(Hà Nội, ngày 22/11/2017)
Tôi lấy làm vinh dự được Ban liên lạc Toàn quốc quân Tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào (QTN VN) cử tham gia tổ công tác đón đoàn đại biểu Lào – những người có công với Cách mạng Việt Nam. Đoàn gồm những cựu chiến binh, những công dân ưu tú được lựa chọn từ 17 tỉnh thành trên toàn quốc Lào sang thăm nhân năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào 2017 (từ 21/11 – 26/11). Cầm trên tay bản danh sách 40 đại biểu dò từng dòng tên xem có ai quen trong số đó, gần cuối trang 2 của danh sách tôi thấy cái tên “Khăm Phết” nghe quen quen. Phải chăng đây là bác cựu chiến binh lúc mười ba tuổi đã có cảm tình rất đặc biệt với “Việt Minh” và rồi cậu bé Khăm Phết thông minh và nhanh trí đã noi gương những người yêu nước Lào đi theo cách mạng, và nhiều năm tháng sau đó luôn sát cánh bên những người Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào trong cả hai cuộc kháng chiến trường kỳ của hai dân tộc.
Cựu chiến binh Khăm Phết cùng đoàn đại biểu Lào có công với Quân tình nguyện Việt Nam được chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tiếp đón ngày 22/11/2017
Đọc tiếp dòng địa chỉ, thấy ghi tỉnh Chăm Pa Sắc tôi mới tự tin và khẳng định rằng đây chính là bác Khăm Phết Si Ha Vông. Tôi đã được gặp bác trong dịp cùng “Câu lạc bộ thăm lại chiến trường xưa” về thăm Nam Lào tháng 11/2016, đoàn do thiếu tướng Bùi Minh Thứ phó trưởng ban Ban liên lạc Toàn quốc QTN VN dẫn đầu.
Hôm nay tại cửa đón sân bay quốc tế Nội Bài, tôi bắt tay chào và chăm chú quan sát từng đại biểu. Đây rồi, một người có dáng cao, nước da bánh mật đã ngả mầu sẫm theo năm tháng của cái tuổi xấp xỉ 80, khuôn mặt hiền khô với đôi mắt sáng, tôi đã nhận ra anh. Anh đã tới trước mặt, tôi giơ tay chào theo kiểu nhà binh không mũ, anh sững người trong giây lát rồi khi nhận ra tôi anh hỏi: “Anh Phong khỏe không?” Thật không ngờ anh vẫn nhớ tên tôi.
Kỷ niệm về anh trong những ngày này cách đây tròn một năm lại ùa về. Ngày đó, khi đoàn chúng tôi đã đi thăm và làm việc xong với các đồng chí lãnh đạo tỉnh, với Hội Cựu chiến binh tỉnh và một số danh thắng khác, trước lúc rời Chăm Pa Sắc chúng tôi tranh thủ vào trung tâm thương mại để mua sắm mấy thứ về làm quà. Dù đã nhiều tuổi nhưng anh vẫn nhiệt tình đi theo để hỗ trợ đoàn, tôi chân tình bảo: “Anh nhiều tuổi rồi, anh về nghỉ đi để chúng tôi tự đi cũng được”. Anh nhất quyết không về, anh nói: “Ngày xưa các anh hoạt động vùng Bắc Lào nay về thăm Nam Lào nên tôi không thể để các anh tự đi, cần mua gì tôi sẽ giúp, yên trí tôi còn khỏe còn đi được mà”. Được biết Nam Lào có một mặt hàng khá hấp dẫn, đó là Cà phê Bô Lô Ven, anh đã đưa chúng tôi tới đúng tổng đại lý mà anh bảo ở đấy mới có hàng chính phẩm. Chúng tôi ai cũng mua nhiều, phần cho mình, phần về làm quà cho người thân và không quên một suất gửi tặng anh thay lời cảm ơn trước khi chia tay anh về nước.
