Hôm nay tôi đi cuối đội hình hành quân của đơn vị.
Một ngày đầu tháng 5 năm 1964. Trời đã sáng hẳn. Nhìn những cành lá ngụy trang đang nhảy nhót trên những chiếc ba lô, trên các loại súng, trên từng gánh đạn đang rung rinh sau những chiếc mũ lưỡi trai của bộ đội Pa thệt Lào nhấp nhô bám sát nhau, với những bước chân chắc nịch, đang tiến nhanh về phía trước mà lòng tôi tràn ngập niềm vui… bởi khí thế của mỗi chiến sĩ, bởi sự quen dần với gian khổ trong cuộc hành quân dài ngày trong núi rừng.
Đi cùng với tôi có Biểu là liên lạc, Tản là y tá và Đề là người của trung đội ĐKZ, đang bị sốt rét.
Với vóc người nhỏ con, Đề được tiểu đội phân công gánh 2 quả đạn, mỗi quả nặng xấp xỉ 10kg. Cùng với tư trang, 2 quả lựu đạn, bi đông nước, nắm cơm, 1 bao gạo nặng 6kg thì trọng lượng Đề phải mang vác cũng lên đến 40hg. So với các đồng chí khiêng nòng súng (hai người khiêng một nòng) hoặc người vác chân súng thì trọng lượng của người vác 2 quả đạn là nhẹ nhất.
Đề đã bị sốt hai ngày nay, đêm qua chỉ húp được nửa bát cháo, miệng kêu đắng, mặt mũi đã hơi hốc hác. Sáng nay Đề vẫn tiếp tục hành quân theo tiểu đội. Hai quả đạn đã được đồng chí tiểu đội trưởng, tiểu đội phó chia nhau vác giùm.
Tản vác đỡ bao gạo cho Đề, còn Biểu gánh thêm ba lô của Đề. Trên người Đề vẫn mang thắt lưng to cùng các trang bị cá nhân.
Bốn chúng tôi lại lên dốc. Trời nắng, đường khô nên việc leo dốc tuy có đổ nhiều mồ hôi nhưng đỡ vất vả hơn khi trời mưa. Lúc đi, lúc nghỉ, cuối cùng sau hơn ba tiếng đồng hồ chúng tôi cũng đến đỉnh dốc.
Vừa dừng chân, Đề không thể gắng được nữa. Sốt rét đã lên cơn từ nửa giờ trước. Đề nằm xoài xuống đất. Biểu và Tản tháo thắt lưng Đề rồi lấy lá rừng trải ra để Đề nằm nghỉ, tháo chăn đắp lên người. Người Đề nóng ran, run rẩy, hai hàm răng đánh vào nhau cầm cập. Tản lấy nhiệt kế luồn vào nách, lúc lấy ra đã là 40°c. Tản nhanh chóng tiêm cho Đề một mũi ký ninh cùng với ống thuốc trợ lực. Chúng tôi phải ngồi lại chờ khi cơn sốt của Đề giảm mới có thể dìu nhau đi tiếp. So với những năm 1952 – 1953, thời chống Pháp tôi cũng đã hành quân và tác chiến suốt dọc thượng nguồn sông Nậm Ư, đoạn từ Pạc Xèng đến vùng Hát Hoài thuộc tỉnh Luông Pha Băng. Hồi đó tôi là lính bộ binh, thứ mang vác nặng nhất là khẩu súng trường Mas hoặc khẩu Tuyn tiểu liên với một số đạn, còn tư trang hồi đó chỉ có một hoặc hai bộ quần áo, một mảnh vải mỏng làm chăn, một chiếc màn nhỏ, tất cả đựng trong một túi vải tự tạo, ai làm được hai quai thì được coi là ba lô, chỉ có một quai thì gọi là túi đeo. Chiếc ba lô đúng nghĩa chỉ có ở số cán bộ hoặc rất ít chiến sĩ lấy được của địch. Dụng cụ đựng nước không phải bằng nhôm hay Inox mà phần lớn là tìm một ống bương, róc mỏng vỏ, mắt ống phía trên được dùi hai lỗ nhỏ để khi dốc lên uống thì nước chảy nhanh, uống xong dùng hai nút bằng tre vừa khít lỗ nhỏ nút lại. Bát ăn cơm là một nửa vỏ sành quả dừa già.
