Hơn bốn mươi năm phục vụ quân đội, ít khi tôi được nghỉ tết trọn vẹn cùng gia đình. Những năm kháng chiến chống Mỹ, năm lần đón tết trên chiến trường Lào. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc sau năm 1975, ba lần đón tết trên chiến trường Campuchia. Những lần đón tết xa tổ quốc, để lại trong tôi lại nhiều kỷ niệm, bây giờ khi đã chạm đến tuổi“ thất thập cổ lai hy” vẫn chẳng thể nào quên.
Tết không muối
Đầu tháng 12 năm 1969, Đại đội tôi đang bảo vệ tuyến đường huyết mạch từ Điện Biên đi các tỉnh Phong Sa lỳ, Luông Nậm Thà, LuangPraBang. Từ Phong Sa Lỳ, chúng tôi được lệnh hành quân trở lại Điện Biên. Vượt biên giới qua cửa khẩu Mường Lói, đi sâu vào tỉnh LuongPraBang. Gọi là cửa khẩu, vì ở đó, trên một ngọn núi có cái cột mốc bằng xi măng ghi chữ Pháp và chữ Lào. Không có đồn Biên phòng, cũng chẳng có người canh gác. Phía bên đất Lào, núi đá cao, vách dựng đứng, khi nắng chiều sắp tắt, đàn vượn gọi bầy tạo nên bản hòa âm sâu thẳm, như khẳng định từ thủa hồng hoang đến nay chúng đã có mặt ở nơi này.
Chúng tôi nghỉ đêm trong bản người Lào Lùm, trước bản là con suối nước trong vắt. Chiến tranh không gõ cửa vùng này, trong bản nhiều gia đình có nhà to đẹp, làm bằng gỗ quý, cây ăn quả rất nhiều, đặc biệt là dừa, mít, xoài. Dân bản đón chúng tôi thân thiện. Đêm ấy bên bếp lửa, những chiến sỹ người dân tộc Thái nói chuyện với gia chủ, như không có gì khác biệt về ngôn ngữ. Qua câu chuyện chúng tôi biết, đã có nhiều đơn vị bộ đội Việt Nam qua đây. Con suối trước bản là đầu nguồn sông Nậm Xanh đổ vào sông Nậm U, xuôi dòng Nậm U là đến cố đô LuoongParabang.
Hai tuần đầu đường hành quân của chúng tôi xuôi theo dòng Nậm Xanh. Có ngày chỉ qua một vài bản người Lào, càng đi sâu vào trong càng phải tránh những con đường qua bản. Một số chặng chúng tôi phải hành quân đêm. Rời lưu vực Nậm Xanh, đường hành quân có những con dốc khủng khiếp, phải cắm đầu nhìn xuống bàn chân để leo. Ngửa mặt thấy trời sáng, thì biết là sắp lên đến đỉnh núi. Cứ đi năm ngày, chúng tôi được nghỉ một ngày để bổ sung lương thực, thực phẩm. Kho giã chiến do Hậu cần Trung đoàn đi trước lập ra. Gọi là kho nhưng chỉ có gạo, bột cá, mắm tôm khô đóng bánh.
Ròng rã hơn một tháng đi bộ, đầu tháng một năm 1970, đơn vị tôi đến sông Nậm Xương, một chi lưu khác của Sông Nậm U.Từ bản Hát Huồn chúng tôi vượt núi đi vào Mường Xiêng Ngân. Đại đội tôi bí mật đóng quân trên một đỉnh núi cao. Chiều đến chúng tôi hay kéo nhau ra bãi cỏ tranh, như một tấm thảm vàng trải dài tít tắp ngắm trời đất tán chuyện. Có hôm cao hứng mấy anh chàng người thị xã Lạng Sơn, mang cả kèn Acmonica ra thổi. Chúng tôi không đứa nào hình dung được những ngày khó khăn săp tới sẽ như thế nào.
