Đến Phù Huột, nơi đóng căn cứ của tỉnh Viêng Chăn Đông, coi như kết thúc chặng đường các bản H’Mông dẫn cán bộ đi công tác theo phiên. Từ Phủ Huột, các cánh quân, các đoàn cán bộ đi xuống Viêng Chăn, đi sang Tây Viêng Chăn sẽ được những cán bộ dẫn đường có kinh nghiệm, đặc biệt là có đường dây liên lạc từ chặng này đến chặng khác đưa đi. Những người này nằm vững quy luật hoạt động của địch, biết chỗ nào địch hay phục kích, biết đoạn sông nào có thể lội qua. Thuộc lòng những đường voi đi. Suối nào lắm cá. Rừng nào nhiều voi, hoẵng…và quan trọng hơn cả, họ có những trung kiên trong các bản, thậm chí có cả nhân mối trong viên chức, cảnh sát, quân đội của địch.
Phò An, người đưa chúng tôi từ cơ quan tỉnh ủy bí mật của tỉnh Viêng Chăn từ Phủ Huột xuống vùng đồng bằng Phôn Hồng để nghiên cứu vấn đề ruộng đất và nông dân. Phò là cầu nối giữa Đông và Tây Viêng Chăn, con thoi gắn các vùng Lào Lùm, Lào Thỏng, Lào Xủng.
Cho đến nay tôi vẫn nhớ như in sự giản dị đến kỳ lạ của Phò An trong cơ quan, cán bộ dân đảng cũng như chiến sĩ bảo vệ tỉnh ủy người mặc quần áo Pathet Lào, kẻ mặc quần âu, sơ mi hoa, riêng Phò giống một người dân vừa đi làm ruộng, làm rẫy về. Áo chàm ngắn, không cài khuy để lộ bộ ngực săn chắc. Quần đùi lửng màu xanh nhạt để lộ đầu gối và bắp chân với những vết xăm truyền thống hình là rau bợ chi chít.
Tôi làm quen với Phò khi Phò chuẩn bị đồ đạc cho chuyến đi. Phò không đeo ba lô mà khoác chiếc túi vải chàm sợi thô, trong túi, ngoài một bộ quần áo nhuộm chàm để mặc thay đổi, tôi thấy có một bộ quân phục Pathet Lào màu xanh rêu, một mũ lưỡi trai, đôi giầy đi rừng bộ đội, tất cả mới tinh. Phò cho biết bộ quần áo Pathet Lào, mũ và giầy Phò mới nhận hồi giữa năm. Nhận để làm kỷ niệm. Tham gia cách mạng từ hồi đầu kháng chiến chống Pháp đến năm 1969 đã trên hai mươi năm, đây là lần đầu tiên Phò nhận tiêu chuẩn trang cấp của cách mạng. Nhận rồi, cất trong túi vải. Sống để làm kỷ niệm, chết để lại cho anh em. Trường hợp sa vào tay địch, cho chúng biết mình là người Pathet Lào. Ngoài quần áo chàm để mặc, quần áo Pathet Lào làm kỷ niệm cuộc đời hoạt động cách mạng Phò còn có năm bảo vật đem theo, đó là con dao đi rừng. Con dao mà bất kể cán bộ hay chiến sĩ đều phải có. Nó vừa là vũ khí, vừa là công cụ sản xuất, sinh hoạt đồng thời là vật trang điểm. Không có con dao không thể phát rẫy làm nương, lúc đi đường dùng nó phát cành cây, đánh dấu đường đi, không có con dao không thể lấy măng, làm thịt thú vật, mổ cá. Con dao của Phò cán bằng ngà dùng lâu nên nước bóng loáng.
Chiếc bật lửa là bảo vật thứ hai. Ở rừng không có bật lửa sẽ trở thành người nguyên thủy, ăn sống, nuốt tươi.
Ống muối bảo vật thứ ba. Muối là đầu vị thức ăn quý hơn cao lương mỹ vị. Có thịt, có cá mà không có muối thị không nuốt nổi. Có muối, không thịt cá cũng chẳng sao.
Tấm vải nhựa bảo vật thứ tư để che mưa, gói đồ đạc làm phao sông, làm mái che võng ngủ đêm.
