Trong suốt chiều dài lịch sử giữa hai dân tộc Việt Nam và Lào, có một đặc trưng xuyên suốt, theo cách nói dân gian như là một định mệnh: Lúc thái bình thì bang giao thân thiện, khi hữu sự thì cùng cố kết giúp đỡ lẫn nhau vượt qua họa xâm lăng của ngoại bang. Đặc biệt, trong thời đại Hồ Chí Minh, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ dân tộc và chủ nghĩa quốc tế trong sáng, thủy chung, đặc trưng đó đã thực sự trở thành một quy luật khách quan để hai nước cùng nhau đoàn kết vượt qua mọi sự khốc liệt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đi đến thắng lợi hoàn toàn; tiếp đó sát cánh cùng nhau đi trên con đường xây dựng đất nước ngày một phồn vinh theo con đường mà Đảng và nhân dân hai nước đã lựa chọn.
Nhớ lại, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, khi thực dân Pháp đem quân trở lại xâm lược ba nước Đông Dương, trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến, nhân dân hai nước gặp muôn vàn khó khăn, nhưng đã quyết tâm cùng nhau đứng lên chống quân xâm lược. Trên chiến trường Khu 4 và Trung Lào, trước âm mưu địch nhanh chóng đánh vùng Trung Lào nhằm chiếm vùng căn cứ địa của Bạn, khống chế toàn bộ nước Lào; đồng thời mở một mũi thọc sâu vào bên sườn của Khu 4, lực lượng vũ trang non trẻ của Khu đã nhanh chóng chủ động, mở mặt trận phía Tây, phối hợp với các phân đội vũ trang của Bạn, đánh địch trên các trục đường số 7, Tây Nghệ An, sầm Nưa, Tây Thanh Hóa, đường số 8 Na Pê, Tây Hà Tĩnh, đường số 12 – Ba Na Phào, phía Tây Quảng Bình, đường số 9 – Sê Pôn, Tây Quảng Trị, vừa giữ thế cho căn cứ địa của Bạn, vừa bảo vệ cạnh sườn cho Khu 4, khởi đầu cho liên minh chiến đấu Việt – Lào. Liên minh đó ngày một phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, với sự phối hợp chặt chẽ cả trên tầm chiến lược và chiến đấu, giành thắng lợi cả trên lĩnh vực quân sự và chính trị.
Thăm lại chiến trường xưa
Ở vào thời điểm quyết định của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, chiến trường Trung – Hạ Lào, với lực lượng vũ trang mạnh của Liên khu 4 và của các đơn vị vũ trang của Bạn, là một trong 4 chiến trường vô cùng quan trọng để phối hợp với chiến trường chính: Mặt trận Điện Biên Phủ. Mặt trận Trung – Hạ Lào với nhiều trận đánh tiêu diệt lớn, đã buộc quân địch phải vội vã điều động nhiều binh đoàn thiện chiến đối phó với Liên quân Việt – Lào, giữ vững hành lang Bắc – Nam của chúng. Lúc cao nhất, địch phải điều động lực lượng đến chiến trường này khoảng 26 tiểu đoàn tinh nhuệ, trong đó có 4 tiểu đoàn pháo hạng nặng và tiểu đoàn thiết giáp, nhưng cuối cùng chúng đã bị thất bại nặng nề. Ta và Bạn diệt gọn 4 tiểu đoàn, đánh thiệt hại nặng nhiều tiểu đoàn khác, thu nhiều vũ khí trang bị, trong đó có cả pháo hạng nặng và xe thiết giáp, kịp thời đưa ra tăng cường cho chiến trường chính. Điều quan trọng hơn là ta và Bạn đã mở rộng được một vùng giải phóng rộng lớn, từ Trung Lào đến Hạ Lào, giải phóng thị xã Thà Khẹc (tỉnh Khăm Muộn), thị xã Át Ta Pư (tỉnh Át Ta Pư) và nhiều quận lỵ ở Trung – Hạ Lào, cắt đứt hành lang Bắc – Nam của địch, nốì thông vùng giải phóng với hàng chục vạn dân ở vùng Trung và Hạ Lào, nối thông với sườn phía tây của Liên khu 4, Liên khu 5 (Việt Nam).
