Hà Nội, ngày 23/11/2017
Sau tết Mậu Thân năm 1968, nhằm chia lửa với chiến trường miền Nam Việt Nam. Mặt khác cũng cần tạo uy thế và củng cố phong trào cách mạng cho quần chúng nhân dân vùng Đông Viêng Chăn, chiến trường Lào đã xuất hiện những trận đánh hay, nhiều mục tiêu của địch bị liên quân Việt – Lào dồn dập tấn công.
Với đại đội Đặc công “S1”, dù đã qua nửa thế kỷ nhưng ngày 24 tháng 7 năm 1968 là một ngày đặc biệt, luôn hiện hữu trong ký ức mỗi người lính của đơn vị. Như nhớ lại từng chi tiết của trận đánh, anh Phạm Xuân Trường kể: Rạng sáng hôm đó, mũi chiến đấu nhận lệnh xuất kích. Nhiệm vụ được giao là phục kích chặn đánh đội hình xe tăng địch trên quốc lộ 13 thuộc khu vực mường Xay Tha Ny do tên ác ôn Ạt Păng Thoong cầm đầu. Thường mỗi tuần ít nhất một doi lần chúng đi tuần tra dọc quốc lộ 13 hướng ra ngoại ô, thỉnh thoảng chúng lại dùng đại liên xả đạn liên tục vào những bìa rừng nghi có đối phương để thị uy. Ạt Păng Thoong là tên quan hai khét tiếng tàn ác có nhiều nợ máu với cách mạng. Có thể nói đây là trận đánh khá bất ngờ, táo bạo ngay trong vùng kiểm soát của địch.
Mờ sáng, chúng tôi đã triển khai xong đội hình chiến đấu, lực lượng gồm có 8 tay súng (S1 có 5 người và 3 đồng chí Pathet Lào). Trang bị gồm 1 B40, 1 trung liên, còn lại là AK47. Là mũi trưởng trực tiếp chỉ huy, tôi (Trường) cùng chiến sĩ B40 phục trên ụ mối cao tại đoạn đường cong ở km 18 hướng đi Viên Chăn, số anh em còn lại lợi dụng địa hình mai phục những vị trí kế tiếp, mỗi người cách nhau khoảng 3 đến 5m. Nín thở để chờ đợi. Đúng như dự đoán, khoảng 6 giờ30 phút có tiếng động cơ và những bóng đen di chuyển. Dần xuất hiện một đoàn xe gồm 5 chiếc, đi đầu là một xe bọc thép chở đầy lính, tiếp sau là ba chiếc xe tăng và một xe bọc thép cũng chở đầy lính khóa đuôi, mỗi xe đi cách nhau khoảng chừng 30 – 40m. Tôi lệnh xạ thủ B40 ngắm vào chiếc xe thứ ba, trung liên ngắm vào xe bọc thép cuối, hỏa lực còn lại nhằm vào chiếc xe bọc thép đi đầu. Chờ cho mục tiêu vào đúng tầm ngắm hiệu quả nhất. Tôi hô: – Bắn! Một tia lửa xanh vụt lao đi, tiếng nổ cùng đám lửa trùm lên chiếc xe tăng bốc cháy. Cùng lúc hỏa lực đồng loạt bắn vào hai xe chở lính. Bị tấn công bất ngờ, chúng hoảng loạn kêu la, nhưng ngay sau đó chúng cũng tập trung bắn trả lại khu vực ta phục kích.
