Phạm Ngọc Khuê
Kính tặng các bà mẹ Lào
Hơn một phần tư thế kỷ hoạt động ở chiến trường Lào có biết bao kỷ niệm sâu sắc mà tôi không thể nào quên được, những dấu ấn không thể phai mờ được trong tâm trí tôi là hình ảnh về bà mẹ Lào. Bà mẹ trong vùng sau lưng địch, nơi tôi đã cống hiến tất cả tuổi thanh xuân đẹp đẽ của mình cho sự nghiệp cách mạng Lào và cũng vì nghĩa vụ đối với Tổ quốc thân yêu của tôi.
Ngày ấy vào đầu năm 1950, khi tôi từ Nha Hởn (trên cao nguyên Bô-lá-vên) chuyển công tác về vùng Bưng Phạ Phô, tôi và một bạn Lào đã phải ngủ trong rừng, ăn tạm một nắm cơm nguội khô cứng, chỉ vì không gặp được người để nắm tình hình trước khi vào làng. Hôm sau, chúng tôi lại ra ngồi ở ven rừng bản Bốc. Từ xa, chúng tôi đã nhìn rõ một toán phụ nữ đang tiến lại gần, lòng khấp khởi mừng thầm sẽ được gặp mẹ. Nào ngờ, vừa thoáng thấy có bóng người lạ trong rừng, tất cả đều ù té chạy như bị thú dữ rượt đuổi. Chúng tôi cũng vội vàng rút sâu vào rừng phòng địch đi lùng khi được tin báo của dân. Nỗi ám ảnh từ lâu về hình ảnh “Người rừng” trong đầu của các bà mẹ thật đáng sợ: “Chúng nó ở rừng ăn toàn lá cây, xanh cả ruột; chúng nó có hàm răng rất dễ sợ, hễ thấy người là nhảy xổ ra vồ rồi ăn tươi, nuốt sống”. Đến khi gặp được cơ sở tốt, chúng tôi mới được vào làng sống với dân và từ ấy bằng những sự thật mắt thấy, tai nghe, các mẹ đã xóa đi cái ấn tượng đáng sợ về “Người rừng”.
Hình ảnh lính Lê dương trong chiến tranh Đông dương của thực dân Pháp
Tuy vậy, trong tâm tâm của các bà mẹ vẫn còn sợ “Keo” một cái tên rất xấu mà địch đã không ngớt tuyên truyền để chia rẽ tình đoàn kết Việt – Lào. Các mẹ đã đối xử với tôi chẳng khác gì những ông quan đến làng. Ngày tháng trôi qua, bởi sự tác động của cơ sở cách mạng, của đội vũ trang tuyên truyền của Bạn và thái độ, hành động của chúng tôi đã làm cho các bà mẹ phân biệt rõ chúng tôi khác hẳn với kẻ thù. Tình yêu giữa mẹ con bắt đầu từ đó và qua quá trình phát triển của cách mạng Bạn, khi chúng tôi được các mẹ gọi một cái tên chung là “Con cháu Bác Hồ” thì tình mẹ con trở nên sâu sắc.
Càng tiến sâu vào vùng hậu phương của địch, trước những hiểm nguy không lường trước được, tôi mới hiểu được tình yêu của các bà mẹ Lào cao quý đến dường nào. Tôi còn nhớ vào một ngày tháng 7 năm 1950, tôi đến bản Na-lan. Bản này cách đồn địch 6km. Lúc đến gần làng bỗng gặp một cơn mưa giông, tôi chạy vội vào làng, bước lên nhà một bà mẹ mà tôi chưa hề quen biết lần nào. Tôi vừa cởi tấm ni lông che mưa, chợt thấy một người dân làng hớt hải chạy đến báo tin khẩn cấp “Xát-tu-ma! Xát-tu-ma!”. Hai tiếng “Địch đến”, tôi vất vội tấm ni lông vào góc buồng và định nhảy xuống sàn, nhưng không kịp nữa rồi. Tiếng chó sủa, tiếng giày đinh nện rầm rập trên sân làng và hai tên lính Âu Phi với hai khẩu tiểu liên cực mạnh đang lăm le trong tay. Tôi tảng lờ như không có gì phải hốt hoảng và quay sang bên cạnh thấy chiếc xa quay vải, tôi nhấc nó lên rồi giả vờ ngồi sửa để tránh cặp mắt soi mói điên dại của hai tên lính lê dương. Rất may, chúng không phát hiện ra tôi là người Việt nên chúng tản đi nơi khác. Thoát hiểm nguy, tôi lẩn nhanh vào buồng, không cần biết đó là buồng của ai, để nghĩ cách thoát khỏi vòng vây của địch.