Từ đây, Bạn không chỉ được đất, mà quan trọng hơn là được dân để xây dựng căn cứ địa cách mạng, tiến hành kháng chiến lâu dài. Thắng lợi của quân và dân Việt – Lào trên chiến trường Trung – Hạ Lào đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, thu hút giam chân một lực lượng lớn quân Âu – Phi tinh nhuệ, giảm áp lực cho Mặt trận Điện Biên Phủ. Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Quân tình nguyện Việt Nam rút về nước sau nhiều năm cùng sát cánh chiến đấu bên nhau, được nhân dân Lào cưu mang, che chở, với bao hình ảnh lưu luyến, nhớ thương trong nụ cười và nước mắt, hẹn có ngày gặp lại. Tổng kết chiến cuộc Đông Xuân 1953 – 1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ, đánh giá rất cao vai trò của Mặt trận Trung, Hạ Lào với một nhiệm vụ phối hợp trên các chiến trường, đạt được mục đích đề ra rất có ý nghĩa chiến lược quan trọng trong cuộc kháng chiến của hai nước Việt – Lào.
Trung ướng Nguyễn Quốc Thước giữa đời thường
Đúng như Đảng ta nhận định, Pháp thua phải rút về nước, đế quốc Mỹ nhanh chóng trở lại xâm lược ba nước Đông Dương. Sự nghiệp chiến đấu giải phóng dân tộc của nhân dân ba nước Đông Dương lại tiếp tục, với một đối tượng hùng mạnh và tàn bạo gấp nhiều lần. Một lần nữa, hai dân tộc, hai quân đội Việt Nam và Lào lại sát cánh bên nhau chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược. Bài hát “Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây” ra đời trong thời điểm mà cuộc kháng chiến của hai dân tộc nói chung và trên mảnh đất miền Trung của Đông và Tây Trường Sơn diễn ra vô cùng khốc liệt, đã nói lên tất cả những hình ảnh cao đẹp nhất của tình đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu những người con hai dân tộc, đã tạo nên sức mạnh giành thắng lợi ngày một to lớn trên chiến trường, nhất là những thời điểm có ý nghĩa quyết định.
Nhớ lại thời điểm cuối những năm 1967-1968, sau thất bại nặng nề trên chiến trường miền Nam nói chung, Tây Nguyên nói riêng, chiến lược “chiến tranh cục bộ” bị phá sản, buộc đế quốc Mỹ phải chuyển sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, với biện pháp “quét và giữ”, nhằm giữ cho được những vùng còn lại, mà thực chất là thế đi xuống trong ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Để thử nghiệm chiến lược mới, chúng chọn Tây Nguyên để triển khai với hy vọng cải thiện được tình hình mà quân Mỹ không bị tổn thất nặng. Tháng 1 năm 1970, địch lần lượt mở 3 cuộc hành quân “Bình Tây 48”, “Bình Tây 49”, “Bình Tây 50” ra vùng Chư Pa, tây thị xã Pleiku, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi chủ lực ta ra xa, bảo vệ các thị xã và đường số 14. Thế nhưng, chúng đã bị Trung đoàn 24 (Mặt trận B3) lần lượt đánh bại, diệt gọn 1 trung đoàn, đánh thiệt hại nặng 2 trung đoàn và liên đoàn biệt động, 1 tiểu đoàn Mỹ, cuộc thử nghiệm mới bắt đầu đã bị thất bại nặng nề. Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” ngày càng bị sa lầy nghiêm trọng. Để cứu vãn tình hình, đế quốc Mỹ vội vàng thành lập liên minh tay ba về quân sự, gồm quân đội Sài Gòn, quân ngụy Lào, quân ngụy Campuchia và kéo thêm quân đội Thái Lan, phối hợp mở các cuộc tiến công quy mô lớn trên đất Lào và Campuchia, nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não của ta và Bạn, uy hiếp hậu phương ba nước, buộc ta phải phân tán lực lượng đối phó, giảm áp lực cách mạng trên chiến trường miền Nam.
