉ chúng tôi mới có dịp phỏng vấn.
Anh khai: Tên gọi là Mùa A Ze, 33 tuổi, trước đây được đào tạo sỹ quan 3 năm ở trường Võ bị Đà Lạt của Việt Nam Cộng hòa, có 3 vợ, vợ thứ ba 17 tuổi mới sinh được một con trai 5 tháng hiện đang ở Pa Đông. Cấp bậc: Đại úy, chức vụ: Tham mưu trưởng GM22 (quan sát kỹ, thấy trên ve áo rằn ri một bên có 2 sao bên kia có 3 sao, đoán trong khi chạy trốn đã rơi mất một sao), sau đó anh còn khai thêm: “GM Trưởng của tôi bị chết rồi, hầm của ông ấy bị bộc phá của các ông đánh sập”.
Khi biết đối diện trước mình là một sỹ quan được đào tạo bài bản, hàm đại úy Tham mưu Trưởng GM22, chắc chắn “chiến công” của Mùa A Ze phải có hạng. Kinh nghiệm chinh chiến và lại là dân bản xứ chính gốc… hiện đang làm tù binh của những người lính trơn quân Tình nguyện Việt Nam. Tinh thần chúng tôi phấn chấn hẳn lên chỉ mong sao nhanh về đến Bản Khao nơi chỉ huy sở để giao nộp tù binh cho trung đoàn khai thác. Tuy vậy, mọi người ai cũng cảnh gác đề phòng . Trong 6 người chúng tôi có hai người sức khỏe rất yếu. Đồng chí Cờ dính nhiều vết thương mất nhiều máu, đồng chí Lân bị sức ép nặng và điếc cho nên chúng tôi hội ý rồi quyết định tháo kim hỏa 2 khẩu súng AK của Cờ, Lân bắt anh đeo. Mỗi người chúng tôi chia nhau mang giúp các trang bị cá nhân của hai người. Dọc đường về, nhiều lần anh kêu khát nước chúng tôi đều cho uống, rất lễ phép anh đều nói cảm ơn khi uống xong. Tôi luôn để ý theo dõi thái độ của anh và đề phòng những bất trắc. Vân nhận thấy sự băn khoăn của tôi, anh động viên: cảnh giác là không thừa nhưng hiện giờ hai tay nó bị trói, chân không có giầy, lại đeo hai khẩu súng không kim hỏa, hơn nữa từ sáng đến giờ nó luôn ngoan ngoãn tuân theo các chỉ dẫn của ta, yên tâm đi. Thực tình phần nào cũng tự tin vì chúng tôi hoàn toàn kiểm soát được hành vi của tù binh. Lúc này máy bay T28, L19 không còn quần đảo trên đầu nữa, Phu Khé dần xa. Dãy núi đá ở Bản Khao nơi chỉ huy sở trung đoàn dấu quân và trạm phẫu tiền phương đã hiện ra phía trước. Mùa A Ze cũng nhìn về phía đó nói: Bản Khao.
Dài giấp hơn hai lần thời gian hành quân vào trận đánh. Phải hơn 12 tiếng lội suối, trèo đèo luồn rừng trở về. Gần 18 giờ tối ngày 15/8/1971 chúng tôi về đến Bản Khao giao tù binh cho trung đoàn. Trung đoàn phó Phạm Bạt nhìn tù binh từ đầu đến chân rồi khen ngợi động viên anh em. Thủ trưởng lệnh cởi trói cho tù binh. Một chiến sỹ trinh sát cởi trói cho anh và vẫn là câu nói cũ lặp lại, nhưng lần này anh nói nhỏ hơn: “Xin ông đừng giết tôi, các ông đừng giao tôi cho PathetLao họ sẽ giết tôi đấy”. Nhìn cổ tay anh lằn lên vì bị trói và hai bàn tay tím đỏ thực tình trong lòng tôi cũng thấy ngậm ngùi. Tổi hỏi anh, tại sao mày lại sợ PathetLao thế? anh bảo: Vua Mèo (chỉ Vàng Pao) nói rằng: Hoàng Thân Lào (Hoàng thân XuphaNuvông) chỉ thị cho PathetLao tìm diệt hết người Mèo. Chúng tôi buộc phải giải thích cho anh hiểu, đó là âm mưu chia rẽ các dân tộc Lào của bọn phản động. Nhân dân Lào phải đoàn kết nhau lại để đánh bọn phản động, đuổi giặc Mỹ và lính đánh thuê Thái Lan thì nước Lào mới có hòa bình, đồng bào Lào mới được sống trong tự do độc lập. Lãnh tụ Lào luôn dặn: “bắt cá không được làm đục nước”, người Lào dân số ít nếu diệt hết thì lấy ai kiến thiết đất nước. Anh đã nghe ra và yên tâm hơn. Các đồng chí trinh sát đã tới đưa anh đi, chúng tôi được các nữ dân công hỏa tuyến đưa về trạm phẫu của trung đoàn ở trong hang để điều trị vết thương. Những người bị thương phần mềm không nguy hiểm được các bác sỹ vệ sinh và băng vết thương, cấp thuốc uống rồi cho về đơn vị tiếp tục chiến đấu. Tôi (Trọng), Cờ và Lân phải ở lại để phẫu thuật vết thương và điều trị sức ép. Trời đã tối chúng tôi được gây mê để lấy mảnh đạn và khâu vết thương.
