Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Lực lượng Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam giúp cách mạng Lào (QTN) do hai Nhà nước Việt Nam – Lào đồng tổ chức tại Viêng Chăn. Sáng ngày 25 tháng 12 năm 2019, Đoàn đại biểu Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cùng Hội truyền thống quân tình nguyện đã về thăm Bản Cơn (Keun) – Địa danh lịch sử nổi tiếng “Nghĩa trang liệt sỹ Bản Cơn” cách thủ đô Viêng Chăn khoảng 70 km về phía Bắc. Tại nơi đây, đã ghi công 28 anh hùng liệt sỹ Liên quân Lào – Việt đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tiến công tiêu diệt đồn Bản Cơn nhằm bảo vệ thủ đô Viêng Chăn vào những ngày đầu năm 1946.
Câu chuyện được người dân Bản Cơn, và nhân dân trong vùng mường Thu La Khôm luôn truyền miệng nhau như một bản hùng ca về tinh thần anh dũng hy sinh của những người chiến sỹ Việt Nam – Lào. Trận chiến đấu và chiến công của các anh là mốc son cho sự hợp tác liên minh Lào – Việt ngay từ những ngày đầu của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của hai nước.
Trong đoàn về thăm Bản Cơn có bác Lê Mai (Thường trực ban liên lạc Hội truyền thống quân tình nguyện, kiêm trưởng ban liên lạc Đoàn Chuyên gia 82), bác Lê Mai vốn là học sinh Việt kiều tại Viêng Chăn những năm đầu kháng chiến chống Pháp, năm nay bác đã sang tuổi 85 nhưng vẫn còn tinh anh. Sự kiện xảy ra ở bản Cơn ngày ấy còn khắc sâu trong trí nhớ cậu học trò trên mười tuổi hồi đó, và khi đã trưởng thành người thanh niên Lê Mai đã ra nhập Hội học sinh Việt kiều yêu nước tại Lào, rồi từ đó anh đã tham gia hoạt động cách mạng tại Lào suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước của hai dân tộc… Có được cơ ngơi khang trang để tưởng niệm tri ân các anh hùng liệt sỹ như ngày nay là một chặng đường dài, Bác kể:
Từ tháng 1-2007, Ban Liên lạc QTN Việt Nam tại Mặt trận Viêng Chăn và Ban Liên lạc Cựu học sinh Việt Nam (CHSVN) tại Viêng Chăn đã cùng Hiệp Hội cựu chiến binh quốc gia Lào (HHCCBQGL) tỉnh Viêng Chăn vận động xây Tháp tưởng niệm liệt sĩ tại Bản Cơn. Các thành viên Ban Liên lạc đã đến báo cáo với Chủ tịch tỉnh Viêng Chăn Khăm Mưng, trình bày câu chuyện lịch sử cuộc nổi dậy của nhân dân Thủ đô Viêng Chăn năm 1946 và đề nghị lãnh đạo tỉnh ủng hộ ý tưởng xây Tháp tưởng niệm liệt sĩ Liên quân Lào – Việt…
Sau bốn năm vận động và kiến thiết, Tháp tưởng niệm liệt sĩ Liên quân Lào – Việt được xây dựng hoành tráng, cao 11m, rộng 9m, với ba bậc lên xuống, trong có bia đá ghi tên 11 liệt sĩ đã xác định được danh tính, gồm hai liệt sĩ Lào, tám liệt sĩ Việt Nam và một người tình nguyện quân người Nhật Bản bằng hai thứ tiếng Lào và Việt Nam, có bát hương và bộ đèn bằng pha-lê cao hơn 1m, được một cựu chiến binh mang từ thành phố Hồ Chí Minh sang. Tháp liệt sĩ tại Bản Cơn vừa thể hiện nét văn hóa truyền thống Lào, với nhiều mái, chạm trổ hình rồng mạ vàng bốn phía, có mái ngói che, bốn cột được chạm trổ tinh xảo do công nhân công ty xây dựng Sisakệt thực hiện, nằm trong khuôn viên 3.600 m2. Ngoài tháp chính, nhân dân còn tu sửa lại mộ tập thể, làm thêm một miếu thờ và dựng lại (mô phỏng) xe kéo dùng để chở thi thể các LS sau trận đánh. Trong khi quyết định vị trí xây tháp, các cụ già đã mai táng các liệt sĩ ngày trước, giáo viên và học sinh Trường tiểu học Bản Thung Nai trình bày nguyện vọng xin di chuyển và giao lại toàn bộ mảnh đất lịch sử đã xảy ra trận đánh diệt đồn Bản Cơn năm xưa để tiện cho việc xây tháp.
