Tháng 5/2019
Trung đoàn 335 – Đoàn Thảo Nguyên được thành lập ngày 07/5/1965, thuộc Quân khu Tây Bắc (Tiền thân là Sư đoàn 335, Lữ đoàn 335).
Trước đó, Lữ đoàn 335 là một đơn vị Quân tình nguyện, hoạt động tác chiến tại chiến trường Lào, năm 1962 tham gia chiến dịch giải phóng Luông Nậm Thà, năm 1963-1964 tham gia chiến dịch 74 A – 74 B, bảo vệ vùng căn cứ địa cách mạng của Lào tại hai tỉnh Hủa Phăn và Xiêng Khoảng.
Ngày 07/ 5/ 1965 theo quyết định của Quân ủy Trung ương – Bộ Quốc phòng rút gọn biên chế Lữ đoàn 335 thành Trung đoàn 335. Cán bộ chiến sĩ hầu hết là con em các dân tộc các tỉnh Tây bắc và một số tỉnh đồng bằng Bắc bộ.
Trung tuần tháng 11/1971,Trung đoàn nhận lệnh hành quân từ Điện Biên Phủ sang Cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng. Hành quân bằng cơ giới từ Điện Biên phủ đến Xiêng Khoảng gần 1.400 km, công tác bảo đảm an toàn và bí mật nhiệm vụ rất nghiêm ngặt. Sau hơn mười ngày hành quân, đầu tháng 12 năm 1971, trung đoàn dừng chân phía đông bắc Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng.
Sang đến Cánh Đồng Chum, đội hình hành quân của các đơn vị trong trung đoàn còn cồng kềnh, mang theo cả nồi quân dụng, mặt nạ phòng độc K65. Các đơn vị bạn nhìn thấy đều ái ngại, cười chê: “lính kia thì đánh đấm thế nào?”…
Tiêu diệt hai tiểu đoàn lính Thái Lan trên đỉnh Phu Keng
Phu Keng (cao 1.433m so với mực nước biển), nơi đây địch có 2 tiểu đoàn lính đánh thuê Thái Lan chốt giữ, BC 606 và BC 608 là tiểu đoàn pháo hỗn hợp gồm 2 khẩu 155 ly, 2 khẩu 105 ly, 2 khẩu cối 106,7 ly. Cả hai tiểu đoàn địch đều có công sự vững chắc, bao quanh là 4 đến 5 lớp hàng rào dây thép gai cao 2,50 m.
Ngày 27/11/1971 Đảng ủy Trung đoàn 335 thông qua Nghị quyết và quán triệt nhiệm vụ, quyết tâm chiến đấu. Đồng chí Huỳnh Đắc Hương, Bí thư Đảng ủy – Chính ủy Mặt trận đến dự và chỉ đạo hội nghị, đồng chí đánh giá cao quyết tâm chiến đấu của Đảng ủy, chỉ huy trung đoàn và tinh thần chiến đấu của bộ đội. Nhắc nhở Trung đoàn làm tốt công tác chuẩn bị để thực hiện phương án đánh vây lấn, diệt từng bộ phận, tiến tới tiêu diệt hoàn toàn quân địch ở Phu Keng.
Thượng tá Ngô Trung, Phó Tham mưu trưởng Quân khu Tây Bắc và đồng chí Lý Lâm Bảo, phái viên của Quân Khu đi cùng Trung đoàn, tham gia nhiều ý kiến chỉ đạo Trung đoàn xây dựng quyết tâm chiến đấu.
Ngày 18/12/1971 chiến dịch “Z” – giải phóng Cánh Đồng Chum khai hỏa. Theo kế hoạch của mặt trận, sư đoàn 316 tiến công địch ở Na Him. Trung đoàn 165 (sư đoàn 312) đánh địch ở Phu Theng Neng (Phu Tâng). Trung đoàn 335 đánh Phu Keng, nhiệm vụ của các đơn vị như sau: Tiểu đoàn 3 tấn công hướng chủ yếu là mỏm hai và sở chỉ huy tiểu đoàn BC 606; Tiểu đoàn 2 tấn công hướng thứ yếu gồm mỏm một và mỏm ba. Các đại đội hỏa lực trực thuộc tập trung bắn chế áp trận địa pháo của địch chi viện cho các đơn vị bộ binh xung phong khi thời cơ đến.