Đầu tiên là chuyện mất quần áo, nhiều hôm sáng ngủ dậy, không thấyquần áo phơi ngoài dây, hỏi nhau nháo nhác cả lên, lại còn nghi lấy lẫn của nhau. Cho đến một buổi sáng xuất hiện mấy đống phân bò, lúc đó mới biết. Gần nơi chúng tôi trú quân có bản người HMông. Người dân ở đây nuôi rất nhiều bò, họ thả rông để bò tự kiếm ăn. Do thèm muối, đêm đến bò vào “lấy trộm” quần áo để nhai. Đang mùa khô thiếu nước, những anh chàng lười giặt, mồ hôi muối là nạn nhân đầu tiên – là món “khoái khẩu” của bò.
Không chỉ có bò thèm muối, chúng tôi cũng bắt đầu những bữa ăn nhạt muối. Bí đỏ nấu mắm tôm, hoa chuối rừng nấu mắm tôm, rau giớn, rau cải đều chấm mắm tôm. Có đứa đến bữa cơm, không ăn nổi những thứ nấu với mắm tôm. Không có muối, chúng tôi “sáng tạo” ra nhiều kiểu ăn mắm tôm, ngon nhất là riềng băm nhỏ, thêm ớt trộn với mắm tôm bỏ vào ống tre để nướng lên.Thiếu muối chân tay nhão ra như mượn của người khác. Vậy mà chúng tôi vẫn đi vận chuyển đạn, gạo phục vụ các đơn vị làm nhiệm vụ chặn đường mười ba, con đường huyết mạch chạy xuyên nước Lào từ bắc xuống nam.
Trước đây, một chuyến đi là ba ngày. Ngày thứ ba thường là quá chiều chúng tôi về đến chỗ đóng quân. Bây giờ vẫn đi trong ba ngày, nhưng có đứa tối mịt mới lết về đến nơi. Các Thủ trưởng Đại đội chia nhau xuống các Trung đội “dỗ lính” không ngon cũng cố mà ăn. Trong mắm tôm có nhiều muối, các em cố gắng ăn, để không bị phù thũng ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị vv …
Những tối thứ bảy được nghỉ, chúng tôi mon men đến gần lán chỉ huy đại đội, để nghe chương trình sân khấu truyền thanh. Qua chiếc Rađiô của Chính trị viên, chúng tôi biết tết đang đến rất gần. Sát tết đi vận chuyển tiếp tế cho đơn vị bạn, ai cũng hy vọng sẽ nhận được muối. Khi cầm tờ phiếu xuất kho trên tay, Anh Lẫm quản lý đại đội kêu thất thanh: “các ông làm ăn kiểu gì mà không đưa muối vào cho bộ đội, các ông muốn giết hết lính à”. Đại đội trưởng Đinh Quang Hợp, người dân tộc tày Na Rì – Bắc Kạn, đã nhắc quản lý không được nói bừa bãi.
Như để phân bua với Đại đội trưởng, vì trót lỡ lời. Anh Lẫm nói như reo: báo cáo Thủ trưởng mình được cấp 20m vải láng. Có cái ăn tết cho đơn vị rồi Thủ trưởng ạ. Nghe vậy Đại đội trưởng phấn khởi, anh cho gọi Trung đội trưởng của tôi đến gặp. Trở lại chỗ chúng tôi ngồi chờ, Trung đội trưởng đưa cho tôi khẩu súng AK và bảo tôi lên đi cùng với quản lý.
Sau này tôi mới biết, từ lâu chỉ huy đơn vị đã có ý định đưa tôi lên làm liện lạc cho Đại đội trưởng. Đại đội trưởng bảo tôi đi bảo vệ Quản lý, là để kiểm tra khả năng hoàn thành nhiệm vụ của tôi. Hai anh em tách khỏi đội hình, đi đổi thực phẩm chuẩn bị tết cho đơn vị. Trước khi nhập ngũ, anh Lẫm là cán bộ Ngân hàng tỉnh Lai Châu, anh hơn tôi nhiều tuổi, nhập ngũ trước hai năm. Quê Lập Thạch, Phú Thọ, nhưng anh Lẫm biết nhiều tiếng Lào. Anh bảo tôi, mình phải đi xa một tý, tách khỏi con đường các đơn vị đã đi qua sẽ đổi được rẻ hơn.
