Trong cuộc đời người lính tình nguyện ở Lào, có biết bao nhiêu sự hy sinh, hy sinh trong chiến đấu, hy sinh vì bệnh tật, tai nạn cây đổ, đá lăn, suối sâu, lũ lớn…Còn có cả những cái chết thương tâm vì cọp dữ trong lúc làm nhiệm vụ.
Ở Hạ Lào, nơi có nhiều cọp và cọp dữ nhất là vùng tây sông Xê Công. Ở đây, có biết bao nhiêu chuyện cọp khá rùng rợn để lại trong tâm trí mọi người. Ban đêm, cọp lẻn vào rình dưới gầm sàn, cả nhà đang còn túm tụm quanh bếp lửa chuyện trò vui vẻ sau một ngày lao động…Bỗng nghe “R..à…o…o…” một cái ! Mọi người ngã lăn ra, một bóng đen to như con bò mộng vụt qua, củi lửa bay tung toé, tối om…Rồi tiếng kêu la thảm thiết vang lên: “ Mất rồi ! Mất rồi !..Mẹ ơi…”. Chỉ còn một vệt máu tươi vương trên sàn…
Không chỉ ban đêm, mà cả ban ngày cũng chưa chắc đã yên ổn. Một đoàn người có giáo mác, chó săn đi theo giúp đánh hơi cọp báo động cho người. Thế nhưng cọp vẫn lần theo, giữ một khoảng cách đủ để chó không đánh hơi được, tinh khôn hơn, chúng còn biết đi dưới chiều gió để tiếp cận đoàn người. Cọp theo người về tận đầu bản, mọi người tản ra, ai về nhà nấy, đàn chó về đến nhà cũng mừng rỡ, vẫy đuôi rối rít, nhảy lên cầu thang…Chỉ chờ có thế, con cọp nhanh như cắt lao vào, trong chớp mắt, một người đã bị cọp cuỗm chạy biến vào rừng.
Cọp hung dữ như vậy nên nhân dân đi rẫy thường rủ nhau đi, đợi nhau về cho đông người, phụ nữ, trẻ con đi giữa, đàn ông, thanh niên trai tráng đi đầu và cuối hộ tống bảo vệ. Nhưng cọp rất tinh khôn, chúng hoạt động không theo quy luật nào. Có đoàn người đi nương về, qua một đám rẫy vừa đốt trống hoang, khói, cỏ cây cháy vẫn toả ra nồng nặc nhưng một con cọp vẫn đến nằm lẫn trong đám cây cháy đen, sau một tảng đá. Mọi người đi đến đám rẫy trống có phần chủ quan, lũ chó thì bị mùi khói làm mất phương hướng…Con cọp chờ đúng tầm phóng ra, thoắt một cái đã vồ được một chị đi giữa đoàn…Nhưng không phải lúc nào cọp cũng đạt được mục đích. Một hôm, có hai vợ chồng nhà nọ đi nương, người vợ đi trước, lưng mang gùi, tay cầm coọc thuốc (ống điếu của người A-lắc, to và dài), người chồng cởi trần, đóng khố, tay cầm rựa. Hai vợ chồng vừa đi vừa nói chuyện, bỗng một con cọp nhảy ra vồ lấy người chồng. Theo một phản xạ tự nhiên, dù vô cùng hoảng hốt, nhưng chị vợ vẫn kịp dùng cái coọc thuốc đang còn đỏ lửa phang vào đầu con cọp. Bị bất ngờ, con cọp thả con mồi xuống, dùng chân đè và ngồi lên người chồng, còn hai chân trước thì chống đỡ cái ống điếu của người vợ. không hiểu dũng khí và sức lực từ đâu sinh ra, giúp chị phang liên tục cái ống điếu vào đầu con cọp. Đau quá, chúa sơn lâm đành chịu thua, nó buông mồi, gầm lên một tiếng rồi bỏ chạy. Chị vợ lúc này cũng khiếp quá nên ngất xỉu. Dân bản nghe tiếng cọp gầm, giáo mác chạy ra đưa cả hai vợ chồng về chạy chữa.
