Hòa Bình, ngày 27/7/2017
Cuối năm 1971, khi mùa khô đang đến gần cũng là lúc chiến dịch phản công của chúng ta đã sẵn sàng (Chiến dịch Z: từ 18/12/1971 đến 6/4/1972). Chúng tôi được giao nhiệm vụ luồn sâu, đánh vào hang ổ của địch ở Long Chẹng. Nơi đây là căn cứ quân sự đầu não của tướng phỉ Vàng Pao, đồng thời cũng là trung tâm chỉ huy chiến lược của CIA tại Lào, tại đây tướng Vàng Pao được CIA hỗ trợ tối đa về cố vấn quân sự Mỹ, hỏa lực mạnh, phương tiện khí tài được trang bị ở mức cao nhất. Về lực lượng, ngoài lính đặc biệt Vàng Pao còn có nhiều đơn vị lính chính quy đánh thuê của Thái Lan tham chiến. Chúng coi Long Chẹng là “Vùng đất thánh bất khả xâm phạm, Bắc Việt không thể tấn công(!)”.
Để bảo vệ Long Chẹng, địch tổ chức tuyến phòng thủ Vàng Pao gồm các cụm cứ điểm liên hoàn, trong đó cao điểm 1433 (cao 1433m), nằm sát sân bay Long Chẹng. Đây là cụm cứ điểm đặc biệt quan trọng án ngữ phía đông Nam căn cứ Long Chẹng. 1433 vừa làm nhiệm vụ đài canh không lưu (điều chỉnh tọa độ bay cho f111) chỉ điểm máy bay oanh tạc các mục tiêu nghi có đối phương tại khu vực Cánh Đồng Chum…1433 còn có nhiệm vụ tuần tra cảnh giới, hỗ trợ cho các mục tiêu phụ cận khi có chiến sự. Chốt giữ cao điểm 1433 có gần một đại đội (ADO thiếu) thám báo lính đặc biệt của Vàng Pao, thường xuyên có trinh sát tuần không – trực thăng bay hỗ trợ và tiếp tế vũ khí, lương thực thực phẩm để đảm bảo các hoạt động của cứ điểm. Theo nhận định của báo chí phương Tây: “Cứ điểm này chấp cả một trung đoàn chủ lực Bắc Việt”, tuy vậy tướng Vàng Pao vẫn liên tục nhắc nhở cảnh báo các thuộc cấp: “Coi chừng đội quân ma quỷ” (ám chỉ đặc công Bắc Việt).
Tháng 10/1971, chúng tôi bí mật xuất kích và luồn rừng hơn 1 tháng trời, một số phân đội của d924 cũng bám sát và tiếp cận các mục tiêu trong khu vực, riêng c24 là mũi luồn sâu nhất.
Tôi được tham gia mũi bí mật trinh sát cứ điểm 1433, khoảng một tháng công tác trinh sát cơ bản hoàn thành, đầu tháng 12/1971 các mục đã được lên sa bàn và chuẩn bị kỹ trong quyết tâm chiến đấu. Trung tuần tháng 12/1972 chiến dịch Z bắt đầu khai hỏa. Toàn mặt trận không khí sôi sục, các đơn vị thi nhau tấn công địch trên khắp cánh đồng Chum, chiến công của các đơn vị bạn liên tiếp thông báo về. Còn chúng tôi im hơi lặng tiếng nhịn đói, khát, ăn toàn sắn và rau rừng, lương khô chỉ còn 5 phong dự phòng chỉ khi nào chiến đấu mới được ăn. Đại đội đặc công 24(c24) được giao nhiệm vụ: bằng mọi cách phải xóa sổ cao điểm 1.433. Đây là dải núi đá cao, vách đá dựng đứng, lối lên duy nhất chỉ có 1 con đường mòn nhỏ cheo leo, muốn lên đến đỉnh của điểm cao phải qua 6 nhịp cầu thang dẫn lên tới trạm gác tiền tiêu. Cầu thang do địch làm làm bằng cây rừng gác trên các vách đá cheo leo, chân cầu thang địch gài mìn Claymo, lựu đạn, mìn sáng đề phòng đối phương tiếp cận. Kết quả trinh sát phát hiện quy luật hoạt động của địch. Ban ngày địch tổ chức cảnh giới trên đầu cầu thang. Đêm đến, cứ độ trên dưới 10 phút chúng lại ném lựu đạn cầm canh xuống chân cầu thang, thường là một hay hai trái để thị uy.
Căn cứ nhiệm vụ trên giao: c24 phải đánh dứt điểm 1.433 rồi tiến hành phòng ngự chờ bộ binh lên thay. Mọi người ai cũng nhận thức đây là trận đánh “quyết tử” không có chi viện, không có đường lui. Chỉ huy c24 giao trọng trách nặng nề này cho 6 người do mũi trưởng Hoàng Văn Đá chỉ huy, mỗi người được trang bị 16 quả thủ pháo, 4 lưu đạn, AK báng gấp (quấn vải) kèm 3 băng đạn…, đi chân đất, không được đi giầy trên núi đá tai mèo, không được va vũ khí vào đá, mũi chia làm 2 tổ: tổ 1 có 3 đồng chí: Đá, Chiến và Nông; tổ 2 có tôi (Giám), Nhiệm và Đức.