Còn vật thứ năm là hòn đá nặng khoảng vài kilôgam để ở dưới đáy túi. Tôi ngạc nhiên nhưng chưa kịp hỏi, cứ ngỡ là Phò theo bái vật giáo, đem theo hòn đá thiêng làm bùa cầu may. Đi rừng, trèo đèo, lội suối, khi mệt muốn vứt bớt đồ đạc đi càng nhẹ càng tốt. Chúng tôi thường nói với nhau lúc mệt mỏi, một con ruồi đậu trên ba lô cũng tăng thêm sức nặng nói gì một hòn đá to hơn viên gạch vỡ.
Nhịn mãi không chịu được tôi đánh bạo hỏi Phò mang theo hòn đá làm gì? Phò bảo đó là hòn đá mài dùng để mài dao. Khi chưa biết tưởng là vật thiêng, Phò đem theo là có lý. Nay biết là hòn đá mài tôi nghĩ Phò mắc bệnh dở hơi. Ở Lào thiếu gì đá suối, đá sông một loại đá non, bị nước bào mòn, đến đâu chả mài dao được. Đâu có hiếm như ở đồng bằng, đô thị Việt Nam. Trước đây ở Hà Nội tôi từng gặp những người gánh đá mài, đi mài dao kéo thuế. Những người này đi vào các ngõ chậm chạp rao “ai mài dao kéo ơ…”
Hòn đá mài là công cụ kiếm sống của những người đi mài dao kéo thuê, họ mang theo là phải, đằng này Phò An làm công việc dẫn đường cho cán bộ, bộ đội mang theo hòn đá mài làm gì. Khi đi tới đâu cũng có.
Như đoán được ý nghĩ của tôi, Phò nói giọng thành thật:
– Lục ơi (Phò gọi tôi là con – cách xưng hô thân mật) Phò mang theo hòn đá mài là vì anh em bộ đội Việt Nam đó! Rồi Phò cười, nụ cười cảm thông. Anh em bộ đội Việt Nam giỏi đánh giặc nhưng không biết mài dao. Dao của anh em còn không chặt được cây để lấy củi nấu ăn, hoặc làm cọc mắc võng. Buồn nhất là không chặt được cây nứa để làm ống, nấu canh, ninh thịt, “lam’ cơm. Dao anh em cùn, nên chặt cứ vỡ ống nứa ra, nước chảy hết ra ngoài. Dao cùn thì phải mài, nhưng nhiều anh em không biết mài dao, càng mài dao càng cùn hơn, thế mới khổ. Nên Phò mang theo hòn đá mài này để mai giúp dao cho anh em.
Phò nói,. có một lần một tiểu đội trinh sát đặc công bị bọn địch phát hiện là bộ đội Việt Nam do khi chuyển đi, để lại nơi cư trú quân những ống nữa vỡ, những que củi chặt nham nhở, những ống nứa lam cơm, lam nước, làm canh bị vò cháy đen. Chúng đã nhận ra những đặc điểm không phải là Lào. Chỉ lính Việt Nam mới không biết cách chặt cây, không biết cách nấu ăn bằng ống nứa. Thế là chúng bám theo. Chúng định để anh em ta ngủ say thì tập kích tiêu diệt. Nhưng may cho anh em. Thằng lính gác nhiễm sương đêm, lạnh, nó xòe diêm châm thuốc hút. Anh bộ đội gác của ta phát hiện ánh lửa, sau đó là mùi thuốc lá thơm. Anh báo cáo chỉ huy. Thế là từ bị theo dõi bám sát, ta chuyển sang chủ động xử lý tên gác và diệt êm toán biệt kích của địch bằng vũ khí không tiếng nổ của đặc công.
Đi theo Phò An từ Phù Huột xuống vùng Na Xẻ, Na Nhap hai bản tiếp giáp vùng địch kiểm soát, tôi thất Phò có lòng yêu thương đồng đội rất mực. Phò không nghĩ đến riêng mình. Hôm vượt Phù Xang tôi thấy Phò mang theo ba ống đựng nước. Anh em chúng tôi mỗi người mang một bi đông, một ống nước. Phù Xăng hiểm trở lại không có nước. Đường đi mất ba ngày hai đêm. Xôi, cơm lam mang đủ ăn đến nơi nghỉ, nước chỉ dùng nấu canh, và uống. Mới đi được một ngày một đêm, nhiều anh em đã dùng hết nước. Tôi bám sát Phò An, không thấy Phò uống nước bao giờ. Đi suốt buổi, thấy Phò chỉ nhấp vài ngụm nhỏ. Phò nói với tôi, đi dốc, khát, nếu uống nhiều ra mồ hôi sẽ rất mệt. Khi khát quá, chỉ nên nhấp một tú, súc miệng nhổ đi, nhấp ngụm khác, nuốt từ từ từng tý một.