Chúng tôi vẫn cấp tập bắn về hướng địch, nhằm bảo vệ cho xạ thủ B40 nạp đạn để bắn tiếp chiếc xe thứ hai. Bỗng một tiếng nổ như xé tai ở ngay bên cạnh. Một quả pháo của xe tăng địch đã hất tung cả hai xuống chân ụ mối, mặt mũi tối sầm và không biết gì hết. Trong giây lát tôi cố định thần mở mắt ra nhưng không nhìn thấy gì. Bọn địch vẫn bắn loạn xạ, những tiếng rít của pháo tăng, tiếng đạn bắn thẳng đan chéo trên đầu. Tiếng trung liên và AK của mấy anh em cũng vẫn nổ ran. Bọn địch vừa bắn vừa tháo chạy thục mạng…
Một lát sau im tiếng súng, cũng là lúc tôi bừng tỉnh dậy. Mắt sáng dần, người tôi nhìn thấy đầu tiên là chiến sĩ B40 đang nằm bất động dưới chân ụ mối, máu chảy lênh láng trên đầu. Thấy khẩu AK bên cạnh, tôi đưa tay phải định cầm súng, cánh tay tê buốt cẳng tay như rời ra. Biết là mình bị gẫy tay, tôi dùng tay trái cầm súng tiếp cũng không được, lúc đó tôi mới biết rõ là mình bị cả hai tay. Tôi tập tễnh chạy ra báo cho đồng đội, khi chạy 2 cánh tay của tôi cứ vắt vẻo, như lết trên mặt cỏ. Sau khi tạm băng bó cho 2 chúng tôi, anh em khiêng tôi nhanh chóng rút vào khu rừng gần đó để chờ đồng đội đến ứng cứu. Trong lúc băng vết thương để cầm máu, anh em nói cho tôi biết, cánh tay phải của tôi đã bị nát hết khuỷu chỉ còn dính lại vài sợi dây chằng và mẩu da. Cánh tay trái cũng bị gẫy trên khuỷu, nhưng nhẹ hơn. Chiến sĩ B40 bị thương vào đầu, rất may mảnh đạn không thấu xương sọ chỉ mất nhiều máu và bị choáng nên anh đã tỉnh dần.
Kể đến đây, thương binh Phạm Xuân Trường nhường lời cho anh Thái Uyển, là chỉ huy trực tiếp của anh ngày ấy.
Đại đội trưởng Thái Uyển kể tiếp: Tại nơi giấu quân của đại đội đặc công S1, tôi (Thái Uyển) được 2 đồng chí (1 Lào và 1 Việt) chạy gấp về báo cáo: Đồng chí Trường bị thương gẫy cả hai tay. Tôi chỉ kịp bảo đồng chí liên lạc báo ngay đồng chí Ninh quân y và Đích đi gấp. Năm chúng tôi chạy nhanh về nơi vừa xảy ra trận đánh.
Không gian im lặng lạ kỳ, tôi vừa đi vừa chạy, lòng dạ bồn chồn suy nghĩ miên man. Nơi này đồng bằng chốn rừng “khôộp” mênh mông, phương hướng địa hình phức tạp, địch tình nắm chưa thật kỹ, gạo lại không còn mà rơi vào tình thế này là phải di chuyển rồi, nhưng đi đâu, tổ chức như thế nào để vừa có lực lượng hoạt động bám địch, bảo vệ chăm sóc thương binh, vừa kiếm gạo nuôi nhau… Khi đến nơi anh em đã triển khai cảnh giới sẵn sàng ứng chiến. Tôi vào xem thương binh rồi hội ý với đồng chí Đích và đồng chí Ninh, sau đó quyết định ở tạm chỗ này vừa bố trí chiến đấu, vừa kiên quyết bảo vệ cứu chữa thương binh. Nơi tạm giấu thương binh, tuy là bìa rừng chỉ cách trận phục kích hơn 1km nhưng đã là rừng địch không dám liều lĩnh xông vào. Tôi ra lệnh: Phải chú ý hướng Tây Bắc, quan sát kỹ hướng Đông. Đồng chí Ninh vừa băng bó vừa cố định vết thương, mọi người chuẩn bị cáng có lệnh là di chuyển được.