Đêm 17/12/1971, các đơn vị đã vào vị trí thực hành nhiệm vụ bao vây địch ở Phu Keng. Sau 3 ngày vây lấn, 6h00 ngày 20/12/1971, khi phát hiện thời cơ thuận lợi, Trung Đoàn trưởng Nông Văn Chặt đề nghị Bộ Tư lệnh chiến dịch chi viện hỏa lực và lệnh cho các đơn vị sẵn sàng xung phong đánh chiếm Phu Keng.
Sáng ngày 20/12/1971, sau 40 phút pháo 130, 122 và 120 ly của Mặt trận bắn phá dồn dập vào các mỏm của dãy Phu Keng, nơi đồn trú của hai tiểu đoàn địch chốt giữ chìm trong khói lửa.
Nhận thấy thời cơ đến, Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2 lệnh cho các đơn vi xung phong. Sau 30 phút chiến đấu, Đại đội 6 (tiểu đoàn 2) chiếm được mỏm một, Đại đội 8 chiếm được mỏm ba và khu vực yên ngựa. Từ vị trí này đại đội 8 và các đơn vị hỏa lực của trung đoàn đã hoàn toàn áp chế được trận địa pháo của địch.
Hướng chủ yếu, Tiểu đoàn 3, đã chiếm được sở chỉ huy BC 606. Sau hơn 1 giờ chiến đấu, Trung đoàn hoàn toàn làm chủ cứ điểm Phu Keng. Quân Thái Lan một số chết tại chỗ, một số tháo chạy về hướng Bản Khổng, và chúng lại rơi vào thế trận đón lõng của Tiểu đoàn 1, hầu hết quân địch bị tiêu diệt và bị bắt sống.
Trung đoàn 335 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Toàn bộ lực lượng của hai tiểu đoàn lính Thái Lan đã bị loại khỏi vòng chiến đấu, Tám máy bay trực thăng bị bắn rơi, trong đó có một chiếc chở hai tên đại tá cố vấn Mỹ và Thái Lan. Ta thu nhiều vũ khí, trang bị kỹ thuật của địch và đồ dùng nhu yếu phẩm.
Chiến dịch phòng ngự bảo vệ Cánh đồng Chum mùa mưa 1972.
Trong kháng chiến chống Mỹ, tại Cánh Đồng Chum Xiêng Khoảng chưa bao giờ Mỹ và đồng minh chư hầu tập trung lực lượng lớn như mùa mưa 1972.
Giữa tháng 8 năm 1972, lợi dung thời tiết mưa nhiều, và ưu thế tuyệt đối về sức mạnh không quân, đế quốc Mỹ và đồng minh thực hiện các cuộc hành quân tái chiếm Cánh đồng Chum – Xiêng khoảng.
Với chiến thuật nhảy cóc, đổ bộ đường không kết hợp hành quân bộ, cuối tháng 8/1972, GM 21; 22; 23 và 26 lực lượng đặc biệt Vàng Pao đã đánh chiếm được các cao điểm Phu Sản, Phu Bạ. Hàng chục tiểu đoàn lính Thái Lan chiếm được khu vực Bản Hai, Phu Huội Sạng, Phu Xa Coi, Tôm Tiêng, và các điểm cao phụ cận Phu Theng Neng (Phu Tâng) và Phu Keng.
Lực lượng địch tham gia tái chiếm Cánh Đồng Chum mùa mưa năm 1972 là trên 50 tiểu đoàn, có sự chi viện tối đa của không quân chiến lược Mỹ và Thái Lan. Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng như một chảo lửa khổng lồ, được đốt nóng từng giờ bằng bom đạn của không quân cùng tốc độ lấn chiếm của bộ binh địch .
Giữa tháng 8 năm 1972, ngay sau đợt diễn tập kiểm tra trình độ kỹ chiến thuật và khả năng tác chiến của các đơn vị, Trung đoàn về hậu cứ chưa được bao lâu, thì các GM 21,22, 23, 26 của địch đã bí mật hành quân đổ bộ đường không tái chiếm hàng loạt các cao điểm có giá trị quân sự trên cao nguyên Xiêng Khoảng. Trung đoàn được mặt trận giao nhiệm vụ, đánh địch khôi phục lại các vị trí đã mất.