Quay đầu về phía nhà bếp, tôi vẫy tay, cô gái vội vàng chạy đến. Dường như đã đoán biết tôi đang cần gì, cô gái đã nói ngay và nói rất khẽ vào tai tôi “chúng nó đông lắm, toàn lính da đen, đang tập trung ở chùa để chờ ăn sáng. Anh cứ ở yên tại đây. Nếu chúng nó có lên nhà thì em sẽ nói anh là chồng của em, anh đừng “xĩa chay” (mếch lòng) nhé!”. Nghe những lời nói rất mộc mạc, chân tình của cô gái, lòng tôi cảm thấy bồi hồi xúc động đến nỗi muốn nói mà không nói được, tôi chỉ còn biết gật đầu. Hiểu ý tôi, cô gái đã vội bước ra ngoài để quan sát tình hình.
Cũng vào lúc này, bà mẹ đã đứng dưới chân cầu thang, hai tay bưng chiếc mâm gỗ có đủ các thức ăn như: xôi, chuối, trứng gà và mồm luôn cầu khẩn phật trời phù hộ cho tôi và gia đình tai qua nạn khỏi. Một lát sau, hai tên âu Phi lại đến. Lần này chúng lại đứng dưới sàn sát với đầu buồng mà tôi đang ngồi trên đầu chúng. Chúng nói với nhau những gì tôi không rõ, tôi thầm lo trong bụng. Sau đó, chúng tiến lại gần chỗ bà mẹ. Vớ được món ăn mà chúng đang cần, chúng không để sót một món gì trong mâm, hể hả gật đầu kèm theo một tiếng “Mec-xi” rồi đi thẳng. Ngót một tiếng đồng hồ trong vòng vây của một đại đội linh Âu Phi, nhờ bà mẹ và cô gái mà tôi đã thoát nạn. Giặc đi rồi, cả làng đều vui mừng làm lễ cầu phúc cho tôi. Tôi cứ tưởng, rằng sau những lời cảm ơn dân làng, cảm ơn bà mẹ và cô gái Na-lan thì tôi sẽ được đi công tác nơi khác. Không ngờ bà mẹ lại nói với tôi: “Con đã vào nằm trong buồng của con gái mẹ, nên con phải cho mẹ tổ chức cưới buồng để cho con ma không quấy rầy nhà mẹ”. Thấy tôi có vẻ ngơ ngác, tần ngần, bà mẹ liền giải thích: “Đây chỉ là một lễ cưới giả thôi, không có việc gì mà con phải e ngại. Nếu con thật lòng ưng con gái của mẹ thì mẹ cũng gả luôn cho con đấy”.
Lòng tốt của bà mẹ đến thế là tột cùng. Rất tiếc là từ ngày ấy, tôi rời bản Na-lan rồi chuyển đi công tác ở một nơi khác, nên tôi không có điều kiện để trở lại thăm bà mẹ và cô gái đáng yêu đó.
Đầu tháng 3 năm 1951, từ vùng Bưng Phạ Phô, tôi được tổ chức điều động sang công tác ở bên hữu ngạn sông Mê Kông, lãnh địa của lãnh chúa Bum Ùm tỉnh Chăm-pa-xăc. Đến đây chưa được bao lâu, địch đã trở lại lấn chiếm và giành quyền kiểm soát toàn tỉnh Chăm-pa-xăc. Lực lượng vũ trang của Bạn và ta đều rút hết về phía đông. Đội xây dựng cơ sở Lào – Việt chúng tôi được chỉ thị của cấp trên “Chuyển hướng phương châm hoạt động, bí mật bám trụ địa bàn xây dựng cơ sở cốt cán, giữ thế đấu tranh hợp pháp để bảo vệ cơ sở phục hồi phong trào cách mạng”.
