Đi công tác trên chiến trường Lào, một chiến trường núi rừng trùng điệp, ngay ở vùng được coi là đồng bằng, rừng cũng san sát, bạt ngàn, đó là những khu rừng bằng gọi là rừng “khôộc”. Rừng len vào đến tận thành phố kể cả thủ đô Viêng Chăn, nếu không có người thông thạo địa hình, nắm được tình hình địch, hiểu được dân bản, dân mường đưa đi thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Cả những đơn vị đặc công khi vào những địa bàn lạ cũng cần người thông thạo đường đi lối lại hướng dẫn.
Chuyến công tác của chúng tôi từ Xiêng Khoảng vào Viêng Chăn được rất nhiều người đưa đi. Trên vùng căn cứ là những người dẫn đường theo phiên, đến phiên ai, người ấy làm nhiệm vụ, không phân biệt nam, nữ, già, trẻ từ bản này bàn giao cho bản khác. Riêng đồng chí Xổm Xa Vạt và tôi nhận nhiệm vụ vào vùng ngoại thành Viêng Chăn để từ đó móc nối nhân mối trung kiên, thu thập tài liệu vùng nội thành thì chúng tôi đã được những người dẫn đường vào loại bậc thầy mà người Lào gọi là “ Nai thàng” đưa đi. Những người này không chỉ đảm bảo cuộc sống, tính mệnh của chúng tôi và còn góp phần quan trọng vào sự thành công của công tác mà Trung ương giao phó cho chúng tôi.
Tác giả Đào Văn Tiến cựu chuyên gia quân sự tuy tuổi đã ngoài 90 tuổi nhưng luôn tái hiện những ký ức một thời sát cánh bên các bạn Lào trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ
Hai ngày đầu từ Phù Vĩnh đi Phù Ngu, rồi từ Phù Ngu đến Phù Xam Xẩu đi khá suôn sẻ. Vì người dẫn đường là du kích. Họ trẻ, khỏe, thông thạo đường đi. Xuất phát từ sáng tinh mơ, sẩm tối đến bàn giao cho hai bản ở hai chặng đi sau.
Nhưng từ Phù Xam Xẩu đến Phù Xung thì có trục trặc. Phiên đưa chúng tôi rơi vào gia đình có chồng còn đang tại ngũ. Người chồng là đại đội trưởng bộ đội địa phương. Chị vợ có con mới hơn một tuổi. Trong gia đình, bố mẹ chồng già yếu, không thể trèo đèo lội suối suốt ngày. Hôm ấy, dân bản Phù Xam Xẩu lại phải huy động đi dân công phục vụ chiến trường, bản không còn ai thay thế nên chị vợ người đại đội trưởng phải làm nhiệm vụ của mình, địu con đưa chúng tôi đi. So với mấy hôm trước, hôm nay xuất phát chậm hơn vì chị dẫn đường phải lo cơm nước cho bố mẹ già, cho lợn và con ăn. Tuy chậm nhưng được đi là mừng rồi. Không bị lỡ kế hoạch.
Khi ra đến con suối đầu bản, thì bất ngờ người chồng, anh đại đội trưởng, chồng chị dẫn đường được nghỉ hai ngày phép trước khi đơn vị lên đường đi chiến dịch. Vợ chồng gặp nhau mừng vui ríu rít. Anh chồng gỡ địu, ôm con vào lòng hôn và nựng nó. Trước cảnh hội ngộ trên đường của cặp vợ chồng trẻ và đứa con nhỏ, chúng tôi cũng vui lòng chuẩn bị tinh thần quay lại bản nghỉ vài hôm đợi anh bộ đội hết phép, hoặc tìm người dẫn đường khác. Nhưng bỗng anh bộ đội đưa ba lô cho vợ, nhận ở vợ gói cơm ăn đường. Anh quay về phía chúng tôi nói:
-Tôi thay vợ tôi dẫn các đồng chí đi. Việc của các đồng chí là việc Trung ương giao không thể chậm trễ. Tôi được nghỉ phép hai ngày về thăm bố, mẹ, vợ, con trước khi đi chiến dịch. Hôm nay đưa các đồng chí đến nơi, tôi quay về ngay, đi suốt đêm mờ sáng đã đến nhà rồi. Tôi còn được ở với gia đình những một ngày đêm nữa. Xin báo trước với các đồng chí, đoạn đường này núi đá, dốc nhiều, rất hiếm nước. Ta trữ sẵn nước đủ dùng suốt ngày. Dọc đường khát quá, đi qua vườn mía của dân có thể xin ăn, dù vắng chủ.
Tác giả Đào Văn Tiến (thứ 3 phải qua) trong một lần trở lại chiến trường xưa, thăm ông Bounhang Volachit nguyên Tổng bí thư, Chủ tịch nước vào tháng 12/2017.