Còn bây giờ, với đơn vị hoả lực, súng đạn đã nặng, mặc dầu đã tháo rời các bộ phận nhưng có loại phải hai người khiêng, đồ đạc tư trang dùng cho sinh hoạt của một người khá đầy đủ. Mặc dầu cũng có một số thứ không thích hợp với cảnh hành quân dài ngày, như: Chăn chiên, “bạt sao vàng”… Trọng lượng của mỗi chiến sĩ hoả lực phải mang vác đã bằng hoặc chí ít cũng hơn ba phần tư trọng lượng bản thân.
Lúc này chúng tôi đã hành quân được 13 ngày, hầu hết là trèo đèo lội suối, leo dốc, có dốc đi suốt một ngày mới lên đến đỉnh. Đường hành quân đi theo đường mòn của dân, đi từ bản này sang bản khác, dọc theo lưng chừng sườn phía tây dãy núi Trường Sơn, là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Lào Thơng. Còn phía trên đỉnh Trường sơn là dân tộc Lào Sủng. Phía dưới chân núi và đồng bằng dọc theo các con sông có ruộng nước thì chủ yếu là đồng bào dân tộc Lào Lùm.
Từ những năm kháng chiến chống Pháp, bộ đội Pa thệt Lào và quân tình nguyện Việt Nam đã lấy vùng đất của đồng bào dân tộc Lào Thơng làm căn cứ hoạt động nên hành quân trên tuyến đường này là hết sức tin tưởng, bởi có sự che chở của nhân dân.
Cả ngày hành quân, đêm ngủ như chết nên việc nằm màn không cẩn thận sẽ làm mồi cho muỗi rừng đại ngàn hút máu. Tôi cũng đã từng bị sốt rét nên rất lo, nếu không điều trị kịp thời cho Đề mà dẫn đến sốt rét ác tính thì quá nguy hiểm. Khi người sốt rét đã lên cơn nặng, nhiệt độ cao, nằm mê man bất tỉnh, mắt nhắm nghiền mà tự tay vuốt ngược “hạ bộ” của mình là dấu hiệu khó qua. Nghĩ tới đây tôi rùng mình…
Sau gần một tiếng đồng hồ Đề ngồi dậy, đôi mắt ngơ ngác nhìn chúng tôi rồi chậm chạp nói: “Em bị sốt cao quá. Hôm nay thấy mệt hơn hôm qua rồi. May mà thủ trưởng và các anh ở lại cùng em. Chắc đơn vị đi xa lắm rồi”. Đôi mắt Đề ngấn lệ.
Nghỉ thêm một lúc cho Đề lại sức, chúng tôi lại dìu nhau đi tiếp.
Đã xế chiều, đang xuống dốc bỗng một cơn mưa ập tới. Tuy mưa không to nhưng đường khá trơn. Việc leo xuống dốc đường trơn chúng tôi cũng có chút kinh nghiệm. Các đầu ngón chân đã tì sát vào đế dép, đè chặt lên mặt đường thế mà nhiều lúc không trụ nổi. Được một lát, tuy đã chống gậy mà Đề vẫn bị trượt và ngã bệt xuống mặt đường, hai đế dép cao su bị trật lên mu bàn chân. Loay hoay rồi Đề cũng tự chống gậy đứng dậy được. Đề tháo luôn đôi dép cầm tay, để ngón chân bám đất được chắc hơn.
Khi chúng tôi xuống gần hết dốc thì trời cũng tạnh mưa. Đã có chút ánh nắng le lói qua khe lá rọi xuống mặt đường. Chúng tôi lại bước trên một đoạn dốc thoai thoải gần khu rừng đại ngàn, hầu hết là những cây gốc to, cao vút, nhiều cành lá xum xuê ngả ra mặt đường.
Bỗng nghe có nhiều tiếng kêu “chíp chíp”, lại có tiếng ào ào liên tiếp trên các cành cây phía trên đầu chúng tôi. Thì ra đó là một đàn khỉ, con màu nâu, con mầu vàng, có con khoang đốm đen … đang nhảy nhót đùa giỡn nhau, cũng có lúc chúng nhảy cả đàn từ cành này sang cành khác. Chúng tôi vừa đi vừa bàn tán về những chú khỉ, thì Tản hỏi tôi:
“Hiện nay ta đang đi ờ vùng nào hả thủ trưởng”
Tôi trả lời: “Theo bản đồ thì vùng này thuộc địa phận Hạ Lào. Thế là ta đã qua Trung Lào”.
Trên bản đồ có ghi chữ “Tàvên Oọc” .
Tàvên Oọc theo tiếng Việt là “Mặt trời mọc”, phía mặt trời mọc, tức là phía đông của Hạ Lào, nơi tiếp giáp với Việt Nam qua dãy núi Trường sơn. Việt Nam ta thường gọi là tỉnh Miền Đông.
