Hà Nội, mùa thu năm 2009
Tôi dự lễ “hạ sao” và nhận sổ hưu về sống với đời thường tháng 4 năm 1990 thì bảy năm sau – năm 1997 được các bạn Lào mời sang thăm lại chiến trường xưa. Đứng trên bờ đập của thủy điện Nậm Ngừm, anh bạn người Lào chỉ cho tôi vùng hồ chứa nước của nhà máy. Thế là biết bao niềm vui nỗi buồn gắn bó với khu căn cứ vùng địch hậu tỉnh Viêng Chăn Đông đã thức dậy trong tôi. Nó cứ chập chờn dưới đáy hồ không sao vớt lên được. Mắt tôi nhòa đi khi thấy cái bóng của anh Hiệu đang chơi vơi trong làn nước trong vắt và mênh mang của vùng hồ…
Ngày ấy, cách nay vừa tròn 40 năm. Năm 1969, chúng tôi được trên cử về vùng địch hậu của huyện Nhọn Ngừm thuộc tỉnh Viêng Chăn Đông này xây dựng căn cứ địa để đón lõng, chờ thời cơ giải phóng Thủ đô. Một ngày đầu xuân năm Kỷ Dậu (1969), tổ trinh sát của khu căn cứ do anh Hiệu phụ trách ngồi trên một chiếc thuyền mủng, ngược sông Nậm Ngừm luồn vào đồn Keng Nọi của địch. Keng Nọi là một đồn địch đóng cách khu căn cứ của chúng tôi chỉ chừng vài cây số, nó án ngữ cả một vùng hạ lưu, cắt đứt nguồn tiếp tế từ các bản dưới đó cho chúng tôi. Nếu không nhổ được nó thì cả khu căn cứ của tỉnh Viêng Chăn Đông sẽ không duy trì được cuộc sống. Khi tổ trinh sát đã tiếp cận tới gần đồn địch, thuyền đã neo vào một gốc cây, các tổ viên đã trèo được lên vách đá, trên thuyền chỉ còn một mình anh Hiệu thì dây thuyền bị tuột khỏi gốc cây và lập tức dòng nước đã lật úp thuyền, quật vào vách đá.
Thủy điện Nậm Ngừm ngày nay
Anh Hiệu hy sinh chỉ cách đồn địch chừng dăm trăm mét về phía thượng nguồn. Nếu không vớt được xác anh thì anh sẽ trôi vào đồn địch và bao nhiêu tài liệu nằm trong xắc-cốt anh đeo sẽ rơi vào tay giặc. Như vậy, tổn thất sẽ không sao lường được. Mặt khác, bọn phỉ sẽ băm nát xác anh, vứt xuống sông Nậm Ngừm làm mồi cho cá! Vì vậy, anh Nguyễn Quang Tăng – trưởng cố vấn cho bạn ở tỉnh đội Viêng Chăn Đông đã cử tôi, anh Mầu, anh Kính và anh Bun Mi, do tôi làm tổ trưởng bí mật đón lõng trước đồn địch về phía thượng nguồn để vớt cho được xác anh Hiệu. Chúng tôi nhận mười ngày gạo, nai nịt gọn gàng rồi luồn rừng, vác theo một chiếc thuyền men bờ sông Nậm Ngừm xuôi về đồn địch. Đây là khu rừng lau sậy, xứ sở của hổ báo, nên chúng tôi cũng sờ sợ. Vì trong khu căn cứ của chúng tôi đã có đồng chí bị hổ vồ khi đi một mình trong đêm.
Tuy nhiên, với tổ chúng tôi, chuyện sợ hổ cũng chỉ thoáng qua vì đã có Bun Mi, anh là người vùng này, anh bảo: “Hổ bao giờ cũng sợ người. Nó chỉ vồ những người sợ nó. Với lại, hổ là chúa của những kẻ đãng trí nên đi tới đâu là nó phải đái để nhớ đường về. Mà nước đái hổ thì khai tới nhức mũi!”. Biết anh nói cũng hơi dóc, nhưng cũng có tác dụng yên lòng chúng tôi. Mặt khác, cứ mỗi khi nghĩ tới bọn địch băm nát xác anh em mình vứt cho cá là chúng tôi lại không sợ gì nữa. Cứ lan man về chuyện hổ báo, chả mấy chốc đã tiếp cận đồn địch. Khi dòng sông Nậm Ngừm chảy tới gần đồn Keng Nọi thì phình ra tạo thành một cái vực. Nước trong cái vực ấy hầu như đứng yên mà chỉ có rất nhiều cái xoáy. Chúng tôi lần xuống phía dưới vực, dòng sông Nậm Ngừm bỗng chảy lững lờ như một chàng lãng tử. Vậy nước tạo thành những dòng thác ở phía trên vực chảy đi đâu? Bun Mi bảo, nó chảy vào lòng đất. Thế thì rất có thể xác anh Hiệu sẽ bị những cái xoáy kia xoáy vào lòng đất mất. Tất cả anh em chúng tôi đều thấy cay cay trong mắt.
