Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tại Hạ Lào. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang cách mạng Lào đã tạo nên những những chuyển biến đáng kể. Từ năm 1950 các chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên đã bắt đầu được thành lập để lãnh đạo phong trào. Đến giữa năm 1954, toàn khu vực đã có hơn 200 đảng viên và trên 600 quần chúng trung kiên. Số trung kiên cũng với tiêu chuẩn gần như đảng viên. Sang tới đầu năm 1955, Đảng Nhân dân Lào (nay là Đảng Nhân dân Cách mạng Lào) được thành lập, qua công tác thẩm tra hầu hết số trung kiên đều được kết nạp vào Đảng Nhân dân Lào.
Cho tới cuối năm 1954, khi tình hình cách mạng trong nước có những thay đổi. Để phù hợp với hoạt động thực tiễn. Sau khi Hiệp định Gơnever 1954 về Đông Dương được ký kết, lực lượng Pathét Lào tập kết lên hai tỉnh Sầm Nưa, Phông Sa Lỳ. Trong đó, các tổ chức Đảng bí mật để lại khoảng một nửa số đảng viên và trung kiên nói trên ở lại trong vùng đối phương kiểm soát. Số đảng viên được phân ở lại làm nòng cốt duy trì hoạt động, tiếp tục phát triển cơ sở và lãnh đạo phong trào.
Tại vùng địch chiếm đóng, dưới sự kiểm soát gắt gao và các cuộc khủng bố trả thù những người kháng chiến cũ của đối phương. Các đảng viên, quần chúng trung kiên là mục tiêu tìm diệt, bắt bớ tra tấn rất dã man của địch. Phong trào cách mạng ở Nam Lào bị dìm trong biển máu, nhiều đảng viên và những quần chúng trung kiên bị phát hiện, bị tra khảo, bị hành hình. Nhiều người dân vô tội bị tình nghi, tính mạng họ nhiều lúc cũng bị đe dọa. Mất mát tổn thất vô cùng lớn lao, xong cũng có không ít những đảng viên trung kiên là tấm gương sáng về lòng dũng cảm, sự gan dạ, mưu trí để thoát khỏi nanh vuốt và sự tàn bạo của kẻ thù.
Trong những tấm gương đó phải kể tới một nữ đảng viên. Tên chị là Bua, chị sinh ra và lớn lên ở bản Thồng Phạ, mường Phia Phay (nay là huyện Pá Thum Phon), tỉnh Chămpasắc. Chi Bua tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm, giữa năm 1950 chị đã trở thành đảng viên. Nói về hoàn cảnh của chị cũng thật vừa thương vừa nể phục. Thời kỳ Pháp chiếm đóng, chồng chi phải đi làm phu cho lãnh chúa vùng Hạ Lào, do lao động cực khổ vất vả trong rừng thiêng nước độc nên không may anh lâm bệnh trọng không về với chị nữa. Nhiều đàn ông trong bản đem lòng thương chị nhưng chị đã khéo léo từ chối. Vừa nuôi con, nuôi bố mẹ già chị vừa tham gia hoạt động. Tình thương yêu và sự chở che dạy bảo con, chị đã truyền cho cậu con trai nghị lực và niềm tin vào cách mạng. Khi đã tới tuổi trưởng thành, cậu con trai duy nhất của chị đã xung phong vào đội du kích của bản. Chị tự hào về người con trai của mình nên càng hăng say tích cực trong công tác.
Khi các đồng chí của chị đi về hướng thượng Lào vùng Sầm Nưa, chị được bố trí ở lại hoạt động trong lòng địch. Nhiện vụ của chị là vận động quần chúng ủng hộ Ít Xa La, quyên góp lúa gạo, tìm mua thuốc men và các vận dụng cần thiết để cung cấp cho lực lượng cách mạng trên rừng. Mùa hè 1955, trong một lần chị đưa cơm tiếp tế cho chuyên gia Việt Nam cùng cán bộ Lào đang bí mật họp tại một khu rừng thuộc mường Phia Phay. Đây là công việc chị thường xuyên bí mật làm mỗi khi được tổ chức phân công. Do có bọn xấu báo tin nên giữa chừng chị bị địch bắt, chúng trói chị rồi đưa về giam ở đồn trong thị xã Pạc – xê và buộc tội chị đã có quan hệ và tiếp tế cho Việt Minh và Ít-xá-lá.
