Đầu năm 1972, đơn vị chúng tôi (d84 pháo cao xạ, f968) đang làm nhiệm vụ đánh máy bay tầm thấp chi viện cho bộ binh ở Salavan thì nhận được lệnh của Sư đoàn dùng hai khẩu đội súng máy 12,7 ly gấp rút hành quân cơ động đánh trực thăng đổ bộ, hiệp đồng với bộ binh đánh chiếm vị trí của địch ở bản Keng Nhao. Bản này nằm ở phía tây bắc, cách thị trấn Pắk xoòng khoảng 3km.
Hình ảnh Pháo phòng không Quân tình nguyên Việt Nam trên chiến trường Lào
Sau ba ngày gấp rút hành quân mang vác nặng, đến 18h ngày 25/1/1972 khi đơn vị chúng tôi đang tiếp cận vào chiếm lĩnh trận địa thì liên lạc Mặt trận xuống truyền đạt mệnh lệnh mới. Đó là đơn vị lật cánh, khẩn trương hành quân theo trinh sát chiếm lĩnh vị trí, dùng súng 12,7 ly đặt bắn ngang tăng cường hỏa lực cho bộ binh tấn công, tiêu diệt địch.
Đồng chí chính trị viên trưởng đơn vị dồn quân lại ở đầu khe suối cạn, đứng giữa đội hình hành quân, đồng chí nói: “Các đồng chí, đây là lần đầu tiên chúng ta đánh địch không có công sự. Súng của chúng ta đặt trên mặt đất, không vật che chắn, là hỏa lực tăng cường cho bộ binh. Vì vậy tỷ lệ thương vong là rất lớn, song chúng ta quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mà cấp trên đã tin tưởng giao cho đơn vị ta…”. Chúng tôi ai nấy đều có phần lo lắng.
Máy bay Mỹ trên chiến trường Lào trong những năm Kháng chiến chống Mỹ
Sau 5 phút quán triệt nhiệm vụ, đơn vị tôi lại lầm lũi theo trinh sát dẫn đường, tiến theo con suối cạn. Đi được khoảng 50m, tiếng lạo xạo của lính mang vác nặng đi dép cao su nghe rất rõ, lập tức lệnh trên truyền xuống dọc hàng quân: Cởi dép đi chân đất để giữ bí mật… Lính Hà Nội mang tiếng là “công tử bột” như chúng tôi chưa bao giờ hành quân mang vác nặng trong hoàn cảnh như thế này. Trong quân đã có tiếng xuýt xoa đau đớn khi những viên sỏi, đá sắc nhọn đâm vào gan bàn chân… Tuy đau đến chảy nước mắt nhưng anh em chúng tôi vẫn cắn răng đi. Sau 1 giờ rưỡi hành quân, đến 19h30 chúng tôi đã đến sát đồn địch, nhận vị trí đặt súng xong, chỉ huy đơn vị phân công: Khẩu đội 1 gồm đồng chí Lê Quang Tân số 1, Bùi Đức Sơn số 2, Nguyễn Quang Thu số 3; khẩu đội 2 gồm Trần Việt Dũng (là tôi) số 1, Phạm Đình Ngữ số 2, Bùi Vinh Hồ số 3. Nhận nhiệm vụ, chúng tôi lặng lẽ khiêng súng trèo lên bờ suối lần vào vị trí đặt súng. Dưới ánh sáng lờ mờ của sao trời và thỉnh thoảng là hỏa châu của địch bắn cầm canh, chúng tôi thao tác lắp đặt súng. Cách lắp đặt súng ban đêm chúng tôi đã tập và thao tác nhiều lần nên khi lắp đặt rất nhịp nhàng, ăn khớp. Đặt súng xong, nhận xạ giới, mục tiêu rồi mà chưa đến giờ nổ súng, tôi bèn bảo anh Hồ trực súng rồi trượt xuống suối cạn. Tại đây, mấy đứa chúng tôi gặp nhau, gồm anh Sơn, anh Tân, anh Ngữ, tôi, anh Hùng. Chúng tôi thì thầm động viên nhau cố gắng…
Những cung đường hành quân của Liên quân Việt – Lào bị không quân Mỹ oanh tạc
Lúc đó không hiểu vì lạnh sương đêm hay vì lo lắng mà người tôi cứ run lên, hai hàm răng va vào nhau lập cập. Thấy thế, Tân mới ghé sát vào tai tôi hỏi: “Mày rét à”. Tôi bóp chặt tay Tân, đầu gật gật. Tân liền cởi chiếc áo đông xuân dài tay mặc bên trong bộ quân phục rồi đưa tôi và nói: “Mày mặc vào cho khỏi rét”. Tôi như một cái máy, liền nhận lấy và mặc thêm chiếc áo đông xuân Tân đưa. Hơi ấm của đồng đội làm cho tôi không còn rét nữa, răng không va vào nhau nữa. Lúc đó Hùng nói: “Thôi chúng mày về vị trí đi, chắc sắp nổ súng rồi, cố gắng nhé…”. Thế là chúng tôi tản ra, ai về vị trí người đó. Trèo lên bờ suối, bò vào đến vị trí đặt súng, vừa nói thì thào với anh Hồ, anh Ngữ được vài câu thì có lệnh nổ súng. Hỏa lực các cỡ của ta ầm ầm trút vào đồn địch. Tôi cùng anh Ngữ lên đạn và tôi nghiến răng bóp cò. Từng loạt điểm xạ ngắn, ánh chớp lửa đầu nóng lóe sáng nhấp nháy theo nhịp điểm xạ.
