Hơn 40 năm trước, cuộc đột nhập thần kỳ vào trại giam kẻ thù, giải thoát Hoàng thân Souphanouvong cùng 16 vị lãnh đạo cao cấp Pathet Lào đã được một tổ đặc công Việt Nam phối hợp cùng các chiến sĩ Pathet Lào thực hiện thành công mỹ mãn. Chuyện kể của một người đàn ông phố núi, một cựu binh ngoài 80 tuổi, người trực tiếp tham gia “đặc vụ” vẻ vang ấy…
Buổi sáng mùa khô Tây Nguyên thường rất lạnh, ông vẫn mặc bộ quần áo “tô châu” ngày nào, kỷ niệm của năm tháng quân ngũ, không thể xa được. Sau chén trà nóng đậm hương Bầu Cạn, ông kể lại cho chúng tôi nghe về trận đánh phối hợp với Pathet Lào giải cứu Hoàng thân Souphanouvong hơn 40 năm trước.
Ông là Nguyễn Ngôn, một cựu chiến binh đã ngoài 80 tuổi, hiện đang sống ở thành phố Pleiku (Gia Lai), người vinh dự vừa được con trai Hoàng thân Souphanouvong gửi tặng chiếc áo dân tộc Lào để tỏ lòng tri ân.
Thử thách đầu tiên
Tháng 5 năm 1958, cuộc Tổng tuyển cử bổ sung tại Lào diễn ra với thắng lợi vang dội của mặt trận Neo Lào Hắc Xạt (mặt trận Lào yêu nước). Nhưng ngay sau đó bọn phản động phái hữu đã lật lọng lật đổ Chính phủ Phuma, đưa Phủi Sanikon lên làm Thủ tướng.
Ngày 26/7/1959, y ra lệnh bắt giam Hoàng thân Souphanouvong và 16 cán bộ cao cấp Pathet Lào vào một trại giam đặc biệt trên đồi Phôn Khiêng.
Để nhanh chóng đưa Hoàng thân trở về lãnh đạo cuộc cách mạng Lào, đáp ứng yêu cầu của Đảng nhân dân cách mạng Lào, một tổ công tác “đặc biệt” của ta gồm 9 đồng chí do Phan Dĩnh phụ trách chung, còn ông Nguyễn Ngôn chỉ huy tiểu đội đặc công, phối hợp cùng lực lượng cách mạng Lào giải thoát Hoàng thân Souphanouvong và 16 vị lãnh đạo đảng bạn. Họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao…
Sau trận chỉ huy phân đội đặc công bốn đồng chí tập kích sân bay Atôpư diệt 40 sĩ quan và lính Pháp, Nguyễn Ngôn về nước rồi vào học trường Quân chính Nam Đàn. Chưa được một tháng sau, biết ông đã quen chiến trường Lào, lại thạo cách đánh trong thành phố, Quân khu điều ông về và giao cho chọn thêm 4 người nữa chuẩn bị cho nhiệm vụ “đặc biệt”.
Không đắn đo, Nguyễn Ngôn chọn ngay 4 sĩ quan gan dạ, anh dũng và có nhiều kinh nghiệm tác chiến, đã từng chiến đấu cùng mình trên các mặt trận Lào. Đó là: Kiều Sơn Đen (quê Đà Nẵng), Nguyễn Lầu (Phú Yên), Nguyễn Văn Du (Quảng Nam) và Trần Văn Điển (rất thạo tiếng Lào). Được cấp trên đồng ý, 5 lên đường ra Hà Nội gặp đồng chí Trần Hiệu – Cục trưởng Cục II và đồng chí Vũ Thắng – Trưởng phòng huấn luyện đặc công.
Để thực hiện thành công nhiệm vụ “đặc biệt” này, hằng ngày 5 người phải luyện tập theo nhiều phương án tác chiến. Trong đó phương án luyện tập “kỹ nhất” là tập kích đồn, nhà giam, giải cứu “con tin”. Sau gần một tháng, tổ được giao nhiệm vụ mang tính thử thách.
Đó là khoảng từ 9h trưa đến 4h sáng phải đột nhập được vào Bộ Tổng tham mưu và đặt được một vật gì vào đó để làm tin, mà không bị lộ. Còn nhiệm vụ “đặc biệt” thì cả tổ hoàn toàn không biết tí gì. Sau khi nghiên cứu “qui luật hoạt động”, Nguyễn Ngôn quyết định đột nhập vào ban ngày và qua 3 hướng cửa hông với 3 “quân xanh”. Trong bộ quân phục trung úy, Nguyễn Ngôn đoàng hoàng đi vào cổng chính. Trong thời điểm này, người và xe rất đông, nên dễ lẫn lộn và qua được các vọng gác.
