Thành Phố Hạ Long, Quảng Ninh ngày 25/11/2017
Như đã tự nhủ với mình, sẽ phải gặp và phỏng vấn bằng được anh Khăm Mặn Khum Chăm Thạ. Nhưng lịch của đoàn đại biểu nhân dân Lào có công với quân Tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam sang Hà Nội vào cuối tháng 11/2017 luôn kín chương trình. Thật may mắn, sáng nay ngày cuối cùng tại sảnh khách sạn Royal Hạ Long chờ lên xe về Hà Nội, tôi tranh thủ kéo đại tá Suthoong phó cục trưởng cục Tuyên Huấn thuộc Hiệp hội CCB TW Lào thạo tiếng Việt hỗ trợ phiên dịch để trò chuyện cùng anh Khăm Mặn. Được hỏi chuyện, anh hồ hởi và thân mật tâm sự:
Bố Khăm mặn là người Lào ở bên tây dãy Trường Sơn thuộc địa phận của tỉnh Bo Ly Khăm Xay, khi lớn lên ông thường qua lại bên Việt Nam làm ăn rồi được giác ngộ và ông đã tham gia hoạt động cách mạng từ thời chống Pháp. Những chuyến đi lại bên kia dãy Trường Sơn đã làm ông “phải lòng” một cô gái Thái xinh đẹp, nết na và đầy cá tính ở bên đông Trường Sơn, tại một bản nghèo thuộc huyện Con Cuông, Nghệ An Việt Nam. Sau khi được cha mẹ, họ hàng đôi bên đồng ý, họ nên vợ nên chồng.
Từ khi sinh ra và lớn lên, Khăm Mặn được thừa hưởng những đức tính tốt đẹp của cả cha lẫn mẹ. Mười hai tuổi, anh đã bắt đầu tham gia những việc giúp các chú bác trong tổ chức yêu nước như: liên lạc đưa tin, dẫn đường đưa các chú, các bác người Lào, người Việt Nam qua lại vùng biên giới để trao đổi công việc.
Anh kể tiếp, năm 1966, anh chính thức nhập ngũ vào tiểu đoàn 2 Phathet Lào. Suốt những năm 1967 – 1970, anh tham gia tổng cộng 22 trận đánh lớn nhỏ ở các địa bàn: Bom Lọng, Mường Ca Sỉ, Xalaphukhun, Viên Chăn. Hồi cách mạng gặp khó khăn, nhất là lúc địch mở chiến dịch “Cù Kiệt”. Để bảo toàn lực lượng, đơn vị anh cùng bộ đội quân tình nguyện Việt Nam luôn sát cánh bên nhau cùng dựa vào nhau, luồn rừng lui quân về sát biên giới Việt Nam củng cố, hai bên hỗ trợ nhau những lúc cạn kiệt lương thực, thiếu vũ khí…anh nói rõ câu tiếng Việt: đúng là “hạt gạo chia đôi cọng rau xẻ nửa”.
Khi được hỏi về ký ức nào trong chiến đấu cùng liên quân Việt Lào làm anh nhớ nhất, anh sôi nổi kể như thể anh vừa từ trận đánh đó trở về. Đầu năm 1971, khi chiến dịch liên quân Lào – Việt nổ súng, đại đội 15 của anh được giao nhiệm vụ đánh vào một trận địa pháo của địch ở Mường Ca Sỉ, đây là một trận địa pháo có hỏa lực mạnh, gồm 2 khẩu 105ly, 2 khẩu 155 ly cùng các kho chứa nhiều đạn dược. Bên ngoài còn có một lực lượng trên một đại đội địch chốt giữ. Khi đó anh là trung đội trưởng được giao chỉ huy mũi 8 người, sau khi bí mật trinh sát mục tiêu nắm rõ căn cứ của địch. Theo kế hoạch đã định, chập tối mũi chiến đấu do anh chỉ huy đã bí mật tiếp cận mục tiêu. Xung quanh trận địa địch có bốt gác và hai lớp hàng rào dây thép gai cùng giao thông hào ngăn cách bảo vệ, gần sáng anh phân công 4 đồng chí ở bên ngoài cảnh giới và sẵn sàng chi viện nếu bị lộ, anh cùng tổ chiến đấu gồm 3 chiến sỹ, trong đó có 1 xạ thủ B41 và 1B40. Khi thời cơ đến cả tổ bí mật luồn qua các hàng rào lọt vào bên trong trận địa pháo bám sát trại lính, rồi bất ngờ dùng B40, B41 tấn công mục tiêu. Ánh chớp của hai quả đạn B41, B40 vụt lao đi. Những ngọn lửa xanh nhanh chóng chùm