Mọi ngày ở bãi trống trước mặt, trâu bò có đến ba bốn chục con cần cù gặm cỏ suốt ngày, thế mà lúc này chúng chạy trốn đâu hết sạch. Đang kiểm tra dặn dò đồng chí cảnh giới, tôi bỗng nhìn ra hướng trước mặt và thấy xuất hiện một bóng người đi thẳng về chỗ chúng tôi. Khi đến gần hóa ra là một bà mẹ người Lào đang hăm hở bước, nhìn thấy rõ trên đầu bà đội khăn rằn tay cầm một vật gì nhẹ, bước rất nhanh vào hướng đội hình đang bố trí. Khi bà đến gần, tôi vội lao ra ngay để chặn bà lại. Nhìn kỹ dáng vóc thân hình bà người gầy, da ngăm đen, mắt sắc, tuổi khoảng trên dưới 60.
– Mẹ đi đâu đấy? -Tôi quên cả chào bà mà hỏi luôn.
– Tao đi tìm mấy con trâu! – Bà cũng chẳng hỏi tôi mà trả lời đanh gọn.
Tôi để mắt quan sát chú ý đến bà mà bụng thì nghĩ, người ta tránh nơi bom rơi đạn lạc, đây bà lại tìm nơi nóng bỏng mà hăm hở bước vào, rõ ràng có cái gì đó là lạ ở đây. Trong phút chốc tôi kịp trấn tĩnh, nhẹ nhàng nói với bà:
– Mẹ ơi, chỗ này vừa đánh nhau xong và địch sắp đến, chúng con sẽ còn đánh nhau to nữa, mẹ hãy tránh ra xa đi, nhỡ nơi bom đạn tính sao.
– Vì có tiếng súng nên tao mới đến! – Bà chững chạc trả lời luôn. Mà có ai can gì không? Bà lại hỏi dồn.
Thoáng chút mung lung chưa biết nên nói với bà thế nào, chỉ băn khoăn trong đầu: Bà là ai? Địch phái đi dò la hay cơ sở của bạn Lào đi tìm hiểu tình hình.
– Dạ, có một người bị thương nặng, – suy nghĩ nhanh rồi tôi cũng trả lời thẳng – Có thể phải khiêng anh ấy vào rừng để cứu chữa mẹ ạ! – tôi nói tiếp mà mắt không rời bà cụ.
Bà cũng rất tự nhiên nói liền một mạch:
– Trước mặt đây, chếch qua phải quãng 3km là đồn Đon Nún hướng vào thành Viên Chăn, phía trái xuôi dọc đường 13 là cụm Tăng ở ki-lô-mếch hăm lăm (Km25), ở đó có nhiều lính, gần đây nhất là Tổng Kho ở ki-lô-mếch hăm mốt (Km21) có một đại đội bảo vệ, sau lưng là đồn Tha Ngòn lính đông lắm, quan to cũng nhiều nhưng họ ở xa.
Rồi bà lại nói tiếp:
– Bây giờ là phền (giữa trưa) rồi, sao địch không có động tĩnh gì? Vì nếu chúng nó muốn đánh thì cũng thừa sức đến rồi. Tình hình như thế này thì quãng hai giờ chiều (14h) mà im ắng là hôm nay chưa có gì vì chúng cũng phải tính thời gian lui quân nữa. Như vậy quãng năm rưỡi chiều (17h30) là chủ động di chuyển, thời gian đó hành quân là hay nhất.
Im lặng một lúc bà nói tiếp một mạch:
– Sau lưng con là hướng mặt trời mọc, con cứ thẳng hướng đó mà đi sẽ gặp con sông Nậm Ngừm rồi đi xuôi một chút gặp một cây đa to, thẳng gốc đa xuống dưới bến sông có một chiếc thuyền dìm dưới nước, cho anh em lặn xuống lôi lên xả hết nước cho thương binh nằm vào đó rồi dùng dây dòng thuyền nhẹ nhàng theo bờ, xuôi quãng một tiếng đồng hồ sẽ gặp suối Khăng Ban, theo suối Khăng Ban đưa thương binh về hướng mặt trời mọc thế nào cũng gặp anh em ta, xong việc các con cứ dìm thuyền xuống nước mép trái suối Khăng Ban cho mẹ. Đã có tiếng súng thì ban đêm địch không dám hoạt động đâu. Chắc chắn chúng không dám bắn pháo ra đấy vì là nơi đi lại kiếm ăn của dân, trâu bò thì thả lung tung.