Viết… Để tri ân và hành động nhân nghĩa nhiều hơn!
Tháng 1 năm 1970, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp bàn về nhiệm vụ trên các chiến trường. Trên cơ sở nhận định âm mưu của đế quốc Mỹ trên bán đảo Đông Dương, hội nghị đề ra nhiệm vụ cho quân và dân miền Nam là tiếp tục đẩy mạnh tiến công địch trên các chiến trường; đồng thời ra sức phối hợp, giúp đỡ Bạn nắm thời cơ đưa cách mạng Lào và Campuchia tiến lên mạnh mẽ. Đặc biệt, vùng Trung, Hạ Lào có vị trí hiểm yếu nối liền hành lang chiến lược Bắc – Nam, phải tiêu diệt nhiều sinh lực địch, nhất là quân đội Sài Gòn, bảo vệ vùng giải phóng và các căn cứ cách mạng của Bạn và ta, giúp Bạn giải phóng nhiều vùng rộng lớn có ý nghĩa chiến lược là nhiệm vụ hàng đầu.
Thực hiện tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao nhân dân ba nước Đông Dương (20-4-1970), trên hướng chiến trường Hạ Lào, quân đội ta được lệnh phối hợp chặt chẽ với Bạn tiến mạnh về phía tây, cùng Bạn giành thắng lợi lớn trên chiến trường mới, tạo thế và lực cho cả ta và Bạn. Để mở rộng địa bàn chiến lược quan trọng Tây Nguyên – Hạ Lào – Đông Bắc Campuchia, tập trung khâu hiểm yếu của địch ở thị xã Át Ta Pư, tỉnh Át Ta Pư. Bộ Tổng Tham mưu hai nước quyết định thành lập Mặt trận X (mật danh của chiến dịch giải phóng thị xã Át Ta Pư) và một vùng rộng lớn cao nguyên Bô Lô Ven, tiến tới giải phóng Xa Ra Van, mở rộng vùng giải phóng Hạ Lào, Bộ Tổng Tham mưu quyết định Mặt trận B3 Tây Nguyên cử một trung đoàn mạnh sang phối hợp với các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam và Quân giải phóng nhân dân Lào đánh địch. Lực lượng ta, dưới sự chỉ huy của đồng chí Hoàng Kiện, Phó Tư lệnh Quân khu 4, đã phối hợp chặt chẽ với Bạn.
Trung đoàn 24 là một trong những đơn vị có truyền thống trong kháng chiến chống Pháp, đã từng có mặt sớm trên chiến trường Tây Nguyên (1965), đơn vị vừa đánh bại ba cuộc hành quân “Bình Tây” 48, 49, 50 của Mỹ – ngụy, được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện khen, khí thế cán bộ, chiến sĩ rất cao, nay lại được thay mặt lực lượng vũ trang Tây Nguyên làm nhiệm vụ quốc tế giúp Lào, tinh thần chiến đấu càng cao. Nhiệm vụ giúp Bạn đặt ra rất khẩn trương, khi quân Thái Lan chưa ồ ạt tăng viện cho quân ngụy Lào. Với tinh thần hành quân bí mật, cắt rừng mở đường trên một chiến trường hoàn toàn mới lạ, chỉ trong 10 ngày, đơn vị đã đến được khu vực tập kết chiến đấu. Riêng bộ phận tiền trạm và chỉ huy trưởng các cấp phải đi cả ngày đêm, vượt lên trước để gặp Bộ Tư lệnh chiến dịch nhận nhiệm vụ.