lên trại lính. Thủ pháo được ném tới tấp vào các mục tiêu địch, tất cả hô xung phong tấn công vào các vị trí xung quanh. Bọn địch không kịp trở tay, chúng hoảng hốt vùng bỏ chạy để lại 5 xác chết tại chỗ. Lúc này tổ cảnh giới cũng kịp thời bắn chặn địch và vận động vào chi viện. Anh phân công chiến sỹ cảnh giới, kiểm tra chiến trường rồi các anh dùng thủ pháo nhét vào nòng pháo phá hủy cả 4 khẩu pháo đó. Thu gom được một số vũ khí của địch anh phân chia về các vị trí sẵn sàng đối phó khi chúng phản công. Sáng ra, địch cho 2 xe bọc thép và một đại đội bộ binh tiến vào hòng đánh chiếm lại mục tiêu. Lợi dụng có xe bọc thép che đỡ chúng ồ ạt xông lên, vừa tiến chúng vừa dùng hỏa lực bắn uy hiếp vào trận địa. Anh đã chủ động lợi dụng địa hình bố trí lực lượng, động viên anh em bình tĩnh để chúng vào thật gần mới được bắn. Khi địch đã lọt vào tầm bắn có hiệu quả, anh ra lệnh nổ súng. Khẩu B40 và B41 cùng nhằm vào hai xe bọc thép địch phát hỏa, 2 xe bốc cháy nhưng chúng vẫn còn lao lên thêm một đoạn, anh ra lệnh bắn tiếp loạt thứ 2. Cả hai xe địch khựng lại, khói đen và lửa chùm kíp xe địch. Những tên bị thương thì kêu la, số còn lại thì hoảng hốt bỏ chạy không tên nào dám xông lên, từ xa chúng dàn đội hình bắn trả mãnh liệt vào trận địa. Tuy tương quan lực lượng lúc này khá chênh lệch nhưng mũi chiến đấu của anh vẫn ngoan cường bám trụ, chủ động nổ súng đánh trả quyết liệt. Giằng co mãi không lên được, tới quá trưa chúng đành xua quân khéo những xác chết và khênh những tên bị thương rút lui, ngay sau đó chúng gọi máy bay T28 tới ném bom vào trận địa. Cả tổ chiến đấu vừa tìm nơi ẩn nấp, vừa bắn trả máy bay khi chúng bổ nhào cắt bom làm chúng cũng không dám liều lĩnh sà thấp. Tới gần tối thì chúng mới dừng oanh tạc, anh cùng đồng đội củng cố trận địa chờ quân tiếp viện.
Kết quả trận đánh, theo anh kể: Đơn vị đã xóa sổ trận địa pháo của địch, chặn đứng những đợt pháo kích lợi hại từ đây bắn vào các mục tiêu được xác định là có bộ độị quân Tình nguyện Việt Nam và bộ đội Pathet Lào: tạo điều kiện thuận lợi cho mặt trận liên quân Việt Lào phát triển. Bản thân mũi chiến đấu bảo toàn lực lượng, không có ai thương vong. Phá hủy toàn bộ pháo địch (2 khẩu 105ly, 2 khẩu 155ly), bắn cháy 2 xe bọc thép, tiêu diệt một số sinh lực địch và thu nhiều đạn dược vũ khí, lượng thực thực phẩm của địch.
Kết thúc trận đánh đơn vị phía sau lên tiếp viện và tổ chức đã thu hồi được rất nhiều lương thực, thực phẩm, thuốc men nhu yếu phẩm. Anh tâm sự, thời điểm này đơn vị rất đói, thiếu thốn đủ thứ, nhưng các anh vẫn dành một phần chiến lợi phẩm gửi tặng cho đơn vị bộ đội quân Tình nguyên Việt Nam gần đó.
Khi được hỏi, thành tích của anh và đồng đội được đánh giá như thế nào?
Anh kể, sau trận đánh đó cùng với những thành tích các trận trước anh đã được đơn vị đề nghị Nhà nước Lào xét phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Lào. Sau đó anh đã vinh dự được nhận danh hiệu AHLLVT cùng dịp với đồng chí Đuông Chay Phi Chit (Nguyên UVBCT, phó thủ tướng, kiêm Bộ trưởng BQP Lào). Đại đội 15, tiểu đoàn 2 anh hùng của anh cũng được phong tặng danh hiệu đại đội Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lào.
