Đây là một câu chuyện có thật xẩy ra ở tiểu đoàn 25 công binh Quân Khu Tây Bắc của tôi vào mùa mưa năm 1969. Một mùa mưa còn ướt đẫm trong lòng tôi và bạn bè tôi đến tận bây giờ mỗi khi nhắc đến cái chiến dịch mà hồi ấy bọn địch gọi là “ Cù kiệt “ ( Cứu vãn danh dự ) ở mặt trận Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng. Năm ấy tôi 19 tuổi đời, một năm rưỡi tuổi quân.
Tên nhân vật chính vẫn giữ nguyên, cốt truyện cũng vậy, đều là thật, chỉ chi tiết thì có phần thêm bớt. Ngoài những kiến thức trong trường phổ thông, tôi không được đào tạo gì về viết lách cũng không dám mơ ước trở thành một người viết dù chỉ là nghiệp dư nhưng những kỷ niệm chiến trường và bản thân câu chuyện cũng quá hay đã cho tôi đủ dũng cảm để cầm bút.
Chắc nhân vật chính của câu chuyện này cũng không ngờ anh và chuyện của anh lại được đưa lên mặt giấy bởi một người không hề quen biết. Hẳn bây giờ anh ấy đã lên ông nội , ông ngoại và đang ngồi trầm tư bên bếp lửa trong một bản Mèo xa tít tắp chênh vênh trên sườn núi mù sương nào đó của miền Tây Bắc kia với bao lo toan thường nhật. Những người lính Việt Nam vẫn như thế, chỉ khi nào người ta kiên nhẫn gạt đi lớp bụi thời gian, thường là mất rất nhiều công sức, mới thấy được ánh sáng chói lọi của quá khứ vinh quang mà họ đã để lại phía sau không hề nuối tiếc. Phải chăng đó cũng là sức mạnh của dân tộc này !?
Chu ơi ! giờ này anh ở đâu ?
Kính tặng Đồng đội tôi ở d25
Công binh Quân Khu Tây Bắc
Chiếc AC.130 phát hiện con mồi, vòng trở lại, thân nó chớp lửa. Chùm 20ly nổ toang toác trước mũi xe, đất đá văng rào rào, khói đạn xộc vào mũi khét lẹt. Giàng A Chu nghiến răng đánh tay lái, cái GAZ 63 chồm lên, ngoặt vào rừng thông. Một loạt 20 ly tiếp theo, lại một loạt nữa. Những gốc thông, cành thông loang loáng trước mắt Chu trong ánh trăng suông. “ Bùng !!!…” Chu tối tăm mặt mũi, tấm kính trước mặt vỡ tan, hơi nước bốc lên mù mịt, máy xe lịm đi,“ ăn đòn rồi!.” , anh thoáng nghĩ. Chiếc xe chỉ còn chạy theo quán tính, nó lượn ngoằn ngoèo rồi cắm mũi xuống cái khe nhỏ, Chu đạp cửa lao ra ngoài, lăn bừa xuống khe.
