Trích Đài tiếng nói Việt Nam (VOV5)
Quý vị và các bạn thân mến!
“Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay, ra sông nhớ suối, có ngày nhớ đêm”. Qủa đúng là như vậy, thưa quý vị. Khi có cuộc sống đủ đầy, ấm no thì lại nhớ về những ngày gian khổ, đói nghèo. Đó cũng là lời tâm sự của bác Hoàng Đạo – lính bộ binh thời chống Mỹ. Vào những dịp đầu Xuân năm mới, chắc hẳn bác Đạo lại càng đong đầy cảm xúc về những cái Tết nơi chiến trường. Mời quý vị và các bạn cùng phóng viên VOV đến chúc mừng năm mới bác Đạo và cùng lắng nghe câu chuyện Tết xưa của những người lính bộ binh.
Khi tiếng chuông gọi cửa vừa dứt, bác chạy ra đón tôi, tay bắt mặt mừng và chúc mừng năm mới. 75 mùa Xuân trôi qua đã làm tóc bác bạc màu nhưng vẫn giữ được tác phong nhanh nhẹn, rắn rỏi, thân thiện của người lính cụ Hồ với thân hình nhỏ nhắn và giọng nói vẫn còn trong trẻo lắm. Vừa ngồi vào bàn uống nước, những tờ lịch cũ đã nhàu cùng cặp kính mắt ở trên bàn đã gây sự chú ý trong tôi, hình như bác đang xem dở cái gì đó. Tôi hỏi ra mới biết, đó là những tờ lịch ghi chép lại nhật ký bác ăn Tết cùng đồng đội nơi chiến trường từ những năm 1966 – 1973. Vậy là bao nhiêu ký ức trong bác cứ thế ùa về.
“Năm đầu tiên ăn Tết trên chốt, lúc đó thực phẩm chưa có gì, để vận chuyển thực phẩm từ đường 7 vào là mất 3 ngày, phải vượt qua núi tai mèo rất là cao và hiểm trở lắm. Thực sự mà nói là rất khó khăn. Năm ấy không có bánh chưng, chỉ có mắm kem thôi, rất mặn, muối cũng không mặn bằng. Chủ yếu là ăn cái thứ đó và bẫy chim bẫy sóc. Cấp trên cũng có quan tâm và cho hai đồng chí 1 bao thuốc lá, cả tiểu đội thì được 1 gói chè và 1 gói thuốc lào nhưng mà đến tay anh em thì cũng hết mùi thơm, nhưng mà như thế là hạnh phúc lắm rồi.”
Quân tình nguyện Việt Nam tại chiến trường Lào – Trước giờ nổ súng
Đó là cái Tết đầu tiên – Tết năm 1966 của bác Hoàng Đạo cùng đồng đội tại chiến trường Xiêng Khoảng, phía Bắc của Lào. Một cái Tết không muối, không bánh chưng – món ăn không thể thiếu trong dịp Tết của người Việt Nam. Tết – một văn hóa truyền thông tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, là dịp hội ngộ, sum vầy và vui vẻ bên nhau. Nhưng đối với nhân dân Việt Nam thời ấy, đặc biệt là những người lính, họ chỉ dốc sức lo lắng và chiến đấu vì sự an nguy và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Tết cổ truyền của người Việt Nam là đúng mùa khô của Lào – mùa của chiến dịch, mùa của những tiếng bom và sự tiếc thương. Chả vậy mà cứ mỗi khi những màn pháo hoa sáng rực cả bầu trời vang lên trong giờ khắc giao thừa thiêng liêng lại khiến bác nhớ về những vệt bom B52 giáng xuống đại đội của mình.
“Những năm 68, 69,70 Tết năm nào B52 cũng đánh cho tơi tả. Năm 68 đại đội di chuyển về cánh đồng chum. Anh em lúc nào cũng sẵn sàng chiến đấu và Tết thì đã chuẩn bị trước đó hàng tuần, cũng gói bánh chưng, có thuốc và có thuốc có chè, có rượu. Thế nhưng mà, đúng vào lúc giao thừa thì chúng ném bom B52 vào trúng đội hình tiểu đoàn của bác và mấy đồng chí đã hi sinh.”
Giọng của bác bỗng lạc đi và lặng xuống một hồi lâu rồi kể tiếp: “Tết ở chiến trường cũng vui và nhiều màu sắc lắm. Từ những năm 67 là Tết có bánh chưng rồi”. Tinh thần lạc quan, yêu đời của người lính cùng đôi bàn tay khéo léo, sự đa dạng, phong phú về văn hóa của các chiến sĩ đến từ nhiều vùng miền khác nhau; hạt tiêu, nước mắm được người dân tiếp tế đầy đủ, thịt lợn của người dân Lào… tất cả được hội tụ trong chiếc bánh chưng thơm ngon tròn vị.
“Đồng chí bộ đội mình có nhiều tài lắm, gói đẹp, gói ngon. Bánh chưng được nấu bằng bếp hoàng cầm để không có khói, ban đêm mà có ánh lửa là cũng nguy hiểm. Cũng có đào cắm đàng hoàng nhưng cũng chỉ được ban ngày thôi. Tối đến thì không được có ánh lửa bập bùng. Vị trí nào vào vị trí ấy nếu để sơ hở ra là địch vào tập kích rất nguy hiểm. Ăn uống cũng không được tập trung đông người.”
Trong bằng ấy năm ăn Tết tại chiến trường, có lẽ cái Tết năm 1970 – Tết Canh Tuất là cái Tết đáng nhớ nhất. Giao thừa năm đó, cả tiểu đoàn được ngồi xung quanh chiếc đài radio và nghe lại lời chúc Tết lần cuối của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua sóng phát thanh của Đài Tiếng Nói Việt Nam. (nổi Bài thơ chúc Tết của Bác năm 1969).
Đó không đơn thuần lời chúc Tết mà những lời thơ đó đã thôi thúc lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu oanh liệt và niềm tin chiến thắng của những người lính lên đến tột cùng. Niềm tin đó đã trở thành hiện thực và đem lại những mùa Xuân tươi vui, những cái Tết ấm no, hạnh phúc và một đất nước Việt Nam thịnh vượng như ngày hôm nay. Bác Đạo chia sẻ:
“Nói chung là giờ phút ấy thiêng liêng lắm, lắng đọng lắm. Tất cả anh em ngồi lại với nhau để nghe cái thời khắc thiêng liêng của lịch sử – giao thừa, mà lại nghe lại lời chúc Tết của Bác Hồ thì thấy trong lòng rạo rực, cảm thấy rằng chiến thắng sắp đến nơi rồi. Thời khắc đó thiêng liêng lắm, không thấy nó xa xôi, không thấy mình xa tổ quốc, xa quê hương đâu. Cảm thấy nó gần gũi ngay đâu đây khi xuân đã về với mọi nhà mọi người. Mặc dù trong rừng sâu âm u như thế nhưng mọi người ngồi nhìn nhau yêu thương, trìu mến. Nó quý giá lắm. Bây giờ nghĩ lại không thể có những thời khắc như thế được.”
Hình ảnh những người lính quây quần bên chiếc đài radio nghe lời chúc Tết rồi rót rượu ra chiếc bát chia nhau mỗi người một ngụm và cùng chúc nhau những lời chúc rất là giản dị và thiết thực “chúc đồng chí mạnh khỏe, chân cứng đá mềm và hoàn thành tốt nhiệm vụ” vẫn mãi khắc sâu trong tâm trí của bác Đạo cho mãi tới tận ngày hôm nay./.
Theo VOV