Cả đại đội được trên phân 6 cái kẹo Nu ga. Đêm giao thừa họ chuyền tay nhau, những cái kẹo ấm lên nhưng không ai nỡ bóc. Sáng mùng một Tết họ chuyển ra tuyến trước, để dành cho bộ phận đang làm nhiệm vụ bao vây địch ở Long Chẹng…
Trên đỉnh Phu Pha Xay (cao 2100m)
Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ diệt hai tiểu đoàn địch chốt giữ Phu Keng (1433), Trung đoàn 335 tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phối hợp các đơn vị f312, f316, e866… tiến công quân địch ở Sảm Thông và Trung tâm Long Chẹng. Đây là sào huyệt cuối cùng của tướng phỉ Vàng Pao cùng quan thày cố vấn Mỹ.
Ngoại vi Long Chẹng là khu vực có địa hình phức tạp, núi cao, rừng rậm, không có đường vận chuyển cơ giới. Lương thực, vũ khí đạn dược đảm bảo cho chiến dịch chủ yếu vận chuyển bằng sức người. Từ tháng một năm 1972 đến tết nguyên đán, đại đội tôi (c25) có một trung đội tăng cường cho tiểu đoàn hai, làm nhiệm vụ bao vây, tạo thế phối hợp các đơn vị bạn tiến công trung tâm chỉ huy lực lượng Vàng Pao ở Long chẹng. Hai trung đội còn lại trực chiến, sẵn sàng đánh địch đổ bộ đường không xuống Phu Pha Xay, đặc biệt là hai điểm cao 2.100; 2.063 và vận chuyển phục các đơn vị phía trước.
Đây là giai đoạn yếu phẩm, là thứ “xa xỉ” với cuộc sống hàng ngày của người lính. Trên độ cao hơn hai ngàn mét, một bãi bằng rộng, ước chừng gần bằng một xã đồng bằng bắc bộ Việt Nam. Rừng nguyên sinh, nhiều sản vật quý hiếm. Những cây quế có lẽ hàng trăm năm tuổi, vỏ sần sùi, dày, thơm nức, nguồn dược liệu quý, hàng ngày nuôi quân lấy đun nước cho bộ đội uống chống cảm cúm rất tốt. Rau chua, rau dớn (dương xỉ), hoa chuối rừng, hạt dẻ nhiều vô kể. Những cây song già, dài đến năm bảy chục mét có ở khắp nơi. Lúc rảnh rỗi chúng tôi chọn những cây song bánh tẻ, đốt lửa uốn những chiếc bàn tròn, chiếc ghế xinh, để chuẩn bị đón tết Nhâm tý, Xuân 1972.
Từ bãi bằng Phu Pha Xay, chúng tôi nhận thương binh, đưa xuống Trạm phẫu thuật tiền phương ở Nậm Xiêm. Người khỏe leo lên đỉnh đã khó, việc đưa thương binh từ đỉnh Phu Pha Xay xuống Mận Xiêm khó bội phần. Có thể nói đây là một việc được đo được bằng tình thương yêu đồng đội, nếu không cẩn trọng thì cả thương binh và người tải thương rất dễ xảy ra thương vong. Mỗi thương binh phải có ít nhất sáu người hộ tống. Những đoạn xuống bằng thang, phải buộc dây võng vào cáng, thả thương binh xuống từng bậc, hai người khỏe đi trước một tay giữ thang, một tay giữ cáng thương binh không để va vào đá. Thương binh được buộc chặt vào đòn khiêng, bốn người đầu trên giữ dây, từ từ thả trượt từng nấc thang xuống dưới. Từ bãi bằng Phu Pha Xay xuống Trạm phẫu thuật tiền phương, bốn lần phải xuống thang như vậy. Nhiều thương binh nặng đã hy sinh trên đường vận chuyển.
Giao xong thương binh, chúng tôi nhận lương thực, đạn dược, leo ngược về đỉnh Phu Pha Xay. Có nhiều đoạn, nếu người bám leo sát nhau không để ý, gót dầy người leo trước đạp vào đầu hoạc tì vào mũi vào vai người leo sau. Bãi bằng Phu Pha Xay luôn chìm trong mây và sương mù. Trú quân ở đây đun nấu không sợ khói, đêm đến đốt lửa không sợ lộ, hầu như không bị tàu bay C47 bắn ban đêm. Tối đến chúng tôi nghe Đài tiếng nói Việt Nam từ chiếc ORIOTONG cũ kỹ to bằng nửa chiếc ba lô, nó được coi là bảo vật của đơn vị.