Tại Sở chỉ huy cơ bản của Mặt trận (chiến dịch) đặt ở cạnh bản quê hương đồng chí Chumaly Xaynhaxỏn – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào hiện nay, đồng chí Hoàng Kiện – Tư lệnh Mặt trận X, giao nhiệm vụ cho trung đoàn và các tiểu đoàn quân tình nguyện, công bố quyết định của Bộ Tổng Tư lệnh về thành lập Bộ Tư lệnh chiến dịch gồm: đồng chí Hoàng Kiện – Phó Tư lệnh Quân khu 4 làm Tư lệnh kiêm Chính ủy; đồng chí Trần Quyết Thắng – Phó Chính ủy, đồng chí Nguyễn Quốc Thước – Trung đoàn trưởng Trung đoàn 24 kiêm Phó Tư lệnh, phụ trách chỉ huy tiền phương; đồng chí Vũ Khắc Thịnh – Chính ủy Trung đoàn 24 kiêm Phó Chính ủy Mặt trận.
Nhiệm vụ của chiến dịch là tiêu diệt quân địch tại thị xã Át Ta Pư, giải phóng tỉnh Át Ta Pư và một phần cao nguyên Bô Lô Ven, phối hợp với Sư đoàn 968 tại Mặt trận Xa Ra Van, mở rộng vùng giải phóng Hạ Lào, nối liền với Tây Nguyên và Đông Bắc Campuchia. Trung đoàn 24, lực lượng chủ yếu của chiến dịch, có nhiệm vụ tiêu diệt địch tại thị xã Át Ta Pư, giải phóng thị xã, phát triển đánh chiếm mở rộng địa bàn trên cao nguyên Bô Lô Ven. Tiểu đoàn 3 Quân tình nguyện tiêu diệt cứ điểm Sê Ca Mản, Tiểu đoàn 4 đặc công đánh chiếm trận địa pháo binh trên cao điểm Phu Xa Phông, đơn vị Bạn làm lực lượng cơ động, đánh địch tăng viện vòng ngoài và khi chúng rút chạy.
Được các đơn vị tình nguyện và các đội cơ sở Bạn hướng dẫn, cung cấp thông tin, nên chỉ trong một thời gian ngắn, công tác chuẩn bị chiến trường, xây dựng kế hoạch tác chiến đã hoàn thành và được Bộ Tư lệnh Mặt trận thông qua. Thị xã Át Ta Pư ở khu vực Đông Nam Hạ Lào, nằm trong thung lũng sông Sê Kông và ngã ba sông Sê Ca Mản, ba bề được sông bao bọc, còn hướng Bắc và Tây Bắc nối liền với thị xã Sê Kông và cao nguyên Bô Lô Ven. Dân số trong thị xã hơn một vạn người. Ngoài các lực lượng phòng vệ trong thị xã, trên hướng bắc có Tiểu đoàn 4BI phòng thủ án ngữ, phía Nam có một đại đội đóng phía bờ nam Sê Ca Mản. Tổng số quân địch hơn 1.000 tên, do đại tá Khăm Còng, Tỉnh trưởng chỉ huy. Lực lượng địch tại thị xã được hai trận địa pháo tại Phu Xa Phông và Phu Lăng Kẹo trên cao nguyên Bô Lô Ven yểm trợ khi bị ta tiến công.