Không gian bỗng trở nên yên tĩnh lạ thường, tưởng như chuyện vừa qua chỉ là một giấc mơ nếu không có ánh pháo sáng chập chờn phía cửa rừng bản Phồn và tiếng máy bay rền rĩ xa xa. Chu lồm cồm đứng lên, người ê ẩm, anh khạc ra một bãi nước ngọt đắng nghét lẫn đất đá, lá thông, chửi đổng một câu rồi dò dẫm đi về phía chiếc xe. Nó nằm chúi xuống khe, phần nắp capô sát két nước thủng to bằng cái đĩa hai ngăn, nham nhở, hơi nước trắng đục vẫn cuộn lên từ cái lỗ đó. Tiếng lèo xèo khe khẽ của những bộ phận toả nhiệt ngâm trong nước nghe như tiếng rên của con vật bị thương khiến Chu càng xót xa: “ Cái xe cuối cùng của tiểu đoàn thế là đi tong!!!”. Không sao chịu nổi ý nghĩ đó, anh trèo lên tai xe, móc bật lửa, quầng sáng chập chờn, leo lét soi những chi tiết máy gẫy quăn queo nhưng có vẻ không nghiêm trọng lắm. “ Ơn trời! “, Chu thở phào, còn có cơ sửa được, lục lọi trong đám xác xe nằm rải rác ngoài đường 7 thể nào cũng có đồ thay. Bây giờ phải giấu xe, giấu hàng đã, nghĩ là làm luôn, Chu trèo lên thùng xe…
Khi hòm thuốc nổ cuối cùng giấu xong còn chiếc xe bây giờ chẳng khác gì một lùm cây tự nhiên mọc vươn từ khe lên thì trời cũng vừa hửng sáng. Chu thở như kéo bễ ngắm nghía lại cái “công trình” của mình: khá đấy! Cách chục mét là khó nhận ra. Mồ hôi ướt đẫm lưng áo khi nãy đã trở nên lành lạnh, anh ngồi bệt xuống cỏ bốc một nắm ngô rang đã cứng như đá trong túi cơm bỏ mồm nhai trệu trạo rồi kiểm tra súng đạn. Khẩu CKC mất lê còn khả dĩ nhưng những viên đạn thì thật thảm hại, có hai mươi bảy viên nhưng gần một nửa đã rỉ xanh. Nghĩ đến những hộp đạn vàng chói, thơm phức để dưới hầm ở đơn vị, anh bất giác thở dài, số mình thật đen như quạ!
Đám mây hình thù kỳ dị ở phía đông đã ửng hồng, những tia nắng hiếm hoi của mùa mưa hắt lên nền trời những hình rẻ quạt không đều. Từ phía Phu Pha Say vọng lại văng vẳng tiếng vo ve của OV10A. Mặt trận Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng năm 1969 đang ở vào thời kỳ ác liệt nhất. Lợi dụng những khó khăn của ta trong mùa mưa, địch mở chiến dịch “ Cù Kiệt “ (cứu vãn danh dự ) quyết đánh bật ta ra khỏi địa bàn chiến lược quan trọng bậc nhất trên đất Lào này. Hai mươi ba tiểu đoàn, năm mươi hai đại đội độc lập quân chính quy Thái lan, quân phái hữu Viêng chăn, quân đặc biệt Vàng Pao được không quân Mỹ chi viện tối đa kể cả B52 ném bom rải thảm ngày đêm đang dồn hơn chục tiểu đoàn quân tình nguyện Việt Nam và Pa Thét Lào về phía biên giới Lào-Việt. Nhiều đơn vị ta thực chất chỉ còn phiên hiệu, kiệt sức sau mùa khô, đói rách, thiếu thốn, bị chia năm sẻ bảy dưới trời mưa tầm tã…Trên đầu họ các loại A,B,F lao vun vút sát ngọn thông trút bom đạn một cách vô cùng hào phóng xuống bất cứ nơi nào nghi ngờ. L19 mắc loa công suất lớn rền rĩ trên trời:”…Hỡi các cán binh cộng sản Bắc việt…”, truyền đơn rải trắng rừng, mỗi tờ “ giấy thông hành” lại chu đáo kèm theo một gói bột cháo đủ để pha hai thìa cháo loãng in kèm lời nhắn: “ Hãy đưa giấy này cho bất cứ người dân hoặc quân nhân nào của chính phủ hoàng gia, các bạn sẽ được tiếp đón tử tế!!!