Khi ngày tết đã cận kề, trong vùng giáp gianh địch phản kích quyết liệt, thương binh được chuyển về bãi bằng nhiều hơn, chúng tôi chẳng còn nghĩ đến tết. Chiều ngày hai chín tết, Chính Trị viên đại đội bảo tôi lên Hậu cần Tiền phương nhận nhu yếu phẩm cho đơn vi. Anh dặn tôi, cố gắng tranh thủ sự “thân quen” với Hậu cần xin thêm chút gì đó cho anh em đơn vị ăn tết. Đến nơi, tôi thấy (mấy chú bạn của anh trai tôi) mấy anh đon đả đón tiếp, hỏi thăm tôi nhiều chuyện, mời uống trà. Đón bát trà tôi nhận ra hương của chè Hồng Đào thơm ngát, tôi không uống ngay cứ cầm trên tay. Như để tôi không nghĩ sai về cơ quan Hậu cần tiền phương. Một chú cất lời, trưa nay có người đi trước với trinh sát tìm địa điểm lập kho tiền phương, chuẩn bị sau tết đánh Long Chẹng từ hướng Núi Vua. Gói chè anh Kính Trưởng Phòng quân nhu mặt trận cho từ lâu, hôm nay pha để chia tay nhau. Tôi uống vội hớp trà, rồi nói các chú cho cháu nhận hàng tết cho đơn vị.
Một anh trợ lý xách cái ba lô lép kẹp đi vào căn hầm nửa nổi nửa chìm, bày ra trước mặt tôi sáu điếu thuốc lá Tam Đảo, sáu cái kẹo Nu ga, một chai rượu cam, bảo tôi ký vào tờ phiếu xuất kho. Anh giải thích đây không phải là nhu yếu phẩm theo tiêu chuẩn chế độ, là quà của Thủ trưởng mặt trận gửi các đơn vị làm nhiệm vụ bao vây Long Chẹng, để anh em đón giao thừa.
Về đơn vị tôi báo cáo Chính trị viên, anh dặn tội cất cẩn thận để đón giao thừa. Từ lúc đó tôi thấy thời gian sao dài thế, có việc gì mới ra khỏi hầm, chỉ lo nhỡ ai không biết dùng mất thì biết nói sao với anh em. Ngày ba mươi tết mấy anh cán bộ trung đội gặp tôi hỏi giò nhu yếu phẩm tết có gì? Tôi nói đùa với các anh, nhiều lắm đến giao thừa mới cấp.
Giao thừa đến, cả đơn vị quây quần tề tựu bên lán chỉ huy đại đội, nghe Chủ tịch nước chúc tết qua radio. Thay mặt Cấp ủy – Chỉ huy anh Dậu Chính trị viên chúc tết anh em. Sau lời chúc tết, Chính trị viên tuyên bố liên hoan, anh thông báo số quà tết đơn vị nhận được, tiếng vỗ tay nổ vang rền. anh bảo tôi mở chai rượu rót ra ba cái bát, được chuyển cho hai Trung đội trưởng và Tiểu đội trưởng phụ trách C bộ, để mọi người cùng uống, sáu cái kẹo chia cho hai trung đội, Trung đội trưởng chuyền tay cho anh em, ai cũng đưa lên mũi hít hà một hơi thật sâu, rồi người nọ chuyền người kia hết một vòng lại trở về tay trung đội trưởng. Sáu cái kẹo ấm lên nhưng không ai nỡ bóc. Ba bát rượu Cam được chuyền tay nhau, ai cũng nâng niu, cẩn trọng không để sánh một giọt ra ngoài, chuyền đi chuyền lại, bát rượu vẫn như nguyên. Chính trị viên làm gương châm điếu thuốc đầu tiên, trong đêm giao thừa trên độ cao hơn hai ngàn mét, sáu đốm lửa lập lòe chuyền đi liên tục trong màn sương Phu Pha Xay mờ ảo.
Trong thời khắc thiêng liêng của ngày đầu năm mới trên đất nước Triệu Voi. Trên đỉnh một khu rừng nguyên sinh vang lên tiếng hát mừng xuân của Đài tiếng nói Việt Nam, làm chúng tôi ấm lòng hơn. Không ai nghĩ đến số lượng vật chất ít ỏi của bữa tiệc Giao thừa năm Nhâm Tý. Cuối cùng thì sáu đốm lửa đã tắt, ba bát rượu đã hết, Chính Trị viên một lần nữa động viên cán bộ chiến sỹ sang năm mới cần cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, để ngày toàn thắng đến sớm hơn.