Cựu chiến binh Khăm Phết hướng dẫn các Cựu chiến binh Quân tình nguyện Việt Nam sang thăm Lào đi chợ trung tâm Chăm Pa Sắc 11/2016
Tôi vốn có một “tật xấu”, ấy là mỗi khi có cơ hội gặp bất cứ CCB nào cuả bạn, tôi đều “điều tra” lai lịch họ bằng những câu quen thuộc của lính khi gặp nhau như: quê anh ở vùng nào, gia đình vợ con anh, hồi chiến tranh anh hoạt động ở đâu, kỷ niệm nào anh cảm thấy ấn tượng nhất?… Rất may, chưa thấy ai miễn cưỡng với những câu phỏng vấn đó. Với anh Khăm Phết cũng vậỵ, anh điềm tĩnh chia sẻ: Hồi mới vào bộ đội anh là chiến sỹ cảnh vệ hoạt động nhiều nhất ở Sầm Nưa, chuyên bảo vệ căn cứ kháng chiến của Trung ương Lào, anh thường xuyên đi tháp tùng các cụ (lãnh đạo mặt trận) hồi chiến tranh và cả sau này, anh có 2 năm “gắn bó” với bác Khăm Tày Xi Phan Đon. Trong thời kỳ kháng chiến, nhiều lần anh được cử đi cùng chiến sỹ Việt Nam bảo vệ bác Chu Huy Mân trong những chuyến công tác di chuyển từ Sầm Nưa về Việt Nam qua Thanh Hóa, hoặc ngược lại. Có nhiều tình huống hiểm nghèo xảy ra nhưng các đồng chí Việt Nam và bộ đội Pathét đều vượt qua. Anh nói: “Bộ đội Việt Nam giỏi lắm, tốt lắm. Nước Lào nghèo, Việt Nam cũng nghèo nhưng luôn sẵn lòng giúp cách mạng Lào”. Sau mỗi chuyến công tác anh thường được chia những phần quà nhiều hơn, các bạn Việt Nam bảo mang về cho đồng đội ở nhà. Anh từng được cử sang Việt Nam học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ, nhưng đây là lần đầu tiên anh chính thức sang thăm Việt Nam trong chuyến đi dành cho những người Lào gắn bó với QTN VN, nhân dịp hai nước kỷ niệm Năm đoàn kết hữu nghị Viêt – Lào.
Anh Khăm Phết đã dành thời gian kể về kỷ niệm hồi anh còn nhỏ: Cuối năm1953, lúc anh 13 tuổi, khi đang làm ruộng ngoài đồng cùng chị gái, anh thấy một tốp người Việt hối hả chạy về phía dòng suối sát bìa rừng. Ngay sau đó thì xuất hiện lính Pháp cầm súng hùng hổ chạy đuổi theo. Một người Lào đi cùng tụi Pháp quát hỏi anh: Mày có thấy Việt Minh chạy qua đây không? Anh bình thản trả lời: “Không thấy ai qua đây cả”. Chúng lại quay sang chị của anh giương súng quát tháo dọa nạt, chị anh cũng bảo : Có thấy ai đi qua đây đâu! và chị còn trách cứ ngược lại: “Các ông dẫm nát hết cây của chúng tôi rồi”. Hù dọa không được gì, bọn chúng văng tục mấy câu rồi cũng đành quay trở lại.
Tôi hỏi anh, lúc còn nhỏ tuổi sao anh biết đó là người Việt mà dám che chở cho họ? Anh bảo biết chứ, quê tôi vùng Pháp quản lý và cũng có người Lào theo Pháp, giống như người Việt ai theo địch bị gọi là “Việt gian”. Hồi bấy giờ tôi cũng biết một số chuyện của người lớn là có cán bộ Việt Minh sang giúp Lào đánh đuổi Pháp nên tôi có cảm tình từ đó.
Anh kể tiếp, những năm 1954, 1955 thỉnh thoảng tôi cũng được gặp các chú Việt Minh, có chú về quê tôi hoạt động, cũng có chú chỉ đi ngang qua rồi xuôi về phía Nam. Mỗi lần dừng chân, gia đình tôi thường thổi xôi cho các chú và chính tay tôi cầm những tuýt xôi mời các chú ăn và ai cũng rất thích xôi nếp Lào. Cho tới tận bây giờ tôi vẫn luôn hình dung thấy những khuôn mặt của các chú đó, nhưng rất tiếc tôi không thể nhớ tên các chú ấy.
