Đầu năm 1966, nhiều phân đội của Tiểu đoàn 7 và 924 tiếp tục tổ chức các đội công tác tỏa xuống hơn 200 bản làng thực hiện “ba bám” (bám dân, bám đất, bám địch) và “năm cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng sản xuất, xây dựng, hoạt động). Nhằm tích cực tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, và Mặt trận Lào yêu nước giúp bạn củng cố cơ sở; huấn luyện các tiểu đội du kích bản, tổ chức canh phòng bảo vệ bản làng, cảnh giác đề phòng bọn phản động lôi kéo dân bản đi làm phỉ. Riêng đại đội 2, d7 được giao nhiệm vụ vào chốt giữ Phu Nọong thay đơn vị bạn. Từ Nậm Tiền, Nậm mật, Bản Ban vào tới khu vực phòng ngự đi mất 2 ngày, phải vượt qua dãy Phu Tất Vinh cực kỳ hiểm trở. Chúng tôi được thông báo địch từ Cò Hai, Xen Chồ thường tung những toán phỉ mò ra phục kích, gài mìn trên đèo Phu Lốc Cốc, đoạn đường 7 từ Bản Ban, đến Noọng Pết, gây cho ta nhiều thiệt hại. Chúng tôi chốt Phu Noọng là nhằm ngăn chặn các hoạt động đó của địch.
Cảnh một tuyến đường trên chiến trường Xieng Khuang trong Kháng chiến chống Mỹ
Toàn bộ lương thực, thực phẩm, đạn dược đưa lên các chốt đều phải vận chuyển vào mùa khô, từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Sang tháng 4, tháng 5 trở đi đến tháng 9 mưa xuống, suối lũ cuồn cuộn con cọp không giám đi săn mồi, con chồn sóc không thể chuyền cành leo cây… Thời gian đó không ai có thể gùi hàng được.
Khu vực phòng ngự rộng, lực lượng ta mỏng. Để đảm bảo an toàn, đi gùi gạo phải chốt các cung đường, đề phòng bọn phỉ gài mìn phục kích. Nguy hiểm nhất là Mìn Zíp, nó nhỏ bằng hộp xi đánh giầy, nhưng thuốc cực độc. Dẵm phải Mìn Zíp là coi như mất bàn chân. Có đồng chí bị nhiễm trùng phải tháo đến tận khớp háng. Do vận chuyển khó khăn cho nên chúng tôi chỉ được cung cấp gạo, muối, mắm kem, loại mắm có màu xám đen, đóng bánh thành cục, đựng trong bao cói ẩm ướt, mặn hơn cả muối, còn thịt hộp, cá hộp, đường sữa rất ít chỉ để dành cho thương, bệnh binh, do đại đội quản lý.
Cựu chiến binh Đào Hạng – Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào tỉnh Hải Dương trao đổi kinh nghiệm công tác Đối ngoại nhân dân của Ban liên lạc Quân tình nguyện Hải Duong với các Ban liên lạc tỉnh thành khu vực phía Bắc – Hải Dương, 12/2020
Cuối mùa khô, đầu năm 1966 tiểu đội tôi chốt Đồi Cháy – cao điểm 1.480m. Đây là chốt tiền tiêu đối diện với đồi địch ở Cò Hai. Những ngày trời quang, ta và địch nhìn rõ nhau đi lại trên chốt. Nói đến phòng ngự, trên chốt mọi người đều biết sự thiếu thốn gian khổ đến thế nào. Ăn thiếu rau, vài ngày mới lẻn xuống khe lấy nước, kết hợp tắm giặt, mà tắm giặt, lấy nước cũng nhiều phen chạm trán địch, nổ súng, dẵm phải mìn, thương vong… Ở Phu Noọng được vài ba tháng, hầu hết chúng tôi bị thiếu dinh dưỡng. Các loại bệnh phát triển, phổ biến là tiêu chảy, kiết lỵ, răng lung lay, chảy máu chân răng, các ngón tay xước móng rô, tóc rụng…cả chốt cạo trọc đầu nom ngộ ngộ rất buồn cười! Ngày đó cánh lính chúng tôi đều 18 đôi mươi, trẻ trung, ngây thơ lắm. Gian khổ thiếu thốn vậy mà vẫn hát ca yêu đời. Nhiệm vụ chủ yếu là canh gác, lùng sục tiền duyên, sẵn sàng bắn máy bay địch; Ngoài ra còn có nhiệm vụ làm các loại bẫy để bẫy thú rừng, từ chim, chuột, sóc cho đến con chồn, con nai, đào dúi, hái măng, các loại rau rừng, nấm v.v… để cải thiện bữa ăn. Tóm lại thứ gì ăn được là chúng tôi lấy về. Tuy nhiên vì rừng già nên rau rừng hầu như không có.
