Tôi kể câu chuyện lên truyền hình, dù đã biết trực tiếp không lan man..thế mà trường quay im phăng phắc. Đạo diễn, chị Tạ Bích Loan cũng khóc. Chắc đồng bào cả nước xem tối đó cũng khóc khi biết một mảnh ghép của chiến tranh như thế. Có những tình yêu như thế.
Chả biết cái lễ này nó có ở Việt Nam từ lúc nào, bởi thời mình còn trẻ, thời ấy không thấy đứa bạn nào nhắc đến Vanetine.
Sau nhiều năm mở cửa hội nhập mới nghe lớp trẻ nói nhiều tới lễ Tình yêu. Năm 2003 thì ngày Valetine trùng với ngày 02 tết âm lịch.
Năm ấy, hai mẹ con mình khệ nệ lên tàu hỏa với một chiếc thùng gỗ, trong thùng đựng những kỷ vật nằm cùng hài cốt liệt sỹ ở nhiều chiến trường khác nhau. Lên tàu Vinh đi Hà Nội đêm 01 tết, cho kịp đêm 02 tết làm chương trình truyền hình trực tiếp “Người đương thời”. Con gái từ Hà Nội về quê ăn tết, thương mẹ, lại đi với mẹ trở lại Hà nội.
Mẹ thì ngồi ngủ gà ngủ vịt trên tàu, con thì sợ mất đồ nên canh cho mẹ ngủ. Khổ thân con bé. Tàu đến ga Hà Nội, con nhớn nhác tìm một người, cháu bảo có một bác ngồi cạnh mẹ đã nhường chỗ cho mẹ nằm co ro. Khi nghe con kể trong cái thùng là kỷ vật trong mộ các liệt sỹ chưa biết tên, và xin bác đừng gác chân lên đây ạ… Cháu tìm bác để mẹ cảm ơn bác đã nhường chỗ, tìm mãi mà ko thấy bác ấy.
Tối 02 tết, VTV3, tiến sỹ Tạ Bích Loan mời làm chương trình lần thứ 3. Lần này họ chọn 5 người tiêu biểu trong các chương trình đã phát sóng trước lên truyền hình trực tiếp giờ vàng đón tết. (Bác sỹ Đông y Nguyễn Tài Thu; chị Hòe (Sơn Cô va); bác Phước (Đoàn tàu Không số), cô giáo Hiền, và tôi.
Nhân viên của truyền hình vào gặp tôi và dặn nguyên tắc của truyền hình trực tiếp là phải…bla bla. Tôi chỉ được đưa lên 5 lần. Vậy nên trước khi đi tôi phải chọn trong hàng mấy trăn kỷ vật mang về, chọn kỷ vật nào đưa lên sóng bây giờ? Cảm thấy như liệt sỹ nào cũng nói cho anh lên để gia đình anh nhận ra… Ai tôi cũng muốn đưa lên, vì đây là dịp tốt nhất để khớp nối thông tin phần mộ đang chưa biết tên liệt sỹ, để có cơ hội cho liệt sỹ sớm về với gia đình (ngày đó nhiều người xem TV nhà mình nhiều hơn bây giờ). Tôi chọn mỗi lần đưa lên là từng đôi, như thế sẽ 5×2 bằng 10. Ít ra được 10 liệt sỹ có cơ may tìm được trong đêm truyền hình trực tiếp.