Địch dùng nhiều đòn roi tra khảo, trước sau chị vẫn khai là đi đưa cơm cho người nhà đang trông coi nương rẫy. Thuyết phục, dụ dỗ đến dùng đủ các thủ đoạn tra tấn dã man vẫn không thể khuất phục được chị. Một hôm, chúng dẫn chị cùng một thường phạm ra khu rừng ngoại ô thành phố, chúng cho lính đào hai cái huyệt, rồi đưa họ đứng trên miệng hai cái huyệt để hai người quan sát những cái hố sâu sắp chôn vùi mình. Sau đó chúng bịt mắt chị và người bạn tù lại. Tên chỉ huy vừa dụ vừa nghiêm giọng nói với chị Bua: “ Mày khai tất cả đi! Nếu ngoan cố tao sẽ bắn bỏ!” Chị vẫn dứt khoát: “Tôi chẳng có gì để khai báo. Như các ông đã biết là Ít-xá-lá và Việt Minh đã rút đi từ lâu”. Tên chỉ huy quát to: “Thế thì hôm nay mày đã đến ngày tận số!”. Hắn ra lệnh: “Hãy bắn thằng kia trước rồi bắn con này sau!”
Một loạt súng nổ chói tai. Tên chỉ huy lại hỏi: “Còn con này, mày có khai không hay muốn chết theo thằng kia?” Chị Bua trả lời: “Tôi chẳng biết gì để khai. Súng trong tay các ông, muốn bắn tôi thì cứ bắn!” Tên chỉ huy cáu tiết: “Mày giỏi thật, rồi sẽ biết tay ông!” Nói xong hắn dúi chị ngã xuống huyệt rồi quát lính: Nạp đạn!… Chuẩn bị bắn! Chị Bua nằm in không nhúc nhích, không cựa mình như sẵn sàng đón nhận thần chết đến với mình(!). Tên chỉ huy hô lính: “Bắn!”, súng nổ rung bần bật bên cạnh sườn và ngay sát dưới chân chị, đất đá bay cả lên mặt chị Bua. Chị vẫn nằn bất động. Tên chỉ huy lại hô: “Bắn!” đạn lại nổ sát người chị. Chị Bua vẫn không nhúc nhích… sau ba loạt như thế, tên chỉ huy điên tiết quát lính: “lôi con mụ này lên!”. Rồi chúng cởi trói, cởi khăn bịt mắt và đưa hai người trở về đồn.
Màn kịch dọa bắn để khuất phục chị Bua nhưng chúng đã “thất cơ thua chí chị Bua”, và chính hắn đã bị chị Bua khuất phục. Sau một thời gian tiếp tục giam giữ, chúng lại dùng các thủ đoạn đê hèn với phụ nữ nhưng chị không hé răng nửa lời. Không tìm được chứng cứ buộc tội, chúng đành phải thả chị về nhưng không quyên đe dọa thêm: “Nếu tiếp tục đi tiếp tế cho Việt Minh, nếu còn ngoan cố thì lần sau đừng trách ông!”
Trở về làng, nghỉ lấy lại sức một thời gian và nghe ngóng tình hình. Cảm thấy an toàn, chị tiếp tục bắt liên lạc với tổ chức. Dường như trải qua những thử thách cam go lại càng làm cho chị trở nên dạn dầy, nghị lực vững vàng thêm. Chị Bua lại tích cực lao vào các hoạt động với tinh thần hăng say, bền bỉ của một đảng viên kiên trung, luôn sẵn sàng cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng Lào.
Câu chuyện chị Bua, một tấm gương kiên trung với cách mạng đã lan truyền khắp các vùng Hạ Lào, hình ảnh nữ đồng chí đảng viên Lào ngày ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho các đồng chí hoạt động trong lòng địch. Những cán bộ chuyên gia chúng tôi ở Hạ Lào thời kỳ đó luôn ngưỡng mộ chị, coi gương chị để cùng nhau xiết chặt hàng ngũ bên những người đồng chí ÍtXaLa cho tới khi hai dân tộc giành được độc lập tự do.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập quân đội Lào (20/01/1949 – 20/01/2019) và 70 năm ngày truyền thống quân Tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào (30/10/1949 – 30/10/2019). Viết lại câu chuyện chị Bua, tôi như tự nhủ với lòng mình phải luôn ghi nhớ công lao của các đồng chí bạn Lào đã “nhường cơm xẻ áo”, sẵn lòng hy sinh tính mạng chở che cho những người con đất Việt khi tham gia thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả trên đất nước Triệu Voi anh hùng.
Nguyễn Văn Nghiệp (Cựu CG Việt Nam tại Hạ Lào)