Nói xong mẹ nhìn tôi ái ngại, chào chúng tôi rồi mẹ quay đi. Tôi vội cảm ơn mẹ và nhìn theo ra hướng đường 13 đến khi bóng bà khuất vào những lùm cây dọc theo con suối. Tôi mang nội dung này hội ý với Bạn và cán bộ ta, mọi người đều khẳng định: Địch nó đang kẹt gì đó, hoặc đang nghiên cứu cái gì đấy, vì với số quân đóng chung quanh, sau 1 tiếng đồng hồ là nó thừa khả năng điều quân đến vây ta ngay. Còn pháo là chắc chắn nó chưa dám bắn. Với việc một bà mẹ bỗng dưng xuất hiện, rồi lại vội vã ra đi thì không ai dám khẳng định bà là ai, vì vậy mọi nguy hiểm vẫn đang rình rập ở phía trước và cũng chưa ai dám tin điều gì sẽ xảy ra.
Anh Uyển kể tiếp: -Tôi vừa vào đến chỗ thương binh nằm thì đồng chí Ninh báo cáo là xương cánh tay phải gẫy hẳn đã băng bó và cố định xong, xem ra khó bảo tồn lắm mà phải cưa thôi thủ trưởng ạ. Tôi lặng nhìn Ninh không nói gì, quay sang chỗ đồng chí Đích tôi lệnh tổ chức lại đội hình đưa thương binh vào sâu quãng 50 mét nữa. Tôi chỉ thị tiếp: Hai cánh bên phải bên trái cho dồn lên phía trước một ít, chiếm các ụ mối làm công sự nổi, đài quan sát cho ra sát bìa rừng. Tôi dặn thêm, nhớ cho anh em ăn mỗi người một phong lương khô, lấy hộp sữa dự trữ cho thương binh dùng. Nghĩ lại, thấy từ khi làm công tác hậu địch đến giờ, chưa bao giờ tôi dám cho anh em ăn uống phóng khoáng như lần này.
Sốt ruột với nhiều công việc bộn bề, tôi lẳng lặng đi ra phía đài quan sát. Đứng đó căng mắt nhìn, không gian im ắng đến kỳ lạ, cả gió cũng ngừng thổi, càng về chiều nắng càng gắt thêm. Cứ như thế thời gian nặng nề, chậm chạp trôi đi.
Im lặng một lúc anh Thái Uyển tiếp tục câu chuyện. Anh kể, ở nơi giấu thương binh, ngoài các đồng chí được phân công cảnh giới còn lại mọi người tập trung xung quanh y sỹ Ninh, ai cũng hồi hộp theo dõi ca phẫu thuật có một không hai do Ninh trực tiếp thực hiện. Không có thuốc mê, không có cưa chuyên dụng chỉ với hai con dao găm đặc công. Ngày thường chúng tôi dùng đâm kẻ thù, đào bếp Hoàng Cầm, bới măng rừng, chặt cây làm nương rẫy lo cho cái bụng khi đói. Một dao Minh dùng làm búa, chiếc còn lại đặt sát vào cánh tay đã nát bươm của Trường để chặt. Mỗi nhát búa dáng xuống làm Trường quặn người gồng mình như một con rắn trọng thương, nhưng tuyệt nhiên anh không hề kêu rên. Anh em đứng xung quanh, cả các bạn Lào cũng oằn mình toát mồ hôi theo tiếng chặt chan chát. Cảm gác như ai đó đang dùng kim đâm vào ngực mình. Y tá Tam phụ mổ cho Trường mặt trắng bợt, tay chân run run rồi xỉu xuống, mọi người vội dìu anh ra chỗ thoáng. Y sỹ Ninh vẫn mím chặt môi bình tĩnh thực hiện những công đoạn cuối, cắt nốt những sợi dây chằng và da còn vướng. Cánh tay Trường đã rời ra. Ninh tiếp tục tỉa những “ba via” chỗ cẳng tay cụt của Trường, mỗi lần chặt hoặc gõ gõ cho chỗ xương lồi ra lõm vào được gọn lại là người Trường lại rung lên quằn quại, anh cắn chặt hai hàm răng quai hàm bạnh ra, những người xung quanh lại rùng mình đau đớn thay cho anh. Khi cánh tay cụt được băng kín, máu thấm đẫm cùi trỏ. Phần tay trái Trường cũng bị gẫy nhưng không nát và rời ra như tay phải, nếu phải chặt tiếp chắc chắn Trường không thể qua khỏi. Ninh cẩn thận lau chùi vệ sinh thật kỹ rồi dùng đoạn cây rừng nẹp lại cho anh. Vậy là từ đây người thanh niên cường tráng vùng đồng bằng Thái Bình không còn cánh tay phải rắn rỏi mạnh mẽ nữa. Chính với cánh tay ấy anh đã làm cho kẻ thù khiếp sợ mỗi khi xung trận. Đồng chí Đích gói bọc cánh tay của Trường mang đi chôn mà lòng nặng trĩu, thương bạn nước mắt lặn hết vào trong.