…”. Lại còn in ảnh một vài “ đồng chí “ nào đó từng là cán bộ của đơn vị A, đơn vị B đã quay về với “ chính nghĩa quốc gia “ nay trở thành chủ hiệu tạp hoá, giải khát…và đang làm ăn rất phát đạt ở cái thành phố xa tít sau những dãy núi trùng điệp kia. Trên trời là vậy, còn dưới đất?- Quân chính quy Thái Lan trang bị như Mỹ, tác chiến như Mỹ…chốt giữ các điểm cao trọng yếu. Đánh nhau mà như đi duyệt binh, sỹ quan mặc quân phục trắng, đội mũ kê pi,tay cầm can, ngù vai vàng lấp lánh, đằng sau có lính hầu che ô, bước đi thong thả như người dạo mát. Quân phái hữu đánh vỗ mặt, quân đặc biệt Vàng Pao luồn sâu, đánh vào bên sườn hoặc phía sau ta…Trước khối sắt thép, bom đạn, lính tráng màu xanh xám ghê rợn ấy, sự diệt vong của cái nhúm người mặc quân phục xanh cây có cầu vai tả tơi, đói rách kia tưởng chừng như chỉ là ngày một ngày hai mà thôi. Vậy mà gần bốn tháng mùa mưa đã trôi qua, mặt trận không còn chiến tuyến rõ ràng nữa, nhiều nơi ta, địch cài răng lược quần nhau lộn ẩu, giành đi giật lại tới mức sở chỉ huy tiền phương cũng không nắm được diễn biến cụ thể. Tình hình lúc này giống như hai đô vật, một to mập béo tốt, một gầy gò rắn rỏi đang xoắn lấy nhau, vừa thở hổn hển vừa gườm gườm lựa thế. Người gầy gò tuy nằm dưới nhưng dai sức, đang nghiến răng, gồng mình quyết không chịu thua. Kẻ to béo đè trên nhưng không sao lật ngửa nổi đối phương, cơ gân đã chùng, ý chí xem chừng đã nản.
Chiều hôm trước, tiểu đoàn phó gọi Chu lên:
– Này, cậu biết đường vào bản Ang không ?
– Tôi biết !
– Cậu chở năm tạ TNT vào cho c3 ở trong đó rồi về ngay, đi cẩn thận, cái xe cuối cùng của tiểu đoàn đấy !
– Đường mùa này không nói trước được đâu thủ trưởng ơi !
– Cậu lái khá mà hai hôm vừa rồi không mưa, đi được, có khi còn về sớm ấy chứ ! thế nhé, còn hỏi gì không ?
– Không ! À, nhưng mà c3 đang ở chỗ nào thì tôi không biết đâu !
– Qua ngầm, đến cạnh xác cái PT76 thì gọi to lên hoặc bắn ba phát, c3 nó có một tổ thường vẫn nằm ngay dưới gầm cái tăng hỏng ấy, tớ sẽ điện trước bảo nó đón.
– Rõ !
Bảy rưỡi tối, Chu nổ máy, Quảng trèo lên dúi vào tay anh :
– Cầm lấy này !
– Gì thế ?
– Ngô rang !
– Tớ ăn rồi, cơm nóng đàng hoàng, tiêu chuẩn đi công tác !
– Dào ơi ! Tao lạ đếch gì, hai lưng cơm chẳng bõ dính ruột, đem đi , không thừa đâu ! Chè rừng nữa này ! Ông vào c3 có gặp thằng Sơn “ kều “ bảo nó là thằng Thường “ trâu” đi phối thuộc 924 chết rồi, họ đang đánh để lấy xác.
– Thôi, đang bung bét thế này nói chuyện ấy làm gì, tớ đi đây !
Quảng nhảy xuống nhìn theo cái GAZ63 như một lùm cây đen chệnh choạng, rền rĩ, cót két bò đi trên con đường lầy lội, thở dài, trong lòng vẩn vơ nỗi lo lắng mơ hồ…
Mải nghĩ lan man, Chu đã đứng trước một ngã ba lúc nào không hay. Đây là đâu nhỉ ? Đơn vị mình ở phía nào ? Trước , sau, phải, trái chỉ là những đồi thông ngút ngàn đầy bí hiểm. Là lái xe, anh chẳng hiểu gì mấy về những con đường mòn chằng chịt như mạng nhện ở vùng này. Trời đã sáng rõ, nắng rắc phấn vàng lấp lánh trên những ngọn thông. Một con sóc đuôi xù ngồi vắt vẻo trên cành, hai tay ôm quả thông, nó gương đôi mắt đen lay láy ngạc nhiên nhìn xuống cái con người mặt mũi bơ phờ, quần áo nhếch nhác đang loay hoay trước ngã ba kia. Dà ! khắc đi, khắc đến, sợ quái gì ! Chu quả quyết rẽ sang trái.