Chuyện chống cọp thậm chí đã phải đưa vào thành một trong những nhiệm vụ công tác của quân tình nguyện ở huyện Xê Công, vừa bảo vệ mình, vừa bảo vệ dân. Giặc Pháp và cọp dữ, hai loài thú dữ, hai kẻ thù đều nguy hiểm và tàn ác. Chúng tôi đã gom lại bao nhiêu chuyện cọp tấn công trong vùng để rút ra quy luật và cách đề phòng. Dân còn cho biết, có con cọp quen ăn thịt người to như con bò mộng chỉ có ba chân, dấu bàn chân để lại của nó to bằng cả bàn tay người lớn xoè ra, nó thường di chuyển từ vùng Xê Công đến La Ve, đi đến đâu là gieo tai hoạ đến đó. Không chỉ bắt người, nó còn vồ cả một con trâu to kéo đi…Chuyện cọp thật kinh khủng nhưng nói riết rồi cũng thành quen, dần dần trở thành những câu chuyện tiếu lâm để vui đùa nhau. Chống cọp rất khó bởi nó không ở một vùng nhất định, hoạt động không theo một quy luật, một cách thức nào. Đi đường đầu óc lúc nào cũng căng thẳng, thế mà dân ở đây phải sống cả đời với cọp ! Khi đơn vị tôi đến, dân các bản Tui Dong, Pa O, Xa Tin mừng lắm, buổi tối ông trưởng bản đến gặp:
– Ngày mai, dân bản hết gạo ăn rồi, xin bộ đội đi cùng dân giúp dân chuyển thóc từ ngoài rừng về. Nghe nói con cọp ba chân ở Xa Tin đã về đây, có bộ đội cùng đi chúng tôi không sợ !
Kho lúa của dân vùng này thường tập trung thành từng cụm trong rừng theo khu nương rẫy, cách xa bản có khi một vài giờ đi bộ. Họ thường dựng những nhà kho cao đến hàng chục bậc thang, rào gai xung quanh để chống thú rừng. nhưng lũ cọp cũng rất xảo quyệt, chúng thường rình quanh những kho lúa để rình mồi. Do đó, mỗi lần đi lấy lúa là một lần khó nhọc, thậm chí xương máu. Bây giờ có bộ đội tình nguyện Việt Nam hộ tống giúp chuyển lúa về nên dân bản yên tâm vui vẻ lắm.
Một buổi sáng, mặt trời vừa lên khỏi ngọn cây, mấy gia đình làm cỏ nương ngay cạn bản, chúng tôi đi thăm hỏi các gia đình nhưng vẫn mang theo súng. Bỗng nghe tiếng tiểu đội trưởng Ngọc thét lớn: “Cọp” ! Tiếp theo là tiếng tiểu liên Stell nổ một loạt ngắn. Anh em cầm súng chạy vội về phía tiếng súng, vừa chạy vừa lên đạn roàn roạt. Vẫn kịp thoáng thấy bóng một con cọp vằn đen rất to lao về phía rừng già. Đến nơi, đôi vợ chồng đang làm cỏ nương mặt còn xanh tái, nói run run không ra hơi, lắp bắp kể lại: “…Chúng tôi mải làm không để ý, đến khi ngẩng lên thì…trời ơi ! Một con cọp to đã đứng bên kia rào nương tự lúc nào !!! Vợ tôi khiếp đảm khuỵu xuống, còn tôi sợ quá đứng ngây ra như gỗ, tay chân cứng hết cả lại…May làm sao, có bộ đội nhìn thấy và nổ súng khiến nó bỏ chạy… “Xa thú” (lạy Phật), nếu ở ngoài rừng, không có ai thì chắc chết rồi…
Thế rồi, chuyện xảy đến không chỉ là dân nữa mà ngay trong đơn vị tôi, đến nay mỗi lần nghĩ đến tôi vẫn còn đau xót như vừa hôm qua vậy. Đêm hôm ấy, trời rất lạnh, cái lạnh càng về khuya càng tê tái. Tôi trở mình thức dậy, nhìn xuống dưới sàn vẫn thấy Thông đang gác. Anh là chiến sỹ Nam Tiến, quê Thái Bình, người tầm thước nhưng khoẻ mạnh và rất dũng cảm. Hằng ngayfThoong không bao giờ từ chối công việc gì, dù nặng nhọc, vất vả đến đâu. Tôi xuống sàn:
– Trời lạnh quá, dưới này xa bếp lửa, lạnh lắm hả !?