Đoàn Cựu chiến binh Quân tình nguyện Hà Nội thăm lại chiến trường xưa – du thuyền trên hồ Thuỷ điện Nậm Ngừm mua Khô năm 2018 ( ảnh Bùi Thiện)
Chúng tôi phân công nhau túc trực ở khúc sông phía trên đồn địch. Đã sang ngày thứ ba mà vẫn không tìm thấy anh đâu. Mấy anh em ngồi lại phán đoán. Anh Mầu bảo, có thể trong lúc nào đó chúng ta sao nhãng, anh ấy đã trôi vào đồn địch mất rồi. Tôi cũng nghiêng về nhận định của anh Mầu. Còn ý của anh Kính thì khác. Anh bảo khúc sông mà chúng tôi túc trực, nước có chảy xiết đâu, nên xác anh Hiệu không thể trôi qua mắt chúng tôi được mà rất có thể mấy cái xoáy ở giữa vực đã xoáy anh ấy vào lòng đất. Đó là hai ý kiến hoàn toàn ngược nhau. Còn ý của anh Bun Mi lại khác, anh bảo cả hai khả năng kia đều không thể có được. Bởi lẽ nước chảy lững lờ thì xác anh không thể trôi dưới mặt nước mà qua “trạm gác” của chúng ta; còn những cái xoáy kia chỉ là những cái xoáy nhỏ, vận tốc của nó chỉ đủ sức xoáy ba cái lá khô chứ không thể xoáy dựng đứng cả một khối kềnh càng như anh Hiệu được, chắc chắn xác anh còn dật dờ đâu đây. Là người chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng Quang Tăng, tôi hỏi anh em: “Vậy bây giờ giải quyết thế nào?”.
Anh Mầu, người nhận định là xác anh Hiệu đã trôi vào đồn địch hiến kế: “Theo tôi, trong bốn anh em mình, chỉ để lại một người túc trực ở trạm gác, còn ba anh em luồn vào đồn địch bắt sống lấy một tên đem ra khai thác để biết xem xác anh đã trôi vào đồn địch chưa? Nếu chưa thì ta cứ kiên trì tìm anh ở cái vực này, trước sau sẽ thấy”.
Chúng tôi thống nhất phương án của anh Mầu và quyết định chờ cho trời tối sẽ đột nhập vào đồn địch. Chiều hôm thứ ba đó, chúng tôi thổi cơm ăn sớm, tranh thủ chợp mắt cho tỉnh táo để nửa đêm sẽ đột nhập vào đồn. Trong bốn anh em, chúng tôi phân công anh Kính túc trực ở trạm gác, đem cơm cho anh ấy ăn tại đó. Còn ba anh em thì bốc cơm giữa rừng.
Đang ăn, bỗng thấy cái mùi gì khang khác, nửa như thum thủm, nửa như khai khai. Còn đang phán đoán cái mùi ấy là mùi gì thì một tiếng động đánh xoạt gần đó. Tôi nghĩ ngay đến hình bóng của con hổ, người run cầm cập, không sao nuốt nổi miếng cơm. Chắc anh Mầu cũng nghĩ như tôi nên mặt tái mét. Mặc dù anh Bun Mi đã giải thích cho chúng tôi là loài hổ rất ít khi kiếm ăn ban ngày, nhưng tâm lý sợ hổ vẫn ám ảnh trong chúng tôi. Mang tâm trạng này mà vào đồn địch thì không những không bắt sống được địch mà nó lại bắt sống mình. Nghĩ vậy nên chúng tôi tạm hoãn. Chúng tôi, trừ anh Bun Mi, đều phải trèo lên cây, chọn những chạc ba ngồi thu lu trên ấy.