Kể đến đó anh Uyển tỏ ra hết sức xúc động, khóe mắt anh ngấn lệ, anh kể tiếp: Lúc tôi đưa tay nhìn đồng hồ thì đã ba rười chiều rồi (15h30), một ý nghĩ mới bỗng lóe lên. Tôi âm thầm sắp xếp kế hoạch khiêng thương binh hành quân, nếu gặp địch thì sẽ có phương án vừa đánh vừa lui, rồi tìm thuyền dưới sông bên gốc cây đa… Khi kế hoạch rút quân đã tương đối hoàn chỉnh cùng với mấy phương án tác chiến đã hình thành trong đầu tôi mới cảm thấy hơi yên tâm nghỉ ngơi trong chốc lát.
Khoảng bốn rưỡi chiều tôi mời các cán bộ đến hội ý để phổ biến kế hoạch hành quân và phân công cụ thể cho từng bộ phận. Tôi nhắc rất kỹ về công tác bảo vệ thương binh và ký ám hiệu liên lạc. Đến gần sáu giờ chiều tuy ngoài bãi trống còn thấy sáng nhưng trong rừng đã bắt đầu tối. Đội hình bắt đầu xuất phát, tôi đi ở vị trí thứ 4 sau tổ trinh sát, tổ đi đầu cách cáng thương binh 50 mét, tổ cuối cùng cách cáng thương binh 30 mét.
Cứ thế cả đơn vị tắt rừng nhằm hướng Đông mà đi, hành quân với tinh thần hết sức thận trọng và kiên trì. Đi quãng một tiếng đồng hồ tôi cho anh em dừng lại nghỉ, xem lại thương binh và nghe ngóng tình hình, xác định lại hướng, khi đỡ mệt lại tiếp tục lên đường.
Đi khoảng một tiếng nữa thì đồng chí đi đầu quay lại báo cáo có chỗ quang trời sáng ra, tôi cho dừng đội hình rồi theo anh em lên tận nơi quan sát. Thì ra đó chính là sông Nậm Ngừm, sát bờ sông có con đường mòn như bà mẹ Lào đã nói. Quan sát kỹ thấy phía thượng lưu, hạ lưu đều có cây to, nước chảy chậm, sông rộng khoảng trên 50 mét, có chỗ rộng gần 100 mét, hai bên bờ hoang vắng im lìm. Tôi cùng trinh sát theo dọc bờ sông, đi xuôi đi ngược dọc bờ tìm bằng được cây đa to và cuối cùng cũng đã tìm ra. Chúng tôi tổ chức gác hai đầu rồi cử một người lặn xuống sông tìm thuyền theo chỉ dẫn của bà mẹ . Mò mãi, mò mãi. Lấy gốc cây đa làm chuẩn, anh em dịch lên rồi lại xuôi xuống nhiều lần tưởng chừng như mò kim đáy biển. Nhưng rồi vận may cuối cùng đã đến, anh em đã tìm được chiếc thuyền bị dìm dưới sông. Chúng tôi kéo thuyền lên, xả hết nước đẩy vào bờ, lúc đó mọi người mới thở phào nhẹ nhõm.