Sau loạt đạn phủ đầu của hỏa lực ta, địch liền gọi pháo binh chi viện và nổ súng loạn xạ. Tiếng rít, tiếng nổ của đạn pháo, DKZ, M79, B40, B41, tiếng súng cối, trọng liên 12,7ly của cả ta và địch đan nhau nổ chói tai. Tôi vừa dừng một điểm xạ thì phía trước tôi một con chuột đỏ lừ (đạn DKZ của địch) sèo sèo bay sượt qua và nổ ở phía sau. May mắn chúng tôi không sao. Sau 15 – 20 phút đấu hỏa lực, chúng tôi được lệnh ngừng bắn, khiêng súng cùng bộ binh xung phong vào trận địa. Địch không chịu được sức tấn công và hỏa lực của ta nên bọn sống sót đã tháo chạy và bị bộ binh ta đón lõng, bắt sống toàn bộ. Lúc đó tôi mới biết tin Tân đã bị trúng mảnh pháo của địch và hy sinh.
Tân hy sinh vào đêm 25/1/1972. Khi đó, Tân mới bước vào tuổi 20.
Cuộc sống thường nhật của bà con nhân dân các dân tộc Lào ngày nay
Đến mờ sáng ngày 26/1/1972, sau khi đã chiếm lĩnh vị trí, đào hầm đặt súng đánh địch chi viện, đơn vị chúng tôi tập trung nhóm họp làm lễ mai táng, truy điệu Lê Quang Tân. Chúng tôi hì hục cắt ống pháo sáng, dùng tống chốt khắc bia cho Tân, với hàng chữ: Liệt sỹ Lê Quang Tân, 116 Hàng Gai, Hoàn Kiếm, Hà Nội, hy sinh 25/1/1972. Phần truy điệu bắt đầu, tôi được phân công đọc lời tiễn biệt liệt sỹ. Tôi không cầm được nước mắt, Tân ơi – mới đây thôi mày còn cởi áo cho tao mặc vậy mà giờ đây mày đã hy sinh rồi… Trận đó bên ta hy sinh 12 đồng chí và được an táng tại một khu đất trong rừng gần bản Keng Nhao.
Sau khi được phục viên trở về, năm 1980 tôi đã mang chiếc áo của Tân (mà tôi định giữ làm kỷ niệm riêng) trao lại cho bố mẹ anh. Nhìn thấy chiếc áo của Tân, mẹ Tân đã ôm tôi òa khóc. Lúc đó bà và gia đình mới được biết cụ thể về sự hy sinh của Tân.
Hằng năm cứ đến ngày thương binh liệt sỹ 27/7 và ngày Tân hy sinh 25/1 là chúng tôi, những bạn chiến đấu của Tân, lại cùng gia đình đến Nghĩa trang liệt sỹ Thành phố Hà Nội tại Nhổn (Tây Tựu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) thăm viếng Tân và ôn lại những kỷ niệm buồn vui, không thể nào quên ở chiến trường…
Trần Việt Dũng, CCB d14 cao xạ, f968