Hôm ấy là ngày cuối tháng 3/1966 tổ tôi đi lùng sục tiền duyên. Tổ gồm 4 người: Lò Văn Lai chiến sĩ trung liên dân tộc Thái – quê Sơn La, Lường Văn Sết chiến sỹ AK dân tộc Xá, quê Nghĩa Lộ; Bùi Văn Thẩm chiến sỹ AK, dân tộc Mường, quê Hòa Bình và tôi AK, dân tộc Kinh, quê Hải Dương tiểu đội phó chỉ huy. Đến quá trưa chúng tôi đã tuần tra xong khu vực Khăm Pha Niên, Pha Mo Én, không phát hiện dấu vết địch, khi chuẩn bị về thì Lai nêu ý kiến:
- Hôm nay trời nắng đẹp, đề nghị Tiểu đội phó cho đi thêm may ra kiếm được ít rau cải soong hay rau tàu bay về cải thiện.
Mọi người tỏ ra đồng tình. Tôi cũng thấy hợp lý nên quyết định đi tiếp, đồng thời quán triệt hướng đi về phía Xen Chồ giữ đúng cự ly, bám sát đội hình, tuyệt đối bí mật, cảnh giác cao, sẵn sàng đánh khi gặp địch. Tất cả đã quyết tâm đi. Khoảng 3 giờ chiều, chúng tôi đến một vạt rừng non, linh cảm báo cho chúng tôi biết là đã rất gần địch, có thể có nương của dân. Thời ấy lính tráng chúng tôi không có đồng hồ, địa bàn hay bản đồ như bây giờ, tất cả đều là “kinh nghiệm thực tế”. Hết vạt rừng non trời bỗng sáng choang, tôi cho tổ dừng lại quan sát: Trước mặt, phía dưới dốc là một nương ngô xanh mát mắt. Cuối nương là khe suối nhỏ, phía bên kia cũng là nương ngô lên tận đỉnh một yên ngựa, có từng chòm cây cổ thụ. Chúng tôi nhận định chân dốc phía bên kia yên ngựa sẽ là bản của dân. Địch thường bắt dân ra ở phía trước che chắn cho chúng ở phía sau. Tôi phân công Sết cảnh giới, Lai ở trên, tôi và Thẩm vào giữa nương. Ngô tháng 3 cao ngang bụng, lá xanh biếc. Những cụm đá tai mèo nhấp nhô ẩn hiện. Người dân thường trồng bí ngô xen trong ngô. Những khóm bí bò lan, ngọn mập như ngón tay, lá to như lá sen, nhìn mà sướng. Chúng tôi khom lưng thấp cắt ngọn bí. Đang cắt bí, bỗng nghe Sết huýt sáo “chít chít”, báo hiệu có địch. Chúng tôi ngồi thụp xuống, nấp sau các mô đá tai mèo quan sát. Một loạt súng Các – bin nổ chát chúa ở phía yên ngựa đối diện, rồi một tốp năm tên lính ngụy Lào xuất hiện. Có hai đứa con gái đeo gùi sau lưng. Bọn chúng chưa phát hiện được chúng tôi nên chúng lao phăng phăng xuống dốc, cười nói oang oang, vừa đi vừa bắn lung tung. Qua khe suối chúng lên nương ngô chúng tôi đang phục. Quan sát qua loa, chúng yên trí không có gì khả nghi, ba tên trèo lên cái chòi coi nương, súng và bao xe đạn để ngay cửa chòi. Cái chòi chỉ cách tôi 5 – 6m. Bọn chúng nằm khểnh, hút thuốc rê khét lẹt. Lúc này hai cô gái đi hái ngọn bí. Tình huống cực kỳ phức tạp. Tôi khẽ ra hiệu cho Thẩm cùng tôi tiếp cận cái chòi, mục tiêu của tôi là ba tên lính, khi chỉ còn cách chòi chừng một mét cũng là lúc hai cô gái đến ngay trước mặt Lai, Lai đứng bật dậy hô lớn ” Dút mư khửn” (*), khẩu trung liên chỉa thẳng về phía chòi, tôi và Thẩm lao lên chòi, dí súng trước mặt ba tên địch. Qúa bất ngờ, bọn chúng dơ hai tay, mặt tái mét, Thẩm nhanh chóng thu 3 khẩu súng. Lúc này Sết đã lên chòi, tôi ra lệnh dùng dây dù trói giặt cánh khỉ ba tên vào cột chòi. Sết lấy 3 bao đạn và lựu đạn. Tôi hô “rút”! đồng thời ra hiệu cho Lai bắt hai cô gái đi theo. Chúng tôi lao vào khu rừng non rất nhanh. Đi được khoảng 10 phút, chúng tôi dừng lại, mọi người thở dốc. Thẩm và Sết cảnh giới, tôi và Lai nói chuyện với hai cô gái. Lúc này hai cô gái rất sợ hãi, cứ ôm chặt lấy nhau. Nhìn kỹ mới biết hai cô gái này tầm hai tám, ba mươi tuổi, tức là hơn tuổi chúng tôi. Lai là người Thái, tiếng Thái và tiếng Lào nhiều từ giống nhau cho nên nói với nhau dễ hiểu. Lai nói:
- Các chị đừng sợ, bộ đội Việt Nam không làm hại các chị đâu.