Theo chỉ đạo của tỉnh Viêng Chăn, trong quá trình vận động và xây dựng, chúng tôi đã được Hiệp Hội cựu chiến binh quốc gia Lào mời sang trao đổi về ý tưởng xây tháp liệt sĩ theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, thông qua thiết kế để xin phép Bộ Văn hóa Lào; và tổ chức Hội thảo về lịch sử cuộc khởi nghĩa hào hùng của nhân dân, nhân sĩ, trí thức, sư sãi Lào, cùng với sự tham gia đầy nhiệt tình của cộng đồng người Việt ở Viêng Chăn. Các cuộc hội thảo đã tập trung vào Chiến thắng Bản Cơn ngày 1-1-1946 của Liên quân Lào – Việt với sự đóng góp của nhân dân địa phương, xác định danh tính của liệt sĩ và vận động tài trợ…
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Viêng Chăn nêu rõ, việc xây Tháp liệt sĩ Bản Cơn thể hiện tấm lòng biết ơn của nhân dân Viêng Chăn nói riêng, nhân dân các bộ tộc Lào nói chung đối với các liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của đất nước Lào. Chủ tịch tỉnh Khăm Mưng, đã khẳng định: Chiến thắng Bản Cơn là minh chứng sinh động của quan hệ đặc biệt Lào – Việt ngay từ sau cuộc Cách mạng tháng 8-1945. Trong hoàn cảnh mới, hai nước Lào – Việt đều thực hiện chiến lược phát triển toàn diện và hội nhập quốc tế, Ðảng và nhân dân Lào có nguyện vọng và quyết tâm làm cho mối quan hệ đã trở thành truyền thống đó được phát triển bền vững. Nhân dân Viêng Chăn mong muốn các liệt sĩ tiền bối của hai nước Lào – Việt Nam được an nghỉ trên trận địa ngày xưa, nay đã trở thành mảnh đất thanh bình, có hoa cỏ bốn mùa tươi tốt và luôn tỏa ngát thơm. Hương hoa như nhắn nhủ các thế hệ trẻ hãy phát huy truyền thống cha ông Việt – Lào, hãy kề vai sát cánh bên nhau để cùng gìn giữ xây dựng bản làng bình yên và giầu có hơn…
Về với dân bản hôm nay, câu chuyện công đồn Bản Cơn đã trải qua hơn 70 năm lại được tái hiện – Những bước chân gấp gáp, những tiếng hô xung phong, những tiếng súng nỗ, đồn địch đã sạch bóng thù nhưng đã có những người con ưu tú Việt – Lào đã ngã xuống. Tên tuổi các anh đã tạc vào bia đá. Chúng tôi những cựu QTN các thế hệ cùng các bạn Lào kính cẩn nghiêng mình thắp những nén hương thơm để tưởng nhớ công lao của các anh. Cầu chúc anh linh các liệt sỹ siêu thoát.
Sau nghi lễ dâng hương tưởng niệm, thay mặt Đoàn, bà Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Hiệp hội các tổ chức hữu nghị Việt Nam, cùng lão tướng Huỳnh Đắc Hương chủ tịch Hội Truyền thống quân tình nguyện Việt Nam đã thăm hỏi động viên đồng bào địa phương. Để tỏ lòng biết ơn sự đùm bọc, chăm lo nơi thờ tự các liệt sỹ, đoàn đã giành nhiều phần quà tặng cho một số cựu chiến binh PhathetLao cùng thân nhân các gia đình liệt sỹ và bà con Bản Cơn…
Chia tay Bản Cơn, chúng tôi trở về thủ đô Viêng Chăn để chuẩn bị cho hôm sau, dự lễ mít tinh kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống lực lượng Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam giúp cách mạng Lào (30/10 – 1949/2019). “Về thăm Bản Cơn” hôm nay, đã giúp cho thế hệ QTN thời chống Mỹ hiểu biết sâu sắc thêm về lịch sử truyền thống của cha anh, của Liên quân Việt – Lào thời KCCP và để rồi hình thành chính danh: “Quân tình nguyện Việt Nam” sau này !
Trần Phong