– Rét lắm anh ạ ! Đêm im ắng thế này nhưng sáng ra, quanh nhà đầy dấu chân cọp, không thể coi thường bọn này được…
– Ai thay gác cho cậu !?
– Lẽ ra đến phiên anh Phán rồi nhưng hôm qua anh ấy giã gạo cả ngày, chắc cũng mệt, thôi, đằng nào em cũng thức, để em gác thêm phiên cho anh ấy ngủ cũng cũng được, trời sắp sáng rồi…Anh đi ngủ đi !
Tôi lên nằm mà không sao ngủ lại được, cứ nghĩ vẩn vơ về Thông…Mồ côi cha mẹ từ bé, ở với người chú, cách mạng đến, đi bộ đội, Nam tiến…chiến đấu liên tục từ cực nam Trung bộ đến khu 5 rồi sang Lào…Thiếp đi một lúc thì gà bắt đầu gáy, vài gia đình đã đỏ lửa chuẩn bị cơm nước đi rẫy. Màn sương mù dày đặc, trắng đục vẫn còn phủ kín bản làng, cảnh vật mờ mờ ảo ảo…Bỗng nghe “soạt” một cái, tiếng rơi của một khẩu súng rồi tiếng thất thanh: “Cọp bắt người, Cọp bắt người rồi !!!…”. Mọi người náo loạn, nhảy xuống sàn, tiếng kéo khoá nòng lên đạn, tiếng chân chạy huỳnh huỵch, vài loạt đạn vang lên từ phía con suối đầu bản. Một lúc sau, từ trong sương hiện ra cái bóng của tiểu đội trưởng Hiền, tay xách cây Thompson, quần ống thấp ống cao, hổn hển phà khói ra từ miệng: “ Báo cáo, cọp…cọp… bắt mất Thông rồi !!!”
Lòng tôi thắt lại, vừa mới đây thôi, Thông còn thủ thỉ với tôi rằng anh đã có người yêu ở Quảng Ngãi, chờ kháng chiến thành công, họ sẽ…Nước mắt tôi trào ra, Thông ơi !!!
Chia nhau lùng sục, súng lăm lăm trên tay, chúng tôi tìm thấy xác Thông bên bờ suối, thân hình đẫm máu dính đầy lông cọp, trên đỉnh đầu bốn lỗ thủng vết vuốt cọp, cằm anh bị cọp xé rách đến mang tai…Tiếng bà Mí nức nở: “Thông ơi ! mới hôm qua con còn đến lợp nhà cho mẹ, giã gạo với em con…mà hôm nay con đã ra đi…Khổ quá con ơi !!!”. Can Tia, cô gái có đôi mắt sáng và nụ cười thật xinh từng cười với anh: “Độc lập rồi, mày về đây ở với tao nhé…Ơ h’ro mo, h’ro mo (tao thương mày, tao thương mày) giờ gục mặt vào vai bạn, nấc nghẹn…Anh Thanh Hoè, uỷ viên quân sự miền đông thì ôm mặt không nói lên lời. Hôm ấy, bản Tui Dong có tang, người ta cắm lá ngoài cổng bản, cấm người lạ vào làng.