Những suy nghĩ miên man, xấu tốt lẫn lộn dần dần được thanh lọc và gạt bớt, xóa đi trong tâm tư những giả thiết, những băn khoăn chồng chất. Từ đó tôi khá tự tin mà khẳng định rằng, bà mẹ Lào là người đàng mình.
Cả đơn vị khẩn trương tổ chức đưa thương binh lên thuyền, một đồng chí phải trôi theo sông bám đuôi thuyền để lái, hai đồng chí cầm dây võng dòng theo bờ kéo thuyền còn anh em chúng tôi hành quân ven bờ sông theo đội hình chiến đấu căng thẳng, nghiêm ngặt. Trên bờ, dưới nước cứ thế mà nhẹ nhàng tiến đi trong đêm. Xuôi sông quãng hơn một tiếng đồng hồ, thấy Đích từ phía trước quay lại báo cáo: bên kia sông có khoảng trời sáng, có nhiều lùm cây to và thưa nghi là có bản, tôi cho đơn vị tạm dừng lại và lên xem xét. Tình hình có lẽ không phải bản vì rất im ắng, không có một động tĩnh gì cả. Tôi mời hai cán bộ bạn đến cùng quan sát, họ kết luận đây là cửa Suối Khăn Ban (Pạc Huội Khăng Ban).
Đúng rồi. Cửa suối Khăng Ban, lòng tôi sung sướng khôn tả mắt sáng lên, trong người như trút được gánh nặng. Tôi cho tổ chức đội hình sẵn sàng chiến đấu, rồi phái một tổ lên thuyền qua trinh sát bên kia sông, ổn định xong một đồng chí đưa thuyền trở về chuyển thương binh và anh em lần lượt qua sông.
Khi mọi người tập kết ém đội hình vào vị trí an toàn, tôi cho dìm thuyền xuống Nậm Ngừm cạnh phía Nam cửa suối Khăng Ban như lời bà mẹ dặn.
Mọi việc xong xuôi, kiểm tra lại thương binh và cho hành quân theo hướng mặt trời mọc dọc theo con suối Khăng Ban. Chính nơi đây là hành lang, là đất hoạt động của chúng tôi, là nơi họp hành, đi lại, là nơi nghỉ ngơi lúc ốm đau, mệt nhọc… Vì vậy từ địa hình rừng núi cho đến cây cỏ nơi đây chúng tôi đều thông thuộc. Đến lúc này anh em hành quân có phần yên tâm hơn.
Đến gần sáng tôi cho anh em tạm nghỉ. Đang lấy lương khô định ăn sáng thì nghe có tiếng động, từ hướng đông tiến lại là một tiểu đội anh em mình vừa Lào vừa Việt đến đón. Hai bên gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Sau mấy ngày hành quân chiếm lĩnh trận địa rồi đánh địch rồi hành quân căng thẳng, hôm nay mới thấy dịu dần. Đến lúc này tôi mới ngồi ôn lại một cách tỷ mỷ, ghép lại những chi tiết theo như lời bà mẹ Lào đã dặn từ hướng lui quân cho đến chỗ tìm thuyền, rồi đi đến cửa suối Khăm Ban theo dọc hướng đông thì gặp anh em mình… Mọi việc bà mẹ Lào căn dặn, chỉ bảo cứ như một người chỉ huy có tài thao lược, nhất cử nhất động. “Phương án lui quân” của mẹ xếp đặt thật hoàn hảo đến không ngờ. Nếu không thế thì sao? Lần nữa tôi đinh ninh chắc chắn bà mẹ đó phải là người đàng mình.
Xuôi dòng bén giọt chúng tôi chuyển thương binh vào vị trí an toàn, tổ chức nuôi dưỡng ít ngày rồi tìm cách đưa thương binh về tuyến sau.