Đêm 26 rạng sáng 27 tháng 8, Tiểu đoàn 3 và các phân đội trực thuộc được lệnh đánh địch ở Phu Sản, Tiểu đoàn 2 đánh chiếm lại khu vực Bản Khổng, Tiểu đoàn 1 đánh địch ở Phu Bạ, lúc này trung đoàn không còn lực lượng dự bị. Mặt trận tăng cường 2 khẩu pháo 130 ly, 2 khẩu 122 ly và 1 đại đội cối 120 ly.
Tiểu đoàn 3 được lệnh xuất kích đánh địch tại cao điểm Phu Sản, tây nam Cánh Đồng Chum, đây là khu vực tiếp giáp với sông Nậm Ngừm. Đang giữa mùa mưa, nước sông dâng cao và chảy rất xiết. Rạng sáng ngày 27/8/1972 phát hiện thấy đội hình của Tiểu đoàn 3 xuất kích, quân địch chốt giữ Phu Sản đã bỏ chạy. Sáu giờ sáng các đơn vị được lệnh truy kích GM 21 đang tháo chạy về phía cầu sắt với ý đồ hội quân với GM 22 gần khu vực chân Phu Keng, để ngăn chặn đòn tiến công của quân ta. Lúc này trên các hướng khác các đơn vị bạn cũng đang tiến đánh các đợn vị quân địch tái chiếm Cánh đồng Chum.
Đây là một ngày ta và địch vờn nhau “như mèo đuổi chuôt”, trên đường tháo chạy, địch dừng chân ở các vị trí thuận lợi tổ chức đánh chặn lực lượng ta đang truy đuổi. Ta triển khai đội hình chuẩn bị tấn công địch lại vừa tháo chạy vừa gọi máy bay tới oanh kích vào đội hình ta. Cứ như vậy hết ngày ta không áp sát được địch, không thể hình thành thế trận bao vây.
Khi trời đã về chiều, là lúc địch đã vượt qua cánh đồng ngập nước. Để tiếp tục không cho địch tháo chạy, buộc ta phải vượt qua cánh đồng. Đây là lúc không quân địch phát huy tác dụng rõ nét nhất, liên tiếp hai tốp AD6 và T28 tập trung rải bom bi xuống khu vực quân ta đang vượt cánh đồng và đã gây cho ta những tổn thất nhất định. Vượt qua được cánh đồng cũng lúc trời tắt nắng, các đơn vị được lệnh dừng lại bố trí trận địa phòng ngự lâm thời. Đêm hôm đó những chiếc C130, C47 đã liên tục thay nhau nã đại liên vào quanh khu rừng, tuyệt nhiên không hề có loạt đạn nào bắn vào trong. Điều đó đã cho những người chỉ huy dày dạn kinh nghiệm phán đoán: “địch và ta đang ngủ trong cùng một khu rừng” và đã lệnh cho các đơn vị tăng cường canh gác, đề phòng địch phát hiện tấn công trước. Quả đúng như dự đoán của chỉ huy tiểu đoàn, năm giờ sáng ngày 28/8/1972 địch chủ động nổ súng trước. Do cảnh giác nên ta cũng kịp thời đánh trả quyết liệt, buộc chúng tiếp tục tháo chạy về hướng cầu sắt.
Điều bất ngờ đã xảy ra, sau khi vượt qua con suối khá lớn, GM21 đã chạy đúng vào căn cứ Tiểu đoàn xe tăng của ta đang giấu quân đợi lệnh xuất quân chi viện cho các đơn vị bộ binh. Sự xuất hiện của “những vị khách không mời mà đến” đã buộc Tiểu đoàn xe tăng phải nổ súng “đón tiếp”. Bất ngờ thấy xe tăng, địch hoảng loạn, chúng bỏ lại nhiều xác chết vội tháo chạy về phía bờ sông Nậm Ngừm. Do không có hợp đồng tác chiến từ trước. Lúc đầu xe tăng nhầm tưởng ta là địch, họ nã thẳng pháo 85 ly vào đội hình ta. Tình thế vô cùng nguy hiểm, nhưng tiểu đoàn trưởng Núi và Tham mưu trưởng trung đoàn Hà Bình ra lệnh phải bình tĩnh nhanh chóng bắt liên lạc với xe tăng, tuyệt đối không được bắn xe tăng. Cũng may, quân ta đã nhanh chóng nhận ra nhau.