Sau một giấc ngủ rất sâu và dài, sáng hôm sau tôi tỉnh dậy thấy mình được lau rửa và thay quần áo sạch sẽ nhưng toàn thân đau ê ẩm, thuốc mê đã hết vết thương càng đau hơn. Thấy các cô dân công hỏa tuyến đang bên thương binh, rất cảm động trước những lời nói cử chỉ khi chăm sóc chúng tôi. Được biết các cô tên là Quỳnh, Tứ, Thắm ở Nghi lộc Nghệ An. Một cô nói: ba đứa bọn em đã đi đón các anh thương binh từ Phu Khé về, nay lại chăm sóc các anh, mong các anh chóng bình phục để tiếp tục trở lại chiến đấu. Cầm các ca sữa (có lúc là bột trứng) nóng hổi từ tay các nữ phục vụ uống tôi thấy mình tỉnh táo và đỡ mệt hơn. Men theo vách đá vào bên trong hang chỗ Cờ và Lân nằm, hai anh vẫn đang ngủ chắc còn mệt. Bác sỹ nói đồng chí Cờ chưa ăn được vì vết thương ở bụng đã phẫu thuật, sẽ theo dõi khi nào trung tiện được thì mới cho ăn. Ngoài trời mưa rất to, nước trong hang chảy cũng mạnh hơn, nghe các đồng chí lái xe từ Nghệ An sang nói miền Bắc nước ta mưa lũ lớn, nước sông Hồng dâng rất cao nhiều vùng vỡ đê mùa màng bị lũ cuốn trôi, quốc lộ 7B bị sạt lở nhiều đoạn rất khó khăn cho việc tiếp tế và vận chuyển thương binh nặng về nước. Lòng dạ lại nặng trĩu nỗi lo hậu phương niềm Bắc.
Hơn 10 ngày điều trị vết thương chúng tôi đã đỡ nhiều, một buổi sáng Lân rủ tôi và Cờ lên hang trinh sát của trung đoàn chơi và xem tù binh thế nào. Sau vài phút men theo vách đá chúng tôi đến hang của trung đội trinh sát, nhìn thấy chúng tôi các đồng chí vui vẻ chúc mừng chúng tôi dần bình phục, chưa kịp hỏi tù binh Mùa A Ze đâu thì đã thấy anh từ ngách đá trong hang xuất hiện vẫn thái độ ngoan ngoãn như hôm trước, anh thu hai tay trước ngực và cúi đầu lễ phép chào chúng tôi, chúng tôi gật đầu chào lại. Nhìn sắc mặt và phong thái của anh bây giờ tươi tỉnh, lạc quan và tự tin hơn nhiều so với khi mới đưa về đây. Được hỏi, bây giờ có còn sợ PathetLao nữa không, anh nói không sợ nữa nhưng được ở với bộ đội Việt Nam thì vẫn tốt hơn. Một trinh sát ra hiệu cho anh đi vào trong anh lại chắp tay chào rồi cúi đầu từ từ đi vào. Chúng tôi được các đc trinh sát cho biết anh rất có thái độ hợp tác không có biểu hiện gì quanh co. Mấy ngày nay anh rất tích cực chăm đi xách nước, khuân củi, nhặt rau phụ giúp nhà bếp. Trước đó anh còn khoe đã đọc tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” (của Nikolai A Ostrovsky) và rất thích nhân vật PaVen. Hóa ra anh đã biết nhiều thứ hơn tôi tưởng, giá anh học được một phần ở những đức tính của PaVen trước khi vào làm lính cho Vàng Pao thì tốt biết mấy.
Ôn lại những giờ phút đối đầu giữa chúng tôi và các anh ở Phu Khé 47 năm về trước, và rồi anh đã bị bắt sống. Theo lời khai năm ấy thì nay anh đã ở tuổi 80, người vợ thứ 3 của anh cũng đã 64 tuổi, người con trai 5 tháng tuổi lúc đó nay đã 47 tuổi…
Mùa A Ze, nhân kỷ niệm 52 năm ngày truyền thống trung đoàn 866 AHLLVTND (26/8 – 1966/2018), thư ngỏ viết cho anh tôi muốn nhắn nhủ tới đồng đội của tôi, những người còn lại sau cuộc chiến. Chúng tôi luôn tưởng nhớ những đồng chí của mình đã anh dũng hy sinh trong những năm tháng làm nghĩa vụ quốc tế trên chiến trường Lào nói chung, và những liệt sỹ hy sinh những ngày này 47 năm về trước (15/8 – 1971/2018). Tôi cũng muốn cùng anh hãy cầu chúc cho hai dân tộc Việt Nam và Lào mãi mãi được hưởng hòa bình, mọi nhà được ấm no hạnh phúc. Nếu có thể chúng ta hãy gặp nhau lấy một lần để cùng thắp những nén hương cho những người Việt, người Lào đã hy sinh vì nền độc lập tự do của tổ quốc để chúng ta hưởng cuộc sống thanh bình hôm nay. Và chúng ta đừng quên thắp cho cả những người xấu số chót lầm đường chống lại tổ quốc và nhân dân các bộ tộc Lào được siêu thoát.
Mùa A Ze, đã có khi nào anh trở lại “Thủ phủ” ngày trước của các anh? Mách với anh, ở nơi đó có một cựu sỹ quan của Vàng Pao hiện đang là bí thư chi bộ Đảng nhân dân Cách mạng Lào. Ơ nơi đấy nay gọi là thị trấn huyện Long Chẹng, nơi ấy nay không còn ai nghi ngại, ghét bỏ vị thiếu tá Phu Vông cựu trợ lý của Vàng Pao. Dân bản phố núi luôn yêu thương và quý trọng ông ấy. Hy vọng bản làng nơi anh sống mọi người cũng luôn yêu mến anh như Phu Vông – những người con của đất nước Triệu Voi đã trở về sống đời thường và góp sức xây dựng mối tình Việt Nam – Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững !
(Phan Trọng và Đỗ Cờ)