Chẳng khó khăn gì, sau một giờ đồng hồ cả tổ hoàn thành tốt nhiệm vụ “thử thách”, vượt thời gian hạn định hơn 12 tiếng…
Sau đó, tổ tiếp tục vượt qua hai thử thách nữa. Đó là bơi chìm và bơi dai sức trên sông Hồng, tất cả đều trôi qua tốt đẹp. Được nghỉ ngơi vài ngày, một hôm, tổ được lệnh đến cơ quan Bộ Tổng tham mưu để nhận nhiệm vụ. Ngoài 5 người trong nhóm công tác đặc biệt, còn 4 đồng chí nữa. Đó là các đồng chí: Phan Dĩnh, Nguyễn Văn Vinh, Trần Thanh Khiết và Trương Văn Quý. Nguyễn Ngôn là tổ trưởng tổ đặc công, còn Phan Dĩnh phụ trách chung.
Nhiệm vụ tối mật
Trước lúc lên đường nhận nhiệm vụ, cả nhóm được vinh dự đến chào Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau khi hỏi thăm sức khoẻ và tình hình gia đình, Đại tướng đã thân mật căn dặn và cũng như là giao nhiệm vụ: “Các đồng chí được Đảng tin tưởng giao thực hiện nhiệm vụ mang tính Quốc tế cao cả. Nhiệm vụ sẽ rất khó khăn, thậm chí hy sinh cả tính mạng, nhưng cũng rất vẻ vang; các đồng chí phải tuyệt đối giữ bí mật, “sống để dạ, chết mang theo’’ và phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, không được sai sót một hành động nào, dù là nhỏ nhất…”
Ngày hôm sau, cả nhóm lên đường. Họ vào Nghệ An, rồi vượt rừng sang đất bạn Lào. Nhóm đồng chí Phan Dĩnh đi ôtô vào Quảng Bình, vượt Trường Sơn rồi ngược sông Mêkông lên Vientiane nắm tình hình. Đường đi muôn vàn khó khăn gian khổ… Cả tổ vừa đi vừa xây dựng cơ sở. Ròng rã 47 ngày xuyên rừng vượt thác dưới những cơn mưa muốn bục cả da trời, họ đến được căn cứ Loong Tòn.
Đến nơi, nhóm đặc công tiến hành ngay hai việc: một là huấn luyện giúp bạn một tiểu đội đặc công 8 người để cùng phối hợp thực hiện kế hoạch. Hai là điều tra các hoạt động của địch ở các đồn bốt nơi giam giữ Hoàng thânSouphanouvong cùng 16 đồng chí của ông…
Việc huấn luyện cho các đồng chí bạn khó khăn nhất là bài đột nhập, chiến đấu trong căn cứ địch ban đêm. Không có điện, anh em đề xuất vào căn cứ địch huấn luyện luôn trên thực địa… Đêm đầu anh Lầu và anh Du dẫn hai đồng chí bạn đột nhập căn cứ địch, Nguyễn Ngôn và Đen cảnh giới; đêm sau luân phiên.
Cứ ban ngày tập động tác, ban đêm thực hành trên thực địa. Sau 5 đêm, nhóm đã huấn luyện 8 “người bạn” đồng hành thành thạo kỹ năng đột nhập căn cứ địch.
Nhiệm vụ giải cứu Hoàng thân được xác định theo hai phương án: Phương án thứ nhất là dùng lực lượng vũ trang tập kích trại giam để giải thoát. Phương án thứ hai: Đấu tranh chính trị kết hợp với binh vận, tạo thời cơ bí mật đưa Hoàng thân và các đồng chí ra khỏi trại giam…
Để thực hiện phương án thứ nhất, nhóm đã kiểm tra và nắm chắc được căn cứ Phôn Khiêng – nơi giam giữ Hoàng thân. Ngày đêm nơi đây luôn có một tiểu đoàn hiến binh và thiết giáp tuần tra canh giữ. Hàng ngày, đích thân tên đại tá Lăm Ngân chỉ huy đi kiểm tra canh phòng, điểm mặt từng tù nhân.
Riêng Hoàng thân Souphanouvong chúng giam giữ ở một căn nhà biệt lập.
Nguyễn Ngôn và Kiều Sơn Đen đột nhập vào trực tiếp gặp Hoàng thân. Lần thứ nhất tương đối dễ, do thời gian ngắn, chỉ kịp giới thiệu nhiệm vụ và nói: “Bác chuẩn bị để chúng tôi đưa ra vùng căn cứ cách mạng!”.