Đỡ khát, không ra mồ hôi, đi được suốt ngày không mệt. Theo kinh nghiệm của Phò, tôi thấy đúng là bài học hay.
Tôi nói với Phò, Phò già rồi, uống ít nước sao Phò mang những ba ống. Phò cười, chon thấy không, nhiều đã uống hết nước rồi. Ai khát quá ta sẽ đưa cho họ, và lại khi ăn cơm có nước nấu canh.
Có anh em Lào bảo với tôi là Phò An ít uống nước do Phò uống huyết con dúi (Tơ Ồn). Con vật này suốt đời chỉ ở trong hang, ăn rễ cây nữa, cây tre. Không uống nước bao giờ. Tôi hỏi Phò. Phò bảo bí quyết của Phò là tập luyện. Cứ nhịn dần, nhịn dần, sau quen, đi cả ngày không uống nước vẫn chịu được.
Điểm đặc biệt nữa là Phò An hiểu khá sâu lịch sử quan hệ Việt Lào. Một hôm, ngồi nghe đài Viêng Chăn, mục phát thanh quân đội hoàng gia (tức ngụy quân) tiếng lào Moọc, một phát thanh viên đã đứng tuổi, lè nhè đọc tin “quân đội Việt Nam nưa (Bắc Việt Nam) xâm lược Lào, bị đánh tơi tả ở Cánh Đồng Chum”. Phò An bật lên tiếng cười: ” Nghe đài phát thanh Viêng Chăn thì cần hiểu ngược lại mới đúng. Quân đội Việt Nam xâm lược Lào có nghĩa là Quân đội Việt Nam giúp đỡ Lào. Đế quốc Mỹ mới là kẻ xâm lược. Còn kẻ bị đánh tơi tả không phải là bộ đội Việt Nam, mà chính là quân đội tay sai của Mỹ tức lực lượng quân đội hoàng gia – và cả quân phỉ Mẹo Vàng Pao”.
Rồi Phò An nói với mọi người. Quân đội và nhân dân Việt Nam không phải bây giờ mới giúp đỡ Lào mà ngày xưa cũng đã giúp, nhất là thời kỳ Chẩu A Nu và trước đó. Phò nói lớp trẻ bây giờ đã quên lịch sử, chứ lớp người như Phò thì vẫn nhớ. Ngay ở các bản làng thuộc tỉnh Viêng Chăn còn lưu truyền một bài “cạp” trong đó có đoạn ngợi ca quân Việt Nam anh em sang giúp lào đánh đuổi giặc Xiêm, giải phóng kinh thành Viêng Chăn, sau khi giao lại kinh thành Viêng Chăn cho vua Lào quân Việt Nam rút về nước.
Phò An còn cho biết. Vua Việt thời kỳ ấy đóng đô ở Phù Xun (tức Phú Xuân), về điều này tôi đã nói lại với đồng chí Văn Linh và đồng chí đã đưa vào cuốn sách nhan đề Đất nước hoa Chămpa anh hùng.
Giở lại lịch sử, chúng tôi mới biết đó là thời kỳ vua Quang Trung cử tướng Trần Quang Diệu sang đánh quân xâm lược Xiêm giúp Lào giữ vững nền độc lập. Sự kiện này sử ta và sử Lào đều chép. Khi đến vùng như Hát Đừa, Khăm Xặng, Xôm Đi, những bản làng ven sông Nậm Lcihj thuộc mường Phôn Hông (hiện nay là huyện Kẹo Uđôm), Phò An còn cho chúng tôi biết là chính nơi đây, vùa Chẩu A Nu, được sự giúp đỡ của quân đội Việt Nam đã tiến quân vào giải phóng Viêng Chăn năm 1828, giành lại quyền tự chủ cho vương quốc Lạn Xạng. Cuối câu chuyện Phò An nhấn mạnh:
– Hiện nay chúng ta đang đi trên con đường hành quân của Chẩu A Nu ngày trước. Quân đội Việt Nam hiện nay giúp cha ông họ ngày trước lại một lần nữa sang giúp nhân dân Lào đánh đuổi đế quốc Mỹ giành lại độc lập tự do.
Đào Văn Tiến