Được sự chi viện của xe tăng, các đơn vị của 335 làm nhiệm vụ truy kích giờ “như hổ mọc thêm cánh”, toàn bộ lực lượng GM 21 đã bị dồn đến sát bờ sông Nậm Ngừm. GM 22 cũng đã tháo chạy về đây hội quân, chờ trực thăng đến cứu.
Ngày 28/8/1972, là một ngày trên bầu trời Xiêng Khoảng không khi nào ngớt tiếng gầm rít của các loại máy bay chiến đấu và hàng đàn trực thăng bay lượn trên đầu GM 21 và GM 22 đang co cụm chờ được cứu thoát. Chúng ném bom vào mọi chỗ nghi có lực lượng quân ta. Các đơn vị pháo phòng không bắn trả quyết liệt, trực thăng của địch không thể hạ cánh bốc quân. Vòng vây của các đơn vị bộ binh đã siết chặt, cơ hội tháo chạy của địch đang tắt dần khi bóng đêm ập đến.
Đêm 28, rạng ngày 29/8/1972, máy bay C130 và C47, thay nhau thả pháo sáng, thả đạn cối, bắn đại liên quanh khu rừng GM 21, GM 22 đang co cụm. Đó cũng là đêm các đơn vị bộ binh và hỏa lực gấp rút bổ sung đạn dược và tranh thủ nghỉ để chuẩn bị cho trận đánh tiếp theo.
8h00 ngày 29/8/1972, pháo 130 ly và 122 ly trút bão lửa vào khu rừng GM 21, GM 22 đang co cụm, sau khoảng 15 phút, hỏa lực đi cùng của Tiểu đoàn và Trung đoàn tăng cường được lệnh khai hỏa, bắn dẫn cho bộ binh xung phong. Đã tham gia nhiều trận đánh, nhưng đây là trận mà tôi cảm nhận được đầy đủ sức mạnh của tinh thần chiến đấu kết hợp với sự vượt trội về binh khí kỹ thuật, Những chiếc xe tăng T34, K63 từ trên các điểm cao bắn pháo 85 ly, 76 ly và quét 12,7 vào đội hình địch yểm trợ cho bộ binh xung phong vào khu quân địch đang co cụm.
Lính Vàng Pao hầu hết là không biết bơi, vì chúng sinh ra và sống trên núi cao, vào lính để được Mỹ chu cấp, giỏi luồn rừng, phục kích, tác chiến nhỏ lẻ. Điểm yếu chí mạng của chúng là khả năng tác chiến hiệp đồng và sợ xe tăng, hỏa lực lớn của ta. Không có sự yểm trợ của không quân, pháo binh, không có công sự vững chắc GM 21, GM 22 chỉ cầm cự được chừng 20 phút đã tháo chạy. Phía sau là xe tăng, các đơn vị bộ binh của Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 335 và các đơn vị của Trung đoàn 866, Tiểu đoàn 2 Bộ đội Pa Thét Lào đang thừa thắng áp sát, chỉ còn con đường duy nhất cho GM21, GM22 là nhảy xuống sông Nậm Ngừm để thoát chết. Sông Nậm Ngừm bỗng nhiên trở thành trợ thủ đắc lực cho quân ta, dòng nước hung hãn đã buộc nhiều lính Vàng Pao buông súng chạy ngược lại, đâm cả vào trận địa của các đơn vị hỏa lực giơ tay xin hàng, những đứa liều lĩnh nhảy xuống sông, đa phần vĩnh viễn không về được quê nhà.
Đến khoảng 10 giờ ngày 29/8/1972, ta đã hoàn toàn làm chủ trận đánh, toàn bộ lực lượng GM 21, GM 22 cơ bản đã bị Trung đoàn 335 và đơn vị bạn đánh thiệt hại nặng, Tàn quân của các GM 21, GM22 và GM 26 sau mấy ngày tháo chạy, chúng cũng tập hợp được một số quân cùng rồng rắn chạy tiếp về tới hướng Đồi Năm Mỏn. Rất không may cho chúng, tại đồi Năm Mỏm các đơn vị của tiểu đoàn 8 – Trung đoàn 866 xông ra chặn đánh suốt tối ngày 31/8 và cả ngày 1/9/1972.