Bây giờ thì bầu trời xanh hiếm hoi trong mùa mưa đã đầy ắp tiếng máy bay các loại. Tiếng lạch cạch, lục cục khi rộ lên, lúc lịm đi của lũ trực thăng. Tiếng ì ì nặng nề của máy bay vận tải C123, thằng trinh sát RF4C lồng lộn, hộc tốc lật ngiêng, lật ngửa gầm rít điên loạn. Tận phía cuối trời, một tốp T28, L19 trông nhỏ li ti như một đàn nhặng đang thay nhau lao lên lao xuống, không nghe rõ tiếng nổ, chỉ thấy cái nấm khói xám đang đùn lên cuồn cuộn. Giữa những âm thanh gầm gào, hỗn tạp ấy, tiếng con chim sâu lách chách trong bụi mâm xôi cạnh đường sao mà lạc lõng, tội nghiệp đến nao lòng.
Hơn một giờ trôi qua, con đường mòn mỗi lúc như thêm tối lại, cây cối rậm rạp hơn, vài vết chân trâu cũ lờ mờ trên đất ẩm. Thoảng trong không khí một thứ mùi khiến Chu cảnh giác, anh cầm ngang súng lẩn vào rừng, men theo con đường một cách thận trọng. Cái mùi gây gây, khen khét lại thoảng qua, địch ? dân ? bọn Thái hay Vàng Pao ? – những câu hỏi lướt nhanh trong đầu người lính lái xe. Một cái vỏ hộp ánh lên trong bụi cây, Chu nhặt lên, mùi tanh hộp cá ! – Bọn Thái ! Lũ phỉ Vàng Pao thường không xài sang thế này, chúng chỉ khoái ớt khô và thịt trâu hộp hôi xì thôi ! Chốt an toàn khẩu CKC kêu tách một tiếng khẽ, ngón trỏ đặt vào vòng cò, Chu cúi rạp người luồn theo những bụi cây. Cái cảm giác thuở còn theo cha và ông nội săn thú ở rừng núi quê nhà trở lại trong anh. Bàn chân nhẹ nhàng đặt lên đất rừng phủ đầy lá mục ẩm ướt, những cành cây chỉ hơi lay động mỗi khi chu lướt qua nhẹ như một con báo. Bản năng của người con núi rừng biết sử dụng vũ khí, gài bẫy, luồn rừng săn bắn từ khi còn là một đứa trẻ lúc này thật đắc dụng. Một tiếng gà gáy lẻ loi bỗng cất lên cắt đứt sự tập trung của chu. Anh từ từ đứng lên, nheo mắt, năm sáu nóc nhà sàn nhỏ bé, dãy hàng rào xiêu vẹo, những mảnh quần áo cũ vương vãi khắp nơi, không một tiếng lợn kêu, chó sủa, vắng lặng, hoang tàn, lạnh lẽo. Một cái bản sơ tán đã bỏ hoang. Chu nhặt viên đá ném vào, yên lặng. Anh thận trọng đi vào, mũi súng rê theo ánh mắt loang loáng quét từ ngôi nhà này sang ngôi nhà khác, không có ai cả. Đảo hết vòng quanh bản, anh trèo lên một nhà, mùi ẩm mốc xộc vào mũi. Trong bóng tối lờ mờ lũ muỗi đói thấy hơi người vo ve nhặng xị. Chu tìm thấy một quả bí ngô nhỏ, anh bê ra đầu sàn đập vỡ rồi cứ thế gặm. Vị ngọt làm Chu tỉnh người, ruột quặn lên, chợt nhớ từ lúc rời đơn vị tới giờ, ngoài nắm ngô rang, anh chưa có chút gì vào bụng. Ăn hết nửa quả bí, miệng vẫn thòm thèm nhưng anh quả quyết nhét mảnh bí còn lại vào túi dết, ai mà biết được còn phải đi bao lâu nữa ! Chu mở nắp bi đông tu một hơi chè rừng, vị ngọt chát nhắc anh nhớ đến Quảng, không thấy mình về chắc hắn lo lắm !