Tối đó hai anh em dừng lại bản Pắc Bút. Một bản người HMông, nằm trên đỉnh một quả núi lớn. Nghe nói nơi đây là ngã ba con đường dẫn sang Xiêng Khoảng. Dân bản rất ít người biết tiếng Lào Lùm. Anh Lẫm thì không biết tiếng HMông. Nhưng rồi chúng tôi cũng tìm được một gia đình, hai vợ chồng tuổi trung niên, người chồng thạo tiếng Lào Lùm. Anh cho chúng tôi biết, thường xuyên xuống mường Xinh Ngân mua hàng về bán cho bà con trong vùng.
Được mời ăn bữa cơm cùng gia đình, tôi nhớ mãi hương vị rau cải nấu với thịt lợn xông khói, có vị cay của ngừng, vị thơm của thảo quả, béo ngậy của thịt hầm, đặc biệt là vị ngọt, thơm của gạo tẻ nương. Đêm đó tôi chỉ chợp mắt khi ngủ quên. Phần thì không quen, lo và cả sợ chẳng may có chuyện gì, thì không ai biết hai anh em ở đâu, đơn vị chẳng có gì ăn tết…
Mong mãi rồi trời cũng sáng, anh chủ nhà làm phiên dịch, dẫn chúng tôi đến một ngôi nhà lớn, anh trao đổi với gia chủ, tôi chẳng hiểu anh nói gì. Quan sát hai người nói chuyện, tôi đoán là mọi việc thuận lợi. Anh quay sang nói với chúng tôi, Anh Lẫm cười tươi, luôn miệng “ đi lẹo – đi lẹo”. Sau này tôi mới biết là quản lý nói “tốt rồi – tốt rồi”. Gia chủ đồng ý đổi cho chúng tôi một con bò to và một con lợn không to lắm. Tôi hỏi anh Lẫm con lợn không to là bao nhiêu cân? anh cho tôi biết, ở đây không có cân, người ta đo vòng ngực con lợn bằng giây, rồi gập đôi lại, xem được bao nhiêu nắm tay. Mỗi nắm tay ước tính trên mười ki lô gam, con lợn họ trả cho mình được năm nắm tay, ước chừng sáu – bảy mươi cân. Hôm nay hai anh em chỉ bắt bò, lợn sau tết lên bắt, chủ nhà cùng đi về đơn vị để lấy vải. Khi nhìn thấy con bò, tôi không ngờ nó to thế, có lẽ đến bốn tạ.
Tôi băn khoăn hỏi anh Lẫm, mình không mang theo vải, tại sao họ đồng ý đổi. Anh Lẫm nói, từ trước đến nay người Lào biết bộ đội Việt Nam rất kỷ luật, không lừa dối, không làm hại dân, vì thế dân tin. Dân Lào rất quý, thương bộ đội Việt Nam. Họ biết mình sắp ăn tết, thương bộ đội không có thịt ăn nên giúp. Rồi anh bảo tôi mày hỏi vớ vẩn, lo mà dắt bò đi, cẩn thận con bò này giữ lắm đấy.
Khi chia tay, anh chị chủ nhà cho chúng tôi tấm bánh dày, ước chừng nặng hơn một cân và hướng dẫn cách làm nóng lại khi ăn. Sự phản kháng của con bò thật đáng sợ, nó cắm đầu lao vào tôi, làm tôi phải bỏ chạy. Chủ giắt, nó cũng không chịu đi, có lúc nó cũng lao vào như điên dại. Với kinh nghiệm của những lần bắt bò từ rừng về, ông chủ đã chặt vát cây nứa thành chữ u nhọn hoắt. rồi luồn giây thừng thắt nút đinh vị, mỗi lần con bò trở chứng lại bị gí đầu nhọn vào hốc mũi, chỉ lát sau nó đã trở nên ngoan ngoãn chịu đi theo.