Bộ đội vượt sông trong thời Kháng chiến chống Mỹ
Đêm mùa khô ở Bắc Lào rét thấu xương. Mùa xuân ở Lào khác xa mùa xuân miền Bắc bên mình. Bên ấy, mùa xuân không có “mưa xuân phơi phới bay” như trong thơ Nguyễn Bính và cũng không có hoa đào cười gió đông trong Truyện Kiều của cụ Tiên Điền mà là một mùa xuân oi ả, khô khan và ngứa ngáy. Lá vàng khô giòn, cong cớn dội vào không gian mỗi bước đi của thú rừng, kể cả những bước đi rón rén của con vật kiếm ăn đêm. Càng về sáng, cái mùi thum thủm càng rõ, đâu đó như có tiếng động của đám nhặng xanh, một cái gì rất mơ hồ thoáng qua đầu tôi về cái mùi thum thủm ấy, nó na ná như mùi của xác chết ở Cánh Đồng Chum năm 1962 mà tôi đã được chứng kiến. Bất giác, tôi nghĩ đến xác của anh Hiệu. Rất có thể anh đang nằm ở đâu đây? Tự nhiên, tôi quên đi hình ảnh của những con hổ mà tôi đã tưởng tượng ra để dọa mình từ chiều hôm đó đến giờ. Tôi tụt xuống cây, đến cái cây của Mầu, của Kính vỗ nhẹ dưới gốc. Hai anh tụt xuống, tôi hỏi: “Các cậu có ngửi thấy mùi gì là lạ không?”. Mầu bảo: “Hình như mùi của hổ mỗi lúc mỗi gần anh ạ?”. “Nhưng nó không khai mà thum thủm”- Kính chen vào.
Tôi vỗ nhẹ vào vai Mầu, vai Kính bảo: “Các cậu chỉ thần hồn nát thần tính. Làm gì có mùi hổ, hình như mùi xác anh Hiệu đã trương phình ở đâu đây?”. Ngẫm nghĩ hồi lâu rồi hít hít, Kính bảo: “Rất có thể?”.
Trời sáng dần. Tôi và Kính đi vòng quanh vực. Mùi thum thủm cứ lảng vảng đâu đây. Chúng tôi cho thuyền luồn lách vào những khóm cây lòa xòa ra mặt vực. Cứ lần tìm cái mùi là lạ ấy, thoáng thấy ở bụi đằng đông, thoáng lại thấy ở đằng tây. Còn đang phân vân về cái mùi ấy có phải là mùi xác anh Hiệu đã trương phình hay không thì trên không trung bỗng xuất hiện mấy con quạ khoang cổ kêu “quạ, quạ” rồi đỗ xuống một ngọn cây vươn ra mặt vực Anh Kính đánh mắt cho tôi về phía ngọn cây ấy. Chúng tôi lái thuyền về phía đó. Còn cách ngọn cây ngả chơi vơi ra mặt vực chừng mươi sải tay thì hàng nghìn con nhặng xanh bay vù lên và mấy con quạ đang mổ mổ cái gì nổi lên lẫn vào khóm lá phủ lòa xòa trên mặt nước.
Nhà hàng nổi trên hồ thủy điện Nậm ngừm (ảnh Bùi Thiện)
Kính cho thuyền len lỏi vào đó, mấy con quạ bay vù lên, hốt hoảng gọi nhau. Nước mắt chúng tôi nhòa đi khi trông thấy chiếc đồng hồ vi-le của anh còn lấp lánh trên cánh tay trương phình. Đúng là anh Hiệu, thiếu tá của Quân đội nhân dân Việt Nam sang làm cố vấn quân sự cho tỉnh đội Viêng Chăn Đông đây rồi. Tình đồng đội, tình thương yêu giữa người chỉ huy và người lính trong những năm sông bằng cháo ngô, măng rừng đã làm cho chúng tôi không sao cầm được nước mắt. Mấy miếng da đầu của anh đã bị quạ mổ trơ vùng xương sọ. Chúng tôi khóc òa lên. Thương anh quá anh ơi!!!
Toàn thân anh đã rữa ra cả rồi. Nếu cứ để vậy mà đưa anh lên thuyền rồi chở về cứ thì không khéo chỉ còn được mấy khúc xương. Anh Bun Mi bàn với chúng tôi nên chặt tre đan một tấm giát như cái giát giường rồi luồn xuống dưới vớt anh lên. Chúng tôi làm theo sáng kiến của anh Bun Mi. Bốn anh em, kẻ kéo người đẩy ngược dòng nước, tới chiều thì về tới trạm xá của tỉnh đội. Chúng tôi cột thuyền vào một gốc cây, cử anh Mầu và anh Kính ở lại coi thuyền, tôi và anh Bun Mi vào trạm xá, nhờ bạn cử cho mấy người ra giúp chúng tôi khiêng anh Hiệu lên bờ và tiến hành mai táng cho anh. Chưa nói hết câu chuyện với các anh ở trạm xá thì anh Mầu hớt hải chạy vào kêu tướng lên: “Anh Nẹp ơi! Anh Bun Mi ơi! Anh Hiệu “chạy” mất rồi! Mất rô…ì…!”. Tôi chạy trước, anh Bun Mi chạy sau. Ra tới bờ sông thì chiếc thuyền tuột dây đang lao vun vút xuống dưới nguồn. Hoảng quá, tôi “bông-nhông” xuống lòng sông. Khi túm được cái dây thuyền thì cũng là lúc dòng thác chồm lên đầu tôi, tôi đã bị thác dìm xuống nước thì may quá, anh Bun Mi đã túm được tóc tôi và dây thuyền…
Được các bạn Lào giúp đỡ, chúng tôi đã khâm liệm cho anh bằng mấy tấm tăng và lọ nước hoa của trạm xá.