Cùng tuổi, nhưng Quảng hiền lành chu đáo, bao nhiêu thì Chu nghịch ngợm, tinh quái bấy nhiêu. Dáng nhỏ nhắn, dẻo dai như một cục cao su và cực kỳ hóm, anh thông thạo tiếng kinh, thuộc đường phố Hà Nội một cách đáng ngạc nhiên. Kiểu nhớ đường cũng “ mang đầy tính dân tộc” : “ …Qua cột điện có hai cái biển tròn, rẽ trái. Đến cửa hiệu may có cây bàng rẽ phải…”, tên phố thì hoàn toàn không thèm để ý. Năm 1966 trong lần chờ nhận xe ở ngoại thành Hà Nội, Chu đã trổ tài tán “đổ” một cô bé sinh viên sư phạm xinh xắn đáo để, người Hà Nội gốc hẳn hoi, khiến cho gần hai tá lính lái xe đang nhàn rỗi, toàn những tay mồm mép, to cao đẹp trai và cũng chẳng hiền lành gì phải trố mắt đầy cay cú. Vũ khí duy nhất mà Chu sử dụng là cái giọng ngộ nghĩnh, ngây thơ một cách rất đáng yêu cộng với những câu chuyện đầy hấp dẫn, huyền bí một cách lãng mạn về rừng núi quê anh đã làm cô bé chưa bao giờ đi quá thành phố hai chục cây chết mê, chết mệt. Thư từ theo anh vào tận chiến trường mới vừa dứt. Bạn bè gọi anh là “ Ông Mèo bờ Hồ “ Chu cười khanh khách tỏ ra khoái cái biệt danh ấy lắm.
Tiếng súng bỗng rộ lên kéo Chu về với thực tại. Anh quơ vội khẩu súng nhảy đại từ trên sàn xuống chạy về phía đầu bản. Thấy cái ụ mối phủ đầy những cây ớt to um tùm, Chu chui nhanh vào, may mắn làm sao, một căn hầm khá chắc chắn khoét sâu vào ụ mối, chắc nó vốn là hầm tránh bom của dân bản. Tiếng súng khi mau, khi thưa lúc một gần, đã phân biệt được tiếng tiểu liên cực nhanh và tiếng điểm loạt hai, ba viên của Các bin liên thanh M2. Quái lạ ! sao không có tiếng AK ? Chu áp tai vào thành hầm, có tiếng chân người chạy thình thịch, anh chùi bàn tay nhơm nhớp mồ hôi vào quần, hít một hơi rồi từ từ nâng súng lên. Trên con đường lúc nãy anh đi vào thấp thoáng một bóng người đang chạy hối hả, thỉnh thoảng người ấy dừng lại, quay súng về phía sau bắn một loạt ngắn rồi lại lúp xúp chạy. Địch ? – Không phải ! Áo đen, Thám báo !?- Sao chỉ có một đứa !? Ta đuổi !? Sao không nghe tiếng AK !? Những phán đoán lộn xộn trong đầu Chu. Người chạy rõ dần, chấm đen đầu ruồi khẩu CKC đã đặt vào giữa khuôn mặt trăng trắng đang lắc lư theo nhịp chạy, mái tóc dài bay xoã phía sau. Trời ạ, một cô gái !!!
Cô gái dừng ngay trước ụ mối, vừa thở hổn hển vừa cuống quýt móc trong cái túi mìn Claymo đeo bên hông một băng đạn mới đóng vào khẩu Các bin, những lọn tóc bết mồ hôi trên trán, mặt cũng đầm đìa mồ hôi. Chu nắm cổ chân cô gái giật mạnh, cô ngã sấp, khẩu Các bin văng ra, nòng CKC thúc vào lưng cô:
– Nằm im ! anh gằn giọng quát khẽ.