“Cũng trên bản đồ, điểm mà ta nghỉ tối nay là bản Tằng Cạt Nọi” (Nọi là nhỏ), tiếp hôm sau lại có một bản Tằng Cạt nữa là “Tằng Cạt Nhầy” (Nhầy là lớn).
Khoảng nhá nhem tối thì chúng tôi cũng vể tới điểm nghỉ. Khánh – Trung đội trưởng của Đề cùng hai chiến sĩ ra đón chúng tôi cách nơi nghỉ khoảng một cây số đường dốc. Ở đó đơn vị đã ổn định chỗ nghỉ. Nhìn các mái võng bằng nilông rải rác trong khu rừng nghỉ hôm nay mà nghĩ đến cái ngày bị trận mưa đầu tiên, trong tôi cảm giác buồn vui lẫn lộn.
Ba chúng tôi trở về khu vực đại đội bộ, chuẩn bị chỗ nghỉ. Đêm đó tôi cứ trằn trọc về trường hợp sốt rét của Đề. Nếu không dứt được sốt, thậm chí có thể sốt cao hơn thì xử lý thế nào đây. Tôi quay về phía võng của Tản và hỏi:
“Ngày mai cậu xử lý thế nào tình hình của Đề”.
Tản trả lời ngay: “Còn phải chờ xem tối nay nữa thủ trưởng ạ. Em đã thực hiện đúng bài học lý thuyết và kinh nghiệm chống sốt rét trong hành quân ở vùng rừng núi, do các bác sĩ đã giới thiệu trong đợt tập huấn trước lúc hành
quân. Với Đề em đã điều trị liều cao rồi đấy. Theo hướng dẫn, điều trị liều cao là tối ưu rồi, nếu không dứt sốt, muốn ngăn chặn sốt ác tình thì chỉ còn giải pháp là tiêm thẳng ký ninh vào ven (mạch máu), như thế tuy là giải pháp cuối cùng nhưng nếu có dứt cơn sốt thì sẽ ảnh hưởng đến não”.
Nghe Tản nói mà tôi cứ băn khoăn, không hiểu điều gì sẽ đến với đơn vị trong đợt hành quân này.
Sáng hôm sau, từng trung đội đã dậy hết, tăng võng được để nguyên, một số người đang hì hục làm bếp “Hoàng Cầm”; một số lớn đang chuẩn bị lấy gạo để bổ sung cho đợt hành quân tiếp, một số đang tắm giặt ở suối. Bộ đội đang triển khai công việc của một ngày nghỉ thì Khánh lên gặp tôi, báo cáo là có ba người dân muốn gặp.
Khánh vốn là quân tình nguyện Việt Nam những năm 1953 – 1954, hoạt động ở Thượng Lào đã về nghỉ năm 1958. Đến nay có đơn vị hoạt động ở Hạ Lào, cấp trên lại điều động trở lại và bổ sung cho đơn vị tôi làm trung đội trưởng, vốn tiếng Lào của Khánh khá tốt.
Tôi và Khánh đi ra gặp ba người dân, gồm một cụ già, một người “tò bản” hôm qua và một người đàn ông cỡ trung niên. Theo tục lệ ở Lào, trên đường công tác, cán bộ, bộ đội Lào – Việt đến bản nào thì bản đó phải cử một người đàn ông đứng tuổi dẫn đường đến bản kế tiếp.
“Tò bản” là người dẫn đường của từng bản. Nhân dân ở bản kế tiếp có trách nhiệm tổ chức ăn nghỉ cho người dẫn đường của bản trước. Khi cán bộ, bộ đội đi tiếp thì người “tò bản” mới dẫn đường, người “tò bản” cũ trở về với bản mình.
Bà cụ già trạc trên 70 tuổi, tóc bạc gần hết, trên mặt nhiều nếp nhăn nhưng hai hàm răng đen, đều rất đẹp. Với đôi mắt trìu mến và nhanh nhẹn, hai tay chắp trước ngực, đầu hơi cúi xuống hướng về chúng tôi, cụ nói:
“Sạ bai đi phu coong thà hán Việt”, nghĩa là “Xin chào cán bộ bộ đội Việt”.
Khánh tiếp lời luôn: “Ải noọng thà hán Việt khọp chay me thầu”, nghĩa là: “Anh em bộ đội Việt cảm ơn mẹ già”.