Chiến dịch Z đang thắng lợi, chúng tôi được lệnh đánh để uy hiếp trực tiếp sào huyệt địch và tạo điều kiện cho các trung đoàn chủ lực của ta tiến công hang ổ cuối cùng của chúng. Chiều tối ngày 8/1/1972 (tức 22/11 âm lịch), chúng tôi bí mật luồn rừng đến khoảng sáu giờ tối (18h) thì tới đường mòn hướng lên điểm cao, khoảng mười một giờ đêm (23h) thì đến yên ngựa và dừng lại tại đây. Trước khi tiếp cận mục tiêu đồng chí Nông bị ho nên mũi trưởng quyết định để Nông ở lại. Tiếp tục bí mật tiến sát chân cầu thang, mọi người nhanh chóng tìm nơi ẩn nấp vừa tránh lựu đạn địch ném cầm canh vừa quan sát.
Khi phát hiện dây mìn Claymo, mìn chiếu sáng địch gài cạnh chân cầu thang, đồng chí Đá ra lệnh người cảnh giới và nhanh chóng tổ chức tháo gỡ… Mũi trưởng rỉ tai lệnh cho mọi người: “Khi nào địch ném lựu đạn và đổi gác thì tất cả nhẹ nhàng nhanh chóng leo lên”. Lát sau, ngay khi tiếng lựu đạn theo quy luật vừa nổ, Đá bật người leo lên trước, tôi, Chiến, Nhiệm và Đức bám sát ngay phía dưới. Khi đồng chí Đá vượt lên hết cầu thang trên cùng lao người tấp ngay vào gờ đá bên phải, tôi cũng vọt lên và nấp vào tảng đá bên trái, phía sau Chiến cũng còn cách vài bậc thang trên cùng (bất ngờ ai đó phía dưới gây ra tiếng động) … Chiến phát hiện trên đỉnh có bóng tên địch ngó đầu ra nhìn xuống và chuẩn bị nén lưu đạn… Lập tức Chiến nghiêng người hướng nòng AK bóp cò, tên địch lộn nhào bay xuống vách đá, Chiến nhanh chóng vọt lên.
Đã bị lộ từ đây, địch tập trung hỏa lực bắn tới tấp vào đầu cầu thang (Nhiệm và Đức đã bị chặn lại không thể lên được). Địch từ các hầm hào, công sự bừng tỉnh chúng điểm hỏa Claymo, mìn sáng, các tiền tiêu của địch đua nhau bắn pháo sáng, các loại súng thi nhau nổ, toàn cao điểm một vầng lửa sáng rực cả góc trời. Lợi dụng thế chủ động và ánh sáng lửa đạn, theo phương án tác chiến chúng tôi cùng vọt tiến. Đá và Chiến nhanh như sóc vọt lên tấn công các hầm bên phải, tôi lao lên tiến thẳng vào khu trung tâm, vừa tiến vừa ném thủ pháo vào các hầm hào. Tiếng thủ pháo và cả tiếng súng địch bắn trả liên hồi chói tai, vừa vận động tấn công tôi vừa hô xung phong, vừa hô hét các mũi vòng phải vòng trái để nghi binh địch…
Khi vận động lên gần hết điểm cao tôi đánh vòng trở lại để xem anh em mình như thế nào, bất ngờ gặp 2 anh Đá, Chiến đều đã hy sinh, 1 người nằm sấp bị đạn găm vào ngực, 1 người bị vỡ đầu máu chảy lênh láng… Vẫn thấy có bóng địch chạy ở phía các hầm hào bên dưới và cả tiếng đạn rít đan chéo trên đầu và xung quanh, tôi vội quay lại lợi dụng vật che đỡ ném thủ pháo về phía địch, hết thủ pháo tôi thấy các hòm lựu đạn tròn M67 của địch (chúng dùng để ném cầm canh), cứ chỗ nào có tiếng động thì tôi rút chốt ném tới, hình như chúng phát hiện lực lượng ta quá ít, trong đêm mờ ảo tôi thấy nhiều bóng định đang lao về phía mình. Thấy bên cạnh khẩu đại liên có hai xác địch nằm vắt ngang tôi vội gạt xác chúng ra và quay khẩu đại liên về hướng địch bắn liên tiếp cho tới khi hết cả một băng dài, nhiều bóng địch đổ xuống cũng có đứa hoảng hốt nhảy đại xuống vách đá. Khi cảm thấy an toàn tôi quay lên trung tâm cao điểm tới hầm chỉ huy của địch kiểm tra cũng đã thấy im ắng, dưới chân dẫm lên nhiều xác địch và dính đầy máu.