Quân tình nguyện Việt Nam với bà con dân bản Lào thời kháng chiến chống Pháp
Tình hình lúc này đang bước vào giai đoạn thoái trào. Địch tự do tung hoành. Tề, gian trở lại hoạt động rất mạnh. Điểm mặt từng tên đồn trưởng thấy nổi lên một tên hung hãn nhất là Sếp Xu, đồn trưởng Mương Mun. Hắn vốn là huyện đội trưởng, chỉ huy bộ đội địa phương của Bạn ở Mương Mun. Sau khi vào đầu hàng địch, hắn trở thành một tên tay sai ác ôn rất nguy hiểm. Hắn thông thạo địa hình, địa vật, biết rõ từng cơ sở cách mạng ở các thôn xã; nắm chắc quy luật hoạt động của ta để tìm diệt và phá hoại phong trào cách mạng. Hầu hết các cơ sở cốt cán trong nam giới đều bị hắn chỉ mặt đe dọa khủng bố, một số đã bị giết, bị bắt, số còn lại đều nằm im không ai dám hoạt động.
Chính vào những lúc khó khăn này, bà mẹ Lào đã xuất hiện như một ngôi sao sáng giữa trời đêm tối mênh mông. Được tin Sếp Xu sắp đi càn, mẹ Li ở bản Mày đã chạy ra báo tin và căn dặn chúng tôi: “Mẹ có nghe một người bà con của vợ sếp Xu kể lại nó sẽ đi càn, nhưng mẹ chưa biết đích xác là nó đi lúc nào và đến nơi nào, bởi vậy các con phải cảnh giác đề phòng.
Các con cứ ở đây, không được đi lung tung, rủi gặp chúng nó thì nguy hiểm lắm. Các mẹ bảo đảm sẽ giữ liên lạc, báo tin thường xuyên cho các con, sẽ mang xôi ra cho các con ăn. Chờ khi nào tình hình yên ổn đã rồi hãy đi”.
– Nếu gặp tình huống trắc trở thì mẹ xử lý thế nào? – Tôi hỏi.
– Tình huống xấu là thế nào? Có phải các con sợ mẹ bỏ các con chăng? Không đâu! Không bao giờ lại có chuyện đó. Các con đừng lo – Để chúng tôi yên tâm, mẹ nói tiếp:
– Nếu địch cấm dân trong làng không được ra rừng thì các mẹ sẽ cùng dân làng kiên quyết đấu tranh để cho dân đi lại làm ăn. Trường hợp chúng dứt khoát không nghe thì các mẹ sẽ có cách khác mà địch không thể nào ngăn cấm được là các nhà sư, các chú tiểu trong chùa và lũ trẻ trong làng sẽ đi thay các mẹ. Khi nào lũ trẻ ra mà không gặp các con thì hãy nhớ đến cái hốc cây săng lẻ mà các con đã biết để lấy thức ăn trong đó, kẻo bị đói đấy!
Nhờ sự bảo vệ của cơ sở cách mạng và các bà mẹ ở khắp các bản, nên đội xây dựng cơ sở chúng tôi, tuy không bao giờ nằm trong hầm bí mật, nhưng vẫn tồn tại vững vàng trong lòng địch. Cho đến một ngày tháng 9 năm 1952, chúng tôi và đồng chí Hương đang ngồi ở khu rừng khộc, bỗng nghe tiếng súng nổ đùng đoàng, tôi chợt thấy có điều gì không lành. Đang lúc phân vân, chợt thấy mẹ Li, mẹ Pòn cùng đến. Nhìn qua đôi mắt của hai mẹ, nước mắt còn đọng trên mi, tôi chưa kịp hỏi thì mẹ Li đã òa khóc và nói không nên lời “Thạo Mai, Thạo Xiêm, hai đứa nó đã bị sếp Xu bắn chết tại Noõng-cà-tà rồi”.
Quân tình nguyện Việt Nam giúp bà con nhân dân các bản làng Lào trong kháng chiến chống Pháp
Một cái tin như sét đánh ngang tai. Tôi ngước mắt nhìn trời, hàm răng nghiến chặt để ngăn dòng nước mắt sắp trào ra. Chung quanh tôi, tất cả mọi người đều đứng lặng yên để cho con sóng trong lòng trỗi dậy những đau thương và căm hờn. Tôi nghĩ đến một cảnh tượng rất dã man khi lũ ác ôn cắt đầu, xẻo tai và hất xác các đồng chí của tôi ở bên vệ đường. Sau những phút mặc niệm đó, mẹ Li không khóc nữa, mẹ mím chặt môi, hỏi tôi:
– Thế nào? Bây giờ thì các con tính sao? Cứ để mãi vậy ư?