Rồi tôi nói để Lai phiên dịch lại cho hai chị. Đại ý là: Bộ đội Việt Nam sang đánh Mỹ giúp nhân dân Lào giải phóng đất nước, chúng tôi coi nhân dân Lào như nhân dân Việt Nam. Tôi hỏi về cuộc sống của dân ở Xen Chồ, về lực lượng địch, về hỏa lực, chỗ ở, sự canh phòng của địch. Chúng tôi không thể hỏi nhiều, phải rút nhanh. Tôi nói hai chị về cởi trói cho ba người lính đi, chúng tôi không giết họ đâu, các nhớ nhớ nhắn họ bộ đội Việt Nam muốn họ sớm trở về theo CM bảo vệ dân bản không theo kẻ xấu làm phỉ…
Thiếu tướng Bùi Minh Thứ – Trưởng ban liên lạc Quân tình nguyện Hà Nội tặng sách Ký ức người lính Tình nguyện cho bác Đào Hạng (thứ 4 trái qua) và các đại biểu dự giao lưu tại Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào tỉnh Hải Dương, 12/2020.
Bỗng một chị lấy trong túi đeo bên người ra một nắm củ, loại củ nhỏ như ngón tay, giống như củ cải, màu ngà ngà. Chị nói đây là loại củ làm thuốc, ở bản Phu Noọng có nhiều, chị cũng là người ở Phu Noọng, bị địch bắt theo chúng vào Xen Chồ. Bộ đội đào về, rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô rồi rang lên làm nước uống thì tốt lắm. Chúng tôi cảm ơn rồi nhanh chóng rút.
Trận phục kích bắt buộc ấy thu 3 súng Các Bin, 360 viên đạn, 6 quả lựu đạn, 3 dao găm, chiến lợi phẩm còn có 4 bó rau bí và 4 củ rừng cô gái Lào cho.
Hôm sau đại đội cho người lên lấy chiến lợi phẩm. Đồng chí đại đội phó Điều Chính Yêu khen và tặng chúng tôi 3 xiên thịt gấu khô. Chúng tôi gửi biếu 3 bó rau bí để đại đội chia cho anh em. Ngọn rau lúc bấy giờ sao mà quí đến thế! Đại đội xác định củ đó không độc, sao vàng, pha nước uống tốt. Thế là tất cả các chốt bố trí lực lượng đi đào củ, chúng tôi gọi là “Sâm rừng”. Thời đó chưa có túi ni lon, chúng tôi lấy lá chuối rừng phơi khô, gói kỹ, dùng lâu dài.
Thật là tuyệt vời! sau vài tháng uống nước “sâm rừng” anh nào anh nấy da dẻ hồng hào, tóc lại mọc, răng hết lung lay, môi đỏ như con gái. Khỏi phải nói chúng tôi sung sướng đến thế nào. Nhờ ngồi thái sâm trực tại trận địa mà ngày 12/8/1966, khẩu đội đại liên của Nguyễn Ngọc Võ, với 9 viên đạn đã bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay AD6, tiêu diệt giặc lái, khi nó tập kích bất ngờ vào chốt. Đây là chiếc máy bay đầu tiên mà đại đội 2, tiểu đoàn 7, trung đoàn 866 của chúng tôi bắn rơi trên chiến trường Xiêng Khoảng – Lào.
Đời lính chúng tôi đi qua chiến tranh, người còn người mất. Đơn vị tôi là đơn vị tình nguyện chiến đấu ở Lào, rồi tình nguyện đánh Pol Pốt, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Tiếp đó lên biên giới phía Bắc, đánh quân bành trướng ở Hà Giang, Lạng Sơn,… Những kỷ niệm buồn vui thì nhiều. Nhưng câu chuyện về “củ Sâm rừng” của hai cô gái Lào thì cứ hiển hiện như mới hôm qua. Tôi tự hỏi: Tại sao lúc đó hai chị ấy sợ hãi thế mà lại đưa cho chúng tôi những củ thuốc quí? Nếu có súng trong tay biết đâu các chị lại bắn chúng tôi? Phải chăng các chị nhìn chúng tôi mà đoán chúng tôi đang bị thiếu dinh dưỡng? Các chị coi chúng tôi không phải là kẻ thù vì chúng tôi đã không đe dọa các chị! Thế mới biết bà con các dân tộc Lào vẫn thương yêu bộ đội Việt Nam, không nghe theo luận điệu xuyên tạc của địch, nói xấu bộ đội Việt Nam. Chúng tôi có niềm tin vững chắc vào tình cảm tốt đẹp của nhân dân Lào đã và mãi mãi giành cho chúng tôi, giúp chúng tôi vượt qua tất cả đi đến ngày toàn thắng.
Cho hoa Chăm Pa lại ngát hương thơm.
Cho Điệu Lăm Vông và Khúc hát dân ca lại cất cao khắp các bản làng trên đất nước triệu voi thân yêu!
Hai Dương, 10/2019 – Đào Hạng – CCB QTN 866 – TBLL QTN, PCT Hội HN Việt-Lao tỉnh Hải Dương