Những ngày “hậu phẫu” của Trường ở nơi căn cứ, có rất nhiều bà mẹ, người chị, người em gái Lào bí mật tìm đến mang đồ tiếp tế cho thương binh và anh em trong đơn vị. Nào cháo thịt, cháo cá, rồi cả đường sữa. Ai đã báo cho dân bản biết chuyện này? Điều ấy, tôi là người cảm nhận rõ nhất – chắc chắn đó phải là người mẹ Lào đi tìm trâu. Trong số những người ra thăm tiếp tế có một cô gái mới độ tuổi 15, 16. Khăm Liên là tên cô gái, cô là con của Phò Liên, một cựu đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Người nhỏ nhưng lanh lợi, ngoài đồ ăn cho thương binh, có mấy lần em đã bí mất đi mua một số thuốc kháng sinh, thuốc bổ cho thương binh. Chính nhờ có thuốc được em và cơ sở cung cấp nên vết thương bị nhiễm trùng nặng cuả Trường đã sớm qua khỏi.
Trong những ngày “nước sôi lửa bỏng” cứ có ai từ bản ra tiếp tế tôi đều chuyện trò dò hỏi, kể cả những đồng chí cán bộ hoạt động trong vùng. Bộ đội địa phương trong đại đội của Bun Thay cùng ở cứ. Tuyệt nhiên không ai hay biết gì về “bà mẹ Lào đi tìm trâu” ngày ấy. Bà là ai, bà từ đâu tới? Không một ai trả lời được thắc mắc đó của chúng tôi.
50 NĂM SAU
Hà Nội một ngày mùa đông se lạnh năm 2017, Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam – Lào. Một Đoàn đại biểu Lào gồm những người có công với cách mạng Việt Nam sang thăm theo lời mời của Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào. Tôi (Trường) may mắn được người đại đội trưởng năm xưa là anh Thái Uyển thông báo. Dù sức khỏe khi tuổi đã cao và là thương binh nặng, từ Thái Bình tôi bắt xe khách về Hà Nội cùng anh Thái Uyển tới chào các đại biểu.
Trong Đoàn 40 đại biểu, duy nhất có nữ đại biểu Khăm Liên, điều này cũng đủ biết chị là người như thế nào. Trưa ngày 22/11/2017, sau khi đoàn vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về khách sạn nơi nghỉ của đoàn, anh em đồng chí gặp nhau tay bắt mặt mừng. Riêng tôi từ sau ca “hậu phẫu” trong rừng nay mới gặp lại Khăm Liên – Người em gái dũng cảm và can trường, và còn như người chị hết lòng chăm sóc, chở che thương binh và tham gia nuôi giấu anh em S1 năm xưa. Anh Bun Thay – người đại đội trưởng Pathet Lào cùng chung những trận đánh cam go ở vùng Đông Viên Chăn, mấy chục năm xa cách nay gặp lại mọi người. Khăm Liên nhìn thấy tôi mắt đã đỏ hoe, tôi gơ cái tay trái cong như cùi hái bắt tay chị. Khăm Liên cứ xoa xoa lên cái tay đó và cả cái cùi cụt cánh tay phải của tôi mà suýt xoa… Mọi người ôm nhau, nắm tay nhau thật chặt như anh em ruột lâu ngày gặp lại.
Câu chuyện “Người mẹ Lào đi tìm trâu” ngày ấy lại được mọi người nhắc tới. Anh Thái Uyển lại tâm tư: “Các bạn có tin tức gì mới về người mẹ đã chở che cho S1 ngày đó không? Năm nay tôi đã ngoài 90 rồi, sức khỏe cũng không được tốt lắm. Muốn trở về với bà con Mường Xay Tha Ny lần nữa không biết có thực hiện được không…”.
Cho dù không tìm được người mẹ Lào ngày ấy, nhưng trong tâm trí của mỗi chúng tôi thì hình ảnh người mẹ Lào đi tìm trâu, cùng những người bạn Lào ngày ấy luôn sống mãi trong trái tim những người lính quân Tình nguyện Việt Nam “S1” chúng tôi.
Phạm Xuân Trường & Thái Uyển