Tôi cúi đầu suy nghĩ. Bà mẹ đã nổi giận nói không tiếc lời: “Có lẽ bọn mày không có quả tim. Ừ mà sao lại không có quả tim…, vậy có quả tim sao lại không biết trả thù. Cứ để cho giặc nó giết dần giết mòn, nay một đứa, mai một đứa ắt sẽ đến ngày bọn mày sẽ bị tiêu diệt cả thôi”.
Những lời nói giận dữ của bà mẹ đối với những đứa con mà mẹ thương yêu còn hơn cả con đẻ của mình, làm cho chúng tôi đứng lặng yên, chỉ nói được một câu:
– Mẹ chưa hiểu rõ hoàn cảnh của bọn con. Chúng con ở xa, không xin được ý kiến của cấp trên, nên dù có muốn cũng không dám làm theo ý của mẹ.
Nói vậy, tôi tưởng bà mẹ sẽ thông cảm, nào ngờ, thái độ của bà mẹ càng tỏ ra gay gắt hơn. Mẹ nói:
– Hừ, không cho đánh địch. Có lẽ nào cấp trên lại để cho các con bị tiêu diệt hay sao? Đừng, đừng có viện cớ để đổ cho cấp trên, mẹ chỉ sợ bọn con không dám đánh.
– Được rồi! Con sẽ làm theo ý của mẹ, nhưng nếu đánh địch mà nó khủng bố nhân dân thì các mẹ tính sao?
Tưởng rằng câu nói của tôi sẽ làm cho bà mẹ bớt cơn thịnh nộ, nhưng không ngờ rằng, hai bà mẹ nhìn nhau, mẹ Li giãi bày:
– Con nên hiểu rằng những lời mẹ nói với các con không phải là ý kiến riêng của mẹ mà là của mọi người, kể cả các A – chan trong chùa cũng nói “Tội ác của Sếp Xu khác nào một con quỷ dữ, tại sao lại không trừ khử nó đi”. Thế đấy con ạ! Mẹ nói rằng khi mà mọi người đã đồng tình thì họ sẽ không sợ chúng nó đâu. Các con càng đánh địch thì cái lý đấu tranh của các mẹ và nhân dân mới mạnh. Nếu ta không đánh thì chúng nó càng lấn tới, bịt mồm, trói chân và tiêu diệt chúng ta.
Những lời nói của bà mẹ đã làm cho tôi cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng. Giữa hai dòng suy nghĩ: chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước phong trào cách mạng với chịu trách nhiệm trước cấp trên có gì mâu thuẫn không? Tôi xác định: làm theo ý dân cũng là làm theo ý Đảng, song cần phải cân nhắc thận trọng, bàn bạc thật ký với anh em trong đội xây dựng cơ sở để có chủ trương và cùng thống nhất hành động, nếu không sẽ bị phê phán là manh động.
Thấy tôi gật đầu chấp nhận ý kiến của bà mẹ như một mệnh lệnh, đôi mắt của bà mẹ ánh lên một nét rất dịu hiền. Tôi dõi theo bóng dáng của hai bà mẹ lặng lẽ bước đi trên con đường trở về làng mà lòng tự nhủ rằng: dễ mấy ai hiểu được những bà mẹ nông dân hiền lành, chất phác suốt đời chỉ tụng kinh niệm Phật lại là những bà mẹ rất thông minh và rất đỗi anh hùng.
Qua một năm bám trụ địa bàn, đội xây dựng cơ sở của chúng tôi đã xây dựng được cơ sở cốt cán ở khắp các thôn xã và phục hồi được phong trào từ nam đến bắc. Từ thực tiễn đó, chúng tôi đều nhất trí chủ trương diệt tên đồn trưởng ác ôn ở Mương Mun, đồng thời tiếp tục có biện pháp răn đe giáo dục bọn tề, gian ở một số vùng trọng điểm để tạo một khí thế mới, đẩy mạnh phong trào tiến lên một bước mới.