Nhiệm vụ của Trung đoàn 24 là tiêu diệt Tiểu đoàn 4BI, đánh chiếm sân bay Át Ta Pư, thọc sâu tiêu diệt toàn bộ quân địch, dinh tỉnh trưởng, giải phóng thị xã, phát triển đánh chiếm các căn cứ của địch trên cao nguyên Bô Lô Ven, sau đó phối hợp với các đơn vị Quân tình nguyện và lực lượng vũ trang Bạn truy quét tàn binh, làm công tác dân vận, ổn định đời sống nhân dân. Thực hiện kế hoạch, đêm 28 tháng 4, Tiểu đoàn 4, đơn vị chủ công của Trung đoàn 24, tiến công căn cứ Tiểu đoàn 4BI. Sáng ngày 29, sau mấy giờ liên tục tiến công, ta làm chủ hoàn toàn căn cứ địch, số còn lại tháo chạy vào trong thị xã, làm tình hình địch ở đây hỗn loạn. Cùng lúc tiến công căn cứ Tiểu đoàn 4BI, Tiểu đoàn 4 đặc công Quân tình nguyện đánh chiếm trận địa pháo tại núi Phu Xa Phông, đơn vị đặc công của Trung đoàn đánh chiếm trận địa pháo Phu Lăng Kẹo trên đỉnh cao nguyên Bô Lô Ven. Như vậy là, mọi khả năng chi viện bằng pháo lớn cho thị xã Át Ta Pư của địch hoàn toàn bị triệt tiêu. Trước nguy cơ thị xã Át Ta Pư bị thất thủ, địch sử dụng máy bay bắn phá, hòng uy hiếp tinh thần bộ đội ta và Bạn.
Trung đoàn 24 lệnh cho bộ đội vừa đánh địch dưới mặt đất, vừa đánh máy bay địch. Lợi dụng địch hoảng loạn, Trung đoàn lệnh cho Tiểu đoàn 6 nhanh chóng phát triển đánh chiếm sân bay, áp sát lực lượng vào thị xã, chuẩn bị cho đợt tiến công thứ hai. Cùng lúc, Tiểu đoàn 3 Quân tình nguyện tiêu diệt đại đội địch ở căn cứ Nam sông Sê Ca Mản, thị xã bị bao vây chặt. Đêm 29 tháng 4, Thê đội 2 của Trung đoàn bắt đầu tiến công vào thị xã, dưới sự chi viện tối đa của hỏa lực, bao gồm trận địa pháo trên đỉnh Phu Lăng Kẹo. Dưới sự chi viện của hỏa lực, các mũi tiến công của ta và Bạn dũng mãnh thọc sâu vào thị xã, quân địch rối loạn, tháo chạy. Tên đại tá tỉnh trưởng trà trộn trong dân chạy thoát lên hướng cao nguyên Bô Lô Ven. Đến trưa ngày 30 tháng 4 năm 1970, ta làm chủ hoàn toàn thị xã Át Ta Pư và các vùng phụ cận. Đại bộ phận đơn vị phát triển đánh chiếm các mục tiêu trên cao nguyên Bô Lô Ven, số còn lại cả ta và Bạn làm công tác truy quét, vận động nhân dân ổn định đời sống. Nhiệm vụ tiếp theo là tổ chức nhiều mũi đi về các bản làng vừa làm công tác địch vận, vừa làm công tác dân vận, cùng các đội cơ sở của ta và Bạn tổ chức thành lập các tổ tự quản địa phương.
Như vậy là, sau hai ngày chiến đấu, ta đã làm chủ, giải phóng hoàn toàn tỉnh Át Ta Pư, phát triển mở rộng vùng giải phóng Bô Lô Ven, chuẩn bị kế hoạch đánh địch phản kích chiếm lại Át Ta Pư. Cuộc chiến đấu trên cao nguyên diễn ra rất quyết liệt, quân ta đã nhiều lần giành đi, giật lại các cao điểm để bảo vệ vùng mới giải phóng. Trong khi đang tiếp tục truy quét địch, vận động nhân dân, ngày 14 tháng 5 năm 1970, Trung đoàn được lệnh để lại Tiểu đoàn 2 cùng các tiểu đoàn tình nguyện và các đơn vị Bạn tiếp tục chiến đấu bảo vệ vùng mới giải phóng, còn Trung đoàn (thiếu) nhanh chóng cơ động phát triển về hướng Campuchia, phối hợp với các đơn vị B2 (Miền), giải phóng thị xã Xiêm Pạng (ngày 19-5) và Stung Treng (ngày 20-5), sau đó phát triển giải phóng tỉnh Pretvihia, giáp biên giới Thái Lan.