May mắn hôm nay lại được gặp anh tại Hà Nội, tôi lại có dịp “điều tra” thêm một lần nữa. Được hỏi, từ khi tham gia hoạt động anh còn có kỷ niệm gì hay, anh Khăm Phết tâm sự: Hồi ấy, những người lớn biết tôi có cảm tình với cách mạng, họ đã kết nạp tôi vào đội giao liên của địa phương. Quê tôi là vùng kiểm soát của địch nhưng có cơ sở hoạt động cách mạng. Năm 1957 và 1958 lúc này tôi cũng lớn, hiểu biết nhiều nên thường được phân công dẫn đường đưa người Việt Nam sang giúp Lào từ Chăm pa sắc về cơ sở ở A Tạ Pư, mỗi đợt thường đưa từ 3 hay 5 người. Đi đường bộ, cả đi lẫn về mất độ 4 hay 5 ngày. Trên đường đi chúng tôi phải tìm cách tránh địch và bắt liên lạc với cơ sở bí mật, tuy vậy cũng có nơi không bắt được liên lạc chúng tôi phải tự lo. Nhờ sự bình tĩnh, mưu trí của các chú cán bộ Việt Nam cộng với sự hiểu biết thông thuộc địa hình và phong tục tập quán địa phương tôi đã đưa trót lọt các bác, các chú Việt Nam về tới đích an toàn, điều này làm tôi cảm thấy tự hào về những năm tháng đã qua.
Cựu chiến binh Lào Khăm Phết và Cựu chiến binh Quân tình nguyện Việt Nam Trần Phong tai Phủ Chủ tịch sau buổi đón tiếp của chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tại Hà Nội ngày 22/11/2017
Cuối năm 1961, anh Khăm Phết được chọn đi đào tạo ở Việt Nam, đến 1968 về Sầm Nưa tiếp tục công tác. Thời gian này chiến tranh vẫn đang ở vào giai đoạn cam go ác liệt nhất. Khi liên quân Lào – Việt chuẩn bị cho chiến dịch Pha Thí, anh được phân công phụ trách 120 người Lào tham gia công tác vận chuyển lương thực, thực phẩm cùng các vật dụng khác cho chiến dịch. Anh bùi ngùi xúc động nói: “Trong chiến dịch Pha Thí, tôi đã gặp rất nhiều bộ đội Việt Nam. Người Lào chúng tôi biết ơn bộ đội Việt Nam lắm. Các anh dũng cảm, đánh giặc giúp nước Lào như chính cho nước Việt. Chứng kiến những gương chiến đấu dũng cảm, bị thương và hy sinh tôi thương các anh vô cùng”. Sau chiến dịch anh lại về Na Khao học nâng cao, rồi trở lại Sầm Nưa dạy văn hóa và tiếng Việt cho bộ đội Pathet ở trường quân y Lào, cho tới khi nước Lào giành được chính quyền anh vẫn hoạt động trong quân đội…. Khi đến tuổi sắp nghỉ hưu, trên lại điều anh về quê công tác tiếp ở Hội CCB Chăm Pa Sắc đến nay.
Chuyện của anh Khăm Phết cứ in đậm tâm trí tôi về hình ảnh cậu thiếu niên ngày nào chịu thương chịu khó, lam lũ với ruộng nương nhưng đã biết đâu là những việc tốt nên làm. Gần nửa thế kỷ đã qua đi, cuộc trường chinh chống gặc ngoại xâm của hai dân tộc đã kết thúc, nay hai nước đã được sống trong hòa bình… Nhìn ánh mắt và nụ cười hiền hậu của ông cụ thuần Lào – cậu bé 13 tuổi khi xưa hết lòng chở che, giúp đỡ cho quân Tình nguyện Việt Nam vẫn hiển hiện trên khuôn mặt bình dị đầy tình yêu thương, và tin ở mối tình Việt – Lào, Lào – Việt sẽ mãi mãi trường tồn như dãy Trường Sơn hùng vĩ mà hai dân tộc đã dựa lưng vào nhau để cùng chống kẻ thù chung.
CCB Lào – Khăm Phết Si Ha Vông kể, Trần Phong ghi