Mắt nhìn vào chúng tôi, với giọng nói nhỏ nhẹ, cụ nói một hồi. Khi cụ dứt lời, Khánh dịch lại: “Bà cụ nói, nghe “tò bản” nói có bộ đội Việt qua bản, lại có cái bộ đội đang ốm nặng. Già đã cúng Giàng (trời) ở bản rồi, xin Giàng cho bắt “con ma” để cái bộ đội được khoẻ mạnh. Già đem thuốc của nhà cho cái bộ đội Việt uống. Thuốc của cụ đời trước truyền lại đó. Dân bản ta ai bị con ma bắt, uống thuốc này đều khoẻ. Nếu không ưng cái bụng thì không cho uống cũng được”.
Đề nằm trên võng đang run bần bật, lại tiếp tục sốt, nhiệt độ trên 40°C. Tôi đang suy nghĩ thì bà cụ nói tiếp, Khánh lại dịch cho tôi nghe: “Bà cụ muốn được đến thăm bộ đội ốm”.
Chúng tôi mời cụ đến võng của Đề. Bàn tay nhăn nheo của cụ sờ lên trán, lên mặt, sờ lên chân tay Đề, cụ bóp các ngón chân, ngón tay. Đôi mắt cụ ứa lệ, cụ chắp tay ngước mặt lên trời, miệng lầm rầm, hình như cụ đang khấn vái Giàng để Giàng bắt “con ma” cho Đề. mắt cụ nhìn chằm chằm vào đôi mắt Đề.
Xong việc bà cụ xin phép được trở về bản.
Tôi và Khánh tiễn cụ. Đi bên cạnh cụ, Khánh thủ thỉ nói: “Cán bộ và bộ đội Việt cám ơn mẹ già, cám ơn dân bản ta”.
Đi hết đoạn đường bà cụ quay lại phía chúng tôi, tay chắp trước ngực và nói: “Chúc bộ đội Việt mạnh khoẻ, xin Trời cho cái bộ đội khỏi bệnh”.
Chúng tôi quay lại. Tôi hỏi Khánh và Tản:
“Thế nào, ta cho Đề uống thuốc được không?”
Tản đang băn khoăn không biết trả lời thế nào, thì Khánh nói ngay:
“Theo em, ta cứ cho Đề uống, thuốc của dân Lào thường là hiệu nghiệm lắm, đều là thuốc quý. Theo như bà cụ nói thì thuốc này là thuốc của nhà, của đời trước để lại, bên ta gọi là “gia truyền” đấy, vả lại tình thương của các bà mẹ Lào cũng như tình thương của các bà mẹ Việt ta đối với bộ đội, ngày xưa cũng như bây giờ, là rất quý. Ngày trước ở Thượng Lào, mỗi lần ốm đau em đều uống thuốc của dân bản cả và đều khỏi. Hồi đó thuốc của ta khó, hiếm lắm”.
Tôi quay về bàn với các đồng chí trong Ban Chỉ huy đại đội. Cuối cùng thống nhất với ý kiến của Khánh.
Đề đã uống hết chỗ thuốc mà bà cụ đem cho. Độ một giờ sau nhiệt kế trên tay Tản đã chỉ 39°C, nét mặt Tản tỏ ra mừng rỡ. Đến xế chiều thì Đề đã tỉnh. Tuy người vẫn còn mệt, đôi môi vẫn khô nhưng đôi mắt linh lợi hơn. Đề nhanh nhẹn với tay lấy bi đông uống từng ngụm nước.
Mọi công việc chuẩn bị trong ngày đã xong, quần áo anh em giặt sáng nay đã khô hẳn. Bữa cơm chiều nay và nắm cơm ngày mai đã hoàn tất. Các bi đông đã đầy nước, một nồi nước lá đun sôi để nguội cho mọi người uống trong đêm cũng đã sẵn sàng cạnh võng tổ nuôi quân.
Hôm sau, đang lờ mờ sáng, mọi người đã dậy, tháo tăng võng, thu gọn đồ đạc, ba lô, súng đạn chuẩn bị cho ngày hành quân mới.
Đề đã tỉnh hẳn, thần sắc linh hoạt hơn và đã tự mình mang vác được tư trang cùng đi trong đội hình tiểu đội. Hai quả đạn của Đề vẫn được đồng chí tiểu đội trưởng, tiểu đội phó mang giúp.
Đội hình đã xếp thành một hàng theo đường mòn, người “tò bản” đã ở đầu hàng quân. Đại đội trưởng Cửu ra lệnh: “Xuất phát”.
Tôi như cất được gánh nặng, lòng trào lên niềm biết ơn đối với bà mẹ già bản Tằng Cạt Nọi trên đất Lào thân thương.
Hồng Phi