Hôm ấy, chúng tôi theo anh Đại đội trưởng khá vất vả. Dốc không cao lắm nhưng dài. Tôi phần mang nặng, phần không quen lên dốc xuống đèo nên mồ hôi vã ra như tắm, chân mỏi nhừ người mệt lả. May mà anh dẫn đường khoác hộ cho chiếc ba lô. Gần trưa, gặp rẫy của dân, chúng tôi nghỉ ăn cơm. Có lều rẫy nhưng không thấy chủ. Anh dẫn đường hái một ít rau cải, ăn kèm cơm với “cheo” món muối ớt giã nhuyễn dùng để chấm xôi hoặc cơm.
Quan sát thấy có bụi mía, ra mồ hồi nhiều, anh em rất háo, hỏi anh dẫn đường có thể lấy mía ăn được không. Anh nói ăn bao nhiêu cũng được, tục dân ở đây là như vậy.
Ăn cơm xong, chúng tôi chặt mấy cây mía, chia cho mỗi người vài tấm, rồi tranh thủ lên đường. Dọc đường đi, vừa đi vừa ăn mía. Mía to, mềm, nhiều nước nhưng còn non nên không ngọt. Có tấm nhạt quá, anh em vứt ra bên đường. Đi khoảng nửa tiếng đồng hồ, nghe phía sau có tiếng gọi gấp gáp. Anh dẫn đường dừng lại, chúng tôi không biết tiếng H’mông. Anh nói lại với chúng tôi bằng tiếng Lào: “ Người chủ vườn mía đang cáu giận vì chúng ta vứt mía dọc đường. Tôi cũng có khuyết điểm không nhắc các đồng chí việc này. Tôi đi trước không biết các đồng chí đã vứt mía đi”. Đồng chí Xổm Xa Vạt hỏi nên làm thế nào. Anh dẫn đường nói: “ Chúng ta quay lại gặp chủ vườn xin lỗi, xong nhặt những tấm mía gom lại, quay về rẫy, trồng lại cho chủ vườn”.
Thì ra, tục lệ dân ở đây, khách bộ hành qua lại đến vườn rẫy nhà ai dọc đường, đói có thể lấy ngô, khoai, sắn, rau, quả, khát lấy mía hoặc trẩy đu đủ xanh làm “xổm” ( một thứ nộm) giải khát, nhưng chỉ được ăn tại rẫy, không được lấy mang đi.Nhất là không được vứt bỏ dọc đường. Ở trong vườn, rẫy, nếu chặt mía ăn, hãy vùi lại ngọn, nhổ sắn lấy củ ăn, hãy trồng lại thân. Hoa quả lấy đủ ăn. Thật là một tục lệ đẹp.
Tác giả Đinh Văn Tiến trong một lần trở lại Lào và có cuộc gặp gỡ với bà Pany Yathotou nguyên Chủ tịch Quốc hội Lào.
Chủ vườn rất vui lòng khi chúng tôi xin lỗi, và trồng lại những đoạn mía bị vứt bỏ. Ông nói nếu sau này trở lại, cứ vào vườn ông mà nghỉ tự nhiên. Ông tự tay hái mấy quả đu đủ đưa cho chúng tôi mang theo để làm nộm ( xổm). Hôm ấy, buổi sáng xuất phát muộn, lại phải quay lại giải quyết chuyện trồng lại mía, nên tối mịt mới tới bản Phù Xung. Đại đội trưởng dẫn đường bàn giao chúng tôi cho Nai bản. Không ở lại ăn cơm tối, anh xin một gói cơm. Chủ nhà gói cho anh một gói to, kèm một miếng thịt lợn rừng nướng, chào chúng tôi và gia chủ, anh bấm đèn pin băng vào rừng đêm. Nai bản Phù Xung nói với chúng tôi: thằng này là một cán bộ tốt, một người con tốt, một người chồng rất yêu vợ, một người cha rất yêu mến con. Hôm nay nó dẫn đường cho cán bộ suốt ngày, đêm nay nó đi suốt đêm, mai nó làm việc nhà. Tối mai thì vợ chồng nó mới được thức suốt đêm với nhau trên chiếc giường đã thu hẹp lại ( tục lệ người H’mông vợ chồng trẻ thường ngủ chung trên một chiếc giường rất hẹp, một người nằm thì vừa, hai người nằm thì chật…)
Bây giờ, chúng tôi mới nhận ra một thiếu sót, quên cả việc hỏi tên người Đại đội trưởng dân tộc H’mông ở bản Phù Xam Xẩu đã thay vợ dẫn chúng tôi đi theo phiên theo quy ước bản mường với lòng tự giác cao độ. Được hai ngày phép, mà chỉ hưởng trọn vẹn một đêm – đêm mai. Còn đêm nay, một mình băng rừng, anh luôn chắc tay súng, đề phòng mọi nguy hiểm rình rập: nào cọp, nào beo, nào rắn độc… Nghĩ thương anh mà cũng phục sự hy sinh của anh, sự hy sinh thầm lặng cao cả.
Đào Văn Tiến