Thế là có 5 vị trí, trước tiên tôi chọn lấy kỷ vật khi cất bốc có 2 liệt sỹ cạnh nhau được đưa lên sóng trước… Phải thật nhanh trí, thật khéo mới cài vào được như thế đấy ạ. Hôm đó, gần như cướp thời gian với chương trình. Chưa bao giờ tôi nói nhanh như thế, chưa bao giờ đầu óc tôi hanh thông như thế. Tôi cố ý làm cho chị Loan không thể cắt được lời mình…
Câu chuyện đầu tiên tôi kể và hi vọng tìm được người mai táng ngôi mộ đôi ở Xiêng khoảng – Lào: …Tổ chiến sỹ triển khai đào bới tìm kiếm hài cốt liệt sỹ Quân tình nguyện Việt Nam ở Khăng Khay, tỉnh Xiêng khoảng. Khi đào một ngôi mộ, hài cốt còn đầy đủ được bọc trong một cái tăng. Vẫn còn dây dù buộc, mừng lắm, vì hầu hết các mộ bị hư hỏng nhiều, còn ít xương lắm. Xong rồi, các chiến sỹ thắp hương, gọi hồn gói anh vào tấm vải trắng . Nhưng ai cũng thấy lạ là hương dưới mộ cứ quẩn quanh dưới đáy huyệt, khói hương không bay lên trời…
Anh Thức đoàn phó nói, ta thử tìm lại, hình như sót cái gì đó … Thế là họ lấy một cái que sắt phi 6 làm thuốn, thuốn sâu xuống đáy huyệt . Kỳ lạ, nghe tiếng sàn soạt của cái gì đó lạ mà không phải đất. Lệnh đào tiếp. Khi các chiến sỹ nhẹ nhàng khơi sâu 20cm đất, một bọc hài cốt nữa được lộ ra, cũng được gói trong tấm tăng ni lon. Hài cốt một phụ nữ, có nắm tóc dài ở phần hộp sọ. Đôi dép cao su nhỏ xinh vẫn nguyên. Cái cặp tóc ba lá thép ko rỉ thời đó vẫn còn.
Xúc động lắm các bạn ơi. Chắc là họ yêu nhau, nhưng chưa kịp về khi giải phóng đã hi sinh… Bởi thế đồng đội đã mai táng họ chung một mộ. Coi như đám cưới cho hai đồng đội dưới âm.
Tôi kể câu chuyện lên truyền hình, dù đã biết trực tiếp không lan man..thế mà trường quay im phăng phắc. Đạo diễn, chị Tạ Bích Loan cũng khóc. Chắc đồng bào cả nước xem tối đó cũng khóc khi biết một mảnh ghép của chiến tranh như thế. Có những tình yêu như thế.
Người mai táng 2 liệt sỹ này cũng yêu đồng đội mình lắm. Anh còn sống không? Hi vọng là nhiều người sẽ nhớ. Nếu nhớ hãy cho tôi được liên lạc để biết đơn vị, biết hoàn cảnh hy sinh… Từ đó tôi sẽ tìm quê cho anh chị. Tìm được, chắc hai họ sẽ làm đám cưới cho anh chị trong lễ truy điệu đón hài cốt liệt sỹ trở về?
Trong đời mình, ai đã mai táng đồng đội một lần như thế tôi hy vọng sẽ không bao giờ có thể quyên được, họa chăng run rủi nào đó mà các anh những người đồng đội ấy đã không may và không thể trở về. Ôi, chiến tranh thật nghiệt ngã…
Sau đó tôi đưa tiếp 8 kỷ vật lên chương trình, ngay trong đêm 02 tết đã có 4 gia đình tìm được 4 liệt sỹ là người ruột thịt của mình.
Hôm nay ngày lễ Valentine năm 2020. Đêm nay, sau 17 năm tôi kể lại câu chuyện này, như tôi đã kể trên truyền hình trực tiếp cũng vào đêm Valentine năm 2003 các bạn ạ.
Họ đã yêu nhau ở chiến trường và họ đã hi sinh. Họ vẫn được đồng đội “cưới” cho họ theo cách riêng của chiến tranh và tình cảm của người lính Tình nguyện. Một đám cưới NGƯỜI ÂM trên cao nguyên Cánh Đồng Chum của đất nước Triệu Voi tươi đẹp.
Hôm nay, những đôi bạn trẻ, những cặp vợ chồng giành tặng nhau những bông hoa đẹp. Còn tôi, hoài niệm về ngày lễ tình yêu cách đây 17 năm, tôi cầu mong đồng đội nào đã mai táng cho hai liệt sỹ đọc được câu chuyện này… Và đên nay tôi ghi lại câu chuyện như một nén hương thanh, và những lời an ủi. Mong linh hồn anh chị siêu thoát và nhìn thấy từ cao xanh !
(1) Thượng tá Nguyễn Tiến – Nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Quân khu 4