Anh Khăm Mặn kể tiếp: Bước vào chiến dịch phòng ngự mùa mưa 1972, tiểu đoàn 2 đơn vị anh được di chuyển về khu vực Xalaphukhun và tham gia nhiều trận đánh cùng bộ đội Việt Nam chống địch nống lấn ra Cánh Đồng Chum. Chiến dịch phòng ngự đã diễn ra nhiều trận đánh ác liêt, liên quân Lào – Việt đã thu được nhiều thắng lợi tạo được thế và lực khác biệt so với các mùa mưa năm trước. Sau khi cách mạng thành công anh vẫn công tác trong quân đội. Năm 1981 Trung ương có chủ trương đưa một lực lượng quân sự chủ lực về xây dựng cơ sở, anh về Bộ chỉ huy quân sự huyện Pạc Xặn với quân hàm đại úy. Rồi sau đó theo yêu cầu tổ chức anh chuyển sang làm chỉ huy trưởng Công an huyện.
Tháng 5 năm 1983 anh được cử sang Việt Nam học nghiệp vụ ngành Công an (ở tỉnh Hà Bắc cũ). Tháng 3/1984, khi thành lập tỉnh Bo Ly Khăm Xay anh được điều về làm phó giám đốc công an tỉnh, rồi giám đốc cho tới khi nghỉ hưu. Trong những năm công tác ngành công an, anh được giao phụ trách chỉ đạo công tác Biên phòng, rồi cả việc phối hợp các cơ quan liên quan của tỉnh cũng như phía Việt Nam về công tác tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sỹ quân Tình nguyện Việt Nam. Cả hai lĩnh vực này anh lại sát cánh với bộ đội và công an Việt Nam nhiều năm sau đó cho tới khi về hưu.
Khi được hỏi về quê hương Con Cuông của mẹ? Anh trả lời rất hồn nhiên và đầy cảm xúc: Thỉnh thoảng tôi vẫn về thăm quê ngoại cùng các con tôi. Cứ có việc hay tranh thủ thời gian rảnh rỗi tôi cùng vợ và các con lại về thăm Nghệ An. Cha con tôi luôn coi Việt Nam là quê hương mình. Và gia đình chúng tôi luôn tự hào mình có hai tổ quốc. Con gái tôi cũng đã học xong thạc sỹ ở Học viện Ngoại giao Việt Nam, hiện cháu đang công tác tại sở Ngoại Giao của tỉnh nhà. Tôi luôn dặn cháu phải làm tốt công tác quan hệ ngoại giao Lào – Việt. Con tôi cũng hứa sẽ coi nhiệm vụ Ngoại giao Lào Việt – Việt Lào là nghĩa vụ trách nhiệm đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp của mình.
Đang định hỏi tiếp về cuộc sống sinh hoạt của gia đình anh hiện nay thì xe chở đoàn đã tuýt còi, bộ phận lễ tân giục lên xe về Hà Nội để kịp dự buổi giao lưu với Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng. Nói vội với anh câu cảm ơn và hẹn anh dịp khác, anh cũng nói câu cảm ơn bằng tiếng Việt và cả tiếng Lào: Khọp chay lai lai!
Thị xã PAKSAN BÔ LY KHĂM XAY 25/12/2017
Nhân Năm đoàn kết Việt Nam Lào 2017, đoàn đại biểu cựu quân Tình nguyện Việt Nam do trung tướng Nguyễn Tiến Long ủy viên thường trực Hội Hữu nghị Việt Nam Lào – phó trưởng ban Thường trực Ban Liên lạc Toàn quốc quân Tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào dẫn đầu sang thăm Lào. Hai ngày đầu, mọi hoạt động tri ân, giao lưu với chính quyền, các CCB cùng đoàn thể các cơ quan tổ chức tại Xiêng Khoảng đã để lại trong lòng các đại biểu Việt Nam những ấn tượng tốt đẹp.