Trước khi ra về, cả hai trung đội trưởng nắm lấy tay Chính trị viên, rồi đặt vào đó sáu cái kẹo. Hai người nói với Chính trị viên, nhờ anh gửi vào cho anh em trung đội ba đang làm nhiệm vụ bao vây địch ở Long Chẹng. Chính trị viên lặng người đi trong dây lát, rồi anh bảo hai Trung đội trưởng: Thôi các cậu cầm cả về, sáng mai cho anh em đi vận chuyển tiếp tế cho đơn vị đang làm nhiệm vụ chặn địch phía tây cao điểm 1978. Chính trị viên thông báo, chiều qua anh đã gọi điện động viên anh em trung đội ba và trong đó anh em đã nhận được quà tết cả rồi, cũng có một chai rượu, nửa bao thuốc và mươi cái kẹo.
Chẳng biết có phải ông trời động lòng trắc ẩn, trước tấm lòng của người lính giành cho nhau, hay là đồng đội đã hy sinh phù hộ, chiều mồng một tết khi đi đến khu vực hang Nhà Bò, phía tây dãy núi 1978 (cao 1978m), chúng tôi phát hiện ra đàn bò hoang. Anh Hùng y tá nổi tiếng là thiện xạ, xách súng đi. Khi chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ quay ra thì đã thấy anh tươi cười đứng chờ và thông báo bắn được một con bò khá to. Chỉ bằng mấy con dao găm, trong chốc lát con bò đã được lột da, bữa cơm chiều mồng Một tết năm Nhâm Tý (1972) chúng tôi được ăn thịt bò đến no. Không những thế còn khá nhiều thịt, phần được luộc, phần được đốt lửa nướng lên thơm nức mũi giành mang về cho anh em trực ở nhà.
Tết Nhâm Tý năm 1972 trở thành một kỷ niệm khó quyên, làm thay đổi nhận thức của tôi về câu thành ngữ “của không ngon, nhà đông con cũng hết”. Thời điểm năm 1972, thuốc lá Tam Đảo, Kẹo Nuga, rượu cam là những hàng hóa cao cấp. Có nhiều, không dùng hết, thừa là chuyện bình thường. Đêm giao thừa năm ấy chúng tôi không ai muốn giành phần về cho mình, đó là nguyên nhân duy nhất dẫn đến không ai nỡ bóc kẹo.
Thế mới biết ứng xử có văn hóa, tình yêu thương đồng đội không phụ thuộc vào học vấn, chức vụ, tuổi đời. Đồng đội của tôi năm đó, học vấn nhiều người chưa qua cấp một. Những chàng trai người Thái, Nùng, Cao Lan, Giao, Thổ, Sán Dìu, Kinh luôn coi nhau như ruột thịt.
Tôi viết lại những dòng ký ức này xin kính dâng lên hương hồn 5 liệt sỹ thuộc đại đội 25 (súng máy cao xạ 12,7 ly lữ đoàn 335), gồm các anh Nguyễn văn Hồng quê Hà Bắc, Nguyễn Văn Dậu quê Thường Tín – Hà Đông, Nguyễn Đức Thiện quê Mỹ Hào – Hưng Yên, Nguyễn Văn Mỳ quê Thanh Trì – Hà Nội và Lò Văn Pâng – quê Quỳnh Nhai, Sơn La – Các anh đã dũng cảm chiến đấu và hy sinh trên diểm cao Phu Mộc, cửa ngõ vào Trung tâm Long Chẹng, cuối tháng 3 năm 1972…
Từ đó cho tới tận bây giờ, gần 50 cái tết đã qua, tôi và những người còn lại sau cuộc chiến, không tết nào lại có thể quyên được những cái tết Việt ở rừng Lào. Ghi chép lại những chuyện xưa để chia sẻ với bạn bè, người thân. Với những người lính già chúng tôi, mỗi khi tết đến xuân về còn là để tưởng nhớ, và biết ơn những người đồng đội đã ngã xuống cho sự nghiệp quốc tế cao cả!
(Bài viết đã đăng trong Tập 11 Ký ức người lính – Nhà XB TT&TT phát hành dịp kỷ niệm 70 năm QTNVN (30/10 ~ 1949/2019).