Để thực hiện chủ trương diệt tên đầu sỏ Sếp Xu, tập thể đã giao cho tôi và đồng chí Hương trọng trách này. Chúng tôi tìm đến nhà mẹ Xú ở bản Xá Nôn. Làng của mẹ cách đồn Mương Mun khoảng lkm. Địch ra lệnh cấm dân không được quần tam tụ ngũ trong nhà, không được chong đèn sau bữa cơm tối, nên bà mẹ thường đi ngủ sớm, nhưng cửa vẫn khép hờ để đợi các con về. Mẹ vẫn sống một mình. Chồng của mẹ đã mất sau một chuyến đi làm xâu trở về, để lại một đứa con trai lớn 12 tuổi, mẹ đã cho nó đi làm chú tiểu trong chùa.
Chúng tôi tìm đến mẹ đúng vào đêm 30, trời tối đen như mực. Lúc này đã quá nửa đêm. Chúng tôi hẹn mẹ sáng mai gặp lại tại một nơi đã định. Sáng hôm sau, bà mẹ đã ra đúng điểm hẹn. Mẹ không quên mang theo các thức ăn để bồi dưỡng cho hai anh em chúng tôi như: xôi, chuối, trứng gà, cá nướng, mám pađẹc và thuốc lá đã vấn sẵn từng điếu để chúng tôi hút hàng ngày. Mẹ con gặp nhau trong rừng khộc, rồi bỗng nhiên bà mẹ òa lên khóc. Mẹ thương thằng Mai, nó hiền như Phá Tê Mê (ông bụt), mẹ rất đau lòng khi thấy thằng Xiêm còn bé bỏng mà sao nó phải hy sinh đau đớn như vậy. Tôi không dám gây thêm xúc động tình cảm trong lòng bà mẹ, nên tôi chuyển sang câu chuyện mà chúng tôi cần sự giúp đỡ của bà mẹ:
– Mẹ ơi! Chúng con đến gặp mẹ lần này để nhờ mẹ giúp cho chúng con một việc rất quan trọng, không biết mẹ có giúp được không?
– Con cần gì, mẹ sẽ sẵn sàng, cứ nói đi!
– Con cần biết tình hình địch ở đồn Mương Mun và Sếp Xu nó ngủ trong đồn hay ngủ tại nhà?
Câu hỏi của tôi khiến cho bà mẹ bất ngờ. Mẹ ngồi lặng yên, cúi đầu trầm ngâm suy nghĩ. Mãi một lúc nau, đôi mắt bà mẹ rực sáng và mẹ gật đầu rồi hỏi:
– Con cần mấy ngày, nói cho mẹ biết để mẹ liệu tính công việc.
– Tùy mẹ quyết định. Càng sớm càng tốt. Chúng con sẽ đợi tin mẹ báo tại chòi ruộng của chị Mã. Nhưng con nói với mẹ một điều, việc này cần giữ bí mật, nếu để lộ ra thì rất nguy hiểm đấy mẹ ạ!
Bà mẹ trừng mắt hỏi ngay:
– Con không tin mẹ sao? Mẹ có cái đầu này để bảo đảm với con. Dù cho đầu lìa khỏi cổ, mẹ cúng không bao giờ bỏ các con. Hãy tin ở mẹ. Mẹ đã hứa là mẹ sẽ làm.
Chúng tôi an tâm chờ đợi. Đúng một tuần sau, chúng tôi đã lần đến tận nhà Sếp Xu và diệt được tên đồn trưởng ác ôn này. Chiến công này hầu như không mấy người biết được công của bà mẹ Xú ở bản Xá Nôn. Chính bà mẹ đã huy động đội quân ngầm mà mẹ thường gọi là lũ trẻ để nắm tình hình rất chính xác và chỉ đúng chỗ Sếp Xu ngủ để chúng tôi dí súng vào đầu hắn vào lúc 3 giờ sáng.
Trong nhiều bà mẹ đã từng là nữ tướng trong đội quân tóc dài, suốt cả thời kỳ đấu tranh chính trị chống Mỹ ngụy, tôi có gặp một bà mẹ rất bình thường, nhưng bà mẹ ấy đã để lại trọng tâm trí tôi một hình ảnh không bao giờ quên được.
Vào một ngày tháng 8 năm 1965, trong lúc phong trào đang phục hồi, bọn địch ở đồn Vặt Phu đã đến bản Hè để lùng bắt du kích, trong toán quân này có một cán bộ chỉ huy du kích của Bạn đã vào đầu hàng địch và làm chỉ điểm cho địch.