Lúc này tôi thấy có máu chảy trên mặt và nhận ra mình đã bị thương vào đầu, máu vẫn chảy ra làm lạnh ở cổ và vai, tôi tự băng bó vết thương, máu đã bớt chảy. Cả trận địa yên tĩnh, hoang tàn, chỉ có đám cháy bập bùng ở chỗ quân trang và lương khô của địch. Trở lại chỗ hai liệt sỹ tôi đưa các anh về cạnh hầm để tựa vào vách đá đề phòng sáng ra địch có thể ném bom oanh tạc. Lúc này đã hơn một giờ sáng, trận đia trống vắng một mình với hai liệt sỹ bên cạnh tôi rất bối rối và lo lắng. Nhận thấy trên đầu mình đang băng dải băng trắng tôi vội tháo miếng băng ra đề phòng địch còn lẩn trốn đâu đó chúng sẽ dễ phát hiện và phản công lại. Hơn hai giờ chiến đấu trôi qua, yên tĩnh trở lại nhưng lạnh lẽo, hoang tàn đến ghê người. Theo hiệp đồng trước trận đánh tôi lấy súng AK bắn báo hiệu dứt điểm 3 phát một, sợ bị hết đạn đề phòng địch phản công, tôi dùng súng M16 của đich bắn phát một báo hiệu.
Tôi chờ đến hơn 5h sáng cũng không thấy có tín hiệu đơn vị lên hỗ trợ (sau này về đơn vị tôi mới biết là mình bắn không đúng ám hiệu đã quy ước, đơn vị cứ nghĩ là chúng tôi đã hy sinh cả). Hơn bốn tiếng trên đỉnh cao giá lạnh như dài vô tận, tôi nghĩ là phải trèo xuống báo để đơn vị lên đưa liệt sĩ về an táng. Vơ vội mấy tút thuốc lá ALào, mấy đèn Pin, lương khô của địch rồi khoác thêm khẩu súng AR-16 (Những chiến lợi phẩm này là sự minh chứng cho trận đánh đã hoàn thành) tôi mò xuống núi, sau hơn 40 phút leo xuống tôi đã về đến nơi xuất phát . Thật là may mắn các đồng đội vẫn đang lo lắng chờ đợi.
Các đồng chí Đoàn Phú Vân, Chân, Thảo ngỡ ngàng khi thấy bóng tôi. Không còn gì cảm động hơn tình cảm của người lính trận, chúng tôi ôm nhau òa khóc, mặt đen sạm khói súng, máu me đầy mặt, đầy quần áo. Nghĩ đến đồng đội còn nằm lại trên trận địa, tôi giục anh Vân về báo đơn vị nhanh chóng cho anh em lên đưa liệt sĩ xuống. Sau 30 phút toàn đơn vị ra đón tôi, ai cũng ứa nước mắt, khóc vì quá vui mừng, khóc vì thương tiếc mũi trưởng Đá và Chiến.
Trận đánh điểm cao 1433 sáng ngày 9/1/1972 ta đã giành thắng lợi đến bất ngờ. Kết quả đã xóa sổ cứ điểm lợi hại của địch, thu 1 súng DKZ, 2 cối 61, 2 đại liên, 6 máy điều không, 25 súng AR-16 + cạc bin cùng nhiều đạn dược, lương thực thực phẩm. Ta đã đập tan cao điểm quan trọng trong tuyến phòng thủ và tiêu diệt nhiều sinh lực địch (theo đài kỹ thuật trên thông báo địch có 52 tên chết, bị thương và mất tích), ta đã mở con đường phía đông nam để các đơn vị của ta tiến đánh Long Chẹng.
Kết thúc thắng lợi trận đánh 1433, mười ngày sau tôi lại cùng một mũi của C24 xuống Nậm Phát đánh địch từ Sầm Thông rút về Pa Khảo, chúng tôi đã đánh địch tại bản Nậm Phát, cầu Sắt Long Chẹng. Kết quả trận đánh cùng các phân đội của tiểu đoàn 924 phá được cây cầu, tiêu hao nhiều sinh lực địch rút chạy từ Cánh Đồng Chum về, tạo điều kiện để các đơn vị tiếp tục đánh vào Long Chẹng. Sau đó có lệnh của trên gọi tôi về sở chỉ huy mặt trận ở hang Phu Nhu để báo cáo kết quả trận đánh 1.433. Dịp đó tôi được giữ lại ăn tết với các thủ trưởng mặt trận, đây như là phần thưởng của chỉ huy mặt trận dành cho tôi, bữa cơm tết có đông đủ các thủ trưởng đã chúc mừng động viên tôi cùng tập thể c24. Trong đó có thủ trưởng Vũ Lập, Lê Linh, Huỳnh Đắc Hương, Nam Hà, Hữu An, và thủ trưởng trung đoàn 866 Nguyễn Hữu Thơi cùng đồng chí Đỗ Kim Giao.
Gần nửa thế kỷ đã qua, ký ức về trận tập kích trên cao điểm 1433 vẫn hiện hữu trong tôi và nhiều đồng đội đã từng tham gia chiến đấu trên cao nguyên Cánh Đồng Chum ngày ấy. Nỗi tiếc thương liệt sỹ Đá và liệt sỹ Chiến luôn khắc khoải trong tôi cũng như những người lính c24, và rồi chúng tôi lại khoác ba lô lên đường đi tìm đồng đội…
Phạm Minh Giám & Đoàn Phú kể, Ghi chép: Trần Phong