Mở đầu chiến dịch phòng ngự bảo vệ Cánh Đồng chum Xiêng Khoảng của Trung đoàn 335 và các đơn vị bạn đã giành được thắng lợi lớn. Đây là tiền đề thuận lợi cho ta thêm kinh nghiệm tổ chức chiến dịch phòng ngự với quy mô lớn. Phòng ngự, kết hợp cơ động tấn công làm cho địch không có chỗ đứng chân, không có thời gian củng cố trận địa… Làm cho địch từ thế chủ động tấn công lấn chiếm, thành thế bị động, lúng túng đối phó…
Nhưng Mỹ và Đồng minh không dễ chấp nhận thất bại ngay từ trận mở đầu, trên một chiến trường có ý nghĩa chiến lược. Bởi lẽ các Nhà quân sự Mỹ đều biết “ai làm chủ được Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng, thì sẽ giành được thế chủ động trên chiến trường Lào”.
Trận đánh tại cao điểm 1243:
Đầu tháng 10/1972, Tiểu đoàn 3 trung đoàn 335 được lệnh hành quân về phía Bắc Cánh Đồng Chum, khu vực Bản Hai, Phu Vai, Nậm Cọ… Sau 2 đêm hành quân, Tiểu đoàn bí mật ém quân tại một cánh rừng cách cao điểm 1243 chừng 1km.
Trước đó, địch đã đổ bộ đường không xuống 1243 từ tháng 7/1972. Với ý đồ cắt đứt đường tiếp tế, cô lập quân ta. Trung đoàn 174 sư 316 đang chốt giữ khu vực Nậm Xiêm, Phu Pha Xay, Sảm Thông, khu 1900, 1800. Cách cao điểm 1243 khoảng khoảng 2 km là cao điểm 1239. Đường ô tô vận chuyển vào Nậm Xiêm phải chạy qua giữa hai đỉnh 1239 và 1243. Sau khi đổ quân xuống 1243, địch lại đổ tiếp quân xuống 1239 làm bàn đạp áp sát Phu Tâng và làm chỗ dựa tấn công đánh vào Trung tâm Cánh Đồng chum – Xiêng Khoảng.
Tiểu đoàn 3 của trung đoàn được giao nhiệm vụ đánh chiếm cao điểm 1243, Tiểu đoàn 5 của Trung đoàn 148, Sư đoàn 316 đánh cao điểm 1239.
Chúng tôi có 3 ngày để chuẩn bị cho trận đánh. Trên sa bàn đã thể hiện rõ nhiệm vụ từng mũi, hướng tấn công của các đơn vị. Buổi chiều, trước khi tiếp cận mục tiêu, anh em nghe ai đó nói lớn: “Được rồi, một là xanh cỏ, hai là đỏ ngực”, chúng tôi ngơ ngác nhìn về hướng vừa phát ra câu nói, thì ra đó lời của đại đội phó Lộc Bích Khỳ (quê Cao Bằng). Nghe câu nói đó, cánh lính chiến chúng tôi hiểu ngay tầm quan trọng và tính cam go, ác liệt của trận đánh sắp diễn ra.
Đêm ngày thứ 3, khoảng 24 giờ, đơn vị tiếp cận trận địa cách hàng rào khoảng 150m, bí mật đào công sự chờ xuất phát xung phong. Địch trên hai cao điểm 1243 và 1239 thi nhau bắn pháo sáng. Thi thoảng lính canh lại ném lựu đạn, bắn từng loạt tiểu liên AR15, Cacbin xuống sườn đồi. Công sự của Địch trên cao điểm 1243 tương đối kiên cố, có hai lớp chiến hào vành khăn, cách nhau khoảng từ 30- 50m, nối nhau bằng nhiều hào giao thông. Lực lượng chốt giữ trên 1 đại đội, có cối 106,7 ly; cối 81 ly. Thường xuyên có 1 chiếc máy bay trực thăng CH34 làm nhiệm vụ vận tải, có chuyến còn chở gái từ trung tâm Long Chẹng ra phục vụ lính.