Cuối năm đó, năm 1969, tôi được gọi về Sầm Nưa rồi trở về Tổ quốc. Trước khi rời khu căn cứ, tôi đến mộ anh, tạm biệt hương hồn anh. Tôi lầm rầm khấn: “Anh Hiệu ơi, anh nằm lại đây với hương ngàn gió núi của Thượng Lào nhé. Mai ngày, cách mạng Lào thành công, chúng em sẽ đưa anh về Bắc Giang, nơi có dòng sông Thương thơ mộng, anh nhé!”. Một cơn gió rừng thoảng qua. Tôi có cảm giác như hồn anh đó…
Cuối năm 1975, tôi gặp lại Thủ trưởng Quang Tăng của mình tại Hà Nội. Thủ trưởng bảo: “Cậu về rồi, chúng tớ ở lại giơ hai tay hứng cái “Lào hóa chiến tranh”. Tưởng nó cũng ngọt như “Bị vong lục về Đông Dương” của ngài Đại tướng Hăng-ri Na-va hồi 1953, dè đâu nó là con đẻ của học thuyết Ních-Xơn. Cái học thuyết lấy sức mạnh làm xương sống, lấy úm-ba-la dọa người nhát gan và lấy cả vú lấp miệng kẻ ỡm ờ. Xưa nay, người giỏi võ không bao giờ chịu đứng yên mà hứng chịu cú đá song phi của chú ngựa non đang hăng tiết, nên chúng tớ đã kịp thời dời lên dãy núi ở thượng nguồn sông Nậm Ngừm về mặt nào đó, ngài Ních-Xơn đã kế thừa được “hoài bão” của Giôn-xơn là đưa chúng tớ trở về thời kỳ đồ đá dài nhất là từ 4 đến 5 năm (1969-1973). Chúng cho B52 rải thảm căn cứ của chúng ta suốt hơn nghìn ngày đêm.
Nhưng xưa nay cái gì trong trời đất đều có giới hạn, nên bom Mỹ cũng không thể không cùng. Đến khi lá cờ của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ được gấp vào va ly của các ngài cố vấn Mỹ thì chúng tớ chui ra khỏi hang, trở về căn cứ cũ của chúng ta thì hình dáng nơi đây đã không còn nữa. Nhiều mỏm núi đã thành vôi trắng, nhiều cánh rừng đã thành tro than và mặt đất đã chồng chất những hố bom dày đặc… Chúng tớ và bạn đã để ra hàng tuần để tìm lấy một chút gì còn lại của Hiệu, nhưng tất cả chỉ là những cái lắc đầu. Có đêm tớ đang ngủ thì mơ thấy nó gọi tớ, nó chỉ cho tớ chỗ nó đang nằm. Tớ vùng dậy cùng anh em hì hục đào. Đào mãi, đào mãi chả thấy cái gì, chỉ thấy gió ngàn vi vút và cuối cùng là một con đom đóm vụt bay vào màn đêm dày đặc. Chúng tớ gạt nước mắt rồi lại lắc đầu.
Nhiều lần như vậy, chúng tôi đành quay về Viêng Chăn. Trên đường về tớ có cảm giác như “nó” vẫn lẽo đẽo đi sau mình. Thế rồi công trường thủy điện Nậm Ngừm cũng phải hợp long. Mình ngẫm ra trên đời này, cái gì cũng có giá của nó, nhưng thực sự mình không dám nghĩ đến cái giá giữ ánh điện lung linh giữa Thủ đô Viêng Chăn với ngôi mộ còn nằm lại dưới hồ…”.
Thế rồi, cái đêm tôi nằm lại trạm đón tiếp của Nhà máy thủy điện Nậm Ngừm, hễ chợp mắt là lại thấy hình bóng người đồng đội của chúng tôi năm xưa cứ chập chờn… chập chờn… rồi chơi vơi trong ánh điện…
Ngô Nẹp kể, Công Viễn ghi