Khuôn mặt tròn nhem nhuốc bụi đất ngước lên, một dòng máu đỏ rỉ ra từ bên cánh mũi.
– Ôi, thạ hản (bộ đội) Việt ! anh…
– Chạy đâu ?
– Em…du kich bản Nôôk…về…lấy thóc giấu…trong rừng, săt tu (địch) thấy…đuổi !
Cô gái vừa thở vừa lắp bắp nói rồi chẳng hiểu sao lại khóc nấc lên, Chu lắc đầu, đúng là đàn bà ! Anh thu mũi súng về, giọng nhẹ đi:
– Chúng nhiều không ?
– Thạ hản Thay, lải khôn ! (Lính Thái, nhiều người)
Chu đỡ cô gái ngồi dậy, vô tình đưa tay quệt nước mắt lẫn mồ hôi trên mặt cô và nói nhanh:
– Nghe đây, bây giờ em giữ phía đầu bản đằng kia, tôi ở đây, ngắm tốt hãy bắn, đừng bắn nhiều, một hai viên thôi, đạn còn không ?
– Hai băng !
– Được rồi, măc téc (lựu đạn) ?
– Ba !
– đưa tôi một, cần lắm mới dùng, rõ chưa ?
– Em hiểu rồi !
Giọng cô gái đã có phần bình tĩnh lại, Chu nhận trái M26 từ tay cô động viên thêm :
– Đừng sợ ! Bọn Thái rất sợ mìn, không dám đi lung tung đâu, không có súng lớn, chỉ là bọn đánh thăm dò thôi, đánh tốt là nó chạy, đi đi !
Cô gái chạy về cuối bản, Chu nhảy xuống hầm, màu áo nhoà trong đám lá ớt tươi tốt. Tiếng súng thưa thớt, vài viên đạn bay cao rít lên veo véo, rồi im lặng hoàn toàn, cả tiếng máy bay cũng ắng đi, một thứ yên tĩnh nặng nề đến khó thở.
Thằng địch đầu tiên Chu nhìn thấy trong đời khiến anh không khỏi ngỡ ngàng. Thì ra lính Thái Lan là thế này đây! Bộ đồ lính trận màu xanh xám bó chặt thân hình to lớn trên đó treo, mắc lủng củng những hộp, những túi, tay nó xách khẩu AR15 báng rút trông nhẹ nhàng như đồ chơi. Khuôn mặt có lẽ còn trẻ, nước da cũng xam xám, đôi mắt ẩn dưới quầng tối của chiếc mũ vải có lưỡi trai dài ngoằng đảo qua, đảo lại. Sau nó, hai đứa nữa nhô ra, quần áo cũng vậy nhưng lại đội mũ sắt. Mũi súng chĩa sang hai bên đường, hai thằng này tựa lưng vào nhau đi ngang như cua bò. “ Bài bản nhỉ” Chu thầm nghĩ. Chờ cho tên đi đầu vừa che khuất đứa đi sau bên phải, Chu bóp cò. “ Đoàng!”, thằng địch khựng lại, loạng choạng rồi đổ sập xuống, thằng đi sau gục ngay lập tức, tên thứ ba biến mất như chui xuống đất vậy. Địch phản ứng dữ dội, súng nổ như ngô rang, những loạt đạn chiu chíu bay vào bản như những đàn ong sắt. Gianh lợp, tre sàn, lá cây văng tung toé, có ngôi nhà bén lửa cháy ngùn ngụt. Chắc chúng không ngờ bị đánh gần như thế nên cái ụ mối không dính viên đạn nào. Thằng bị Chu bắn ngã sấp cách anh chỉ hơn chục thước vẫn còn đang giãy, hai tay cào cấu trên mặt đất, thằng ngã phía sau đã nằm im, co quắp. Chu thèm thuồng nhìn hai khẩu tiểu liên cực nhanh đen bóng nhưng không dám bò ra nhặt.