Sáng nay 25/12/2017, Đoàn chia tay Xiêng Khoảng đi Thủ đô Viên Chăn theo con đường qua Mường Khum (thị xã cũ của Xiêng Khoảng). Được biết đoàn sẽ đi qua Paksan, tôi mạnh dạn đề xuất với trung tướng trưởng đoàn Việt Nam và được anh Long đồng ý. Tôi vội tranh thủ báo cáo lại với thiếu tướng Văn-Thoong Coong-ma-ny phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội Lào trưởng đoàn phía bạn Lào về nguyện vọng muốn gặp lại Người anh hùng Khăm-mặn Khum-chăm-thạ ở thị xã Bô Ly Khăm Xay. Thiếu tướng Văn Thoong đã vui vẻ đồng ý và chỉ lát sau cán bộ ngoại giao bạn đã thông báo cho chúng tôi biết: anh Khăm Mặn sẽ dự cơm thân mật với Đoàn trưa nay tại Paksan. Tôi cùng một số đại biểu rất phấn khởi vì sắp được gặp lại “Người Anh hùng sinh ra từ dòng máu Lào – VIệt” mà cách đây một tháng trước chúng tôi đã đón anh ở Việt Nam . Đúng 12h15’ xe đã đưa đoàn tới một nhà hàng ở Paksan do phía chủ nhà đã đặt sẵn. Người có vóc dáng gầy gầy cao cao, mái đầu pha sương và nhiều tuổi hơn cả chính là anh Khăm Mặn cùng các đồng chí đại diện chính quyền tỉnh và đại diện sở Ngoại Vụ, Nội Vụ, Cựu chiến binh tỉnh vui vẻ lần lượt bắt tay chào đón từng đại biểu trong đoàn. Tôi giơ tay chào anh theo kiểu Nhà binh, anh cũng đáp lại và ân cần hỏi thăm: – Các anh vẫn khỏe cả đấy chứ?
Khi khai tiệc, vị đại diện chủ nhà nâng cốc chúc mừng Đoàn không phải là một lãnh đạo tại chức của tỉnh Bô Ly Khăm Xay, mà lại chính là người lính già CCB Khăm-mặn Chăm-tha-lạ đứng lên phát biểu.
Anh Khăm Mặn cầm trên tay một chai rượu thuốc đưa ra đặt lên bàn rồi nói: – Rất vui khi được đón tiếp các đồng chí, những đại biểu CCB Quân tình nguyện Việt Nam sang thăm “Chiến trường xưa”. Tôi có mang tới bữa cơm thân mật hôm nay một chai rượu thuốc do chính tôi ngâm, tôi chỉ dùng để đón tiếp những người ruột thịt thân thích. Hôm nay có các CCB QTN Việt Nam sang thăm tôi mang tới mời các đồng chí – những người cùng chung chiến hào năm xưa, cùng kề vai sát cánh với quân đội và nhân dân Lào đánh kẻ thù chung của hai dân tộc. Tôi xin kính chúc sức khỏe các đồng chí, chúc các đại biểu Việt, các bạn Lào thật khỏe, chúc cho tình Lào – Việt Nam mãi mãi xanh tươi đời đời bền vững! Tiếng vỗ tay không ngớt của các đại biểu Việt – Lào tỏ vẻ phấn khích trước cử chỉ dân dã cùng những câu chúc thân tình ấm áp của anh. Những ly rượu ngọt ngào được rót ra, một số đại biểu nữ CCB Việt Nam dù không biết uống cũng đưa ly lên miệng nhấm một chút. Câu chuyện đôi bên cứ râm ran, thủ thỉ cùng vị cay cay, ngọt ngọt của rượu quý cứ đọng mãi trong lòng các CCB Quân tình nguyện Việt Nam hôm đó.
Trước lúc chia tay, chúng tôi đã dành tặng anh một chút quà, trong đó có những gói chè Xanh Thái Nguyên mang từ Việt Nam sang. Anh rất xúc động và còn vui vẻ bông đùa: – Nhìn những gói chè các anh cho lại làm tôi nhớ đến chè xanh “Phu Sản” những năm chiến tranh bộ đội Việt Nam và Pathét Lào ai cũng thích (câu nói này lại làm cho những CCB QTN ở Xiêng Khoảng hoài cổ về những mùa chiến dịch ở Cánh Đồng Chum). Trong lúc các đại biểu Nghệ An trong đoàn hỏi han tâm sự với người cháu ngoại của miền đất Con Cuông Nghệ An anh hùng, chúng tôi cũng kịp ghi lại những hình ảnh giữa những người đồng hương thân yêu của anh. Chia tay anh, xin chúc anh người CCB – người Anh hùng của quân đội Pathét Lào Khăm-mặn Chăm-tha-lạ sức khỏe, hạnh phúc và luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ Lào – Việt noi theo. Chúc cho tình Việt Lào mãi đơm hoa kết trái./.
CCB Lào – Khăm Mặn Khum Chăm Thạ kể, Trần Phong ghi