Đến tối, chúng tôi đặt xác Thông bên gốc me bố trí phục sẵn, đợi cọp tiếc mồi quay lại. Phán, người bạn mà Thông gác thay đêm qua xin giữ khẩu trung liên Bren để trả thù cho Thông. Đêm đó, con cọp về thật, nó quẩn quanh phía ngoài rừng, gầm gừ, kêu “bép bép…” nhưng đánh hơi được nên không đến gần. Sáng hôm sau chúng tôi và dân bản chôn cất Thông trên một gò đất gần bản, lấy đá hộc xếp thành ngôi mộ chắc chắn, vừa tránh nước xói mòn, vừa chống cọp đào bới. Một cây gỗ to làm bia cắm trên mộ anh ghi lại tên tuổi, ngày tháng hy sinh của Thông, đó là ngày 30 tháng 6 năm 1952…
Chuyện cọp chưa dừng lại…
Năm 1953, đại đội 6 về bản Tà Tum làm rẫy. Theo dân vùng này, khi rẫy có người đã bị cọp bắt thì bỏ rẫy ấy đi, không làm nữa. Tiếc cái rẫy đã phát, trỉa xong xuôi, đất tốt, rẫy rộng, lúa đang nhú mầm non mơn mởn nên chỉ huy đơn vị quyết định chăm sóc tiếp.
Hôm đó, thông báo có thư từ bên nước chuyển sang, những dịp này là một ngày vui nhất đối với những người lính xa nhà, xa tổ quốc như chúng tôi. Đang làm cỏ lúa mà mắt ai cũng chốc chốc lại dõi về con đường mòn ngoằn ngoèo dẫn về bản. Cuối cùng từ đằng xa chúng tôi đã nhìn thấy hai người đang đi như chạy về phía rẫy của chúng tôi, rồi dần dần nhìn rõ đấy là Thái và Tường. Họ giơ tay vẫy vẫy như báo tin vui. Mọi người xúm lại hỏi thăm tíu tít, Thái vừa thở, vừa cười, vừa trả lời những câu hỏi tới tấp, tiện miệng báo luôn tin Tường chuyến này cũng có thư người yêu xin phép đơn vị cho về cưới…Ai đó hỏi:
– Rứa thằng Tường mô rồi !?
Thái quay lại, ngỡ ngàng:
– Hắn đi ngay sau tôi, tới gần đây mới nói rẽ vô cạnh đường đi tiểu mà !
Linh tính như mách bảo có điều gì chẳng lành, mọi người chụp vội vũ khí ùa ra. Chỉ cách nơi làm chưa đầy trăm mét, một vùng cỏ tranh nhàu nhát, khẩu súng trường đứt dây lẫn trong đám cỏ, bộ quần áo vải Xi ta rách nát đẫm máu….không thấy Tường đâu cả ! Toả ra tìm kiếm hồi lâu mới thấy thi thể anh không còn nguyên vẹn…Một cái chết đau đớn nữa lại đến với chúng tôi ! Không ai có thể quên Tường, anh vốn là cán bộ xã vùng Quế Sơn (Quảng Nam) làm quản lý kiêm văn thư đại đội, tính tình hiền lành, ít nói…Là quản lý nhưng trận đánh nào anh cũng vác súng tham gia cùng anh em, làm đủ các công việc cực nhọc của một người lính chiến…lá thư người vợ sắp cưới trong túi ngực còn hơi ấm mà anh đã thành người thiên cổ ! Đau đớn thay…
Trong cuốn sổ Liệt sỹ của đại đội thêm những dòng đẫm nước mắt: “…Ngày 5-5-1953, đồng chí Nguyễn Văn Tường quê: Quế Sơn, Quảng Nam đã hy sinh tại bản Tà Tum, huyện Xê Công, khu Hạ Lào trong khi làm nhiệm vụ…”
Câu chuyện này như một lời tưởng nhớ về sự hy sinh thầm lặng của một thế hệ những người lính làm nhiệm vụ đặc biệt giúp đỡ cách mạng Lào trong những năm tháng kháng chiến chống Thực dân Pháp vô cùng gian khổ. Tổ quốc, nhân dân, các thế hệ nối tiếp đời đời ghi nhớ công lao xương máu của họ cho hai dân tộc Việt-Lào.
Hoài Nguyên
-Quân tình nguyện Việt-Lào-