Súng rộ lên một hồi rồi im bặt, hay là chúng rút ? Vừa thoáng nghĩ thì bụi cây bên đường, cách Chu chừng hai chục mét lay động. Như bản năng, anh nã luôn vào đấy một viên. Có tiếng gào rống lên đau đớn, thằng gần đó có lẽ quá hoảng, đứng vùng lên chạy thục mạng về phía sau, tấm lưng to bè lắc lư thấp thoáng sau tán lá…một phát súng nổ, nó đổ xuống, không thấy giẫy đạp gì cả. lần này không thấy chúng bắn trả, im lặng nặng nề rất lâu. Chắc chúng rút thật rồi! Nghe ngóng chán không thấy động tĩnh gì, vừa định nhỏm dậy thì tiếng súng lại nổ ran, bây giờ thì ở phía sau Chu. Giữa từng tràng AR15 loạn xạ là tiếng Các bin M2 nhẹ thanh nhưng rất đĩnh đạc. Chỉ nghe tiếng súng, Chu cũng biết cô gái dùng cây Các bin rất khá, điều đó khiến anh yên tâm hơn.
Súng rộ lên phía sau Chu một hồi rồi lại im, lần này anh chắc chắn địch chưa rút, Chu quyết định nằm im, chờ đợi. Anh biết chỉ cần về chiều là nhất định chúng sẽ bỏ cuộc chứ chẳng dại gì mà bám lấy cái vùng rừng núi xa lạ đầy thù địch này qua đêm. Ba bốn cái bóng áo xám bỗng đứng vụt lên chạy ào ào đến sau một gốc cây to, chúng cụm lại, chỉ trỏ. Chu móc quả M26 duy nhất cô gái đưa, rút chốt, buông cho mỏ vịt bật ra rồi mới vươn người dùng hết sức ném sang. Quả sắt vẽ một đường vòng cung, chưa chạm gốc cây đã nổ. Trong chớp lửa cùng tiếng nổ long óc mấy cái bóng đổ vật ra, lăn lộn… “ Chíu, chíu, chíu…” , “ Cạch, oàng!”, đất, lá ớt văng tứ tung, tai Chu ù đặc, “ lộ rồi, chuồn thôi!”. Anh ôm súng lăn bừa ra khỏi cái ụ mối, lăn mãi đến tận chân hàng rào, chui qua đám gai xấu hổ mặc cho chúng cào trên mặt trên tay vừa buốt, vừa rát. Chu lủi nhanh vào khu vườn bỏ hoang rậm rịt như một con thằn lằn. Bò được một quãng khá xa anh chợt nghe lao xao tiếng nói lạ, Chu nằm im đợi hơi thở trở lại bình thường mới nhẹ nhàng vạch lá nhìn ra. Trên chạc cây cao ở bìa rừng cách anh chừng dăm chục thước, một thằng có lẽ là sỹ quan vì hắn đội mũ kê pi có cái phù hiệu to như bàn tay bắt nắng sáng lấp loá. Nó đang dán mắt vào ống nhòm, vừa chỉ trỏ vừa ủng oẳng nói gì với thằng đeo máy PRC10 đứng dưới gốc, thằng này liền sủa một tràng vào cái máy. Chu tính nhanh: phải hạ thằng thông tin trước, cao thế kia, cái thằng trên cây bố bảo cũng không dám nhảy! Nghĩ là làm luôn, súng nổ, thằng lính mang bộ đàm xơi viên đạn trúng giữa mặt, cả ống nói và cái mồm đang lải nhải bay đi dâu mất, nó quỵ xuống khuất sau những bụi cây. Thằng sỹ quan trên cây cuống quýt, nó dợm chân định nhảy nhưng Chu đã nhanh tay hơn, sau cái nháy cò, nó rơi ngay, chỉ có điều đầu lại xuống trước, gãy cổ là cái chắc! Những bụi cây nơi hai thằng địch ăn đạn lay động một cách khác thường, Chu hướng nòng súng vào đó, bóp cò. Một tiếng “cạch!” khô khan, viên đạn không nổ! Anh kéo khoá nòng đẩy viên khác lên, lại bóp cò, vẫn không nổ! Bố khỉ! Anh kéo khoá nòng, bắn tiếp, lần này thì đạn nổ. Như một sự phối hợp đúng lúc, hai ánh chớp lựu đạn nhoáng nhoàng ngay chỗ ấy, mảnh văng veo veo, hai ba loạt Các bin nổ tiếp. Có tiếng la hét, tiếng rên rỉ, tiếng chân chạy huỳnh huỵch…rồi tất cả im lặng.