Sau hai ngày trèo đèo, lội suối, chiều hai chín tết hai anh em về đến đơn vị. Không khí thật vui, trung đội tôi đang luộc bánh chưng bằng hai cái xoong B, các lán quét don sạch sẽ, chuẩn bị cho đón tết. Biết chắc chắn tết đến có thịt bò, cánh lính trẻ bắt đầu bàn ngày mai nếu chia thịt tươi thì làm món gì để ăn cho ngon vv…
Chiều ba mươi tết, trừ bộ phận Hậu cần lo chuẩn bị bữa tất niên, đại đội tổ chức cho chúng tôi chơi các trò kéo co, vật tay, ném vòng vào cổ bi đông, đi cầu độc mộc, phần thưởng là mấy điếu thuốc lá Tam Đảo vv…
Khoảng 16 giờ, chúng tôi dừng các trò chơi, chuẩn bị cho bữa tất niên. Bàn tiệc là mấy cây tre gác lên thành chiếc bàn dài, đĩa bày cỗ là những ống tre bánh tẻ hơ qua lửa,chẻ làm đôi thành cái “đĩa dài”. Thực đơn có bò xào, bò nướng, canh xương hầm bí đỏ, lòng bò xào hoa chuối rừng và có thịt lợn luộc. Trước bữa ăn, Trung đội trưởng động viên anh em và phát cho mỗi khẩu đội một bi đông rượu ngô HMông. Không khí bữa tiệc tất niên rất hào hứng, chúng tôi ai cũng muốn được ăn ngay.
Đã lâu không được ăn thịt tươi, mấy phút đầu chúng tôi ăn say sưa, cái gì cũng ngon. Khi đã qua cơn thèm, ký ức về thịt bò phải có gừng, có tỏi, có muối, xào phải có mỡ vv…Khẩu vị được đánh thức, tôi cảm nhận thấy bữa ăn không còn ngon như mong đợi. Sự hào hứng trôi đi khá nhanh, những lời bàn về các món thịt bò, nổi lên rân ran. Có đứa nói như đinh đóng cột: “quê tao không bao giờ, không nhà ai nấu thịt bò cho mắm tôm, mắm tôm chỉ để nấu thịt chó”…
Lần đầu đón năm mới ở “Ngoại quốc”, sau giao thừa nhiều đứa không ngủ vì nhớ nhà, nhớ tổ quốc, quê hương. Trong câu chuyện lan man, anh bạn tôi quê Lạng Sơn nhắc lại bữa tất niên, nó nói, nếu ngày mai các món thịt còn cho mắm tôm là tao không ăn, tao sợ mắm tôm lắm rồi, từ bé đến giờ, tao chưa ăn thịt bò nấu mắm tôm.
Ngày mồng một tết năm 1970, thực đơn ít món hơn, nhưng thịt bò nấu mắm tôm vẫn là món chủ đạo. Các bạn tôi nhiều người không ăn nổi, có đứa hùng hồn tuyên bố “tao thề có bị đói cũng không ăn thịt bò nấu mắm tôm, mùi vị nó kiểu gì ấy, khó ăn lắm”. Những bữa thịt bò “ăn kiểu cưỡng bức” đã gây ra hậu quả tai hại, trong đơn vị nhiều người bị kiết lị, rối loạn tiêu hóa.. Túi thuốc quân y chả mấy chốc những cơ số thuốc rối loạn tiêu hóa hết sạch.
Những ngày sau đó, bữa cơm của chúng tôi vẫn phải dùng mắm tôm thay muối. Nhưng khi biết không quân Mỹ đã thả bom từ trường xuống các dòng sông, chiếc thuyền máy chở muối, bị bom từ trường hất tung, cả ba chiến sỹ lái xuồng hy sinh. Khi ấy chúng tôi không còn ai nghĩ Hậu cần trung đoàn tắc trách, quên các đơn vị phía trước.
Cuối tháng hai năm 1970, trước khi đơn vị hành quân sang Mường Pắc U nhận nhiệm vụ mới, chúng tôi mới được ăn những bữa cơm đủ muối. Muối đã hồi phục nhanh sức khỏe của toàn đơn vị, nên mấy ngày hành quân tiếp không ai bị rớt lại. Nhờ có muối, chúng tôi đã vượt qua những dẫy núi cao hơn một ngàn mét. Đơn vị tập kết về bản Hội Ốt thuộc mường Pắc U đúng thời gian quy định. Nơi đây là cửa ngõ kinh thành LuangPraBang, tất cả lại hối hả chuẩn bị cho những trận đánh lớn…
Đại tá: Trần Đình Dần Cựu chiến binh Đoàn 335