Trong thời điểm này, lực lượng ta tại Át Ta Pư và cao nguyên Bô Lô Ven bị dàn mỏng, địch quyết tâm chiếm lại vùng đã mất, nên đã huy động thêm lực lượng, bao gồm cả quân Thái Lan, liên tục phản kích ta. Để giữ vững vùng giải phóng có một vị trí đặc biệt quan trọng liên quan đến ba nước Đông Dương, Bộ quyết định sử dụng một trung đoàn của Mặt trận Tây Nguyên, tăng cường cho Bạn để giữ vững vùng giải phóng quan trọng này.
Như có mối cơ duyên với chiến trường phía Tây của Tổ quốc, nơi mà trong chiến dịch Trung, Hạ Lào năm 1953-1954, Trung đoàn 101 của chúng tôi đã giải phóng thị xã Át Ta Pư, đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, Trung đoàn 24 của tôi lại được vinh dự giao nhiệm vụ giải phóng Át Ta Pư lần thứ 2 (30-4-1970). Trước nguy cơ vùng mới giải phóng bị uy hiếp, tôi lại được Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên giao chỉ huy Trung đoàn 28 lên tăng viện cho Mặt trận Át Ta Pư; Chấp hành mệnh lệnh, Trung đoàn đã hoàn thành sứ mệnh cao cả đó, cùng các đơn vị quân tình nguyện và Bạn đánh bại mọi cuộc phản kích của địch, giữ vững vùng giải phóng Át Ta Pư, tỉnh được giải phóng đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của ba nước Đông Dương, cho đến ngày cuộc kháng chiến toàn thắng trên cả ba chiến trường.
Tỉnh Át Ta Pư tuy không phải là tỉnh lớn, nhưng có vị trí địa – chính trị, địa – chiến lược quan trọng trong thế chiến lược của ba nước Đông Dương. Mở rộng vùng giải phóng Át Ta Pư, cao nguyên Bô Lô Ven, gắn với giải phóng các tỉnh Stung Treng, Rattanakiri của Campuchia và cùng với căn cứ địa Tây Nguyên, tạo nên thế vững chắc cho ba chiến trường. Giải phóng Át Ta Pư, chiến trường miền Nam sẽ mở thêm được một trục của tuyến đường Hồ Chí Minh từ sông Bạc xuôi theo sông Sê Kông về Stung Treng – Kra Chiê – Tây Ninh để tăng cường sức mạnh chi viện cho chiến trường Nam Bộ, với cự ly rút ngắn được gần một nửa.
Với thế trận đó, quân và dân ta xây dựng, tạo nên thế và lực mới cho cuộc kháng chiến. Tháng 3 năm 1975, chiến trường Tây Nguyên đã làm nên thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên, từ tiến công chiến lược chuyển thành tổng tiến công chiến lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam ngày 30 tháng 4 năm 1975, thúc đẩy cuộc kháng chiến ba nước giành thắng lợi trọn vẹn trong năm 1975 lịch sử, trong đó, chiến trường Trung – Hạ Lào gắn với chiến trường Khu 4 – Tây Nguyên, đã góp phần không nhỏ trong chiến thắng chung của ba nước Đông Dương.
Với tình cảm đó, lúc tôi về làm Tư lệnh Quân khu 4, một quân khu có nhiều duyên nợ sống còn bên nhau, đồng chí Chumaly Xaynhaxỏn đã nhiều lần gợi ý mời tôi và một số đồng đội cũ về thăm lại chiến trường xưa tại Át Ta Pư – Hạ Lào, thăm lại bạn bè, bà con. Tháng 11 năm 2008, chúng tôi mới thực hiện được ý định đó. Chuyến thăm đã để lại bao kỷ niệm sâu sắc về tình Bạn chiến đấu, tình quân dân sống chết có nhau, đã tạo nên một mốĩ tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu của hai quân đội, hai dân tộc không chỉ cho quá khứ, hôm nay, mà mãi mãi cho mai sau.
(Trung tướng Nguyễn Quốc Thước)
Sách Ký ức người lính tập 8 – Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, năm 2018