Có lẽ đã hơn hai giờ trôi qua, chỉ có gió nhẹ nhàng xoa trên cái cằm râu lún phún và đôi mắt đỏ ngầu vì thiếu ngủ của Chu. Gió xua đi mùi khét thuốc đạn, những làn khói tàn của mấy đám cháy nhà bây giờ trông thanh bình như khói cơm chiều ở cái bản Mèo xa tít tắp nơi quê hương Chu. Trời ngả về chiều, phía tây mây xám cuồn cuộn như núi báo hiệu những cơn mưa cuối mùa dữ dội, vài tiếng chim cu rúc nghe xa vắng. Địch rút thật rồi, Chu buông ngó tay cò đã tê cứng, nặng nhọc đứng lên đi về phía cô gái.
Cô gái tựa lưng vào một cái vỏ phuy thủng lỗ chỗ, khẩu Các bin gác ngang đùi, mắt nhắm nghiền, mệt mỏi. Nghe tiếng Chu gọi, cô mở choàng mắt, lúng túng kéo cái váy toạc tả tơi che đùi. Khuôn mặt tròn nhọ nhem thoáng nét cười.
– Em có sao không?
Cô lắc đầu nhưng lại nhăn mặt chỉ vào cánh tay trái, máu đã đông cứng như mo nang trên vải áo đen. Chu xé cuộn băng cá nhân, ra hiệu. Cô gái lắc đầu líu ríu:
– Em không sao, không sao…thật mà! Đừng…nạ ai (xấu hổ) lắm!
– Không được, nhiễm trùng thì chết!
Chu gắt lên một cách thiếu tự nhiên để che giấu sự lúng túng của mình. Anh xé rộng chỗ vải áo rách, cô gái đặt nhẹ tay lên vai anh như định đẩy ra nhưng rồi lại để yên bàn tay trên vai Chu đầy tin cậy. Vết thương nhỏ, phần mềm, có vẻ không nghiêm trọng, Chu đổ nước trong bi đông rửa sạch rồi băng lại cẩn thận. Lúi húi băng bó nhưng Chu không thể không liếc nhìn bầu ngực căng tròn, trắng nõn nà được bó chặt trong chiếc áo nịt mỏng cũng màu đen, cái quai áo nịt kẻ một đường như trêu ngươi trên bờ vai đầy đặn. Cô gái cúi đầu, mặt nghiêng sang phải, Chu chỉ thấy một bên má tròn trịa phủ lớp lông tơ mịn màng và cái vành tai xinh xẻo đang đỏ ửng lên như một cánh hoa vang rừng. để xoá đi sự ngượng ngập, Chu hỏi:
– Em tên gì?
– Em là Chăn Xúc, bản Nôôk, Tà xẻng (xã) Cat, còn anh?
Chu kể lại chuyện của mình, nghe xong, cô gái tươi tỉnh hẳn:
– Ô! Đơn vị anh gần bản Huội Nhang à, em biết, không xa đâu! Đi nửa ngày thôi! Hồi trước em vẫn đến đó chơi , em đưa anh đi được mà! đi đi anh !
Họ lên đường khi trời đã xế chiều, sau lưng là cái bản nhỏ không tên với những xác địch nằm rải rác. Cô dân quân Lào tựa vào vai người lính tình nguyện Việt Nam bước đi đầy tin cậy. Bóng họ khuất sau những tán lá rừng đang chuyển sang màu tím sẫm trong ánh hoàng hôn một chiều mùa mưa năm 1969.
Bùi Minh Sơn
Nguyên chiến sỹ c3d25 công binh QKTB