Nghe xong, ông không nói gì, chỉ xua tay. Cả nhóm về họp báo cáo và nhận định “Chắc là Hoàng thân nghi địch cho người thử”. Nguyễn Ngôn lại đột nhập lần thứ hai vào gặp Hoàng thân. Lần này khó khăn hơn vì địch tăng cường thêm lính gác. Lặp lại câu hỏi lần trước, ông cũng không nói gì nhưng nhìn ông Ngôn và gật đầu nhẹ. Như vậy là Hoàng thân đã sẵn sàng, vấn đề là tìm biện pháp nào để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho Hoàng thân và các đồng chí của ông…
Sau nhiều lần kiểm duyệt, lãnh đạo bạn quyết định thực hiện phương án thứ hai và đã phát huy hiệu quả. Dư luận phản đối việc vô cớ bắt giam Hoàng thân và các lãnh tụ Neo Lào Hắc Xạt càng ngày càng lan rộng khiến cho địch không thể đưa các vị ra xét xử, đồng thời phải chấp nhận cho người nhà vào thăm. Thế là một đường dây liên lạc trong tù với bên ngoài hình thành. Nhóm đặc biệt và phía bạn đã vận động được Trung úy U Đon, Chuẩn uý On Xả và một số binh lính sẵn sàng làm nội ứng để giải thoát Hoàng thân và các lãnh tụ ra khỏi trại giam…
Kế hoạch giải thoát được ấn định thực hiện vào đêm 24/05/1960.
Chiến công thầm lặng
Theo kế hoạch, đêm đó, toàn bộ các vọng gác sẽ bị Trung úy U Đon vô hiệu hoá bằng người của mình, 16 vị được giải thoát sẽ cải trang thành ba toán lính đi tuần, mỗi toán có ba lính cảnh vệ được giác ngộ mang vũ khí đi cùng.
Sau khi thoát khỏi trại giam, đoàn sẽ đi theo một con đường bí mật do đồng chí Xiêng Xổm chuẩn bị trước để về căn cứ. Tám đồng chí đặc công bạn chia làm hai tổ. Bốn đồng chí giỏi được cử đi theo bảo vệ đoàn. Bốn người còn lại sẽ cùng tổ đặc công tiến hành tập kích vào hai đồn nhỏ trên trục đường 13 do Kiều Sơn Đen chỉ huy. Nguyễn Ngôn chỉ huy diệt đồn phía Tây, cách trung tâm Vientiane khoảng hơn cây số. Mục đích của cuộc tập kích là gây tiếng vang về cách mạng Lào, đồng thời thu hút địch, đánh lừa sự chú ý của chúng ở hướng các lãnh tụ thoát ra…
Mọi việc diễn ra đúng như kế hoạch. Đúng giờ hẹn, tiếng bộc phá, lựu đạn của hai nhóm đặc công nổ ầm ầm, tiếng vọng khắp cả một vùng rộng lớn. Bị bất ngờ, bọn địch bỏ chạy và bắn toán loạn…
Lâu lâu điểm dài mấy loạt AK, nhóm của ông Ngôn kéo địch về phía mình, dọn đường tạo điều kiện để bên kia đưa Hoàng thân đi về nơi căn cứ được an toàn.
Mọi người trở về bình yên, ôm nhau mừng chiến thắng. Tỉnh ủy Vientiane tổ chức liên hoan nhẹ mừng chiến công. Tổ công tác đặc biệt bịn rịn chia tay nhau. Nguyễn Ngôn và bốn đồng chí về nước nhận nhiệm vụ mới… Năm đồng chí ở lại tiếp tục giúp bạn.
Dừng lại uống chén trà nóng, tôi thấy khoé mắt ông giật nhẹ, đo đỏ, có lẽ trận mạc và những kỷ niệm về đồng đội được tái hiện, đã làm cho ông xúc động.
Trầm hơn và có lẽ buồn hơn nhưng ông vẫn kể tiếp: “Gần nửa thế kỷ đã đi qua, tổ công tác đặc biệt của chúng tôi người còn, người mất, ở cả bên chiến trường bạn và ta, có đồng chí chưa tìm được xác đưa về Tổ quốc. Nhưng tôi nghĩ nơi chín suối ngàn thu, các anh không bao giờ buồn, mà vui và thanh thản nữa vì đã thực hiện thành công nhiệm vụ đặc biệt, bởi chúng tôi – các anh cũng chỉ là những người góp phần nhỏ bé, không chỉ từ một chiến công mà có được… cho mối quan hệ đời đời bền vững Việt – Lào anh em!
Tây Nguyên, Mùa hè 2004 – Hân Minh / Nguyễn Ngôn