Theo kế hoạch, 6h00 ngày N+3, pháo 122 ly của Mặt trận bắn vào cứ điểm, sau đó là hỏa lực của hai Trung đoàn, Tiểu đoàn đồng loạt bắn dồn dập vào 2 cao điểm 1243 và 1239. Chẳng hiểu lý do gì pháo cấp trên không bắn như kế hoạch hiệp đồng tác chiến… Trời đã sáng trắng, nằm ngay sát chân địch giữa ban ngày, thời gian như kéo dài vô tận. Cũng may trước khi trời sáng chúng tôi đã ngụy trang kín vị trí xuất phát xung phong, nên vẫn giữ được bí mật. (đã qua gần 50 năm, nhưng tôi vẫn nhớ lúc đó vô cùng căng thẳng, thực sự hồi hôp, thực sự lo sợ, chỉ cần một chút sơ suất là cả Tiểu đoàn phải chịu tổn thất không lường được).
Đúng 7h00 pháo cấp trên mới khai hỏa, bắn cấp tập vào cao điểm 1243, khoảng 30 phút sau pháo chuyển làn. Bốn khẩu 12,7 ly bắn áp chế, ghim đầu quân địch xuống công sự… bộ binh ta xung phong.
Lúc nghe tiếng phó Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Thấu (quê Thái Bình) hô xung phong! xung phong! xung phong… Tiếng súng B40, B41, lựu đạn, AK đồng loạt nổ chát chúa, cao điểm 1243 mù mịt khói lửa. Cách tôi khoảng 5 – 7 m, Đại đội phó Lộc Bích Khỳ, tung liền 2 quả lựu đạn lên phía trước và nhảy vào chiến hào đầu tiên. Ngay sau đó, chưa đầy 1 phút chiếc mũ Pathét Lào anh đang đội bay về phía sau trúng đầu súng B40 của tôi đã nạp đạn. Thật không may, quả đạn M79 của địch từ trên bắn xuống đúng vào vị trí đại phó Khỳ, anh hy sinh ngay chiến hào đầu cầu…
Đội hình tiến công của ta chậm lại, các mũi chưa chiếm được chiến hào, nhiều cán bộ, chiến sỹ đã thương vong nhiều. Tiểu đoàn phó Thấu tay cầm súng ngắn vung lên đốc thúc đội hình tiến lên, bỗng thấy anh kêu một tiếng “ối”! viên đạn bắn thẳng của địch đã xuyên cổ tay phải, khẩu súng rơi xuống đất.
Từ trên cao nhìn lại phía sau hàng trăm tên địch đang xông lên đánh bọc hậu c11 và c13. Bất ngờ bị đánh đánh thúc sau lưng, quân ta rơi vào thế bị động, cầm cự chống đỡ mà không phát triển lên phía trước được. Đúng lúc này, trận địa hỏa lực của trung đoàn, tiểu đoàn ở dãy đồi bên kia đã phát hiện ra địch đánh vu hồi vào đội hình chúng tôi, đã kịp thời bắn chặn không để chúng ứng cứu cho cao điểm 1243. Với sự chi viện kịp thời của các đơn vị hỏa lực, chúng tôi đã lấy lại được thế chủ động tấn công, giành giật với địch từng đoạn chiến hào.
Từ phía yên ngựa đường lên Phu vai Nậm cọ, bốn khẩu 12,7 ly và hai khẩu ĐKZ 82 tập trung bắn vào các vị trí địch còn bám trụ. Thời cơ đến đại đội tôi xung phong đợt cuối cùng và đã hất văng được quân địch ra khỏi 1243. Tôi nhớ hôm đó trời rất nắng. Cái nắng của mặt trời, cái nóng của lửa đạn trên cao nguyên như vắt cạn sức lực người lính 335. Mãi tới khoảng 12h trưa tiểu đoàn tôi mới làm chủ cao điểm 1243, địch bị tiêu diệt hoàn toàn.
Đại đội trưởng ra lệnh tiếp tục lùng sục các ngóc ngách hầm hào. Bỗng một loạt đạn AR15 đanh gọn vang lên hầm trú ẩn bên cạnh, anh Nguyễn Văn Được chính trị viên đại đội (quê Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Tây) bị 3 viên đạn vào đầu. Anh khụy xuống và gọi: y tá Thắng đâ… âu? Cách anh khoàng 5 mét, tôi lao lên cùng y tá Thắng và Lò Văn Sáng băng bó và bảo vệ anh… Vết thương quá nặng, anh Được đã ra đi trên tay tôi và các đồng đội, lúc ấy vào khoảng gần 13 giờ chiều ngày 12/10/1972 tại cao điểm 1243 khu vực Bản Hai. Loạt đạn AR15 của tên địch bị gẫy 2 chân, hắn nằm trong hầm cạnh đó bắn lén trúng đầu Anh Được…
Trận đánh gay go, ác liệt và kéo dài, anh em ta bị thương vong nhiều. Hôm đó c11, d3, hy sinh chính trị viên (anh Được), đại đội phó (anh Khỳ) và nhiều anh em cán bộ chiến sỹ khác. Đại đội 13 tấn công hướng thứ yếu, anh Sự đại đội trưởng cùng nhiều anh em khác đã hy sinh. Tuy nhiên tiểu đoàn chúng tôi cũng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: diệt tại chỗ 170 tên địch, đại đội hỏa lực bắn rơi 1 trực thăng, thu được 2 khẩu cối 106,7 ly và nhiều vũ khí, khí tài khác của địch.