Trong số dân quân du kích, có con của mẹ Bú cũng bị địch bắt. Bà mẹ kiên quyết giằng lại đứa con của mình. Mặc cho bọn địch dọa dẫm hành hung, bà mẹ vẫn không hề sợ hãi. Đứng trước tên chỉ huy ngụy, bà mẹ nói:
– Tôi không chối cãi rằng con tôi đã từng là du kích, nhưng không phải ai khác mà chính là thằng Hiêng này đã tổ chức con tôi và dưới quyền chỉ huy của nó.
Nói xong, bà mẹ chỉ thẳng vào mặt tên Hiêng rồi thét to lên: “Mày là thằng trời đánh! Chính mày đã rủ rê con tao vào du kích, bây giờ mày lại bán con tao. Mày sẽ chết vì súng đạn. Tao nói cho mày biết, tao đã già 63 tuổi rồi, tao không sợ chết đâu!”
Chưa hả cơn thịnh nộ, bà mẹ lại trừng mắt nói tiếp: “Thằng Hiêng! Mày đã quên rồi sao những ngày tao mang xôi ra rừng cho mày ăn. Mày có nhớ ai đã từng nuôi mày mà bây giờ mày lại phản bội, mất cả tính người. Mày đừng tưởng rằng tao sợ chết, tao sẵn sàng chết, chứ không tiếc đời của tao đâu”.
Trước thái độ quyết liệt của bà mẹ, lại được nhân dân đồng tình, tên chỉ huy đồn Vặt Phu thấy rõ cái thế không đàn áp được, hắn ra lệnh lui quân, trả lại đứa con cho bà mẹ. Bà mẹ Lào trước quân thù đã tỏ rõ khí phách của một bà mẹ anh hùng, rất đáng kính phục. Trở về với cuộc sống bình thường, các bà mẹ Lào đã dành tất cả tình thương yêu của mình cho con cháu Bác Hồ. Tình mẹ rộng mênh mông như biển cả, mẹ không dành riêng cho một người nào và cũng không hề có sự phân biệt đối xử con Việt hay con Lào. Có một biểu hiện rất đặc biệt là mỗi lần lập được chiến công, trong niềm vui chung, các bà mẹ thường biểu lộ một thái độ rất thâm trầm và có một nỗi lo hơn ai hết, đó là chăm sóc cho các thương binh của ta và Bạn.
Nhớ lại trận đánh đồn Mương Mun vào tháng 7 năm 1954, bộ đội ta diệt được nhiều địch, bắt nhiều tù binh, nhưng cũng bị thương vong khá nhiều. Các bà mẹ đã dành tất cả thức ăn ngon nhất cho anh em thương binh và cùng các con gái của mẹ chia nhau thường trực bên giường bệnh để chăm sóc các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam. Hết quạt đến dùng cả mồm thổi vào vết thương và hát cho các chiến sĩ ta nghe, các bà mẹ và các cô gái đã tìm đủ mọi cách xua đi những cơn đau để cho chiến sĩ ta yên giấc ngủ.
Trong nhiều lần tiếp xúc với Bạn và tìm hiểu về một vấn đề “Đất nước Lào giàu đẹp, nhân dân Lào cần cù lao động, nhưng vì sao chúng ta khổ”, đã có nhiều ý kiến tố cáo tội ác của bọn thực dân, phong kiến. Song, tôi thấm thía nhất câu nói của một bà mẹ ở bản Bùng Kẹo: “Cuộc đời nô lệ tệ hơn con vật, thảm hại hơn con chó”. Tôi nghĩ đó là lời giải thích rõ nhất, sâu sắc nhất, nguyên nhân vì sao mà nhân dân Lào, bất chấp gian khổ hy sinh để đấu tranh vì độc lập – tự do cho đất nước Lào và yêu quý con cháu Bác Hồ như con đẻ của mình.
Một quân đội đi chiến đấu ở nước bạn mà được nhân dân các bộ tộc ở nước bạn gọi là “Lục lản Lung Hồ” (Con cháu Bác Hồ), thiết nghĩ không còn có danh từ nào tốt đẹp hơn thế và chính vì con cháu Bác Hồ, nên các bà mẹ Lào và nhân dân Lào mới dành cho những tình cảm vô cùng đặc biệt. Đó là một nguyên nhân trong nhiều nguyên nhân đã thúc đẩy tôi đi chiến đấu lâu dài ở chiến trường Lào và rất sung sướng tự hào khi nói rằng “Lào là quê hương thứ hai của tôi”.