Biết cao điểm 1243 đã mất, những chiếc AD6, T28 đã ào tới dội bom. Khi đó anh em chưa kịp rời trận địa, chúng tôi buộc nằm lại trong chiến hào dùng súng AK, RPD bắn trả, máy bay địch không giám xà xuống thấp mà phải bay cao nên đơn vị cũng tránh được thương vong. Tranh thủ thời gian giữa hai lần oanh kích của không quân địch, chúng tôi nhanh chóng đưa liệt sỹ xuống chân đồi, chờ đêm đến chuyển các anh về nơi yên nghỉ cuối cùng ở gần Bản Hai.
Sau đó địch tổ chức đánh chiếm lại cao điểm 1243. Ta phải đánh lại lần thứ 2 thứ 3 mới hoàn toàn làm chủ được cao điểm này, mở thông con đường vào Nậm Xiêm, giữ vững liên lạc với Trung đoàn 174 chốt giữ ở tuyến trong.
Được biết, hôm đó tiểu đoàn 5 trung đoàn 148 đánh cao điểm 1239, đã bị lộ ngay từ khi tiếp cân mục tiêu. Địch đã bí mật rút lực ra, chỉ để lại một bộ phận nhỏ nghi binh, thu hút quân ta. Khi phát hiện ra thủ đoạn của địch, từ chủ động tấn công đơn vị bạn đã rơi vào thế bị động đối phó, trận đánh không theo ý muốn, anh em bị thương vong nhiều. Đây là nguyên nhân dẫn đến pháo của cấp trên đã không khai hỏa đúng kế hoạch hiệp đồng tác chiến.
Sau chiến thắng trên cao điểm 1243, Trung đoàn 335 nói chung và Tiểu đoàn 3 của tôi còn đánh nhiều trận và lập nhiều chiến công vang dội. Tôi hiểu rằng với người lính trên chiến trường, chẳng có vinh quang nào mà không chịu mất mát hy sinh.
Với chiến trường Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng của đất nước Triệu Voi, Trung đoàn 335 – Đoàn Thảo Nguyên của chúng tôi đã viết nên những khúc tráng ca không chỉ bằng mồ hôi công sức, mà còn cả máu và rất nhiều xương máu của bao lớp cán bộ chiến sỹ. Với nhiệm vụ quốc tế cao cả, “giúp bạn là tự giúp mình”. Đoàn Thảo Nguyên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Quân Tình nguyện Việt Nam trên chiến trường Bạn. Để ghi nhận những chiến công của Trung đoàn 335 – Đảng và Nhà nước ta đã hai lần tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Việt Nam, Nhà nước Lào đã tặng thưởng Huân chương Ít Xa La hạng Nhất, nhiều tập thể và cá nhân cũng vinh dự nhận những phần thưởng cao quý khác.
Nhớ chiến trường xưa với bao kỷ niệm vui buồn thời tuổi trẻ, chúng tôi thường xuyên tổ chức các Đoàn CCB trở về thăm lại “Chiến trường xưa” – Đứng trước Đài Tưởng niệm liên quân Việt – Lào, bồi hồi xúc động chúng tôi gọi tên những đồng đội không trở về… Cầu mong các anh siêu thoát! Chúng tôi những người may mắn còn lại sau cuộc chiến luôn thương nhớ các anh!
Tổ quốc Việt – Lào sẽ mãi mãi khắc ghi tên tuổi, công lao của các anh trong sự nghiệp quốc tế cao cả!.
Lò Bá Ân và Vương Hồng
(CCB Đoàn Thảo Nguyên)